“Bạn nói nước Do Thái không có thật, thế không thật thì đạo Do Thái từ đâu ra? không có đạo Do Thái thì làm sao người Khazar theo đạo này?”
Sáng Ánh trả lời như sau, Soi xin đưa lên thành bài để tiện theo dõi:
*
Dĩ nhiên 20 thế kỷ trước có dân tộc Do, là một dân tộc semitic, cùng gốc với dân tộc Ả Rạp, việc này có nói trong Kinh Cựu Ước. Và hiện nay có đạo Do chứ, là một tôn giáo độc thần và tổ của đạo Hồi, việc này có nói trong Kinh Qran.
Môsê nhận “Mười điều răn” khắc trên hai phiến đá, của Đức Chúa Trời trao riêng cho dân Do Thái. Kinh Thánh, Xh 19, 3-6, chép: “Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: ‘Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: …giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel”.
Nhưng cái rắc rối ở đây là khác biệt giữa các ý niệm tôn giáo với dân tộc với quốc gia. Đó là chưa nói đến một ý niệm khác là văn hóa-truyền thống. Nó thành một bộ… bài Tứ sắc. Giờ một bạn “Do” không có đạo, vô tín và vô thần, 1000 năm nay ở Nga hay ở Hung, và hiện giờ quốc tịch Pháp từ 7 đời thì bạn đó có gì là Do? Bạn đó có quyền gì đòi lãnh thổ Israel để lập quốc? Tôi không theo đạo ông bà, 45 năm nay tôi ở nước ngoài và quốc tịch Mỹ, Tết năm nay tôi chỉ có ăn nửa cái bánh Tét bởi vì có người mua ở Bolsa tặng, thì tôi là người Việt ở chỗ nào? Tôi là người Việt vì tôi đang dùng tiếng Việt đây để trao đổi với bạn à? Tôi còn khóc Tố Như à? Thế tôi có được về đuổi bạn ra khỏi nhà cũ của tôi ở Sài Gòn hay Hà Nội cách đây 45 năm không? Nếu bạn ở Sài Gòn, khả năng là bạn có từng đi qua nhà tôi hay nhà cũ của tôi, nhà cũ của ông cha tôi…
Nhưng người Do không có một ngôn ngữ như tôi, (tức tôi còn có tiếng Việt). Tiếng Hebrew hiện nay là một “phát minh” của phong trào Zion-Do Thái chủ nghĩa vào đầu thế kỷ 20, dựa trên tiếng Hebrew cổ là ngôn ngữ mà đến Giê-su Ki tô đã không còn dùng vào đời ông (ông dùng ngôn ngữ Arameen). Ngôn ngữ người Do Đông Âu dùng trong nhiều thế kỷ trong cộng đồng là tiếng Yddish, nguồn gốc có Khazar hay không thì còn nhiều tranh cãi và chưa xác định.
Vương quốc Khazar, kẹp giữa gọng kìm Ki-tô và Hồi giáo, vào thế kỉ 7-10 đã chọn Do Thái làm quốc giáo nhưng sau đó bị người Nga xâm lăng và bị Mông Cổ phân tán. Dân tộc Khazar mang Do Thái giáo lưu vong sang Đông Âu. Phần này, nếu quả là như vậy, không thấy (chưa thấy, chắc phải đợi 10 thế kỉ nữa) về đòi lại và lập nước tại Nga-Ukraine-Kazakstan ngày nay.
Tác giả Miko Peled kể chuyện là ông mắng một người lính Israel gốc Nga đang đuổi nhà một cụ già Palestine là anh này nói tiếng Hebrew chưa sõi (Người Israel gốc Nga sang đó từ thập niên 1990) còn tổ tiên cụ này đã ở làng này từ 1000 năm nay!
Vậy thế nào là người Do? Phải hỏi ai? Một phần giáo hội Do đòi dùng DNA để xác định. Thành phần gốc Nga bèn đi kiện, 17% dân số Israel dùng tiếng Nga, đây là ngôn ngữ thứ nhì tại quốc gia này. Tại sao họ lại đi kiện? Vì họ sang đây mới có vài thập niên và không cho là DNA xác định được chất “Do Thái”. Tuần qua, Tối cao Pháp viện Israel mới bác đơn kiện này.
Poster về nữ lao động Liên Xô hài lòng được sống ở Israel
DNA có xác định được hay không thì tôi nghi ngờ lắm. Mấy tháng trước, một đứa con của tôi vừa thử xem chơi, thì được biết là nó có 1% gốc thổ dân Mỹ da đỏ! Đây là tùy vị trí quan sát thôi, vì như vậy nói cách khác, thổ dân da đỏ Mỹ có phần nào cùng gốc với tổ tiên tôi ở Hà Nam Ninh, 100.000 năm trước, có người vượt eo biển Bering theo bò mộng, có người xuống đồng bằng sông Hồng bắt cá mà sống. Nói tóm lại, tính chất “Do Thái” chỉ có thể là một chủ nghĩa. Chủ nghĩa này được nhiều người “Do” nhận, và nhiều người ngoại “Do” ở tận sông Hồng và Vàm Cỏ Đông cũng tha thiết nhận nốt là như vậy. Nhưng vấn đề không phải là có Do hay không và ai là Do, thế nào là Do, cái đó để họ tự phân xử lấy.
Vấn đề là có dân tộc Palestine tại quốc gia gọi là Israel.
Ảnh chụp năm 1948, khi Israel trục xuất hàng trăm ngàn người Palestine khỏi 450 ngôi làng Palestine. Người Palestine gọi đó là “Day of Nakba” (Đại họa)