Văn & Chữ

Truyện ngắn: TRÁI TIM LẠ 12. 10. 23 - 5:49 pm

Truyện ngắn của Irina B. - Trần Hiên sưu tầm và dịch

Yulia và Dima cưới nhau lúc 20 tuổi. Họ học cùng một trường đại học, cùng một khoa. Trẻ trung, năng động, cuồng nhiệt và yêu nhau tha thiết. Tốt nghiệp đại học, họ tìm được việc làm, rồi cưới nhau, mua được một căn hộ trả góp

Dima giờ đã trở thành ông Dmitri Aleksandrovich – trưởng bộ phận bán hàng và Yulia giờ là bà Yulia Ivanovna – trợ lý kế toán trưởng. Họ bán căn hộ nhỏ một phòng và mua được căn hộ mới ba phòng. Dường như mọi việc trong gia đình đều ổn, suôn sẻ, vợ chồng sống rất hòa thuận, không cãi vã, không xô xát. Chỉ có một vấn đề: họ không có con. Mà cả hai đều đã 35 tuổi rồi…

– Anh Dima, hay là chúng mình ra nước ngoài khám xem sao?- Yulia thở dài.- Hay là đi làm thụ tinh trong ống nghiệm?

– Họ đã bảo là chúng mình không sao cả mà. Em cũng đã uống hoocmon rồi. Cứ chờ đi, – Dima nhún vai trả lời.

– Chờ gì nữa?! – Yulia nói. – Em đã hai lần sẩy thai. Giờ thì không thể mang thai được nữa! 4 năm rồi còn gì! Còn chờ gì nữa anh? Chẳng lẽ chờ đến khi 40 tuổi sầm sập đến à?

Dima một mặt rất hiểu sự sốt ruột của vợ và ủng hộ nỗi lòng khao khát muốn sinh con của cô. Mặt khác, vì sống bên nhau lâu quá rồi nên anh đã quen với nếp sống tiện nghi, yên tĩnh và thanh bình này. Cho nên anh nghĩ không cần thiết phải áp dụng biện pháp gì gay gắt cho lắm: mọi việc cứ để thuận theo tự nhiên thôi. Yulia thì không đồng ý với quan điểm đó, và muốn tận dụng mọi cơ hội để được làm mẹ…

***

Yulia quyết định đi khám lần nữa. Ngay lần khám đầu, bác sĩ phụ khoa đã phát hiện là cô đang mang thai: được năm, sáu tuần rồi. Bác sĩ yêu cầu Yulia nhập viện để bảo vệ cái thai. Cô nằm viện hầu như suốt thời kỳ mang thai, lúc thì đe doạ bị sẩy, lúc tăng huyết áp…Cho dù thế, cuối cùng Yulia cũng đã sinh đúng hạn một bé trai nhỏ xinh xắn. Hai vợ chồng đặt tên con là Bogdan – nghĩa là Trời cho.

Đứa trẻ nhìn bề ngoài là một thiên thần thực sự. Đôi mắt xanh mở to, mái tóc xoăn vàng, lúm đồng tiền trên đôi má hồng hào. Ngay cả Dmitry, người coi trọng sự bình yên và thoải mái của riêng mình, hầu như không cảm thấy có sự thay đổi nào: cậu bé ngủ ngoan cả ngày cả đêm, chỉ thức dậy để bú mà thôi.

Bé tăng cân đúng tiêu chuẩn, hay cười ngặt nghẽo phô hai hàm lợi không răng… Dễ hiểu là vì sao cha mẹ và họ hàng lại yêu bé đến thế.

Bé Bogdan một tuổi biết đi, một tuổi rưỡi biết nói những từ đầu tiên. Julia và Dima tìm thấy ý nghĩa mới của cuộc sống: đứa trẻ là chính họ…

Valentina Shebasheva, “Ở nhà,1955”

**

Mọi thứ thay đổi thật bất ngờ. Đến tháng 9 thì cậu bé bị ốm. Bé bỗng sốt rất cao. Cha mẹ bé nghĩ rằng bé bị cảm, nhưng thuốc hạ sốt không có tác dụng. Yulia đưa con nằm viện. Bác sĩ khám xét cho cậu bé. Tuy nhiên mọi chỉ số xét nghiệm đều trong giới hạn cho phép. Người ta không thể chẩn đoán ra bệnh gì, cho đến khi gửi cháu cho thầy thuốc chuyên khoa tim.

– Mời chị ngồi. – Vị giáo sư cao tuổi chăm chú nhìn Yulia.- Câu chuyện này không nhẹ nhàng đâu. Con trai chị bị bệnh cơ tim hạn chế.

– Thế nghĩa là gì ạ? – bà mẹ khẽ hỏi. Cô nhận ra rằng cuộc trò chuyện này không mang lại điềm lành gì cho cô. Tim cô đập thình thịch trong lồng ngực và tay đổ mồ hôi lạnh.

– Có nghĩa là trái tim của con cô sẽ ngày càng cứng lại, và khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể sẽ yếu dần. Rất tiếc rằng đây là một quá trình không thể đảo ngược.

– “Không thể đảo ngược” là ý thế nào ạ?! Chúng tôi làm sao bây giờ? Làm gì để cứu bé Bogdan? – Giọng Yulia run lên.

– Muốn cứu cháu bé chỉ có một cách là thay tim. Nhưng ở nước ta hiện tại những cuộc cấy ghép như thế chưa được thực hiện. Tôi sẽ kê đơn cho chị. Thuốc sẽ trợ giúp một thời gian…

– Xin đợi một lát! Thế nào là “một thời gian”?! Tại sao ở ta lại không tiến hành những cuộc phẫu thuật như thế? Tôi có nghe nói rằng từ lâu đã có đạo luật chấp nhận cấy ghép tạng cho trẻ.

– Luật đã có, nhưng còn rất nhiều vấn đề. Trên thực tế thì chưa có cuộc phẫu thuật nào ghép tạng trẻ nhỏ cả…

Giáo sư kê đơn thuốc cho bé Bogdan. Hàng ngày cậu bé phải uống thuốc viên và thuốc nước tính theo giọt. Khi bé tròn 3 tuổi thì không đi nhà trẻ nữa: bé bị chống chỉ định với việc tiếp xúc với người lạ, nếu không bé sẽ bị ốm. Bất kỳ bệnh lây nhiễm nào cũng có thể làm cho tình trạng của bé tồi tệ hơn…Giờ đây, thường xuyên đến thăm gia đình Yulia và Dmitry không còn là họ hàng thân quen mà là các bác sĩ…

– Mẹ ơi, khi nào con lớn con sẽ làm nhà du hành vũ trụ, – Bogdan phấn chấn nói, – con sẽ cưỡi tên lửa bay đến những hành tinh xa nhất!

– Đương nhiên rồi con trai à! Con nhất định sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ nổi tiếng nhất! – hai mắt Yulia ngấn lệ. Trong trường hợp của bé Bogdan, thực tế phũ phàng nhất không phải là “khi con lớn lên” mà là “nếu”…

– Thưa giáo sư Mikhail Petrovich, chúng tôi không thể ngồi chờ như thế này được! – Yulia nhìn vị giáo sư cầu khẩn. – Có thể ở nước ngoài nào đó người ta có tiến hành cấy ghép chăng? Chúng tôi sẽ kiếm đủ tiền, bao nhiêu cũng được!

– Chị Yulia thân mến. Những cuộc cấy ghép tim cho trẻ đương nhiên là trên thế giới vẫn có tiến hành. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề. Ở hầu hết mọi quốc gia, để có tên trong danh sách chờ hiến tạng và nhận được sự cho phép, bạn cần phải có quốc tịch của quốc gia đó. Ngoại trừ ở Ấn Độ…

– Ấn Độ thì sao ạ? – Yulia chộp ngay mấy từ cuối của giáo sư, như người chết đuối vớ được cọc.

– Ở Ấn Độ thì thậm chí người quốc tịch Nga cũng được phép nhận và ghép tạng. Tôi sẽ giúp anh chị làm giấy tờ. Một điều khó duy nhất là xếp hàng có thể bị lâu.

Vị bác sĩ nói câu cuối với ngữ điệu mà nghe xong thì Yulia hiểu ra rằng: con trai bé bỏng của cô có thể không chờ được đến lúc có tim ghép. Tuy nhiên cô không được phép đầu hàng – cần phải tận dụng mọi khả năng, dù là nhỏ nhất mà số phận dành cho họ. Thời gian đó, cô nhận được rất nhiều cú điện thoại gọi từ các bệnh viện nước ngoài, và cô hiểu là chỗ họ không nhận làm phẫu thuật như thế…

– Yul này, em có tin chắc rằng ở Ấn Độ người ta có thể mổ ghép tim được không? Anh thì không mấy tin tưởng- Dmitry thở dài. Anh rất lo lắng, mặc dù phải luôn cố tỏ ra cứng rắn vì con vì vợ.

– Em tin, anh Dim à. Chẳng có cách nào khác cả. Họ đã cho chúng ta xếp hàng rồi, chỉ là còn phải chờ lâu. Bác sĩ bảo chừng nửa năm nữa thì chúng ta sẽ phải đến đó, vào bệnh viện ở đó. Để tránh trường hợp lúc cần chúng ta không có mặt…

– Yul, em yên tâm đi. – Anh ôm lấy vợ – Chúng ta có gần đủ tiền rồi. Cám ơn các nhà thiện tâm. Anh cũng đã vay ngân hàng…Quan trọng là bé Bogdan chờ được tới lúc có tim!

– Anh biết không, anh Dim, mỗi lần em nghĩ về chuyện này thì em cứ muốn phát điên lên. Bởi vì thành ra là để cho con chúng mình được sống thì một đứa trẻ khác phải chết! Đây là một vòng luẩn quẩn! Cái chết của một đứa trẻ này là vì sự sống của một đứa trẻ khác!

Nước mắt chảy dài trên hai má Yulia, chỉ có điều cô không nhận ra.

– Thôi em đừng nghĩ nữa. – Dmitry thở dài. Đã từ lâu cũng ý nghĩ như thế dày vò anh. Anh ôm vợ, cố gắng an ủi cô. Trên chiếc giường cũi, Bogdan nhỏ bé của họ đang ngủ yên. Không lẽ con không có quyền được sống ư?

Bozhyi Mykhailovych, (1911 – 1990), “Igoryok, 1950”

**

– Mẹ ơi, chúng ta sắp đến nơi chưa? Mà ở Ấn Độ có voi không? Thế cái bác có đội chiếc cặp trên đầu đang làm gì thế? – thằng bé hỏi luôn miệng trên đường đi, cho tới khi họ đến được nơi chữa bệnh.

Trong bệnh viện, một bác sĩ nói tiếng Nga gặp họ. Bé Bogdan lại được khám xét. Rồi hai mẹ con chờ đến lượt.

– Ở đây chẳng đơn giản chút nào, rồi bạn sẽ thấy đủ, thật khủng khiếp – cô Nhina, mẹ của bé gái Alina 4 tuổi nói với Yulia, hai mẹ con họ cũng đang xếp hàng chờ. – Lúc đầu tôi chẳng thể ngủ được…Rất nhiều trẻ đã không chờ được đến khi có tim ghép. Điều đó thật đáng sợ. – người phụ nữ đó nhìn ra cửa sổ, ánh mắt phủ mờ sương.

– Sao cơ?! Bọn trẻ cứ thế mà chết à?! Không thể làm gì được sao?! – Yulia run rẩy. Cô không thể tin được những gì vừa nghe thấy.

– Một số bé được ghép tim nhân tạo, nhưng chỉ hoạt động được vài năm. Đó là do cơ chế thải loại của cơ thể sau phẫu thuật, mà cũng tốn khá nhiều tiền…Chúng tôi thì sau một tuần nữa sẽ được ghép. Bây giờ phải khám lại định kỳ đã…

– Nhina này, thế có chút khả năng nào chờ được tới lúc ghép tim thật không? Nghĩa là đã từng có bé nào được ghép tim thật chưa?

– Đương nhiên là có, – Người phụ nữ đó thở dài – nếu như họ tiến hành ghép thì cuộc mổ thường là thành công. Nếu như họ mổ…

– Chị có biết không, tôi sợ nhất là việc để con tôi được sống thì con ai đó phải chết. – Yulia thì thào.

– Mọi người đều sợ điều này. Ở đây không tiện nói việc đó.- Nhina thở dài.

Rồi bé Alina được ghép tim nhân tạo. Bây giờ thì bé có thời gian để chờ tới lúc có người cho tim. Hai mẹ con Nhina đã ra viện.

Yulia cùng con trai nằm bệnh viện đã được gần 3 tháng. Bé Bogdan tiếp tục uống thuốc. Tình trạng của bé không khá hơn. Ngược lại, càng ngày bé càng hay mệt hơn, hay phải nằm dài trên đi văng thay vì đi dạo. Yulia ôm con, vuốt tóc con và kể cho con nghe truyện cổ tích.

– Mẹ ơi, chúng mình về với bố đi? – Bé Bogdan hỏi.

– Tất nhiên rồi. Còn một ít nữa thôi, rồi mẹ con mình sẽ về. Còn phải đợi thêm ít nữa…

Yulia cố gắng không khóc: con trai nhất định không được thấy nước mắt của cô. Cô phải thật cứng rắn. Trong suốt thời gian ở bệnh viện này cô dã phải chứng kiến điều kinh khủng nhất: cái chết của trẻ nhỏ. Một bé gái tóc vàng 5 tuổi đã không thể chờ đến lượt mình. Yulia đã nghe thấy tiếng gào khóc khủng khiếp của mẹ bé gái đó trong hành lang bệnh viện, khi người ta đưa thi thể cháu rời đi. Tiếng gào thét đau lòng ấy làm cô đêm đêm lại tỉnh giấc. Cô tỉnh dậy và vùi đầu vào gối mà khóc trong khi bé Bogdan ngủ say…

**

Rồi cái ngày ấy đã thay đổi cuộc đời của Yulia.

Yulia tỉnh giấc vì cảm giác có ánh mắt nhìn chằm chằm của ai đó. Cô ngồi dậy trên giường. Trong phòng, một người phụ nữ lạ mặt đang đứng nơi cửa sổ. Người đó trông như một cái bóng: gầy nhỏ, mong manh.

– Xin lỗi – Người đó nói tiếng Nga, – tôi cần phải gặp chị. Nó đây à? – Chị ấy hỏi, dưa mắt về phía Bogdan.

– “Nó” nào?- Yulia khẽ hỏi lại- Đây là con trai tôi!

– Là bé trai đang cần ghép tim. Cháu mấy tuổi rồi?

– Bốn tuổi. – Yulia thì thầm đáp.

– Con gái tôi năm tuổi. Con trai chị sẽ sống.- người phụ nữ nói khẽ; nước mắt lăn dài trên má. Rồi người ấy bước ra khỏi phòng.

Mairjy Savchenkova (sinh 1917), “Valechka, 1961”

Yulia rất lo lắng: cô không thể hiểu là người phụ nữ không quen kia cần gì ở cô. Mấy cô y tá cũng không thể hiểu Yulia nói gì, vì họ chẳng nhìn thấy người lạ nào cả.

Đến tối muộn, khi đã hết ca làm việc, bác sĩ ngó vào phòng cô.

– Hãy sẵn sàng nhé! Cuộc mổ sắp được tiến hành. Đã có tim ghép hoàn toàn tương thích với con trai chị.

Đêm đó Yulia không ngủ được tí nào: bé Bogdan có khả năng sống rồi, một bé nào đó đã chết, trao khả năng ấy cho con cô…

– Ai là người cho Bogdan tim ạ? – Ngày hôm sau cô hỏi bác sĩ. Câu hỏi đó hành hạ cô, cho dù cô biết rằng câu trả lời sẽ không thể giúp cô thấy nhẹ nhõm hơn.

– Tôi không được quyền nói với chị, – vị bác sĩ nói – nhưng đằng nào rồi chị cũng sẽ biết thôi. Một bé gái 5 tuổi bị tai nạn. Cháu đang ở trong bệnh viện này. Cháu đã chết não. Mẹ cháu đồng ý cho tim. Trái tim phù hợp với con trai chị về mọi thông số.

– Bà ấy là người Nga ư? – Yulia hỏi, nhớ đến người phụ nữ lạ mặt.

– Mẹ của bé gái sinh ra ở Nga, – bác sĩ trả lời – bà ấy rất khó khăn để quyết định việc này – vị bác sĩ luống tuổi đằng hắng. Rõ ràng là cho đến giờ, ông vẫn không quen được việc cứu mạng sống cho một người là nhờ một người khác đã bỏ mạng…

– Tôi có thể cám ơn bà ấy bằng cách nào? – Yulia hỏi, rồi tự mình chất vấn chính mình: Làm sao có thể cám ơn một việc như thế được?! Cám ơn vì cái gì chứ?! Vì mạng sống ư?!

– Bà ấy sẽ nói với chị.- vị bác sĩ nói mà không nhìn vào mắt người đối thoại…

Yulia không nhớ là mình đã chịu đựng như thế nào khi ca mổ diễn ra. Cô cứ đi đi lại lại trong hành lang, đo đếm từng bước chân, như một con thú bị săn đuổi. Và bỗng nhiên cô nhìn thấy người phụ nữ không quen đã đến gặp cô trước khi diễn ra ca phẫu thuật. Đó là mẹ của bé gái đã cho bé Bogdan của cô cơ hội được sống. Người ấy bước vào hành lang, dừng lại trước phòng mổ. Yulia đến gần.

– Cám ơn chị.- Yulia khẽ nói – tôi không biết nói gì với chị lúc này. Xin thứ lỗi cho tôi. Và xin cám ơn vì đã cho con trai tôi cơ hội được sống…

– Bé Varia của tôi đã không có cơ hội đó. Con gái tôi chết mất rồi. Tôi muốn đề nghị với chị một điều…

– Chị yêu cầu gì cũng được ạ, – Yulia đưa tay quẹt nước mắt – Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì chị cần.

– Tôi muốn được nghe thấy trái tim con gái Varia của tôi đập như thế nào, – người phụ nữ đó nói – ngoài ra tôi không cần gì cả…

**

Yulia nhìn con trai mình qua tấm kính của phòng chăm sóc đặc biệt. Ca mổ đã thành công. Bé Bogdan sẽ được sống lâu dài, hạnh phúc. Tất nhiên là họ sẽ còn phải trải qua quá trình phục hồi chức năng khá lâu cũng như phải chịu sự giám sát của bác sĩ, nhưng các chẩn đoán đều cho tiên lượng tốt. Bogdan sẽ khoẻ lại, sẽ được sống một cuộc sống có ý nghĩa và dài lâu.

A. Timofeev. “Mùa xuân”, không rõ năm vẽ

Mẹ của bé gái Varia đứng bên giường bé Bogdan. Cô mặc chiếc váy suông, khoác trên vai chiếc khăn choàng trong suốt. Cô nhẹ nhàng ghé tai lên ngực Bogdan. Yulia nhìn cô ấy qua cửa kính mà không cầm được nước mắt. Bà mẹ của bé gái đã mất đang lắng nghe tiếng nhịp đập trái tim con gái mình trong lồng ngực bé trai này. Không có trái tim này, bé trai sẽ không bao giờ được chơi bóng cùng các bạn, không được đua xe đạp, không được đắp người tuyết…Bé trai cũng sẽ không được đến trường, không được nhận điểm “5” đầu tiên, không có mối tình đầu… Sẽ không được nghe tiếng mưa đập vào cửa sổ và tiếng chim sơn ca hót líu lo vào tháng Năm… Không bao giờ…

Bé gái Varia không còn nữa trên đời, nhưng trái tim của bé vẫn đang đập. Cái chết của một người đã cứu sống một người khác…Thậm chí đôi khi cái chết đem lại hi vọng cho sự sống…

*

Cùng người dịch:

- Truyện ngắn: CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI

- Truyện ngắn: THỪA KẾ

- Truyện ngắn: TRÁI TIM LẠ

- Truyện ngắn: NHẬT KÝ

- Truyện ngắn: CÔ Y TÁ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả