Gẫm & Bình

Ballet Kẹp Hạt Dẻ: Giáng Sinh mới có, năm nào cũng phải xem 20. 12. 23 - 8:39 am

Willow Wằn Wại

Để lôi kéo một người chưa hề quan tâm tới ballet tới nhà hát, chắc chắn tôi sẽ rủ người ấy đi xem Kẹp Hạt Dẻ (The Nutcraker). Dễ xem, vui mắt, không gây buồn ngủ, và chắc chắn lúc nào cũng hoành tráng nhất luôn.

Kẹp Hạt Dẻ của đoàn ballet quốc gia Canada. Phía sau là quả trứng có thể đóng mở mà cô tiên sẽ từ đó bước ra. Thiết kế này dựa trên quả trứng Fabergé thiết kế riêng cho Sa hậu Alexandra vào lễ đăng quang của Sa Hoàng Nicholas đệ Nhị.

Sao biết chắc chắn sẽ hoành tráng?

… Vì đây sẽ là một sự kiện văn hóa đại chúng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi thưởng thức nghệ thuật. Giáng Sinh thì luôn phải có cây thông, có tuyết (chỗ nào không có tuyết thì dùng xốp hay máy phun), có ông già Noel, hộp quà, bánh gừng (dù tôi chả thích lắm nhưng năm nào cũng phải ăn) và chắc chắn phải có ballet Kẹp Hạt Dẻ.

Sự nổi tiếng của Kẹp Hạt Dẻ có thể minh chứng bằng số liệu. Nhà hát Hoàng gia Anh diễn tổng cộng 28 lần liên tục và mới đầu tháng 12 nhưng chỉ còn vé cho tháng 1 năm sau. Riêng ở Nga, nhà hát Lớn (Bolshoi) diễn thông từ ngày 24 tháng 12 cho tới hết ngày 7 tháng giêng, toàn bộ vé đã bay sạch ngay khi mới mở bán từ tháng 10. Đây là nằm trong bối cảnh tất cả nhà hát đều cùng nhau diễn chung một vở, chứ không phải chỉ mỗi một chỗ có để xem mà bảo là khan hiếm. Một số thông tin cho rằng ở các nhà hát lớn ở khu vực Bắc Mỹ, tới tận 40% doanh thu cả năm của họ nằm ở vở Kẹp Hạt Dẻ. Có vô vàn người trên thế giới nhắc ballet thì chịu nhưng Hồ Thiên Nga với Kẹp Hạt Dẻ là phải biết. Chả cần đi xem, cứ nhìn biển quảng cáo rợp trời mỗi độ công diễn là đủ no mắt.

Vở múa có chủ đề mùa đông cho nên phải có cảnh múa của các nàng bông tuyết. Đoàn ballet quốc gia Canada.

Âm nhạc vui tai, trình diễn vui mắt

Lý do để Kẹp Hạt Dẻ trở thành phong tục Giáng Sinh thì chưa có ai nghiên cứu nhưng tôi đoán có lẽ tới từ việc nội dung vở diễn tập trung vào đối tượng trẻ em với âm nhạc và các màn trình diễn vui nhộn. Năm mới là dịp sum họp gia đình cho nên cái gì nhẹ nhàng phù hợp cho mọi lứa tuổi là lựa chọn ổn nhất, giống như sự thành công của phim Ở Nhà Một Mình vậy.

Hoạt cảnh các em nhỏ tranh nhau các món quà ngày Giáng sinh của nhà hát Mariinsky, Nga. Tiềm lực của đoàn Mariinsky đủ lớn nên lực lượng nghệ sĩ nhí siêu đông, mà trình diễn cũng rất chuyên nghiệp

Cốt chuyện của Kẹp Hạt Dẻ được dựa trên truyện ngắn cùng tên của Alexandre Dumas Cha, tác giả Ba Chàng Ngự Lâm. Và Alexandre Dumas thực ra viết lại tác phẩm cho trẻ em “Kẹp Hạt Dẻ và Vua Chuột” của tác giả Ernst Hoffmann. Câu chuyện về hành trình của cô bé Clara và chàng Kẹp Hạt Dẻ chiến đấu thắng bọn chuột và du ngoạn đến xứ sở Bánh Kẹo thần tiên. Tùy vào cách biên đạo mà nội dung có nhiều dị bản nhưng tựu chung vẫn luôn có sự xuất hiện của các điệu múa vui mắt, bánh kẹo, bông tuyết và phép màu.

Một điều đặc biệt của vở Kẹp Hạt Dẻ là việc sử dụng đàn celesta để tạo ra tiếng động lanh canh trong veo mà không chói tai. Tchaikovsky đã bóp đầu nhăn trán, suy nghĩ cách để tái tạo được qua âm nhạc hình ảnh tuyết rơi lấp lánh, những hạt đường lóng lánh… cho tới khi ông tìm thấy được đàn celesta. Nhờ sự phổ biến của Kẹp Hạt Dẻ mà celesta đã được biết tới nhiều hơn và được sử dụng rất nhiều trong các bộ phim hoạt hình. Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh cũng có một cây, đảm bảo khi đi xem Kẹp Hạt Dẻ sẽ được nghe tiếng celesta hàng thứ thiệt.

Cận cảnh cây đàn celesta của HBSO – Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp.HCM

Hương hồn cụ Tchaikovsky chắc sẽ vô cùng hạnh phúc vì cả ba vở ballet cụ đặt bút sáng tác nhạc cuối cùng đều trở thành huyền thoại. Có điều khi sáng tác nhạc cho Kẹp Hạt Dẻ, Tchaikovsky cũng không vui vẻ cho lắm và khi mới công diễn thì vở cũng chẳng tạo được thành công, thậm chí còn bị chê là trẻ con quá!

Nhưng cũng chính vì vui tươi và trong sáng như vậy nên vở luôn được chào đón và dựng đi dựng lại, không phải là ballet thì cũng là kịch hay múa hiện đại, không có bánh kẹo thì có bọn loại muông thú đông vui, kiểu gì cũng rất phù hợp cho các em nhỏ đóng vai.

Cảnh mở đầu của đoàn ballet quốc gia Canada. Đất nước lạnh giá với môn thể thao vua là hockey trên băng cho nên mở màn phải là gấu đi trượt băng cho đúng tinh thần.

Nước Nga vốn mạnh truyền thống ballet, cho nên phần biên đạo của cụ Marius Ivanovich Petipa vẫn được truyền lại nguyên bản cho tới nay và cho dù có cải biên ít nhiều thì các vở ballet vẫn giữ lại một số động tác đặc trưng. Điều đó có nghĩa là khi đi xem vở này, người xem cũng đã được chứng kiến những động tác múa mà các Sa Hoàng khi xưa đã từng xem. Nói nghệ thuật là cầu nối quá khứ với hiện tại thực không sai.

Chân dung cụ Marius Ivanovich Petipa, biên đạo Kẹp Hạt Dẻ.

Cụ Petipa là ballet master (tạm hiểu vai trò như giám đốc biên đạo và nghệ thuật) của Nhà hát Hoàng gia St.Peterburg, tiền thân của nhà hát Mariinsky bây giờ. Cụ được coi như người định hình ballet truyền thống, và đoàn ballet Mariinsky giờ vẫn được coi là tiêu chuẩn, cạnh tranh với nhà hát Bolshoi nghiêng về ballet hiện đại. Các tác phẩm của cụ có thể kể tới Kẹp Hạt Dẻ, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Hồ Thiên Nga, nàng Giselle, Don Quixote, v.v… toàn vở nổi tiếng cả.

Các nghệ sĩ múa trong màn 1 của vở Raymonda do cụ Petipa làm biên đạo, ảnh chụp năm 1898. Nhìn hoành tráng toát cả mồ hôi, giờ cũng không có đoàn nào đạt tới mức độ đông đảo và đầu tư sân khấu thế này

Vai trò của các ballet master hay biên đạo múa rất quan trọng. Lấy vở Kẹp Hạt Dẻ làm ví dụ, cụ Petipa và đồng nghiệp đã lên dàn ý hết toàn bộ hoạt cảnh và phác thảo sơ bộ các nội dung, không khí muốn truyền tải, rõ đến từng đoạn dài ngắn bao nhiêu, sau đó giao sang cho cụ Tchaikovsky sáng tác. Nhiều người hay “đổ oan” là cụ Tchaikovsky viết nhạc cho Kẹp Hạt Dẻ kỳ quá, nhưng thực sự các tác phẩm ballet của cụ sáng tác đều là có sự hợp tác, thảo luận cho sản phẩm cuối cùng. Nhạc cho ballet là phải xem cả ballet chứ!

Tranh cãi, thay đổi: từ văn hóa cho đến chiến tranh U-Nga

Theo nội dung ballet, các loại bánh kẹo hoa lá khắp muôn phương sẽ tụ họp nhảy múa, trong đó có sô-cô-la từ Tây Ban Nha, cà phê từ Ả Rập, trà Trung Quốc, kẹo nhiều màu từ Nga và cây sáo từ Pháp. Cũng vì đa dạng các loại vùng miền như vậy cho nên hiển nhiên sẽ có nhiều tranh cãi.

Một trong những việc đó là việc thể hiện món trà Trung Quốc. Trong phần biên đạo gốc, diễn viên múa có một động tác rất lạ là nắm tay lại và chỉ chìa ngón trỏ ra. Chẳng rõ cụ Petipa lấy cảm hứng từ đâu nhưng chắc cụ chỉ nghĩ đại ra động tác nào đó lạ lùng không phổ biến ở châu Âu thời bấy giờ để đặt vào, cuối cùng thành thông lệ tới tận bây giờ, thậm chí có người còn tưởng là người châu Á chào nhau bằng cách giơ ngón trỏ như vậy thật. Ngoài ra việc các đoàn cứ bạ cái gì có vẻ châu Á là nhét vào, chả quan tâm nguồn gốc ý nghĩa cũng bị cộng đồng Hoa kiều nói riêng và châu Á nói chung lên tiếng phản đối.

Cảnh múa cũ của nhà hát New York City, diễn viên múa nam vẫn giữ nguyên nắm tay với ngón trỏ chỉ ra ngoài, đội nón chóp nhọn và vẽ râu kẽm. Hai cô kia thì lại để tóc kiểu Nhật Bản. Nguồn ảnh: Andrea Mohin/The New York Times.

Để cải thiện vấn đề này, một số đoàn đã nghĩ ra các cách khác nhau. Thay vì làm động tác chĩa ngón trỏ thì đoàn Mariinsky cho cầm quạt luôn, chả còn ngón nào thò ra nữa! Hay là đoàn Pacific Northwest Ballet thì để diễn viên nam hóa thân thành một chú dế mèn (vốn là biểu tượng may mắn trong văn hóa Trung Quốc), trang phục cũng đã chỉnh sửa thống nhất mang dáng dấp nhà Thanh, không còn cảnh Tàu Nhật lẫn lộn. Ngoài ra thì các nhà hát cũng chuyển sang giao vai Trung Quốc cho diễn viên múa châu Á diễn.

Nguồn ảnh: Angela Sterling /Pacific Northwest Ballet

Ở Việt Nam từ lâu đã bỏ cái ngón tay trỏ này, thay vào đó là một anh chàng Trung Quốc với chú chim biết nói xinh xắn. Được cái đây là vở diễn mang tính vui vẻ cho nên cũng chả ai phiền nếu đang là đồ ăn thức uống thì lại đổi sang chim. Xem vẫn vui như thường.

Gần đây nhất thì do chiến tranh Ukraine-Nga mà ông bộ trưởng bộ Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko lên báo kêu gọi mọi người tẩy chay Kẹp Hạt Dẻ, vì dù sao đó cũng là một vở ballet của Nga, do người Nga viết, để phục vụ Sa Hoàng mà.

Tất nhiên nói thì nói vậy chứ Kẹp Hạt Dẻ đã thành truyền thống luôn rồi, đâu phải nói hủy là hủy. Cho dù người ta có ủng hộ U Cà thì nhà hát vẫn phải diễn và diễn viên múa vẫn phải có cơm bỏ vào miệng chứ. Và sự thực thì còn oái ăm hơn là Kẹp Hạt Dẻ cũng là một trong những vở múa ballet chủ lực mà các đoàn múa của Ukraine trình diễn khi đi giao lưu văn hóa ở các nước bạn. Ai bảo các vở nổi tiếng, ăn khách nhất toàn chỉ Nga diễn đâu!

Cuối cùng thì các chuyến lưu diễn vẫn tiếp tục, Kẹp Hạt Dẻ vẫn diễn. Các đoàn Ukraine cũng vẫn diễn, dù họ có cách riêng để thể hiện tình yêu nước và phản đối Nga.

Trong Kẹp Hạt Dẻ có đoạn cô bé Clara và chàng Kẹp Hạt Dẻ đi qua khu rừng tuyết, nhà hát State Ballet Ukraine bèn cắt phéng luôn đoạn múa của kẹo Nga, chỉ giữ lại sô cô la Tây Ban Nha, cà phê Ả Rập, trà Trung Quốc và sáo Pháp. Tôi rất thích đoạn múa của kẹo Nga cho nên bị cắt mất xem cứ thấy thiếu thiếu gì đó.

Đoạn đi qua rừng tuyết, phiên bản của đoàn State Ballet Ukraine

Tùy vào biên đạo, tiềm lực đoàn, nội dung hay vấn đề chính trị văn hóa nào đó mà mỗi đoàn lại có một cách diễn gia giảm khác nhau. Khi thì cô bé Clara biến thành công chúa, khi thì cô thành luôn bà hoàng cho nó máu, khi thì các bông hoa chơi đùa với nhau, khi thì lại chơi đùa với đàn ong, v.v… Cho nên tuy nói năm nào chỗ nào cũng có Kẹp Hạt Dẻ nhưng mỗi nơi lại là một món khác nhau để người xem thưởng thức.

Riêng màn diễn tại nhà hát Lớn Tp.HCM tôi cũng rất thích, và là một trong những đoàn tôi thích nhất vì có các em bé bé tí rất đáng yêu, có cảnh đánh kiếm rất hấp dẫn vượt trội so với nhiều đoàn tôi đã xem, cảnh bông tuyết rơi rất đẹp, ngoài ra còn có dàn nhạc giao hưởng và ca sĩ hát live tại chỗ để tận hưởng.

Tóm lại trừ khi hoàn cảnh ngặt nghèo thì chịu, còn cứ có Kẹp Hạt Dẻ là tôi phải đi xem! Xem để tận hưởng cảm giác kết nối với quá khứ, để chìm vào một giấc mơ cổ tích, để thán phục trước những màn múa điêu luyện của diễn viên, để có một trải nghiệm thật đẹp kết thúc năm cũ và đón năm mới.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả