|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhVề SKETCH phác thảo, SKETCH ký họa, và SKETCH+ 13. 06. 20 - 9:14 amHải KiênSăp tới, mình có tham gia một triển lãm nhóm có tên là Sketch+. Để tìm cách thu hút sự quan tâm của mọi người tới triển lãm, mình có đăng lên trang cá nhân những bức tranh sẽ bày. Mình cũng nảy ra ý định viết một ít những suy nghĩ còn hơi lan man về sketch. Tuy là viết với mục đích truyền thông nhưng mình cũng muốn mọi người hiểu rằng đây là những điều mình nghĩ. Sketch + cũng là tên của một group Facebook do họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lập ra. Ban đầu, tên của group là Sketch. Trong phần giới thiệu, anh Doãn Hoàng Lâm có viết: “Sketch không phải là bản nháp cho tranh. Sketch là một thể loại độc lập”. Vâng, mình là bạn học với anh Lâm và mình cũng thích Sketch là một thể loại độc lập. Nhưng mình cho rằng, dù có thích nó là một thể loại độc lập thì đôi khi Sketch cũng chưa tự đứng riêng với tư thế bình đẳng như các thể loại bạn bè khác được. Cái đôi khi đó là những khi mà ta muốn hiểu theo nghĩa nào, Sketch phác thảo hay Sketch ký họa. Sketch phác thảo Theo mình, Sketch có thể được hiểu là phác họa, phác thảo. Bản phác thảo vất vả, nhem nhuốc sau khi hoàn thành nhiệm vụ thường ngần ngại ẩn mình, đẩy việc khó là mắt nói miệng cười đứng giữa mọi người cho tác phẩm. Thông thường thì sẽ là như vậy, nhưng bất thường thì chưa chắc như vậy. Còn gì lạ lẫm, thú vị, kịch tính hơn khi người nghệ sĩ chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp quá trình thai nghén, sinh nở, dập xóa, sửa chữa tác phẩm. Trong những khoảnh khắc vật lộn đó, đôi khi ta gặp một vài Sketch phác thảo có thể tự tin mà đứng cùng bạn, cùng bè. Sketch ký họa Sketch ký họa (cũng theo mình) là một hoạt động ghi nhanh cảm xúc của họa sĩ đối với sự vật hiện tượng. Mình luôn cho rằng cảm xúc là thứ rất riêng tư, vì thế việc anh ghi lại nhanh cái cảm xúc riêng tư thì chắc cũng là một cách ghi chép rất riêng. Người ưa trừu tượng, người khác thì lại thích sự tối giản. Anh chọn không gian, tôi lại tìm về tổ hợp nét, rồi lại còn bắt phoọc, dáng. Chất liệu cũng vô cùng phong phú, chì, mực, phấn… miễn sao giúp cho việc ghi nhanh. Vậy ở đây chất liệu, lối vẽ chỉ là những phương tiện giúp cho ta đạt được cái đích, là ghi lại cái cảm xúc riêng tư. Với mình thì ký họa là một thể loại độc lập. Một bức tranh được xây dựng dựa trên ký họa chỉ là một tác phẩm phái sinh. Mình xem ký họa của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, thày Huy Oánh là các tác phẩm mẫu mực. Mình ngắm mãi… Và Sketch+ Hồi group Sketch mới thành lập, mình có nói với họa sĩ Doãn Hoàng Lâm: “Tôi không làm phác thảo cho tranh. Tôi vẽ bằng cách quan sát trực tiếp và hoàn thành tác phẩm đồng thời với quá trình quan sát đó. Thậm chí mắt tôi còn không nhìn vào tranh mà chỉ nhìn vào mẫu vẽ (mình bịa thế) vậy thì ông xếp tôi vào đâu trong group này?” Thế là anh Lâm thống nhất đổi tên thành Sketch+. (Sketch và hơn thế nữa). Lối trực họa cũng có thể coi như một bước phác thảo cho tác phẩm. Trực họa cũng có thể là ký họa. Rất nhiều họa sĩ dựng tác phẩm trên nền tảng của bức vẽ trực họa và không ít bức trực họa ngoài trời thành công hơn tác phẩm khi được dựng lại trong xưởng. Ở đây, ý mình muốn nói tới họa sĩ Levitan. Mình cũng đã ngắm cả hai bức và tự nói rằng, bức trực họa đã thật hay và cảm xúc. Đúng vậy, nếu nói tới cái hay của trực họa thì phải nói tới sự sinh động. Trực họa hay lắm, cũng như mọi thể loại khác đều có cái hay. Và chắc là trực họa cũng có những cái dở của nó… Quay lại với triển lãm nhóm Sketch + lần này, thời gian từ 15/6 tới ngày 19/6, nhóm bày 113 bức tranh với 8 họa sĩ và 2 khách mời. Bọn mình rất mong muốn được các bạn tới xem tranh (xem quá trình vật lộn với tác phẩm). Mình có tham gia bày nhưng không phải với thể loại Sketch phác họa, không phải Sketch ký họa. Mình có chục bức trực họa. Triển lãm bày tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|