Soi học

Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau 30. 09. 22 - 9:09 pm

Sáng Ánh

Macau vs Hong Kong

Lần đầu tôi đến Macau là năm 1986 và lần gần nhất là 2019. Có lẽ là trên dưới khoảng 10 bận trong thời gian hơn 30 năm đó nhưng không lần nào tôi ở quá vài ngày.

Không khí ở đây ngày xưa như tỉnh lẻ, dạng Buôn Mê, và nó vẫn còn vương vất ngay cả sau khi các casino Mỹ đổ sang đây chớp nháy đèn màu trên những dĩa gà Portugal nướng kiểu Angola. Có lúc tôi nghĩ hay là tới đây ở hẳn, có nhà hàng Tây, nhà hàng Thái, và sau này cả nhà hàng Việt và tiệm phở. Giá nhà, giá sinh hoạt rẻ hơn Hong Kong tuy chỉ cách Hong Kong có mấy tiếng đong đưa phà.

Hong Kong ngột ngạt và xô bồ chen lấn nhưng đây là một thành phố hàng quốc tế với thứ gì cũng có và từ đó đi các nơi trên thế giới rất dễ dàng, vừa rẻ vừa tiện. Macau ngược lại như là một ngoại ô hiền, và tuy cũng là người Quảng, ở Macau họ dễ chịu hơn là ở Hong Kong, chẳng có gì để so sánh với nhau.

Ở Hong Kong, như ta biết, phụ nữ đi giày Louboutin đạp gót đỏ lên chân người lạ không cần xin lỗi, nếu gãy chân thì ta đi bệnh viện còn nếu gãy gót giày thì họ bắt đền cả đôi mới. Cho nên mới có từ “Cảng nữ” để chỉ phụ nữ Hương Cảng thờ vật chất, sính Tây (“Ngộ kêu Zến nỉ”, tên tui là Jenny), và mang bệnh tưởng mình là công chúa. Ở Macau cách có mấy sải mà dạng này ít hơn hẳn, gãy một gót giày thì bắt đền tiền thợ sửa một gót thôi và lại còn thú thật, giày em là hàng dỏm đó mà. Xin đóng dấu ngoặc lại.

Ngái ngủ “quan hổ đấu”

Macau hay Áo Môn là mấy hòn đảo ngoài cửa biển Châu Giang được nhà Minh phải cho Portugal thuê nhượng vào năm 1557 sau khi hụych nhau mấy bận. Diện tích đây có 33km và dân cư hiện tại là 650.000, nhưng ngày hoàn trả Trung Quốc (tháng 12.1999) chỉ có 420.000 và lần đầu tôi đến thăm (1986) dân số là 295.000. Trong thập niên 1950, dân số ở đây dưới 200.000.

Mùi hương “Buôn Mê” của Macau là từ đó, từ những con phố thảnh thơi chứ không phải là mùi café Cao nguyên. Đối với tôi, Macau cho đến ngày nay vẫn mang mùi ngái ngủ, dạng chập chờn vào lúc 4 giờ sáng ở một quày hàng bán cháo, ta không rõ là ta vừa mới thức hay là ta chưa lên giường.

Mùa hè 1952 chắc cũng thế thôi, ngáp vắn ngáp dài trên những con phố có cẩn gạch hoa đặc thù của Portugal. Nhưng nơi trấn lẻ này lại là biên giới Đông-Tây của “Chiến tranh lạnh” đang nóng hổi. Lúc đó Nam Bắc Cao Ly đang dậy lửa. Sau khi miền Bắc đánh tràn đến Phú Sơn thì Hoa Kỳ đổ bộ và đánh ngược lại đến sông Áp Lục. Trung Quốc gửi 5 quân đoàn chí nguyện sang biên giới giúp Bắc Triều Tiên. Trung Quốc lúc này là Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, mới kiểm soát được gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa vào năm 1949 thôi, nói “gần như toàn bộ” vì Trung Hoa Dân quốc (tức Tưởng) còn kiểm soát và cố thủ Đài Loan.

Macau vào năm 1949, bản đồ 1/10.000. Hai bản đồ nhỏ bên trái cho thấy vị trí của Macau tại cửa Châu Giang (3 đảo màu đỏ). Trên bản đồ lớn phía tay phải điểm cực Bắc phía trên cùng là cổng biên giới Portas de Cerco. Ảnh ở đây 

Khác biệt giữa 1952 và 2022 trong khu vực là thế này: 2022 Mỹ đang sợ Trung Quốc chiếm Đài Loan còn 1952 Mỹ lại sợ Đài Loan chiếm Trung Quốc! Chế độ Tưởng lúc đó rất hung hăng và từ hòn đảo đòi chiếm lại Hoa lục. Phần Hoa Kỳ thì cả Dân chủ (Truman) lẫn Cộng hòa (Eisenhower) đều ngại ngần, không muốn Thế chiến III xảy ra vào lúc đó. Họ không ngại đánh Trung Quốc tại bán đảo Cao ly nhưng không muốn theo chân Tưởng đánh sang lãnh thổ Trung Quốc bên kia eo Đài Loan. Tại sao, đằng nào cũng đang vật nhau bên kia sông Áp lục kia mà? Đó là bởi vì Trung Quốc với Liên Xô lúc đó có hiệp ước bảo vệ song phương. Để bênh vực Trung Quốc nếu cần, Liên Xô có thể đánh chiếm ở đầu kia châu Âu Đức Pháp chứ Cao Ly hay Đài Loan mà là gì!

Năm 1952, Macau được trấn đóng bởi 1 đại đội thiết giáp, 1 đại đội chống chiến xa và 5 đại đội khinh binh ưu tú thuộc địa “cazadores” (thợ săn), tương đương với quân “chasseurs” của Pháp, “jaeger” của Đức hay “ranger” Mỹ, hay “biệt động”. Không quân có 1 thủy phi cơ 8 chỗ ngồi (Macau phải đợi đến 1995 mới có trường bay). Hải quân có 1 chiến hạm đang đậu bến là cảnh báo hạm (aviso) Goncalo Velho, thủy thủ đoàn 140 người và võ trang 3 đại bác 120mm. Tổng số quân Portugal tại đây là khoảng 1000 người. Phía Trung Quốc, lực lượng biên phòng là Trung đoàn 29 thuộc sư 10 Công an.

Portas do Cerco hay Củng Bắc ở biên giớ Macau vào ngày trước, ảnh ở đây 

Đàn ông mới là bé xé ra to

Quân thuộc địa Portugal là từ Mozambique, Phi châu, và là người da đen do sĩ quan da trắng chỉ huy. Ngày 25 tháng 7, tại biên giới, 1 binh sĩ da đen đứng vạch quần ra tiểu ngang nhiên về phía Trung Quốc! Trung đoàn 29 mới được chuyển về nhiệm vụ mới và các chiến sĩ công an này chưa hề thấy người Tây trắng hay đen trong đời. Họ thấy anh da đen này tụt quần bèn cười ồ khiến anh cảm thấy bị xúc phạm. Anh với 9 bạn da đen khác băng 50m ngăn chia giữa đôi bên. Xô đảy nhau, quân Portugal dùng lê trên đầu súng đâm vào tay một binh sĩ Trung Quốc và nổ phát súng đầu. Đôi bên đì đoàng, phía Trung Quốc ném một quả tạc đạn.

Lính thuộc địa Portugal tại Portas do Cerco , không rõ vào năm nào. Ảnh ở đây

Ngày 27. 7, một hạm đội tàu Mỹ từ eo Đài Loan trên đường sang Cao Ly, tức là từ điểm nóng này sang điểm nóng khác cặp bến Hong Kong, là điểm nóng mới, để thị uy.

Ngày 29. 7, Portugal dùng bích kích 60mm là pháo nhẹ bắn bay cờ Trung Quốc. Chiến hạm Goncalo Velho pháo tập khu dân cư Châu Hải khiến 5 nhà thường dân bị sập. Tổng kết những va chạm này, theo phía Trung Quốc có 490 pháo và hơn 20.000 viên đạn nhỏ Portugal bắn sang, còn Trung Quốc bắn 109 pháo và 8820 đạn nhỏ. Vẫn theo Trung Quốc, họ chết 2 người và bị thương trên 30, Portugal chết 5 người và bị thương 14. Theo Portugal thiệt hại của Trung Quốc tất cả là khoảng 100 thương vong.

Chiến hạm Goncalo Velho. Ảnh ở đây

Trung Quốc khóa biên giới lại và ngưng trao đổi đường thủy cũng như đường bộ. Hải đăng Macau tắt đèn và rau cỏ thịt cá không sang thành phố này nữa khiến giá cả tăng vọt. Về mặt ruộng, mặt vườn, Macau không có lấy 1 sào. Trên 10.000 người Macau lấy phà sang Hong Kong lánh nạn trong tháng 8 (tức là 5% dân số) và tình thế của Macau trở thành rất khó khăn. Như đã thấy, Trung Quốc có thể gửi cả triệu quân sang Triều Tiên đánh thẳng luôn Mỹ thì sợ gì ba cái tàu chiến Hoa Kỳ giương oai qua lại ở Hong Kong.

Nhưng thương thuyết thế nào đây?

Portugal không công nhận Trung Quốc mà công nhận chánh quyền Tưởng vậy thì làm sao nói chuyện? Cho nên trong đàm phán, đại diện chính thức phía Trung Quốc là tổ chức Thanh niên Cộng sản và phia Macau là Phòng thương mại thành phố. Phía Portugal đòi nếu thấy lính tôi cởi quần to hay nhỏ gì cũng cấm cười. Trung Quốc bảo thế thì anh rút quân khỏi cổng đi, bồi thường tôi thiệt hại và xin lỗi tôi chính thức. Portugal nhận xin lỗi nhưng xin lỗi riêng trong phòng, đừng đăng báo nhé và trả ngay bồi thường 88.000 USD. Ngày 25 tháng 8 mọi sự bình thường trở lại giữa hai bên.

Nói qua, lúc cuối Thế chiến, Macau (tức Portugal) trung lập nhưng vì “có ý định” bán dầu cho Nhật nên từng bị mẫu hạm Mỹ Enterprise đánh bom. Năm 1950, Mỹ bồi thường cho Macau 20 triệu USD về việc này. Theo sử gia Mỹ Gunn viết hồi 2016 thì chính phủ Hoa Kỳ muốn tôn trọng sự trung lập của Portugal nhưng khổ thay quân báo Mỹ lại không biết việc đó nên cứ đánh thôi rồi bồi thường sau!

Quân thuộc địa Portugal đang dùng bữa tại Macau năm 1959. Không thấy họ ăn mì nước trứ danh Hoàng Chi Kí nhưng ngược lại để lại cho Macau món gà nướng Phi châu. Ảnh ở đây 

Portugal là nước Âu châu cuối cùng giải thực, vào năm 1975, sau khi chế độ độc tài bị lật đổ trong “Cách mạng hoa cẩm chướng”. Cuối năm 1999 Macau được Portugal hoàn trả lại cho Trung Quốc. Công dân Trung Quốc ở địa phương (Thẩm Quyến) có thể mỗi tuần dùng giấy đặc biệt 1 tuần 1 lần sang thư giãn đánh bài. Giấy này gọi là “Vãng lai Cảng-Áo” chứ công dân Trung Quốc không được dùng sổ thông hành vì Hương Cảng và Áo Môn không phải là nước ngoài. Họ đi qua ào ạt và năm 2019, sòng bạc tại Macau mang về 36 tỉ USD hay gấp 6 lần lợi tức đen đỏ của Las Vegas. Macau phát triển hàng năm 15% hay 18% và năm 2010 vượt Luxemburg, Qatar, để trở thành lãnh thổ mãi lực bình quân cao nhất thế giới (GDP PPP).

Portas do Cerco / Củng bắc Khẩu ngạn trở thành cửa khẩu nhiều lượt qua lại nhất Trung Quốc. Tuy nhiên lên xuống thế nào thì dòng Châu vẫn lờ lững và ngày nay, từ trung tâm Macau lững thững, sau khi ăn xong cơm tối bạn có thể đi bộ qua biên giới sang uống bia ở Thủy Loan Tửu ba nhai (cách 2km) rồi tờ mờ sáng đi bộ về, thủ tục biên giới mất 10 phút vào cái giờ chập choạng. Nếu không kể xếp hàng đợi lượt, thì giấy điện tử “Vãng lai Cảng-Áo” chỉ mất có 7 giây để qua trạm kiểm soát.

Củng Bắc Khẩu ngạn nhìn từ phía Châu Hải (Trung Quốc) sang. Phía sau là những chung cư mới xây dựng của một Macau bỗng nhiên sầm uất với mức phát triển đến 10%-20% mỗi năm nhờ các sòng bạc Mỹ và khách Trung Quốc từ năm 2000 trở đi. Ảnh ở đây 

 

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả