Nghệ sĩ thế giới

Jusepe de Ribera:
Họa sĩ của những điều tăm tối 16. 01. 11 - 9:30 am

Hương Loan lược dịch

(SOI: Trong tuần qua có sinh nhật của một họa sĩ cực kỳ lớn: Jusepe de Ribera  – 12. 1. 1591, mất 2. 9. 1652. Xin giới thiệu với các bạn về họa sĩ này, theo thông tin tổng hợp từ Internet)

*

Prometeo

Những gương mặt vặn vẹo vì đau, những thân thể bị cắt xẻo, thịt da chảy bủng, những người đàn bà nhưng râu ria, những gã trai biến dạng… đó là tranh của Jusepe de Ribera.

Việc ông là họa sĩ có ảnh hưởng nhất của trường phái Baroque Tây Ban Nha thường bị che lấp bởi việc người ta chỉ chú ý tới những hình ảnh vặn vẹo, kỳ quái để mà liệt ông vào loại nghệ sĩ chuyên vẽ cảnh máu me, đen tối; và người đời thì chỉ biết có thế, (thế mới là người đời).

Rõ ràng, Ribera say mê những đề tài “ác ôn” và tăm tối. Những bức tranh ấy quả là cũng đã tạo nên những hình ảnh mạnh nhất, ảnh hưởng nhất trong di sản của ông. Nhưng nhiều người yêu nghệ thuật chưa biết, rằng Ribera cao hơn rất, rất nhiều, chứ không phải chỉ là một họa sĩ của những điều “quái gở”.

Saint Francis of Assisi

Thực vậy, xem kỹ tác phẩm của ông, người ta nhận ra ông là một bậc thầy về màu sắc, về chuyển động học, về tính kỳ vĩ của nghệ thuật Baroque, cũng như ông là một bậc thầy về nghệ thuật phối sáng tối và chủ nghĩa tự nhiên kiểu Caravaggio. Xa hơn nữa, tác phẩm của Ribera (cả tranh vẽ, tranh in) còn có ảnh hưởng lớn lao lên sự phát triển của trường phái Baroque trên toàn châu Âu.

Archimedes

Ribera cũng là một người làm tranh in có một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ngày ngay người ta còn giữ được hơn một trăm bức của ông. Tranh in (khắc kẽm, khắc acid) là một loại hình nghệ thuật “phụ” ở Tây Ban Nha và ít nghệ sĩ lớn nào ở đây theo đuổi. Tuy nhiên ở Ý, tranh in phát triển hơn, và Ribera càng dễ trở thành một bậc thầy về kỹ thuật khắc gỗ, in tranh vì ông đã đến Ý sống từ khi mười mấy tuổi. Ông còn định xuất bản một cẩm nang kỹ thuật cho môn này vào năm 1620 mà không thành. Không dùng đến thợ, Ribera tự tay khắc và in tranh mình, coi đó là một phương tiện để sao chép và phân phối (giống như chụp ảnh ngày nay).

Nhưng Ribera nổi tiếng nhất nhờ những bức tranh vẽ những vị thánh bị nhục hình, những thân thể già nua, những màn tử vì đạo khủng khiếp, những người kỳ quái, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Thánh Philippus tử vì đạo

Tuy nhiên tác phẩm của ông không chỉ giới hạn ở những thứ “bất thường”. Ông còn vẽ các tích “hiền lành” của Kinh thánh; ông vẽ Đức Mẹ và Chúa hài đồng, ông vẽ các đề tài thần học, chân dung của những người bình thường và những người tưởng tượng, của cả quá khứ lẫn hiện tại.

Tranh của Ribera đa dạng hơn ta tưởng, và có một sức ảnh hưởng lớn đến cả tương lai của hội họa châu Âu.

Đức mẹ và Chúa Hài đồng

Phong cách và kỹ thuật
 
Ribera nổi tiếng với phong cách u ám kiểu Caravaggio. Ông được coi là một trong những họa sĩ “đổ bóng” quan trọng nhất của thế kỷ XVII. Thực vậy, đặc biệt trong thời kỳ đầu, tức trước 1632, ông bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong cách của Caravaggio: quá chú trọng đến đối chọi sáng tối, nhấn mạnh đến những nét viền, chuộng kịch tính, đôi khi mang lại không khí quá sức tàn độc.

St. Sebastian, St. Irene, St. Lucila, 1628

Tuy nhiên, sau 1932, Ribera ngày càng vẽ theo một phong cách hoàn toàn khác: màu sắc sáng sủa hơn, màu chắc hơn, nét cọ lơi hơn. Nhưng thật ra, trong cả cuộc đời vẽ, ông vẫn đổi qua đổi lại giữa hai phong cách này, tùy thuộc vào đề tài nào hợp với phong cách nào. Tuy vậy “chứng nào tật nấy”, Ribera vẫn bị ám ảnh bởi những da thịt vặn vẹo, biến hình, hay già nua.

Người ăn mày chân khoèo

Nguồn ảnh hưởng

Ribera thực may mắn: không giống với các nghệ sĩ Baroque Tây Ban Nha đương thời như Zurbarán, Velázquez và Murillo, Ribera được tiếp xúc dài lâu và thường xuyên với các tuyệt tác của các bậc tiền bối: những tác phẩm đẹp nhất của thời Phục hưng cũng như nghệ thuật Mannerist (trong khi những đồng bào của Ribera kẹt lại Tây Ban Nha cùng lắm chỉ được xem các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài thông qua bộ sưu tập của hoàng gia).

Hạ xuống từ thánh giá

Nguồn ảnh hưởng đến phong cách của Ribera vì thế rộng hơn, đa dạng hơn so với nguồn ảnh hưởng của các nghệ sĩ đã kể trên, và tranh ông hiển nhiên là cũng đậm chất Ý hơn. Các nghệ sĩ sau là nguồn cảm hứng đặc biệt của Ribera:

Caravaggio 
Kẻ nổi loạn này của trường phái Baroque Ý là nguồn ảnh hưởng lớn nhất với chàng thanh niên Ribera. Khi Ribera đến Ý thì Caravaggio hẳn đã qua đời, nhưng tranh của ông vẫn còn sống mãi, và Ribera có thể ngắm chúng tha hồ ở Rome và Naples, nơi Caravaggio từng sống một thời gian.     

Bacchus – tranh của Caravaggio

Những khía cạnh sau trong phong cách của Caravaggio có tầm quan trọng căn cơ với sự phát triển phong cách của Ribera:
Chú trọng tương phản sáng tối
Theo chủ nghĩa tự nhiên nghiêm ngặt
Đường viền rõ nét, rành mạch

Raphael
Ribera đặc biệt bị ảnh hưởng họa sĩ này ở tính cân bằng về bố cục, cân bằng về hình thức theo một cách rất cổ điển – một sự cân bằng luôn rõ nét trong tranh của Ribera. Ảnh hưởng Phục hưng/cổ điển là một điểm khác biệt lớn giữa Ribera với các họa sĩ Tây Ban Nha khác. Thí dụ, trong tranh của Ribera, không gian thường được mở xa hơn so với tranh của Velázquez hay của Zurbarán.     

Hạ Chúa xuống từ thập giá – tranh của Raphael

Peter Paul Rubens và Anthony van Dyck
Ribera chắc chắn phải biết đến tác phẩm của cả Rubens lẫn van Dyck (hai ngôi sao sáng nhất của trường phái Flemish Baroque) thông qua những bộ sưu tập của những thương gia người Flemish sống và làm buôn bán tại Naples – họ cũng là những thân chủ của Ribera.

Hai họa sĩ trên đã ảnh hưởng tới việc phát triển phong cách trưởng thành của tranh Ribera.

Bacchus – tranh của Rubens

Đời sống

Jusepe de Ribera (sinh 12. 1. 1591, mất 2. 9. 1652) người gốc Tây Ban Nha nhưng sống và vẽ chủ yếu ở Ý. Người Tây Ban Nha gọi ông là José de Ribera, người Ý gọi ông là Giuseppe Ribera.

Jusepe de Ribera

Ribera có một cuộc đời không vui, luôn luôn túng thiếu, nợ nần. Ông còn bị đồn rất “đầu gấu”, là cầm đầu của cái gọi là Băng đảng thành Naples, với tay chân là một họa sĩ người Hy Lạp tên Belisario Corenzio và họa sĩ thành Neapolitan, Giambattista Caracciolo. Nhóm này muốn độc quyền các đơn đặt hàng vẽ tranh tại Neapolitan nên đã dùng nhiều cách như chia rẽ, tẩy chay, thậm chí dọa nạt để gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh bên ngoài như Annibale Carracci, Reni, và Domenichino. Các vị này cũng được mời tới làm việc tại Naples nhưng đều ngán ngẩm vì thấy nơi đây ngập tràn không khí thù địch. Băng đảng này chấm dứt khi tay chân thân tín nhất là Caracciolo qua đời năm 1641.

Thánh Agnes, 1641

Từ năm 1644, sức khỏe Ribera suy sụp khiến sức làm việc của ông suy giảm theo. Từ năm 1647 – 1648, khi phong trào nổi lên chống lại người Tây Ban Nha cầm quyền, ông (là một người gốc Tây Ban Nha) phải cùng gia đình trốn trong lâu đài của Viceroy mất vài tháng. Đến 1651, ông phải bán nhà bán cửa. Một năm sau ông mất trong cảnh nợ nần chồng chất. Con gái duy nhất của ông cũng mất ngay sau đó.

Thánh Paul de Hermit

Ngày nay tranh ông vẫn được người ta sưu tập, hoặc phổ biến nhất là các bản in, có khi được treo trong những không gian thành thị thế này:

Một quảng cáo làm khung tranh của Tàu!

 *

(Từ Internet)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả