|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiCừu Anh: Họa sĩ ma mị nhất và bị nhái nhiều nhất 25. 07. 20 - 12:31 pmKealey Boyd - Lui Bee dịchNgay lối vào của triển lãm Where The Truth Lies: The Art of Qiu Ying (chơi chữ nên khó dịch, hoặc “Nơi sự thật nói dối”, hoặc “Chỗ của sự thật”: Tác phẩm của Cừu Anh) tại bảo tàng nghệ thuật Los Angeles County Museum of Art (LACMA), có treo hai bức tranh quạt, và khác biệt giữa hai bức là rất nhỏ để có thể phân biệt được bằng mắt thường. Cả hai bức, có tên là “Tây Vương Mẫu cưỡi hạc” (The Queen Mother of the West Flying on a Crane) đều tuyệt đẹp, nhưng một bức với thủ pháp vẽ bằng cọ tinh tế là tác phẩm của một danh họa thời nhà Minh và bức còn lại là sao chép. Giám tuyển của triển lãm là Stephen Little đã không hề gắn chú thích lên tường, thách thức người xem chỉ bằng quan sát có thể chỉ ra đâu là bức tranh thật của danh họa Cừu Anh (Qiu Ying). Một bức thể hiện nhiều sắc tố hơn một chút, đường viền xung quanh vật thể chắc chắn hơn, nhiều dấu đóng từ những con ấn của các nghệ sĩ và nhà sưu tập tiếng tăm, nhưng có vẻ như các đặc điểm này chỉ là chiêu trò mà thôi. Cừu Anh là họa sĩ được ca tụng bởi phong cách linh hoạt và kỹ thuật điêu luyện vào giữa triều đại nhà Minh, vào đầu và giữa thế kỷ 16. Ngay cả một sinh viên thông thường của môn lịch sử nghệ thuật cũng rất có thể đã từng gặp các tác phẩm của họ Cừu; tác phẩm Kim Cốc Viên (The Golden Valley Garden – thực hiện từ năm 1534-1542) đã nhiều lần được đưa ra làm dẫn chứng cho hội họa thời Minh trong những quyển sách giáo khoa. Cho dù họ Cừu là một biểu tượng của 500 năm trước, những câu hỏi chưa có lời giải xung quanh danh họa này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Chỉ có 3 bức tranh được chính tay ông ghi thời gian thực hiện, khiến không thể biết chính xác niên đại của các tác phẩm còn lại. Những thông tin về tiểu sử, như ngày sinh, ngày mất của ông cũng là một bí ẩn. Vào thời nhà Minh thì việc thiếu những tài liệu về các tầng lớp kinh tế xã hội thấp như thế này là bình thường, nhưng nếu ông thuộc tầng lớp bình dân thì điều này lại đặt ra nhiều nghi vấn về cách mà nghệ sĩ này đã đi lên trong thang bậc về văn hóa. Và điều đen đủi nhất, theo Little thì Cừu cũng là họa sĩ có số lượng tác phẩm bị sao chép nhiều nhất lịch sử Trung Hoa. Các bản sao ở Trung Quốc được làm ra nhằm mục đích tưởng nhớ, học hỏi và cả để lừa gạt. Trong nhiều trường hợp, những người sao chép tranh không có chủ định lừa dối, nhưng nếu ta quay nhanh thời gian đến vài trăm năm sau, việc không thể phân biệt cái nào là tác phẩm gốc sẽ tàn phá các di sản nghệ thuật. Cừu Anh là một họa sĩ vẽ thuê; ông thực hiện rất nhiều các tranh cảnh phong thủy, tranh kể chuyện, và những bức tranh vẽ vườn tược. Ông luôn tuân thủ các nguyên tắc vẽ tranh trong từng thể loại, điều này khiến việc xác định đâu là tác phẩm gốc dựa trên phong cách hội họa của riêng ông gặp nhiều khó khăn. Triển lãm ”Where the Truth Lies” lập ra một niên biểu mới dành riêng cho họa sư thời Minh này và hướng dẫn cách xác định tác phẩm của ông. Để làm được điều này, đội giám tuyển của LACMA đã đưa ra 45 tác phẩm của Cừu Anh, trong đó có 15 tác phẩm chưa từng được triển lãm tại Mỹ, khiến đây là lần triển lãm có số lượng tác phẩm nhiều nhất của Cừu Anh tại nước này. Nỗ lực tuyệt vời này đã mang lại kết quả hết sức thuyết phục. Buổi triển lãm tự sắp xếp các tác phẩm dựa trên trình tự niên đại mà họ đặt ra: các tác phẩm thời kỳ đầu (1504–1525), giai đoạn giữa sự nghiệp (1525-1542), và giai đoạn cuối (1542-1552). Khung thời gian này được thiết lập dựa trên một bộ khung phức tạp là các thủ pháp, nghiên cứu về ấn chương (con dấu đỏ hay được dùng trong các bức tranh Trung Hoa), cùng quan hệ giữa các họa sĩ và các nhà bảo trợ. Các nghệ sĩ, kể cả nghệ sĩ thư pháp, các nhà thơ, và họa sĩ, thường viết hoặc đóng một ấn chương riêng lên rìa của những bức tranh thời Minh (có thể so sánh với một nút “like” trên mạng xã hội của cộng đồng này). Bằng chứng thuyết phục nhất trong nghiên cứu của Little có được từ những dấu đóng này. Ví dụ, từ các nét chữ khắc của nghệ sĩ thư pháp Vương Sung (Wang Chong) đã giúp cho Little xác định được một số tranh của Cừu không thể thực hiện sau ngày mất của họ Vương, năm 1533. Các chữ khắc được tìm thấy trong bức Mái lều giữa rừng ngô đồng và tre (Pavilion among Wutong Trees and Bamboo -1525-1533) cũng là bằng chứng cho mối quan hệ của Cừu với các hoạ sĩ và nhà thơ vào giai đoạn giữa sự nghiệp của ông. Trưng bày các tác phẩm theo thứ tự thời gian, thay vì theo (sự thay đổi của) phong cách hội họa, đã làm nổi bật tính đa dạng đáng kinh ngạc trong các tác phẩm của họ Cừu chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Thoạt đầu có vẻ như những bức tranh ở giai đoạn giữa sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh cao về cấu trúc chặt chẽ, chín muồi của sự nghiệp. Nhưng nhận định này mau chóng sụp đổ khi nhìn vào bức tranh to nhất của ông còn sót lại, bức Giang môn đạo (The Jian’ge Pass – thực hiện từ năm 1540–1545), một bức họa đồ treo tường dài 3m, gần như không còn màu, mô tả cảnh Đường Minh Hoàng bay đến Tứ Xuyên. Một bức tranh hoành tráng khác nữa cách không xa bức tranh này, bức “Quang Vũ Đế vượt sông” (The Emperor Guangwu Fording a River – thực hiện 1534–1542), được xem như một bức tranh xuất sắc nhất trong dòng tranh về vua chúa Trung Hoa. Bức tranh vẽ các đỉnh núi màu lục và lam với các thân cây phủ mờ chân núi. Một dải ruy băng như thác nước và một ngôi đền được vẽ cực kỳ sắc nét ẩn mình hoàn hảo trong không gian len lỏi giữa bức tranh. Toàn cảnh bức tranh này là minh chứng cho những nhận xét của Vương Chi Đăng (Wang Zhideng), một người sành nghệ thuật cùng thời với Cừu Anh, dành cho ông: Với thủ pháp tinh tế và sang trọng này, Cừu Anh không còn gì phải xấu hổ với tiền nhân. Và có vẻ như ông ấy không thể kềm được lòng khi vẽ rắn thêm chân.” Triển lãm Truth Lies cố gắng tạo ra một sự tái lập cho cả công trình nghệ thuật, sẽ cần một ít thời gian để cho giới lịch sử nghệ thuật nhìn nhận, và có thể công trình của Little sẽ gặp phải những ý kiến đối lập. Lấy ví dụ là có nhiều học giả như Ellen Johnston Laing đã đặt nghi vấn về tính chính danh của bức họa đồ “Tạ từ tại Tầm Dương” (Saying Farewell at Xunyang) do kỹ thuật trong bức tranh này không giống với các tác phẩm khác của Cừu. Little đã lập luận rằng bức tranh này được thực hiện khi tác giả mới 20 tuổi (1504-1515), đã giải thích lý do của sự không nhất quán này. Thật không may, loạt tranh cãi xung quanh các tác phẩm của triển lãm khiến cho các phòng tranh e ngại. Các bằng chứng ấn tượng về chi tiết của thủ pháp, ấn chương, nét chữ khắc tuy củng cố cho những khẳng định của Little, nhưng để nhìn rõ được chúng sau lớp kính và ánh sáng lóa cũng là một thử thách. E rằng người xem sẽ cảm thấy như người ngoài cuộc, tựa như họ phải đứng ngoài vòng tranh cãi của giới học giả với những ngôn từ xa lạ. *’ Nguồn bài gốc từ Hyperallergic Ý kiến - Thảo luận
23:42
Saturday,25.7.2020
Đăng bởi:
lui
23:42
Saturday,25.7.2020
Đăng bởi:
lui
Trong quá trình dịch, mình có được biết bức "Hán cung xuân hiểu" (Buổi sáng mùa xuân trong cung đình nhà Hán) được chọn là 1 trong 10 tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa Trung Quốc cổ đại. Tác phẩm này là một bức họa đồ (scroll), kích thước 37.2cm×2038.5cm, vẽ 114 nhân vật. Do tranh quá to để có thể xem trọn vẹn trong màn hình máy tính thông thường nên mọi người có thể google xem từng phần để thấy sự sống động trong bức vẽ của danh họa Cừu Anh .
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp