Nghệ sĩ thế giới

iArt: Hay nhất và tệ nhất từ Apple 10. 01. 11 - 11:24 pm

Hồ Như Mai dịch

 

“Không đề, 10. 7. 2010”, bức vẽ trên chiếc iPad của David Hockney

NEW YORK—Năm 2010 vừa rồi Apple chính thức trở thành công ty công nghệ lớn nhất trong lịch sử, và trên đường chinh phục thế giới công nghệ, Apple cũng tiện tay thôn tính cả thế giới nghệ thuật: các sản phẩm nóng của Apple liên tục tạo nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ thuộc mọi trường phái, với đủ các thái độ từ tôn thờ, làm ngơ đến phá hủy tàn tận. Nhân dịp năm mới khi nơi nơi đầy rẫy i-này i-nọ, xin lướt qua một vòng các tác phẩm được gợi cảm hứng từ gã khổng lồ công nghệ khác thường này.

 

“Không đề, 27. 6. 2009”, bức vẽ bằng iPhone từ series của David Hockney

1. Loạt tranh của David Hockney thực hiện trên bề mặt sáng loáng của iPhone và iPad mặc nhiên đưa ông trở thành người phát ngôn không chính thức của Apple. Sau nhiều năm Hockney gởi “tranh ảo” vẽ hoa lá cho bạn bè, giờ các tác phẩm của ông đang được trưng bày tại Quỹ Berges và Yves Saint-Laurent ở Paris cho đến ngày 30 tháng Giêng. Các gam màu kỹ thuật số của Hockey đã được so sánh với Picasso và Matisse, xóa đi định kiến rằng nghệ thuật đỉnh cao và màn hình cảm ứng không thể đội trời chung. “Màu sắc lúc nào cũng có sức quyến rũ”, nghệ sĩ phát biểu trong một video clip trên trang web của Quỹ. “Đương nhiên là vậy rồi. Chẳng có vấn đề gì ở đây cả. Chẳng lẽ bạn không muốn được quyến rũ hay sao?

 

Tác phẩm “A Hunament” của Tom Phillips mất hàng thập kỷ thực hiện, cuối cùng nhờ đến iPad để hoàn tất

2. Nghệ sĩ người Anh Tom Phillips sau hàng thập kỷ thực hiện tác phẩm A Humament cuối cùng phải nhờ đến iPad để hoàn tất. Dự án này bắt đầu năm 1966 với việc Phillips biến hóa, xử lý lại tác phẩm A Human Document, một cuốn sách tầm thường của một tác giả gần như vô danh W. H. Mallock bằng cách thêm nội dung, cắt ghép, vẽ vời và biến nó thành một bản mới hoàn toàn. Phillips đã thực hiện được 4 bản như vậy nhưng đến bản thứ 5 thì cho xuất bản dưới dạng một ứng dụng của iPad kèm theo một bản dành cho iPhone sắp ra mắt trong đầu năm 2011. Phillips có nói với báo The Independent rằng “các trang tác phẩm trên iPad trông đẹp hơn ở bên ngoài” nhờ tính chất sáng bóng của màn hình. Ứng dụng này còn kèm thêm một tính năng là “Oracle”, có khả năng ghép hai trang ngẫu nhiên với nhau để tạo ra các văn bản khá thú vị và ngữ nghĩa hoàn toàn mới.

 

Cột tháp iPhone của Electroboutique

3. Thế nhưng cứ không phải gắn một chữ “i” đằng trước là có ngay tác phẩm độc đáo. Ví dụ hầu hết đều nhất trí rằng cột tháp iPhone của Electroboutique (nghệ danh chung của Aristarkh Chernyshev và Alexei Shulgin) là… tác phẩm điêu khắc dở hơi nhất tại Triển lãm Frieze 2010. Tác phẩm điêu khắc vặn vẹo hình chiếc iPhone được đặt tên là Quốc tế 3G – một cái nháy mắt với Tháp Tatlin – đài kỉ niệm Quốc Tế thứ Ba hình lục giác bị bỏ quên trên bảng vẽ. (Tới đây thì đành thở dài, lại là chuyện Tư bản vs. Cộng sản!). Nhưng trong khi tháp Tatlin có một vẻ hấp dẫn huyễn hoặc thì chiếc iPhone to đùng uốn éo của Electroboutique nói thẳng ra là vừa bóng lộn vừa nhàm chán.

 

Tác phẩm “Powerstep” của Dodge dùng năng lượng bước đi của người mang giày để nạp vào các thiết bị di động

 

“Sleep Talker” của Alex Dodge – chiếc mũ trắng gắn cực điện để hòa cuộc sống trong mơ của người đội với bạn bè qua một giao diện trực tiếp

4. Nghệ sĩ, nhà thiết kế Alex Dodge hồi hè năm ngoái cũng thực hiện một triển lãm tác phẩm được gợi cảm hứng từ công nghệ, kiểu kiểu phiên bản khoa học viễn tưởng của một cửa hàng Apple vậy. Mặc dù Generative Inc., công ty mà Dodge đã giới thiệu là một labo để anh nghiên cứu và phát triển thực sự, các “nguyên mẫu” trong triển lãm thể hiện nhiều cấp độ của thực tế và tưởng tượng – từ đôi giày Powerstep dùng năng lượng bước đi của người mang giày để nạp vào các thiết bị di động, cho đến Sleep Talker – chiếc mũ trắng gắn cực điện để hòa cuộc sống trong mơ của người đội với bạn bè qua một giao diện trực tiếp. Nhà văn khoa học viễn tưởng Philip K. Dick nếu còn sống sẽ phải nói gì đây?

 

Erik Isaac thực hiện tác phẩm sắp đặt từ màn hình bị vỡ của 100 chiếc iPhone

5. Erik Isaac thực hiện tác phẩm sắp đặt từ màn hình bị vỡ của 100 chiếc iPhone, treo lơ lửng cách sàn gallery vài tấc. Ý đồ tác phẩm là một sự chiêm nghiệm về… vòng đời của sản phẩm. Issac rất mê con iPhone của mình, nhưng lại trả lời phỏng vấn Denver Post rằng với tác phẩm này anh muốn “thể hiện iPhone ở một tầm thấp hơn, nói trắng ra là hạ thấp đẳng cấp của nó”. Thế người xem triển lãm thì nói gì? “Phần lớn nói về chuyện điện thoại hỏng” Issac trả lời.

 

Tác phẩm sau khi Michael Tompert dùng súng bắn vào chiếc iPhone

6. Nhưng Issac như vậy xem ra còn hiền lành với iPhone, nhất là khi so sánh với tác phẩm của Michael Tompert. Nhà thiết kế đồ họa San Francisso này cất công đi mua sản phẩm mới toanh của Apple để… đập phá rồi chụp hình lại. Tompert dùng súng ngắn bắn vào iPhone, nghiền nát iPod Nano trên đường tàu và tra tấn không thương tiếc… con iPad. Sau khi đập bằng búa tạ không ăn thua, Tompert nung nóng sản phẩm này bằng một mũi hàn cho đến khi nó nổ tung. David Ng, thời báo Los Angeles nhận xét rằng “trong các sản phẩm bị phá hủy này có chút gì đó rất dada, rất siêu thực”.

Đập phá đến vậy nhưng Tompert, cũng như Issac, lại thừa nhận là vô cùng yêu quý Apple- thậm chí, trước đây còn… làm việc cho Apple nữa.

 

Chiếc iPad bị Tompert đốt nóng

*

Từ ArtInfo

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả