Gẫm & Bình

“XEM ĐÊM” để thấy những điều không thấy được trong ánh sáng ban ngày 15. 07. 20 - 10:59 pm

Phó Đức Tùng

.

Âm dương xoay vần, ngày đêm đắp đổi. Trong mỗi cuộc đời, số giờ ban đêm cũng dài như số giờ ban ngày. Từ xa xưa, nhịp sinh học của loài người thuận theo việc ngày thức đêm ngủ. Ban ngày, chúng ta hoạt động, bon chen, kiến tạo, còn ban đêm, cơ thể sẽ nghỉ ngơi. Nói là vậy, nhưng thực ra mỗi người chỉ cần 6-8 tiếng ngủ mỗi ngày, vậy thì 4-6 tiếng thuộc về đêm vẫn là thời gian hoạt động.

Đại đa số người thường có xu hướng muốn tận dụng khoảng 4-6 tiếng ban đêm không ngủ cho những hoạt động tỉnh thức. Để làm điều đó, họ tìm cách kéo dài khoảng thời gian ban ngày bằng cách tạo ra những hình thức chiếu sáng nhân tạo. Bởi lẽ phần đông chúng ta không biết làm gì với ban đêm, ngoài ngủ. Mọi hoạt động, làm việc gắn liền với ánh sáng ban ngày. Đa số những nguyên lý về chiếu sáng mà các kiến trúc sư và kỹ sư được đào tạo là nhằm tạo ra một phiên bản không gian giống nhất với ban ngày. Tuy nhiên, dù cho cố gắng cách nào thì nỗ lực này cũng chỉ đạt được một phần. Cái ban ngày kéo dài một cách nhân tạo bao giờ cũng chỉ là một sản phẩm loại hai, không bao giờ được như cái ban ngày thật. Mặt khác, sự kéo dài hoạt động ban ngày như vậy sẽ làm đảo lộn cương thường, rối loạn âm dương, gây ra những hậu quả khôn lường.

Người thường là vậy, nhưng đối với người trí giả xưa nay thì những giờ phút ban đêm là những giờ phút tập trung trí não nhất, hiệu quả nhất. Đến ngay cả giấc mơ cũng là hoạt động trí tuệ. Các nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ, về những giấc mơ, hoặc sử dụng những thông tin có được trong giấc mơ để biến thành sản phẩm trí tuệ. Trường hợp đặc trưng nhất là những thiền sư mong có sự thức tỉnh 24/24, bằng cách thiền, nghĩa là tỉnh thức ngay trong đêm đồng thời kéo dài cái không gian thức tỉnh kiểu ban đêm đó ra cả thời gian ban ngày, bởi lẽ họ cho rằng cái tỉnh thức kiểu mở mắt ban ngày chưa thực sự là tỉnh thức. Trong khi đó, những người được cho là ít trí tuệ thì ngược lại kéo dài trạng thái ngủ ra ngoài thời gian ban đêm, họ ngủ giữa ban ngày.

.

Với triển lãm “Xem đêm, lại càng đêm“, hai tác giả Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Hà đã gõ cho chúng ta một tiếng chuông cảnh tỉnh, như một công án thiền, rằng rất nhiều người trong chúng ta đang lãng phí một phần rất lớn cuộc đời mình, đó là thời gian ban đêm, chìm đắm trong sự u mê hoặc cố gắng tạo ra một sự kéo dài kém chất lượng của ban ngày, trong khi ban đêm vốn là một nửa khác của thế giới, của tạo hóa, và cần được cảm nhận, sống theo cách riêng. Các tác giả đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là làm sao để cảm nhận được, làm rõ được bóng tối, màn đêm, chứ không phải là showroom bày đèn để bán. Đây là một ý tưởng cực hay, nhưng không dễ để mọi người có thể nhận ra.

Để giúp nhiều người cảm nhận rõ hơn về sự cảnh tỉnh này, xin góp một vài phân tích kỹ hơn về bản chất đêm và ngày.

Ban ngày là thế giới được ánh sáng ngự trị. Ánh sáng mặt trời soi rọi vạn vật từ bên ngoài. Đó là một thế lực mạnh mẽ, chói loà và hiển nhiên như chúa trời toàn năng. Dưới ánh sáng đó, vạn vật đều bình đẳng với nhau, như những hạt gạo trong một bát cơm, nhưng đều nhỏ bé và bất lực trước ánh sáng, như những con chiên của Chúa. Hiểu được điều đó, sẽ thấy bản chất mọi sự sống dưới ánh sáng ban ngày nếu đúng mực sẽ phải được diễn ra dưới sự bình đẳng, bác ái và ngoan đạo, khiêm cung trước quyền lực của đấng tối cao. Con người không có cách nào hoà mình vào ánh sáng, ta chỉ có thể chiêm ngưỡng ánh sáng và tôn thờ vẻ đẹp linh thiêng rạng rỡ của nó.

.

Ban đêm, bóng tối ngự trị. Con người không thể nhìn vào bóng tối, thấy bóng tối như là nhìn vào ánh sáng. Vì thế, bóng tối là một thế lực u linh, vô hình, vô cùng vô tận, không thể hình dung. Nếu con người đặt địa vị mình đứng ngoài mà nhìn vào bóng tối, sẽ có cảm giác đối mặt với những kẻ thù vô hình, vô cùng đáng sợ. Chính vì thế, những con chiên ngoan đạo được ánh sáng Thiên Chúa dẫn dắt sẽ thấy hoảng loạn trước thế lực của bóng tối mà họ cho là cái ác, ma quỷ. Nguyên lý chiếu sáng nhân tạo chính là cố gắng kéo dài vòng tay bảo vệ của ánh sáng và luôn đặt con người vào trong vòng bảo vệ của ánh sáng này, để con người có thể tự tin hoạt động như ban ngày. Tuy nhiên, ánh đèn còn lâu mới được như ánh sáng ban ngày, bởi lẽ nó chiếu sáng ta và thế giới nhỏ của ta, nhưng không chiếu sáng những thứ khác. Nó yếu đuối, hạn hẹp chứ không phải Chúa Trời toàn năng và bình đẳng. Do đó, chúng ta không bao giờ thoát khỏi sự sợ hãi của cảm giác ta ở chỗ sáng, địch ở trong tối. Sự thức tỉnh trong bối cảnh sợ hãi đó không cho phép chúng ta có được những hoạt động hiệu quả, đường hoàng và tự tin như dưới ánh sáng ban ngày.

Chi tiết tác phẩm “Thập mục ngưu đồ”

Tuy nhiên, con người lại có thể hoà đồng với bóng tối. Nếu ta không đứng bên ngoài và tìm cách nhìn vào bóng tối, mà chúng ta ở trong bóng tối, thì chúng ta sẽ có cảm giác hoà mình vào một quyền năng vô hạn. Chúng ta chính là bóng đêm, là vô cùng, là chúa tể. Trong vương quốc vô biên của bóng tối đó, chúng ta có thể quan sát những sinh linh phát quang, như trong thế giới dưới đáy biển sâu. Mỗi một sinh linh này kể những câu chuyện riêng của mình, thì thầm, bí mật. Và chúng ta sẽ thấy mình như đấng toàn năng, đọc được những câu chuyện đó, nhìn được vào thế giới, sự sống của những sinh linh đó.

Hãy tưởng tượng chúng ta hoà với bóng đêm, sà xuống dãy trụ “Thập mục ngưu đồ“, để dõi xem câu chuyện của đứa trẻ mục đồng.

Tác phẩm “Thập mục ngưu đồ”

Hay nghe tiếng tâm tình của Chim Phượng cầu Hoàng, hoặc hòa mình vào đáy đại dương tăm tối, nơi có những sinh linh phát sáng huyền bí, mang trong mình những thông điệp bí mật của các pháp sư trên núi cao, hoặc lắng nghe tiếng thì thầm của mầm đá.

Tác phẩm “Phượng cầu Hoàng”

Những câu chuyện này chỉ là ví dụ cho vô số câu chuyện mà mỗi chúng ta có thể phát hiện ra khi tìm. Bóng tối cho ta quyền lực tự chủ của người chúa tể tàng hình, để ta có thể tập trung vào cái ta muốn tìm, muốn xem, mà không bắt ta phải chia sẻ, bình đẳng với tất cả vạn vật như dưới ánh sáng ban ngày. Hoà đồng với bóng tối, ta sẽ có những trải nghiệm vô cùng khác biệt. Cụ thể, những trải nghiệm đó là gì phụ thuộc vào từng người. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi đã được làm sáng tỏ trong triển lãm này, đó là không gian ban đêm khác hẳn ban ngày ở chỗ con người từ thế bị động có thể đứng vào thế chủ động, và những sinh linh ta quan sát được sẽ phát sáng và bộc lộ những câu chuyện, những đặc điểm mà ta không bao giờ thấy dưới ánh sáng ban ngày. Trải nghiệm này thú vị hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc cố gắng kéo dài phạm vi ánh sáng ban ngày trong một vùng hoạt động nhỏ.

Tác phẩm “Lưng chừng Tu Di”

Cuộc triển lãm đã mở cho chúng ta cánh cửa vào những miền sống mênh mông vô tận và kỳ ảo mà mỗi chúng ta có thể chủ động khám phá, nơi chúng ta thực sự có quyền năng và sáng tạo, nơi chúng ta thấy được, nghe được những thứ không bao giờ thấy được dưới ánh sáng ban ngày. Chỉ trong đêm tối, ta mới thực sự là bản thân mình, một cách chủ động. Ta thấy cái gì, ta lan toả tới đâu, là do ý chí của bản thân mình. Vương quốc của ta đến đâu do ta quyết định. Trong vương quốc đó, vạn vật đều nằm trong sự quán sát của ta, giống như Lưu Linh uống rượu, thấy nhân loại như bầy kiến bò dưới chân. Ngược lại, ta không có kẻ thù, không ai thấy được ta, ta là tàng hình, là toàn năng. Ta thấy thứ ta muốn thấy, nghe được những điều ta muốn nghe, và qua đó, ta thấy được vóc dáng của bản thân mình.

.

Tôi đã phát hiện ra một kho tàng vô giá và cảm thấy thực sự là người giàu có và có sức mạnh vô song. Các bạn cũng có thể cảm nhận được điều đó.

Cám ơn hai nghệ sỹ thật nhiều cho món quà vô giá đó.

*

XEM ĐÊM CÀNG ĐÊM

Khai mạc triển lãm: 18h30, Chủ Nhật, 05 tháng 7 năm 2020
Chương 1 – Xem đêm: 05.07 -19.07.2020 (15h00 – 21h00 từ thứ Ba tới Chủ nhật)
Chương 2 – Càng đêm: 25.07 – 09.08.2020 (15h00 – 21h00 từ thứ Ba tới Chủ nhật)
Manzi Exhibition Space, số 2 Ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả