Soi học

Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2) 21. 03. 23 - 6:55 pm

Sáng Ánh

(Tiếp theo bài 1)

Mumbai-Bombay: Em là công chúa trời bắt xấu

Catherine nhà Bragance là con thứ hai của vua Portugal. Vào năm 1661 cô được 23 tuổi. Vào thời đó, 23 là tuổi ế chồng, mà phải công chúa của một nước giàu thì lại càng là ế. Vào thế kỷ 16, quốc gia này cực thịnh, sang thế kỷ 17 nó vẫn còn tăm tiếng, tiếp tục phát triển, và so với nước Anh thì Catherine là con gái nhà giàu. Anh quốc tuy đang trên đà tiến nhưng Charles II của Anh chỉ là dạng mới phất, và cô Catherine có thể coi là lấy chồng “dưới” tầm của mình. Cô theo chồng về một xứ tuy bắt đầu có tiền của nhưng còn quê mùa và thiếu hoa lệ. Trong hồi môn cô mang về nhà chồng có cảng Tangiers (Ma Rốc ngày nay) và một nơi mang tên là Bumbye. Nghe cái tên này không ai biết nó ở đâu và thượng thư thủ tướng Anh còn đoán mò đó là ở tận Brazil!

Công chúa Portugal Catherine, tranh của Peter Lely. Nguồn ở đây

Catherine đạo công giáo La Mã trong khi Anh quốc theo Tin lành nên một khi mặt đã xấu thì cô cũng chịu thị phi đủ chuyện. Triều đình Anh cho cô là gián điệp của Giáo hoàng La Mã và định thuốc chồng nên có lúc đuổi cô ra khỏi cung, đòi giết! Cô lại mấy bận sảy thai không có con nối dõi. Chồng cô mang phi chính thức vào trong triều (là chuyện hi hữu trong văn hóa vua chúa Ki tô). Catherine buồn nên uống trà và cô được cho là người phổ biến thức uống này đi cùng các chén đĩa tinh vi đồ sứ và áo quần vải bông ở cái nước mọi rợ của chồng.

Catherine xứ Braganza và vua Charles II tổ chức tiệc trà (khi ấy còn là thức uống ít người biết ở Anh) tại Somerset House. Trong một bài thơ của Edmund Waller có nhắc đến hai loại trà hôm ấy : Venus và Phoebus, cả hai đều xuất sắc, ướp cùng những loại hoa tuyệt nhất… Minh họa của Kitty Shannon, 1926

Trà, đồ sứ và vải bông là từ đâu mà ra? Từ Đông phương và Ấn Độ.

Bumbye hồi môn của cô chính là nhóm đảo ở Tây Bắc Ấn được vua Gujarat sang nhượng cho Portugal khi vương quốc của ông đang bị Đế chế Mughal tại Bắc Ấn đe dọa. Bumbye nằm ở một vị trí tốt để tranh thương với Hà Lan, dễ bảo vệ ở cửa biển, khó đánh chiếm từ đất liền, và lúc đó có khoảng 10.000 dân cư với thành hào vững chắc sau hơn 100 năm trong tay Portugal.

Khi 1662 Anh quốc phái Abraham Shipman mang 450 quân đến nơi nhận của hồi môn này thì tổng đốc Portugal thành chưa có lệnh phải giao! Quan quân Anh phải ở tạm trên một đảo vắng uống nước dừa 3 năm để đợi, bị bệnh nhiệt đới giết lần mòn chỉ còn có 115 người vào năm 1665.

Humphrey Cooke tiếp quản Bombay, 1665. Đội quân đầu tiên mà Sir Abraham Shipman dẫn đường đã chết gần hết (kể cả Shipman), nhưng cuối cùng, vào 1665, thư ký của ông là Humphrey Cocke đã tiếp quản được từ tay người Portugal. Người Âu thời đó ở Ấn mặc giống như người bản xứ trừ mặc quần chẽn và đi bốt. Nguồn tranh và chú thích từ trang này

Nhưng lập tức Bumbye – Bombay – Mumbai thành trung tâm thương mãi chánh của công ty Đông Á. Một phúc trình công ty xác định “(Người Anh) đĩ điếm, say rượu và phá phách công khai các nhà thổ và quán rượu đã làm chai đá trái tim của cư dân đối với chúng ta”. Ngày nay Mumbai là trung tâm tài chánh 18 triệu dân của bán lục địa, món quà cho nhà chồng của một công chúa buồn.

Mumbai. Hình từ trang này 

Kolkata-Calcutta: Góa phụ thoát thiêu lại được chồng thờ

Cô gái 15 tuổi, người cao và da trắng, mặc chiếc áo với nữ trang ngày cưới và ánh lửa bập bùng hắt vào khuôn mặt đẹp mê hồn. Job Charnock, một nhân viên cao cấp người Anh của công ty Đông Ấn cùng với hai bảo vệ rút súng ra bắn. Mọi người trong đám tang chạy tán loạn, Job bay ra ôm lấy thiếu nữ và bồng lên chạy về nhà. “Leela” – một công chúa Rajput đẳng cấp Brahmin sắp lên dàn hỏa của Ấn giáo (sati) theo tục thiêu sống vợ khi ông chồng chết – đã khiến ông Job trên động lòng, quyết lấy nàng làm vợ. Đó là theo chuyện thuật của một thuyền trưởng hàng hải, Alexander Hamilton, được nghi ngờ là có tính đi xa về nhà viết sách vẽ vời.

Minh họa cho cuốn “ Goddess of Fire” của Bharti Kirchner kể về sự kiện này. Hình từ đây 

Ngày ấy phụ nữ Ấn trên thì hở rốn, dưới mặc quần… yoga hay váy xuyên thấu, nếu không tập gym thì vừa đi vừa múa như là quay clip tik tok vậy cho nên dễ khiến động lòng. Mang cô về rồi Job làm đám cưới mời khách Ki tô, Ấn giáo với lại cả Hồi giáo, nhưng chỉ có người Hồi đến dự vì Ki tô không ưa còn Ấn giáo thì coi ông là loại “giật vợ tế chồng“. Job gặp rắc rối, phải đút tiền lưng sẵn có cho quan sở tại thì việc đó mới xong. Job Charnock rời chức chánh sở Patna của công ty và năm 1690 mua cho công ty Đông Ấn một bãi đất đầm lầy gần làng Kalikata.

Một góc của khu vực đầm lầy mà Job mua hồi đó – Calcutta ngày nay. Hình từ đây 

 

Chữ ký của Job Charnock. Hình từ đây 

Job Charnock là con của một luật sư địa chủ, lúc 25 hay 26 tuổi đi theo tiếng gọi của hải hồ. Tại Ấn, Job được ghi nhận là người Anh đầu tiên cắt tóc ngắn và ăn mặc kiểu địa phương nên các đồng hương của ông đã không ưa. Tính ông lầm lì ít nói và không thích nhậu, làm việc lại tận tụy cần mẫn và trong sạch, không ăn bớt ăn xén của cải của công ty nên mọi người lại càng ghét. Ông bị đồng nghiệp, đồng sự gièm pha và tố cáo đủ chuyện như tính tình độc ác, đánh đập nhân viên địa phương… Trong 38 năm phục vụ, ông được Công ty chấm điểm cao nhất và tăng thưởng nhưng tiền thưởng làm sao cao bằng tiền ăn cắp, và vì ngay thẳng nên về hưu ông cũng chẳng được giàu. Vào thủa tín ngưỡng Tin lành còn khắt khe, ông bị coi là bỏ Ki tô theo Ấn giáo của vợ. Có nguồn bảo vợ ông chính là cô cao và trắng được ông rút súng ra cứu mạng ở trên kia, tên Moorthi sau được đổi thành Maria, nhưng vẫn có nười hồ nghi hay là một góa phụ Ấn khác (biết đâu lùn và đen), nhưng sao thì cũng ở với ông 25 năm và có 4 người con. Sau khi bà mất thì được chôn cất, tức là theo nghi thức Ki tô thay vì hỏa thiêu theo nghi thức Ấn giáo, nhưng hàng năm ông bị phát hiện là vẫn đến mộ bà cắt tiết một con gà, tức là tà đạo chứ còn gì! Ôi, tình yêu ! Cô con gái đầu của họ về sau lấy chủ tịch Bengal và ông này xây cho bố vợ một cái lăng còn đến ngày nay.

Lăng Charnock (1695) ở Calcutta, là lăng chôn cùng với con gái và do con rể ông dựng. Ảnh ở đây 

Năm 1803 Đế chế Mughal chỉ còn là một cái bóng mờ. Bán lục địa Ấn trên thực tế rơi vào tay công ty Đông Ấn là người thắng trong cuộc giành giật kiếm ăn với Portugal, Hà Lan và Pháp. Tình trạng trên khiến một văn quan Ấn ta thán “Chúng ta còn danh dự ở đâu (nhưng xin dịch là “Chúng ta còn mặt nào…) khi phải nhận lệnh từ một nắm con buôn còn chưa biết rửa đít”. Nhờ thế, Anh quốc trở thành siêu cường số 1 trên thế giới và Big Ben (1859) leng keng cao được 96m.

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Quái vật và biển xanh

Trần Quang Thi

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả