Thiết kế

It Takes Two – Game dễ thương cho người yêu nhau (lại) 14. 02. 22 - 8:14 pm

Willow Wằn Wại

.

Giải Game of The Year của The Game Awards năm 2021 đã đánh dấu việc lần đầu tiên một tựa game nội dung gia đình bước lên bục cao nhất: It Takes Two (tạm dịch: Hai Mới Đủ).

It Takes Two có nội dung không mới trong thế giới phim ảnh: vợ chồng ly hôn. Và rồi vì một tai nạn hay hành trình nào đó mà sau khi trải qua thì bỗng không ly hôn nữa, và huề. Nghe vô lý đùng đùng, cứ như đi nghỉ mát xong tự nhiên ông chồng vô trách nhiệm bỗng chăm thay tã cho con; nhưng biết sao đây, phim mà.

Trong game, cũng hai vợ chồng cãi nhau, và đứa con gái hai người rầu rĩ do nghĩ mình là nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ. Vì một điều ước của đứa trẻ mà phép màu biến hai vợ chồng nhập vào hai con búp bê, bắt đầu chuyến hành trình tìm về thân xác.

.

Với phim ảnh thì đây không phải chủ đề mới nhưng với một tựa game được đầu tư nhiều, đây là lần đầu tiên một ông lớn trong làng game sẵn lòng sử dụng một chủ đề tưởng chừng sẽ chẳng mấy ai quan tâm để khai thác. Cuối cùng game đại thắng, đem về vô số giải thưởng và bán hàng triệu bản, It Takes Two cho thấy sức mạnh kỳ diệu chỉ game mới mang lại: khả năng tương tác trong thế giới khổng lồ.

Phim ảnh bị hạn chế nặng nề về kinh phí và thời lượng xem, bởi chưa chắc ai cũng muốn ngồi xem hai con búp bê vượt chướng ngại vật suốt mấy tiếng liền. Nhưng game thì không, người ta có thể chơi cả tháng, và còn có thể chơi đi chơi lại, cho nên thế giới phiêu lưu trong game không chỉ giới hạn ở vài khu vực mà toàn bộ nhà, tầng hầm, hệ thống cống rãnh, cây cối, v.v…đều là những khu vực rộng lớn cho hai nhân vật tí hon khám phá. Những thứ con con vì thế mà được tận dụng triệt để: que diêm biến thành mũi tên lửa, nắp thùng phuy biến thành cái thuyền, sông là đường ống nước xả, còn đống đồ chơi lộn xộn của con gái chính là một hệ thống mê cung, v.v…

Taxi là con ếch hoặc là con bọ cánh cứng, đường trượt là ống nước, xã hội đen là những con sóc, v.v…một thế giới với trí tưởng tượng vô biên.

Sự tương tác trong game làm tốt không cần phải bàn. Cái gì có thể nhìn thấy được trong nhà là chơi được tuốt. Màn hình chia ra làm đôi khiến hai người chơi phải chịu khó tương tác hỗ trợ nhau qua màn và cùng nhau giải đố. Ví dụ ông chồng đeo trên người lọ nhựa cây, cô vợ thì đeo diêm. Chồng bắn nhựa chỗ nào, vợ bắn diêm vào đó tức thì chỗ đó sẽ cháy, rất là lợi để phá chướng ngại vật và đuổi ong, giết sâu bọ. Đúng như tên game, cần phải có cả hai thì mới vượt qua thử thách được.

Điều quan trọng cần nhắc lại một lần nữa: cái gì thấy được là chơi được tuốt. Không phải lúc nào gameplay cũng chỉ giới hạn ở việc giết kẻ địch, vượt chướng ngại vật. Có những cách chơi tưởng chừng quá đơn giản nhưng khi người làm game làm khéo thì sẽ ra một game hoàn toàn mới cho người chơi trải nghiệm. Đơn cử như màn “lái máy bay”, với chiếc máy bay được tạo ra từ một chiếc quần đùi mắc vào cái mắc áo. Nhiệm vụ của hai người chơi là phải liên tục chạy qua chạy lại giữa hai ống quần để giữ máy bay được cân bằng hoặc để có đường bay nghiêng qua nghiêng lại né chướng ngại vật. Chỉ có việc bấm mũi tên đúng lúc thôi mà vừa hồi hộp vừa buồn cười, thêm cái quần đùi in hình trái tim bựa không tả được.

Màn hình chia đôi để hai người cùng có thể chơi. Ngay cả hộp diêm cũng thiết kế như ống cung tên, còn bình dầu thì thiết kế như súng cối. Rất nhiều chất xám đã được bỏ ra để đầu tư concept cho game.

It Takes Two cũng khéo léo sử dụng một phần thú vị không phải game nào cũng làm tốt: minigame. Với nền công nghiệp game, việc có minigame – game nhỏ trong game lớn, là chuyện rất bình thường. Một ví dụ về việc một minigame được đón nhận nồng nhiệt là trò đua Chocobo (giống con đà điểu nhưng vì là nhân vật game nên dễ thương) trong game Final Fantasy 7. Người chơi có thể dừng lại ở khu vui chơi và chạy đua bao nhiêu lần cũng được. Đua Chocobo được yêu thích đến mức trở thành một trong những minigame đáng nhớ nhất trong lịch sử game, thậm chí có nhiều người mải chơi quên luôn cả việc cứu thế giới.

Như bao nhiêu công ty Nhật khác, cái gì người ta thích thì ta sẽ làm thành sản phẩm to hơn để bán. Square sau đó cho ra mắt luôn tựa game đua Chocobo, nơi người chơi thay vì đua xe thì đua bằng các linh vật trong series Final Fantasy. Các 8x, 9x đời đầu chắc sẽ quen thuộc với cái tên Đua Xe Thú hay Đua Xe Gà, dù thật ra con này vốn lúc đầu được thiết kế như đà điểu.

Chocobo Racing, một ví dụ điển hình của một minigame thành công. Cách chơi đơn giản, đồ họa dễ thương, người lớn hay trẻ con chơi cũng thích

Tất nhiên không phải game nào cũng làm tốt như vậy. Đơn cử như series Dead or Alive với minigame cho các em gái mặc bikini dùng mông đẩy nhau xuống hồ bơi. Studio game tưởng là chỉ cần có cảnh hở hang nóng bỏng là được hả? Nhầm rồi, có mê gái cũng phải mê gái một cách có tự trọng! Phải người có một cuộc sống khắc khổ lắm thì mới có thể tận hưởng được việc bấm đi bấm lại một nút cả chục lần để một em gái ngã xuống nước.

It Takes Two thì khác có những minigame nho nhỏ không chỉ đem đến những khoảng nghỉ cho người chơi, mà còn tạo tiếng cười và gắn kết của người chơi lẫn hai nhân vật chính. Không cần cứ phải nói chuyện với nhau mới là tương tác, hai nhân vật cùng cười đùa cũng tạo một không khí gần gũi ấm áp rồi.

Hai vợ chồng cùng kết hợp để chơi game trên máy game của con gái

Ví dụ như màn minigame Struck A Pose – tạo dáng. Trong thời gian quy định, một người chơi sẽ tạo dáng với phông nền có sẵn trong khi người còn lại điều khiển máy ảnh để chụp. Chụp xong, những tấm ảnh sẽ được in ra và treo lên (tất nhiên cũng trong game) để tất cả cùng ngắm. Hoặc có một màn chơi bắn bia khi cả hai thi xem ai bắn trúng được nhiều hơn. Nhẹ nhàng, không căng thẳng và đem lại nhiều niềm vui. Những minigame thế này không chỉ làm giàu thêm cho thế giới trong game, mà sự vui vẻ cũng khiến tình cảm của hai nhân vật chính thuyết phục hơn. Người ta bảo ai khiến ta cười sẽ có trái tim ta, nữa là hai nhân vật chính cứ chơi với nhau là cười. Thôi khác gì phim Hàn yêu lại từ đầu.

Đồ hoạ của game thì phải công nhận quá là dễ thương luôn. Từ các nhân vật phụ như côn trùng, người máy cũng được thiết kế thân thiện đáng yêu, dù sao cũng là game cho gia đình, lỡ thiết kế bạo lực rating cao hơn là khỏi đào tiền ở cái thị trường màu mỡ. Màu sắc trong game cũng đẹp, tóm lại không có gì để chê. Do nhà làm game đã cố tình cho tình tiết ông bố bà mẹ bị biến thành búp bê nên sẽ chẳng hề có máu me kinh dị hay chết chóc gì ở đây cả, vì búp bê bất tử. Với nhìn búp bê vẫn dễ thương hơn hẳn nhìn hai ông bà trung niên chạy hùng hục mồ hôi mồ kê. Nói chung là một ý tưởng bắn hạ được rất nhiều mục đích.

Đồ họa trong game

Đồ họa tuyệt đẹp của game. Trong game cũng lồng những bài học cuộc sống cho trẻ em như việc xả rác, phá cây làm mất môi trường sống của động vật

Phần giải quyết xung đột hôn nhân tuy có sự khiên cưỡng nhất định nhưng chung quy thì đây không phải game giáo dục xây dựng hạnh phúc gia đình, đây là một tựa game để tận hưởng và chơi. Những câu chuyện về ly hôn hay hàn gắn, nếu có để rút ra được kinh nghiệm cũng tốt, còn không thì cũng chẳng sao. Game dễ chơi, không quá phức tạp hay khó hiểu. Chứ khó quá có khi người ta chơi xong còn chia tay nhau vì cãi nhau nhiều.

Còn bài học tôi nhận được là con nít thật là nguy hiểm. Nếu không phải vì đứa con khiến cả hai ông bà biến thành búp bê thì chắc đã ly hôn xong trong 3 phút đầu game rồi và không phải vất vả như thế. Mà may là game không có gián, cảm ơn studio vì điều này, nếu không chắc thành game chấn thương tinh thần luôn.

Một con ong béo ú dễ thương, như bài học nhắc nhở tôi phải bớt ăn bánh chưng lại. Trong game thế thôi chứ ngoài đời nhìn thấy côn trùng là tôi khóc thét

 

Ý kiến - Thảo luận

13:35 Sunday,20.2.2022 Đăng bởi:  Tình
Trời ơi, game hay thế này giờ mình mới biết. Cảm ơn tác giả nha.
...xem tiếp
13:35 Sunday,20.2.2022 Đăng bởi:  Tình
Trời ơi, game hay thế này giờ mình mới biết. Cảm ơn tác giả nha. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả