Đi & Ở

Ngay giữa Đà Lạt: Có một nơi rất hay mà (hôm ấy) không khách nào đi 05. 10. 22 - 2:58 pm

Willow Wằn Wại

Đà Lạt mà có chỗ ngay trung tâm, địa thế đẹp, view đẹp, nhưng không có khách nào đi? Xin thưa đó chính là Bảo tàng Lâm Đồng.

Trước hết cần nói rõ, không thể so sánh bảo tàng Việt Nam với các bảo tàng Tây Tàu đâu, đừng nói đến những bảo tàng khổng lồ vang danh. Nhưng ở trong nước, mình vẫn thích đi bảo tàng để hiểu thêm về lịch sử văn hóa ở mỗi nơi, không được nhiều thì được ít. Và nghiêm túc mà nói, Bảo tàng Lâm Đồng làm khá tốt, vượt hẳn kỳ vọng lúc đầu của mình.

Ở đây, các khu trưng bày đều rộng rãi, có hướng đi chỉ dẫn rõ ràng, (không lung tung như cái bảo tàng ở thành phố to đùng nào đó đâu ahem). Tuy khu vực nhỏ thôi mà đi lòng vòng mãi mới hết, cho cảm giác hơi giống khi đi vào IKEA, không gian trình bày rất khéo.

Minh hoạ các lát cắt địa chất các lớp khai quật mẫu vật. Ghê chưa ghê chưa?

Khu trưng bày dụng cụ làm nông. Cái lục lạc và mõ bên tay trái là của người Cơ Ho để đeo cổ ngựa và bò kêu leng keng lóc cóc. Tưởng tượng đi qua một đàn kêu rổn rảng chắc vui tai lắm. Các hiện vật đều là hàng thật nên nhìn tay nghề thủ công cắt gọt đẽo khá là khéo.

Một thứ nhìn hay – lạ mà méo bít là gì. Cái phần ghi chú đã rụng mất tiêu, chỉ còn lại một cái lỗ ngay bên cạnh hiện vật.

Bảo tàng trưng bày theo niên đại rõ ràng, chia theo từng khu. Phần đầu là về địa chất, tự nhiên, văn hóa nổi trội của tỉnh Lâm Đồng, sau đó tới phần lịch sử Lâm Đồng từ thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, rồi các cuộc giao thoa văn hóa cho tới giai đoạn cận đại, hiện đại. Tất cả đều có mẫu vật xịn xò đàng hoàng. Khu vực về văn hóa lịch sử còn có hình nộm người mô phỏng.

Khu này đẹp nè. Ba tầng khai quật với hình ảnh và hình dựng to bằng thật. Bên cạnh là những mũi lao/giáo. Mỗi tội hơi bị ít ghi chú, có cái còn rụng mất.

Cục sần sùi này là đá núi lửa hay còn gọi là magma, thường được nghe thấy trong truyện

Cặp bồ hay cặp bồ? Hiện vật cặp bồ của ông Võ Tấn A ở Đà Lạt, dùng trong thập niên 30,40 thế kỷ 20.

Lọ tăm rất là gì và này nọ. Chụp lại để sau này về nhà chồng chắc phải làm một lọ như thế mang theo làm của hồi môn. Cái đĩa phía sau là đĩa xoay, theo mình tự hiểu là nó xoay được trên đế luôn. Chắc các cụ làm thế để bày cho đẹp. Bên cạnh đó còn hiện vật mâm đồng, bát đĩa sành sứ và đôi đũa làm bằng kim loại.

Lựu đạn tự chế từ hộp cá – cụ kỵ của cá Ba Cô Gái. Chế tạo từ tận Gia Lâm (Hà Nội nay) rồi chuyển tới Lâm Đồng

Các tiêu bản thú rừng trong bảo tàng cũng toàn là hàng “auth”, một số tiêu bản thú rất đẹp luôn (tuy cũng có những mẫu vật xấu ói, cụ thể là con hổ không hiểu sao cực bôi bác, nhưng vẫn là lông hổ “auth” nha). Các hiện vật đồ đạc xưa cũng là hàng thật chứ không phải đồ giả dựng lại xấu xí như *ahem*.

Mẫu vật cú, vươn, sóc bay làm khá đẹp nha. Mặt con sóc hết sức xinh.

Nhìn chung hiện vật lẫn hình ảnh đều rất nhiều. Mình đi lòng vòng cũng hơn tiếng mới đọc hết các ghi chú. Còn hay ở chỗ các hiện vật có kèm QR code để dùng điện thoại quét, lên website đọc diễn giải kỹ hơn. Mà mình đi cả buổi chả có ma nào khác ở đó, giống như mình bao trọn cả cái bảo tàng, muốn lảng vảng uốn éo kiểu gì cũng được. Ai sợ ma thì nên rủ bạn bè đi cùng hoặc đi buổi sáng. Đặc biệt có một chị gái hình nộm nấp trong tủ kính ngồi may đồ ở ngay góc khuất làm mình giật hết cả mình, tí nữa siêu thoát luôn.

Đầu trâu thật, nhìn đẹp lắm nhưng mình cũng thấy hơi ghê ghê. Hai cái dụng cụ bắt chéo nhìn hơi giống rìu gọi là xà gạt, một dụng cụ khá độc đáo của bà con đồng bào

Ai rồi cũng phải phê pha khói thuốc. Tẩu handmade nên mỗi cái là một “hàng độc” thửa riêng, không cái nào giống cái nào, cong queo tự nhiên.

Bảo tàng còn trưng bày bút tích người xưa. Đọc thư từ sổ lưu niệm của các cụ xưa mới thấy các cụ cũng quan tâm những việc chả khác gì mình bây giờ. Cụ thì hối bạn bè cưới nhanh đi, đến hoàng hậu Nam Phương viết thư cũng kể về tình hình thú cưng, đồng bào dân tộc anh em thì truyền tai nhau những câu thả thính trên ruộng.

Thư các cụ viết cho nhau ngày xưa. Chữ rồng bay phượng múa. Giọng văn trình bày trong thư đọc không khác gì đọc trong truyện với kịch nói ngày xưa.

Sổ lưu niệm của bác sỹ Tân. Trong phần lưu niệm có phần chúc anh chị mau đạt được như mong muốn. Cả hai trang tình thân mến thương đến đoạn này lại nghiêm túc nhắc nhở hai anh chị lo mà xử lý cho xong việc đi nhé, chắc giục cưới nhanh hộ cái.

Thả thính 101 for Dummy

Cung Nam Phương hoàng hậu

Qua hết bảo tàng là cung điện Nam Phương hoàng hậu, vốn là nhà của cụ Nguyễn Hữu Hào tặng con gái làm của hồi môn. Bên này thì kiến trúc đa phần còn giữ lại được, nhưng cái cổng tự nhiên đi trình bày lại xấu quá.

Cung Nam Phương Hoàng Hậu. Tự nhiên làm cái biển rồi treo cái lồng đèn rẻ tiền đỏ chót nhìn khá là phèn

Hiện vật đẹp sương sương chứ chả có phần chú thích mấy, (mà hầu như các dinh mình đi trên Đà Lạt đều như vậy). Đổi lại, ta có thể vào gần hiện vật để chụp ảnh, không như nhiều phần các Dinh Bảo Đại là rào lại, đứng xa xa giơ máy lên mờ mờ.

Một phòng bên trong dinh thự. Chả có ghi chú nên mình cũng chả biết là gì. Tạm đoán là phòng khách. Ở đây mỗi phòng đều có cái lò sưởi đá hoa cương


Toàn cảnh phòng riêng của hoàng hậu Nam Phương. Quần áo trưng bày trong tủ thì là hàng fake xấu bỏ vào sau này. Thêm bình hoa giả nhìn cũng hơi chán. Nhưng các đồ nội thất hầu như đều nguyên vẹn. Cũng như các phòng khác, hầu như chả có ghi chú gì, tự xem tự biết vậy thôi

Cung Nam Phương hoàng hậu tuy nhìn hoành tráng nhưng so ra đi nhanh hơn bảo tàng Lâm Đồng. Nhân tiện bảo tàng này yêu cầu du khách không chạm vào hiện vật nên nếu các bạn đi thì chụp ảnh chứ đừng nằm ngồi lên hiện vật lịch sử như mấy cha nội local guide với reviewer mình thấy trên Google.

Selfie với một phòng lớn. Ở đây có cái lò sưởi đá hoa cương to nhất so với các phòng khác. Có lẽ đây mới là phòng trang trọng nhất, dù kích thước không bằng phòng khi nãy.

Các đồ đạc bằng bạc. Hai cái bát nhỏ uốn lượn bên phải là bát để rửa tay trên bàn ăn. Tủ ở xa là đồ dùng bằng sứ, thủy tinh và ngọc (ngọc thật hay không thì không biết). Trên tường là các poster và ảnh chụp với kỹ thuật thiết kế trình bày méo mó, xấu như ma.

Ai rồi cũng phải ăn lẩu thôi? Đây là bếp cồn sử dụng để hầm thức ăn trong các buổi yến tiệc. Hiện vật ở đây còn chủ yếu là đồ bếp và đồ đựng linh tinh. Nhưng dù sao các vật ngự dụng còn sót lại vẫn nhiều hơn hẳn so với ở Huế.

Đồng hồ vẫn chạy đều và chạy đúng nha. Với một người mộng mơ như mình thì chi tiết này thật đáng giá. Người cũ đã không còn, cảnh cũng chẳng như xưa, chỉ có thời gian thì cứ tĩnh lặng mà trôi đi mãi.

Đáng lưu ý là những lá thư viết tay của cựu hoàng hậu cho cựu hoàng Bảo Đại những giai đoạn sau. Thư viết bằng bút máy, tiếng Pháp, lời lẽ lịch sự nhu mì, nội dung chia sẻ quan tâm chứ không giống như mấy lời đồn trên mạng thóa mạ bà là hay đòi hỏi yêu sách này nọ.

Hiện vật thư hoàng hậu Nam Phương viết cho vua Bảo Đại. Hai người trao đổi thư riêng với nhau bằng tiếng Pháp. Thư bên cạnh thì còn kể về tình hình con cái thú cưng.

Bonus là hôm đầu mình đi hơi lâu nên chưa kịp đi tham quan dinh thự Nguyễn Hữu Hào, hôm sau quay lại thì cô bán vé bảo không cần mua vé nữa, cứ tham quan hết rồi về. Hiện vật trong dinh thự Nguyễn Hữu vẫn đẹp. Vé 22 cành/người mà đi mỏi cả chân.

View dinh thự Nguyễn Hữu Hào. Chụp bằng cam góc rộng lúc crop lại vỡ hết cả nét huhu 🙁 thôi tự an ủi nhìn cho “vintage”

Tóm lại là bảo tàng Lâm Đồng nhỏ và ổn, nội dung đầy đủ, view trên đồi thông nhìn xuống khá đẹp. Khuôn viên bên ngoài thì hơi nhếch nhác nhưng vào bên trong sạch sẽ, thoáng mát, và đặc biệt là chả có khách nào, bản thân tha hồ tham quan không lo chen lấn, dù khi mình đi là dịp lễ nên Đà Lạt đông ná thở.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả