Văn & Chữ

Truyện ngắn: CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI 22. 09. 23 - 11:20 pm

Truyện ngắn của Svetlana Yufereva - Trần Hiên dịch

 

Vladimir Egorovich Makovsky (Nga,1846-1920), “Trong quán rượu, 1887”

 

– Aleksei Mikhailovich, khuya rồi sao bác còn ngồi đây làm gì vậy?

Trên chiếc ghế đá gần khu nhà chúng tôi bác hàng xóm sống ở ngay căn hộ phía trên đang ngồi đó. Để trả lời tôi bác ấy chỉ phẩy tay, cho tôi hiểu là bản thân bác cũng không biết tại sao thay vì nằm trong chăn ấm bác lại ngồi đây hít thở cái khí lạnh tháng Mười dưới ánh sáng đèn đường như thế.

– Nào, để cháu đưa bác về nhà nhé – tôi đề nghị.

– Đừng lo, cháu Natasha! Bác đang chẳng muốn về nhà tẹo nào, để muộn hơn chút nữa đã.

Tôi hiểu tâm trạng bác. Qua những lời thì thầm đồn thổi thì tôi biết là người nhà của bác ấy đối xử với bác không được ổn lắm. Gia đình bác Aleksei Mikhailovich chuyển đến đây hơn một năm trước. Khi ấy nhà bác chỉ có hai người là bác và cô con gái tên là Alla- một phụ nữ độc thân hơn bốn mươi tuổi một chút. Ít lâu sau xuất hiện một người đàn ông cặp đôi với Alla; mà anh này rất không thích bố vợ. Cũng dễ hiểu, vì người trẻ thường thích sống riêng tư và yên tĩnh; còn đây lại có thêm ông già với cả đống thuốc men và đi lại thì lệt sệt…

– Thế hay là bác lên nhà cháu uống tách trà ấm nhé – Tôi mời bác.

– Không tiện chút nào đâu cháu, nhất là lại vào lúc khuya khoắt thế này.

– Ngược lại là khác bác ơi. Chồng cháu hôm nay về muộn lắm vì còn bận đàm phán – nếu có thể nói như thế về bữa tối trong một nhà hàng cùng với một đại gia xây dựng nào đó. Nên có bác sẽ làm vui lên buổi tối cô đơn của cháu đấy.

Thể nào bác lại chẳng có đôi ba câu chuyện về thời trai trẻ mà cháu sẽ rất muốn được nghe – tôi cố kỳ kèo- Bố cháu ngày xưa rất hay kể cho cháu nghe những chuyện kỷ niệm cũ, và cháu rất thích giết thời gian như thế với ông.

– Thôi được, – bác già bỗng đồng ý – thì ta đi làm vài chén trà vậy. Hơn nữa cháu đứng tán chuyện với bác ở đây lạnh đỏ hết cả mũi lên rồi kìa.

Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn trong bếp, uống trà nóng cùng với bánh quế phết bơ.

– Vợ bác ngày xưa rất thích món tráng miệng này. Bà ấy gọi món ngon này là đồ tráng miệng buổi tối.

– Thế hai bác quen nhau thế nào ạ?

– Cháu quan tâm chuyện đó thật à?

– Cháu thích lắm ạ. Cháu rất thích nghe các chuyện quen nhau yêu nhau.

 

**

Aleksei Mikhailovich nhoẻn miệng cười:

– Chuyện của chúng tôi cũng đặc biệt lắm. Bác cướp cô dâu ngay trong đám cưới bạn mình.

– Thật thế sao? – Tôi sốt ruột.

– Đúng thế – bác ấy cười ngoác cả miệng – Một lí do có thể biện minh cho bác là bác đã yêu bà Olia trước anh bạn của bác rất lâu, từ khi còn là học sinh. Nhưng rồi số phận đã chia rẽ hai chúng tôi, rồi lại cho gặp lại trong hoàn cảnh thật éo le. Khi bác tham gia đoàn nhà trai đến rước dâu và nhận ra cô dâu chính là người yêu thuở học trò của mình thì ngay lúc đó bác đã quyết định là không đời nào lại để vuột mất cô ấy lần nữa. Bác cầm cốc sâm banh đứng lên giữa đám đông khách khứa và dõng dạc tuyên bố rằng mình yêu Olia và xin cô ấy hãy chọn bác. Và khi đó bác còn hứa là bác sẽ làm cho cô ấy trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời này.

– Rồi sau đó thế nào bác? – tôi khoái chí hỏi.

– Sau đó bác bị những người phía chú rể đánh cho túi bụi; còn Olia vừa khóc vừa ôm lấy người bác đầy máu vừa thú nhận rằng đến bây giờ cô ấy vẫn yêu bác. Thế là chú rể cũng đành bảo rằng sự thể đã đến nước này rồi thì phải dừng đám cưới lại. Phải nói thêm là lúc đó trong đám khách dự cưới có một cô gái chứng kiến việc này; sau này cô ấy cùng chú rể đã trở thành một cặp đôi hạnh phúc. Nên cũng có thể nói là chuyện đó kết thúc không đến nỗi nào…

– Thế bác có giữ được lời hứa làm cho bác Olia của bác được hạnh phúc không?

– Bác nghĩ là có – bác già mỉm cười – ít nhất thì cũng chưa bao giờ bác thấy bà ấy nói gì về việc này. Tất nhiên là trong cuộc đời hai bác cũng có những lúc thế này thế nọ, nhưng hai bác đã yêu nhau đến tận khi bà ấy qua đời.

Baroyants Mikhaylo Sergiyovich (1925 – 2006), “Đám cưới”

Tôi nhận ra bác già bắt đầu thầm ngáp khi nhâm nhi cốc trà.

– Bác Alekcei Mikhailovich, hay là bác ngủ lại ở nhà cháu đêm nay đi. Nhà vắng quá cháu cũng khó ngủ lắm.

– Thế phiền lắm…- bác ấy lại bắt đầu phản đối.

– Sao lại phiền được. Đến chơi ở lại nhà nhau là bình thường mà. Bác ngủ ở đây đi, rồi sáng mai trong lúc ăn sáng bác lại kể cho cháu nghe chuyện khác nữa.

Bác già đồng ý. Bác ấy nằm trên chiếc đi văng của bố tôi trước đây và thiếp đi rất nhanh. Tôi tủm tỉm cười khi nghe tiếng ngáy của người già, từ lâu vốn cũng đã quen rồi.

Tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì Oleg về.

– Em thấy hôm nay anh về sớm không – anh ấy vừa vào cửa đã nói.

– Khẽ thôi – tôi để ngón tay lên môi – Nhà mình có khách đấy.

Chúng tôi khẽ khàng kéo nhau vào bếp và khép cửa lại. Tôi kể cho chồng nghe mọi chuyện vừa xảy ra, và nhìn anh với cặp mắt cầu khẩn.

– Ngày mai anh sẽ kể cho mọi người trong công ty rằng vợ tôi đêm qua dẫn một ông già vào nhà và bắt tôi phải thật khẽ để yên cho người ta ngủ.

Tôi hôn vào má lởm chởm râu của anh.

– Sao, thường người ta không cạo râu trước các cuộc đàm phán quan trọng à?

– Để râu đang là mốt đấy. Giá mà em nhìn thấy bộ râu của ông chủ công ty xây dựng mà hôm nay anh vừa ký được hợp đồng cực kỳ có lợi nhỉ…

 

***
Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh giấc thì nghe có tiếng nói chuyện trong bếp.

Tôi mỉm cười, nhớ lại thời bố tôi còn sống. Bố tôi và chồng tôi rất hợp nhau và rất chiều tôi. Họ thường thay nhau nấu bữa sáng để cho tôi được ngủ thêm một chút.

Tôi vào bếp, chồng tôi nói:

– Em biết không, bác Alekcei Mikhailovich bảo rằng thời trẻ thường đi câu ở những nơi mà bây giờ chúng mình thường đi, chỉ có điều cá măng ở đó ngày xưa to hơn bây giờ.

– Hai người nói chuyện vui nhỉ – tôi cười nói.

– Bọn anh định làm món bánh tráng với trứng cá măng, nhưng rồi lại phải tẩm váng sữa…

Tôi hít ngửi mùi bánh thơm lừng và véo một mẩu bánh tráng trên đĩa.

– Em cho rằng váng sữa không hề làm hỏng mùi vị của chiếc bánh ngon lành này.

– Này, – chồng tôi nói đùa, đập nhẹ vào tay tôi – chiếc bánh này do bác ấy nướng đấy, và anh thấy nó là chiếc bánh ngon nhất từ trước tới giờ.

– Bà Olia nhà bác cũng từng nướng những chiếc bánh ngon như thế, thậm chí chỉ nướng bằng bếp ga mà ngon y như là nướng bằng lò nướng truyền thống của Nga vậy.

Chúng tôi vui vẻ ăn sáng. Đến khi bác Alekcei Mikhailovich chuẩn bị ra về, tôi bỗng thấy buồn buồn; trên khuôn mặt bác ấy cũng đượm chút buồn. Nhưng bác vẫn ung dung bước ra cửa.

– Thỉnh thoảng bác đến chơi với chúng cháu nhé; chúng ta sẽ nói chuyện câu cá hay chuyện gì khác.

Bác già gật đầu rồi đi khuất.

 

**

Tối hôm đó tôi lại phải về muộn. Sắp đến kỳ báo cáo cuối quý, sếp trở nên dữ dằn và tìm cách vắt hết sức lực của chúng tôi. Về gần đến nhà, tôi liếc nhìn lên cửa sổ phòng bố và ngạc nhiên thấy phòng sáng đèn. Đã hai năm rồi kể từ khi bố tôi mất vì đột quỵ tim thì phòng bố thường tối thui. Giờ thấy đèn sáng trong phòng bố, tim tôi bỗng rộn lên, và giống như thời trẻ, tôi leo hai bậc một lên cầu thang.

– Anh lại mời bác Alekcei Mikhailovich qua chơi. – Oleg báo với tôi.

Họ đang ngồi nói chuyện trong phòng bố. Tôi bỗng thấy khung cảnh ấy quen thuộc làm sao, cứ như là bố tôi đang ở đây vậy.

– Cháu mừng quá, bác không thể tưởng tượng được đâu! Để cháu nấu cho hai người món gì ngon ngon nhé – Tôi nói rồi biến đi thật nhanh để họ không nhìn thấy mắt tôi rưng rưng vì vui sướng.

Trước khi ngủ, Oleg miễn cưỡng kể cho tôi nghe câu chuyện mà anh vô tình bắt gặp xảy ra giữa bác Alekcei

Mikhailovich với anh con rể không thích bố vợ của bác ấy. Người đàn ông ấy túm ngực bác già ngay lối ra vào toà nhà, vu cho bác liên quan đến việc anh ta bị mất cuốn hộ chiếu. Bác Alekcei Mikhailovich bảo từ cha sinh mẹ đẻ chưa hề lấy cái gì của ai, và bác cũng chưa mắc chứng lú lẫn của người già. Chàng rể càng cáu tợn, chắc là cho rằng dự đoán của mình là đúng.

Oleg buộc lòng can thiệp vào câu chuyện không hay ấy của gia đình nhà họ. Và thế là bác Alekcei Mikhailovich lại có dịp đến nhà chúng tôi.

– Cứ để bác ấy ở trong phòng bố, em có đồng ý không?

Tôi đồng ý quá đi chứ.

– Em chỉ sợ rằng người nhà bác ấy khi hiểu ra là bác ấy vẫn cần cho họ thì họ sẽ đến nhà mình tìm bác ấy.

– Nếu như họ hiểu ra! – Oleg nói.

Stanislav Zhukovsky (1837 – 1944), “Bên trong một căn nhà cũ”

Mãi hai tuần sau, người thân của bác mới xuất hiện. Cô con gái trách bác vì bác đã cư xử “thiếu trách nhiệm”:

– Trước mặt hàng xóm mà bố còn không biết ngượng, giận dỗi cứ như trẻ con! Thì anh Giênhia đã nói gì bố nào! Chẳng qua là người ta hôm ấy tâm trạng không tốt, mà bố thì cứ quy chụp tư tưởng này nọ…

– Bố e rằng Giênhia của con thậm chí không hiểu cụm từ quy chụp tư tưởng là gì. – đó là những lời duy nhất mà bác già nói với con gái. À quên, còn một từ nữa là “tạm biệt”; chỉ có điều tạm biệt đến khi nào thì bác không nói.

Phải thú thật là khi nghe bố con họ nói chuyện tim tôi thắt lại. Còn đến khi hiểu ra là bác già chưa có ý định trở về nhà họ thì tôi thở phào nhẹ nhõm. Hai tuần qua chúng tôi đã trở nên thân thuộc đến mức tôi cứ nghĩ là bố tôi đã trở về.

Bác già hoá ra là một người rất vui tính và nói chuyện rất có duyên. Bác ấy có thể nói hàng giờ một cách lôi cuốn các đề tài khác nhau, từ khoa học hiện đại nhất đến bình luận bông đùa về những tin tức hàng ngày.

Rồi một hôm tôi với bác ngồi nói chuyện cởi mở với nhau. Hôm ấy tôi khóc trong phòng tắm, vết tô mắt còn vương lại nên không giấu được bác rằng tôi vừa khóc.

Chúng tôi ngồi bên bàn bếp; tôi thở dài nói:

– Bác ạ, chúng cháu thật không gặp may về đường con cái. Bác sĩ bảo mọi thứ đều bình thường, không có gì lệch chuẩn hết, nhưng…

Alekcei Mikhailovich trầm ngâm một lúc.

– Cháu biết không, Natasha, bác với bà Olia cũng không có đứa con đẻ nào.

Tôi ngạc nhiên nhìn bác.

– Alla là con gái nuôi của bác, – bác già giải thích.- Khi cô em họ của bà Olia qua đời, các bác đem con gái cô ấy về nuôi. Alla khi đó dã lớn và nhớ mọi chuyện. Nhưng bỗng một lần con bé quyết định gọi hai bác là bố và mẹ. Alla không phải người xấu, nhưng cuộc đời nó không may mắn nên nó thất vọng. Có lẽ nó đã quên là bác đã từng bảo với nó rằng hạnh phúc luôn ở bên cạnh ta, ta chỉ cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Cũng như cháu với Oleg, nhất định các cháu sẽ được hạnh phúc.

 

**
Một tuần sau, bác Alekcei Mikhailovich bị đột quy tim. Tôi còn nhớ điều làm tôi sợ nhất là chuyện dường như đang lặp lại. Bố tôi cũng đã ngã quỵ khi đang đi dạo trong sân và qua đời trên đường tới bệnh viện. Nên bây giờ điều duy nhất tôi cầu nguyện là làm sao đưa được bác Alekcei Mikhailovich còn sống đến bệnh viện.

Đến khi người ta đưa bác vào phòng hồi sức cấp cứu, tôi nắm chặt bàn tay bác mà khẩn khoản : “Bác ơi đừng bỏ chúng cháu nhé, chúng cháu cần có bác lắm!”. Rồi bác được cứu sống thật! Sau này bác ấy nói đùa, rằng không thể bỏ đi khi nhìn thấy khuôn mặt sợ hãi của tôi, vì bác hiểu ra là bác còn rất cần có mặt trên thế gian này, còn ở nơi xa kia cứ để bà Olia của bác chờ bác thêm ít nữa.

Sau khi ra viện, bác Alekcei Mikhailovich muốn về nhà với con gái, và cô Alla cũng nằng nặc đòi bác về. Nhưng chồng tôi không cho. Anh nói “Thời gian này bác ấy rất cần được yên tĩnh, mà không khí ở nhà các vị không tạo được sự yên tĩnh, nên cứ để bác ở với chúng tôi”. Tôi nói thêm là tôi sẽ xin nghỉ phép để chăm sóc cho bác.

Vậy là bác Alekcei Mikhailovich ở lại nhà chúng tôi. Bác hồi phục rất nhanh; chẳng bao lâu sau mọi sinh hoạt của bác trở lại bình thường. Thời gian này vợ chồng tôi cũng quen với việc căn phòng của bác chính là căn phòng của bố tôi trước đây. Alla thường xuyên lui tới chỗ chúng tôi; thỉnh thoảng cô đưa ông cụ đi dạo hoặc đi cửa hàng mua sắm. Tình trạng ấy có vẻ khá ổn cho tất cả mọi người chúng tôi.

 

**
Rồi tôi và bác Alekcei Mikhailovich đều nhận ra rằng dạo này Oleg thường về nhà với vẻ mặt như bị mây đen che phủ. Gặng hỏi thì mới biết thì ra anh đang gặp khó khăn về tài chính. Có ai đó đang cản đường chồng tôi nên công ty của anh bắt đầu làm ăn tụt dốc. Thâm hụt chưa lớn, nhưng không thể bù đắp. Nói đúng hơn thì để trở lại được tình trạng như trước cần có một khoản đầu tư khá lớn mà chưa biết lấy đâu ra.

Thế rồi bác già của chúng tôi đã làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên.

– Bác có số tiền cháu cần đấy.

– Bác có ư? – Oleg sửng sốt.

– Đúng. Cháu đừng ngạc nhiên. Sau khi bà Olia mất, bác được nhận thừa kế từ một ông chú một ngôi nhà cũ. Ngôi nhà đã cũ nát, nhưng lại nằm trong một khu đất có vị trí đắc địa, nơi người ta dự tính xây các biệt thự cho nhà giàu. Bác được nhận kha khá tiền đền bù, rồi đem đầu tư cổ phần vào một công ty lớn. Cho nên chừng đó năm trôi qua, đến nay đã được một khoản khá lớn.

Hai vợ chồng tôi nửa tin nửa ngờ nhìn bác, cố xác định xem có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời tuyên bố ấy của bác già. Rồi tôi là người định thần trước, cười phá lên.

– Bác quả là biết cách làm cho người ta kinh ngạc, bác ạ.

– Quả có thế thật,- Oleg phụ hoạ lời tôi. – Chỉ có điều cháu sẽ không nhận tiền của bác đâu, dù có rơi vào hoàn cảnh như thế nào.

– Thế nếu bác góp cổ phần thì sao đây? – bác già cười ranh mãnh.

Oleg có vẻ đăm chiêu.

– Nếu thế thì có thể được. Nhưng bác có dám liều không?

– Bác đã nghiên cứu kỹ cung cách hoạt động của công ty cháu rồi, chắc chắn sẽ thành công.

Tôi nghe hai người đàn ông nói chuyện và nghĩ: Người già thật là một thế giới lạ kỳ, đầy rẫy những bí mật và ẩn số! Như trường hợp bác Alekcei Mikhailovich này chẳng hạn, vì sao mà bác lại chịu khổ sở mà ở cùng vời chàng rể khó chịu kia, trong khi bác dư sức mua cho mình một nơi ở riêng. Mà không chỉ là nơi ở bình thường; bác có thể mua được hẳn một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển Hắc Hải. Nhưng ở đây rõ ràng không phải là tính hà tiện ngăn cản bác làm như vậy, mà là thói quen sống chắt chiu tằn tiện. Thế hệ của bác người ta không quen tiêu xài phung phí tiền bạc cho những tiện ích cá nhân. Để giúp đỡ người thân đang lâm vào cảnh bần hàn thì được, chứ tiêu pha cho bản thân thì không. Tôi biết chắc chắn điều đó, bởi bố tôi ngày trước cũng y như vậy.

Đương nhiên số tiền của bác Alekcei Mikhailovich đã cứu được công ty, và bác ấy cũng đã nhận được lãi suất đúng hạn. Lòng tốt bao giờ cũng được đền đáp. Bởi thế gian này đã được dàn dựng như thế…

*

(Tên truyện do người dịch đặt vì truyện gốc không có tên)

*

Cùng người dịch:

- Truyện ngắn: CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI

- Truyện ngắn: THỪA KẾ

- Truyện ngắn: TRÁI TIM LẠ

- Truyện ngắn: NHẬT KÝ

- Truyện ngắn: CÔ Y TÁ

Ý kiến - Thảo luận

20:33 Sunday,24.9.2023 Đăng bởi:  Nguyễn Tiến Nghĩa
Một câu chuyện hay và đẹp.
...xem tiếp
20:33 Sunday,24.9.2023 Đăng bởi:  Nguyễn Tiến Nghĩa
Một câu chuyện hay và đẹp. 
17:26 Saturday,23.9.2023 Đăng bởi:  Linh
Một câu chuyện ngắn cho một buổi chiều thứ Bảy.
Cảm ơn dịch giả và Soi.
...xem tiếp
17:26 Saturday,23.9.2023 Đăng bởi:  Linh
Một câu chuyện ngắn cho một buổi chiều thứ Bảy.
Cảm ơn dịch giả và Soi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả