Thiết kế

Nghê: lân hay chó? 08. 11. 20 - 6:22 pm

Trịnh Bách

Người mình có những con linh thú đặc biệt dùng để canh gác điện đình, chùa miếu. Ví dụ như nghê, sấu (đừng nhầm với cá sấu), hẩu, v.v. Trong đó có con nghê là nổi nhất.

Trước nay người Việt vẽ hay tạc ra hình tượng con nghê nhiều khi trông giống con chó. Nhưng cũng lắm khi người ta lại cắm lên đầu nghê cái sừng lân. Cho nên vẫn không ai chắc được nghê có nguồn gốc từ con lân hay con chó.

Trước hết nên nói chuyện về con lân, hay còn gọi là kỳ lân. Theo ‘Trung Quốc Thần thoại Truyền thuyết Từ điển’ thì lân thường được biết đến với tên gọi độc giác thú hay độc giác lân, tức là con lân một sừng. Lân có sừng hươu, móng guốc, thân ngựa, và có vảy và ria cá chép như rồng. Rồi vì có tích con long mã giống như lân, nhưng với hai sừng, đến dâng hà đồ cho vua Phục Hy mà người ta lẫn lộn giữa con lân một sừng với con hai sừng. Ngay như con lân ở trong quy trình tứ linh ‘long, lân, quy, phượng’ trên triều phục triều Nguyễn cũng là con long mã hai sừng với hà đồ trên lưng, thay vì con độc giác lân.

Trái: tượng độc giác lân đời Bắc Ngụy (493-536) ảnh Bảo tàng Sơn Tây, Trung Quốc. Giữa: Đỉnh đồng hình độc giác lân thời Minh (ảnh Avantiques). Phải: Độc giác lân thời Thanh (ảnh tư liệu)

Có hai loại lân một sừng có cái sừng cong không nhánh, như sừng tê giác, là con giải trãi và con lộc đoan. chúng là các loài lân cao cấp nhất. Giải trãi là con linh thú của công lý, pháp luật. Trong các phiên tòa nó có thể giúp vị quan xử án bằng cách gõ sừng vào nghi can có tội. Trong triều nó hay húc vào các quan tham nhũng. Vì thế trên mũ của các quan ngự sử ngày xưa đều có gắn hình răng nanh con giải trãi. Giải trãi có móng guốc. Cũng giống con giải trãi, nhưng lộc đoan có móng vuốt với thân mình thô ngắn hơn, và là con thú của chân lý. Nó xuất hiện ở thời thinh trị, nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong nháy mắt, và lộc đoan nói được các ngôn ngữ ngoại di. Tương truyền chính con lộc đoan đã khuyên Thành Cát Tư Hãn không nên xâm lăng Ấn Độ. Chung quanh ngai vàng của các hoàng đế Trung Hoa hay có đặt hình tượng các loại của con lộc đoan.

Trái: Tượng con giải trãi (ảnh Mythology 101), phải: Con lộc đoan của vua Càn Long (1736-1795) ảnh Christie’s

Bàn về gốc chó của nghê thì tục truyền có một cặp chó gọi là ‘phúc khuyển’ (trong tiếng Anh là con Foo dog, tên gọi rất phổ biến bên Âu, Mỹ) gác hai bên cửa Thiên Đình. Vì vua là thiên tử, cho nên cổng vào các hoàng cung bên Trung Hoa thời thái cổ cũng hay có hai con phúc khuyển ngồi gác hai bên.

Mô hình sao chép đôi tượng phúc khuyển gác cổng thành Lạc Dương thời Hán do Ralph Wood the Elder chế tác năm 1755. Cặp tượng nguyên mẫu ở Lạc Dương sau đó đã bị thất lạc (ảnh và chú thích của Bảo tàng MET, New York)

Đến đời Tây Hán (220 TCN-9 CN), các “phiên bang” có tiến cống triều đình Trung Hoa con sư tử Á châu. Từ đó hình tượng con phúc khuyển gác cổng cung điện dần biến dạng thành giống sư tử hơn, và tên gọi thạch sư (sư tử đá) hay đồng sư (sư tử đồng) cũng dần chiếm chỗ, phổ biến ngang ngửa với phúc khuyển. Dù sao thì cho đến nay bên Âu Mỹ tên gọi phúc khuyển (từ thời cặp tượng Lạc Dương sao chép đó) vẫn phổ biến hơn thạch sư.

Từ khi các con thạch sư và đồng sư chiếm chỗ gác cửa hoàng cung, thì con phúc khuyển nguyên thủy lui về canh gác các quy mô nhỏ hơn như đình đền hay dinh thự. Hay nó còn nhẩy lên bảo vệ trên mái của các cung điện. Hình dạng con phúc khuyển về sau này cũng có mang ít nhiều ảnh hưởng của sư tử. Nhưng nó lại hay đội cái sừng độc giác không nhánh, có lẽ là của con lộc đoan vì phúc khuyển là loại thú có móng vuốt.

Cách nhận diện con nghê trong dân gian Việt Nam trong khi đó vẫn không được rõ ràng cho lắm. Ví dụ như ảnh cũ của các con giống bột Trung Thu Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ 20 của Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ (EFEO) bên Pháp cho thấy nghê và sư tử (dưới dạng linh thú) đều có sừng độc giác của lân. Và phần chú thích tiếng Việt của cả hai đều ghi là ‘nghê hý châu’.

Con nghê bột Trung Thu Hà Nội cổ. Trái: Sư tử (đã rơi mất hạt châu), phải: Nghê hý châu (ảnh EFEO, Paris)

Có lẽ vì cách cảm nhận ấy mà cái đầu độc giác để múa trong dịp Trung Thu ngoài Bắc gọi là đầu sư tử. Trong khi cũng cái đầu độc giác đó người Hoa trong Sài Gòn gọi là đầu lân. Nhưng điều đáng chú ý là mấy con nghê/sư này, cũng như các con nghê cổ của Việt Nam, trông thật giống con phúc khuyển. Cả nghê lẫn phúc khuyển đều có móng vuốt.

Một vài mẫu phúc khuyển (foo dog) Trung Hoa cổ: Trái và giữa: thời Minh. Phải: thời Thanh (ảnh theo thứ tự: Avantiques; prairielandart; và Bảo tàng Met, New York)

Một vài mẫu nghê cổ Việt Nam (ảnh theo thứ tự: Gốm Cây Mai, Bảo tàng lịch sử Quốc gia (tượng này đã mất đuôi), tư liệu)

Cho nên con nghê của chúng ta có thể đã được hình thành từ ý tưởng con chó phúc khuyển này.

*

Về linh vật Việt:

- Triển lãm linh vật Việt “xịn”: sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam

- Cửu và Long và một bầy linh vật

- Nghê hay là Toan Nghê?

- Nhân nói chuyện Nghê, khoe luôn hình “Chuẩn Nghê”

- Nghê: lân hay chó?

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả