|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếCHILD OF LIGHT: chơi game, ngắm tranh, nghe nhạc, đọc thơ 09. 11. 23 - 12:57 pmWillow Wằn WạiĐôi khi có người hỏi tôi, rằng muốn giới thiệu một tựa game cho người khác thì nên giới thiệu gì? Game gì đừng phức tạp quá, đừng dài quá, đừng máu me dễ sợ, đừng nặng nề u ám quá và cũng đừng… chẳng có gì, mà vẫn phải hay, phải hấp dẫn. Trong đầu tôi sẽ luôn gợi ý: chơi Child of Light. Không cần biết bạn có phải là một game thủ lão luyện, hay một nhi đồng mới được bố mẹ tặng máy game, hay là một bậc phụ huynh có chút thì giờ nhàn rỗi, đây vẫn là tựa game phù hợp với tất cả mọi người. Rất khó để tìm được một game nào đó có thể dành cho tất cả mọi người mà vẫn có một chiều sâu nhất định. Và Child of Light luôn nằm trong danh sách yêu thích của tôi, thậm chí là một trong những game hiếm hoi tôi sẵn lòng chơi lại mấy lần, vì game vẫn còn nhiều thứ để tận hưởng. Đặc biệt, game này yêu cầu cấu hình khá thấp, người chơi không cần đầu tư dàn máy xịn sò mà vẫn được thưởng thức trọn vẹn cả phần nghe lẫn nhìn. Game có nội dung về một nàng công chúa bị lạc vào một thế giới phép màu. Thoạt nghe đến đây, có người có thể nghĩ “ui, nghe chán chết!”. Có điều Aurora không phải là một nàng công chúa mờ nhạt mà là một em bé dễ thương không kể xiết. Mô típ con nít xuất hiện trong game thì hoặc là nhí nhảnh quá đà, hoặc tinh quái hơn cả kẻ phản diện, có khi còn gây ngán ngẩm cho người chơi (nhất là các game nhập vai của Nhật). Riêng Aurora (và các nhân vật khác, vì nhân vật nào cũng rất đáng yêu) sẽ đốn gục trái tim bạn. Hình ảnh em lũn cũn chạy, khi đánh nhau vác theo một thanh kiếm to đùng, cầm còn rơi lên rơi xuống, nhìn vừa mạnh mẽ vừa đáng yêu khôn tả. Concept mỹ thuật trong Child of Light được lấy cảm hứng từ thời đại Hoàng Kim của tranh minh họa (khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20), khi sách báo là nguồn cung cấp thông tin, kiến thức phổ biến nhất và hình ảnh minh họa vì thế cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Phong cách thiết kế tựa như những tranh vẽ bằng chì màu và màu nước. Đoàn xiếc nghệ thuật Mặt Trời (Cirque du Soleil) nổi tiếng của Canada đã tham dự với tư cách cố vấn nghệ thuật và tạo hình để hỗ trợ xây dựng một thế giới màu sắc, gây ấn tượng hơn, khiến người chơi có cảm giác như đang được theo dõi một màn trình diễn trên sân khấu kịch. Với phần nhạc game, studio đã mời ca sĩ/nhạc sĩ Cœur de Pirate tham gia. Cô gái tài năng (và khi ấy cũng rất trẻ, lúc đó mới chỉ 25 tuổi nhưng đã đạt nhiều giải thưởng và thành tựu âm nhạc ở Canada) đã sáng tác toàn bộ nhạc cho game. Không biết do chạy deadline không kịp hay do có chủ đích mà studio đã không gửi đến bản nội dung game chi tiết, cho nên Cœur de Pirate đã tự do sáng tác dựa trên những dữ kiện về một cuộc phiêu lưu trong thần thoại với nhiều cung bậc cảm xúc. Sử dụng nhạc cụ chính là piano, nhạc cụ dây và sáo, những bản nhạc trong Child of Light thực sự khiến tôi đắm chìm vào đó. Mỗi vùng đất đi qua và mỗi giai đoạn trong game, ngoài tranh đẹp thì còn có những bản nhạc dành riêng cho nó. Hội họa cùng âm nhạc kết hợp mượt mà và nhuần nhuyễn đến mức chỉ cần nghe tiếng nhạc cất lên hay nhìn bảng màu là tôi đã có thể nhớ lại một khung cảnh trong đầu. Thậm chí chơi game mấy lần không đã, tôi còn phải lên Apple store mua nguyên album OST về để nghe. Một điều không phải game nào cũng làm được, đó là viết lời thoại sao cho hay. Child of Light chắc chắn không phải game có thoại hay nhất hay kịch bản đặc sắc nhất, nhưng một điều cực kỳ độc đáo và hay ho là mọi lời thoại đều nối vần với nhau, như những bài thơ, từ lời dẫn chuyện đến hội thoại của các nhân vật, đọc rất thú. Lời thoại trong game, khi nhân vật chuột Robert đang mơ mộng về người yêu, và anh hề Tristis cảm thán (tạm dịch): Hiểm họa sát gần, có thể trông Phiên bản game ở ngôn ngữ nào cũng được chuyển ngữ thành thơ hết. Cho nên người nào biết nhiều ngoại ngữ thì thường phải chơi lại, mỗi lần đọc một loại tiếng. Tuy rằng game khá ngắn và nội dung đơn giản, phải ghi nhận nỗ lực của studio vì đã cố gắng xây dựng tính cách, hoàn cảnh, mối quan hệ riêng của các nhân vật trong game. Thay vì phải căng mắt ra đọc (hoặc nghe) những câu chuyện hay lời kể với theo motif quen thuộc trong nhiều game, tôi chắc chắn sẽ thích đọc những lời thơ vần điệu này hơn. Điều khó làm nhất và cũng quan trọng bậc nhất của một game hay là gameplay (tạm hiểu là trải nghiệm chơi game). Nó bao gồm các tính năng, nhiệm vụ, cách dẫn dắt. Có thể nói gameplay mới là nhân tố chính níu giữ người chơi, vì nhiều game dù xấu như ma nhưng vẫn có lượng người chơi đông đảo vì cách chơi cuốn hút. Điều tuyệt vời là gameplay của Child of Light khá hay, tuyệt vời hơn là nó còn cực dễ hiểu. Điều này ngay cả các game nổi tiếng của các ông lớn cũng chưa chắc đã làm tốt. Để dễ so sánh về một tựa game “hấp dẫn và cực dễ hiểu”, ta có thể nói tới game Xếp Hình – Tetris. Với Tetris, già trẻ lớn bé nhìn sơ qua là ai cũng hiểu luật, nhưng làm sao để chơi cho hay cho khéo lại tùy vào khả năng mỗi người. Các nhà làm game không chỉ phải suy nghĩ làm sao để tạo ra được game hay, mà còn phải nghĩ đến việc cách chơi có dễ tiếp cận với mọi người không. Một số game qua thời gian đã bị khai tử vì cách chơi rườm rà, rối rắm không cần thiết. Với một số game khác, đội ngũ thiết kế phải “hướng dẫn” người chơi bằng các màn chơi tăng từ từ độ khó lên. Với mục đích đầu tiên là làm một game gia đình cho cha mẹ chơi cùng con cái, Child of Light hỗ trợ hệ thống 2 người chơi. Một người điều khiển nhân vật để tham chiến, một người điều khiển Igniculus – cục ánh sáng bé xíu – đi hồi máu đồng đội hoặc làm chậm đối thủ. Nhưng nếu muốn tận hưởng game một mình thì làm một lúc 2 hành động trong game cũng không hề khó khăn. Các nhân vật có nhiều khả năng đa dạng với bộ kỹ năng hỗ trợ khác nhau mà người chơi có thể tùy chọn. Mỗi lần chơi tôi đều đổi nhiều nhân vật với nhau, đổi kỹ năng và thử nghiệm cách chơi mới. Tính năng trang bị ngọc (trong game gọi là Oculi) cũng khá hay ho. Tùy vào vị trí gắn mà mỗi viên ngọc sẽ đem lại đặc tính khác nhau, phù hợp cho từng tình huống và các loại đối thủ khác nhau. Ví dụ ngọc màu đỏ (giống như lửa) khi gắn vào vũ khí thì sẽ khiến đòn đánh ra chiếm ưu thế với những con quái vật mang hệ cây cối. Nhưng cũng viên ngọc đó mà gắn vào chỗ khác thì nó lại tăng điểm thuộc tính khác. Chưa kể, game còn cho phép người chơi ghép các viên ngọc màu sắc thành ngọc màu mới, hoặc ghép ngọc nhỏ thành viên to hơn. Do nhân vật chính tên là Aurora – Rạng Đông – cho nên màu sắc kết hợp của các viên ngọc sẽ dựa trên bảng màu của ánh sáng chứ không phải bảng màu vẽ thông thường. Phần này tôi sẽ dành cho người chơi tự “pha màu” và thử nghiệm. Đồ họa thì đẹp, nhạc thì hay, lời thoại thi vị, cách chơi hấp dẫn và có chiều sâu, chưa kể đến các nhiệm vụ và nhân vật phụ trong game. Có người chơi xong game còn quay lại chỉ để nghe nhạc, người thì thử nghiệm hết các nhân vật và bộ kỹ năng khác nhau, hay có những người dạo hết các bản đồ trong game để ngắm các bức tranh tuyệt đẹp. Game ra mắt cũng tầm chục năm trước nhưng vẫn luôn có sức bán rất tốt và vẫn được đánh giá cao. Tất nhiên không phải game không có điểm trừ nào. Phần nội dung còn rất đơn giản, giải quyết vấn đề hơi đuối (dù đã được làm mới bằng cách kể thoại), thiết kế các nhân vật phụ còn có hơi…lười. Nhưng tựu chung đây vẫn là tựa game hiếm hoi có thể làm vui lòng đa số các đối tượng người chơi, và biết đâu game lại có thể khơi gợi tinh thần nghệ thuật của ai đó. Như em họ tôi, vì mê nhạc game mà đã chăm chỉ đi học đàn piano chẳng hạn. Trong khi nhiều game đi theo hướng nghệ thuật khó có thể tiếp cận đối tượng trẻ em, Child of Light lại có thể mang tới một thế giới mà ai cũng có thể tận hưởng và tìm được điều hay trong đó, đồng thời cũng chứng tỏ cho mọi người thấy game có thể mang nghệ thuật tới với đại chúng thế nào. Tôi rất muốn giới thiệu nhiều hơn nữa về những thứ thú vị khác trong game nhưng đồng thời tôi cũng muốn mọi người tự khám phá thêm, cho nên đành phải kiềm chế bản thân và dừng ở đây, để dành những thứ hay ho nhất cho người chơi thôi. Bởi bản chất của game vốn là vậy mà, trăm nghe không bằng một thấy, phải tự trải nghiệm, thử thách, chứ cái gì cũng xổ ra hết thì lại mất vui. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|