|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngThấy tranh lãnh chúa nghĩ đến món thịt ngựa 19. 03. 21 - 10:06 pmBài và ảnh: Archivu
Ngựa được mang đến Nhật Bản từ Mông Cổ vào thời kỳ Jomon, khoảng 2000 năm trước và được các samurai dùng trong các cuộc chiến. Ngày đó thức ăn chủ yếu ở Nhật là gạo, hải sản và thú rừng. Vào năm 675, do ảnh hưởng của Phật giáo, Nhật hoàng thứ 40 là Thiên Vũ đã ra sắc lệnh loại thịt bò, gà, chó, khỉ…. ra khỏi thực đơn vào hai mùa trong năm, sau đó sắc lệnh này được áp dụng cho cả năm. Nếu ai đó bị bắt quả tang đang nướng thịt bò, ngựa, họ có thể bị phạt tới 100 ngày nhịn ăn. Tuy nhiên, một sự kiện đã làm thay đổi sắc lệnh đó sau một thời gian dài được áp dụng trên toàn quốc. Khoảng 400 năm trước, trong một chiến dịch quân sự ở Hàn Quốc, lãnh chúa Kiyomasa Kato của Kumamoto và quân lính bị bao vây, đường tiếp tế lương thực bị cắt, Kato đã lệnh cho quân sĩ thịt những con ngựa chiến trong doanh trại làm thức ăn, nhờ đó quân sĩ khỏi bị chết đói; nhưng cũng từ đó họ nhận ra món thịt này… dễ ăn. Khi trở về Nhật Bản, Kato đã phổ biến món ăn này trong lãnh địa của mình, đó là lý do ngày nay món sashimi ngựa gắn liền với tỉnh Kumamoto. Thời đó, thịt ngựa là một nguyên liệu đắt tiền nên dường như không có trên bàn ăn của những người bình dân. Tuy nhiên món ăn này vẫn lan rộng khắp Nhật Bản, và vào thời Edo còn được tôn vinh vì các đặc tính dinh dưỡng của nó, thường dành riêng cho người có bệnh hoặc ốm yếu để nhanh chóng hồi phục sức khỏe (những người như vậy được miễn lệnh cấm ăn thịt). Thời ấy người ta còn coi đó như một phương thuốc chữa bệnh “sốt cao” (thậm chí hiện nay vẫn có những bài thuốc dân gian như đắp thịt ngựa vào chỗ bị đau để giải nhiệt mau lành). Việc hạn chế ăn thịt ngựa đã chấm dứt vào thời Minh Trị, khi Nhật Hoàng quyết định hiện đại hóa chế độ ăn uống của Nhật Bản, và gây xôn xao trong giới sùng mộ Phật giáo khi ông dùng thịt bò để ăn mừng năm mới vào năm 1872. Ngày nay, Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ thịt ngựa lớn nhất thế giới, với 60% nguồn cung nhập khẩu từ Canada và phần lớn còn lại được nuôi ở Kumamoto, Hokkaido, Fukushima. Không cần phải ốm yếu, sốt cao, giờ đây bạn có thể tìm thấy các món thịt ngựa mà lãnh chúa Kato và quân lính ăn ngày xưa trong các nhà hàng đặc sản, quán nhậu izakaya ở khắp Nhật. Một số trường tiểu học còn đưa cả thịt ngựa vào trong thực đơn của học sinh vì đây là loại thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ăn kiểu gì? Kiểu ăn thịt ngựa phổ biến nhất ở Nhật là những miếng thịt ngựa sống thái mỏng thường được gọi là “basashi sashimi”, lấy từ phần thịt nạc của ngựa, đôi khi được trộn với thịt mỡ như thịt bò wagyu cao cấp, và được dùng cùng với nước tương và gừng xay. Basashi sashimi cũng thường được ăn với tỏi xay, hành lá cắt nhỏ, v.v. ngâm trong nước tương. Ở vùng Aizu thuộc tỉnh Fukushima, người ta thường ăn kèm với các gia vị như tỏi và mù tạt. Giống như sushi, basashi sashimi và basashi yaki (thịt ngựa nướng) cũng có mặt tại các nhà hàng băng chuyền (kaiten sushi, tên gọi các chuỗi nhà hàng sushi phổ biến ở Nhật). Không giống như thịt bò, thịt ngựa có nhiệt độ nóng chảy thấp và nó tan chảy tốt ngay cả ở nhiệt độ trong miệng nên hương vị tươi nguyên và giàu chất dinh dưỡng. Nhưng một món không thể bỏ qua là Sakuraniku – thịt anh đào – do màu đỏ hồng đậm của nó được sánh với hoa anh đào (sakura) – và là một món ăn độc quyền của người Nhật. Có nhiều cách giải thích cho tên gọi Sakuraniku. Thứ nhất, thịt ngựa khi phi lê tươi sẽ chuyển sang màu anh đào; xếp những lát thịt ngựa đó lại với nhau trông sẽ sống động như một cây anh đào. Thứ hai, có một trang trại của Mạc phủ Edo được gọi là Sakura ở tỉnh Chiba, nơi này nuôi những chú ngựa tốt, nên người ta đã đã gọi luôn chúng là “Sakura” thay vì gọi là ngựa. Thứ ba, chiêu “lách luật” của người Nhật thời Edo, khi đó dân không được ăn thịt một cách đàng hoàng như ngày nay nên người ta nói với nhau bằng biệt ngữ khi dùng các món thịt, ví dụ như “lợn rừng = hoa mẫu đơn”, “hươu = lá phong”, và “ngựa = sakura”. Tuy được ưa chuộng ở Nhật hay một số nước châu Âu do là một món giàu chất dinh dưỡng nhưng đối với một số nước như Mỹ điều này lại không dễ dàng được chấp nhận. * Nguồn: Từ Fb của tác giả Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|