Người đi qua thung lũng: Tiếc cho ai không được xem
22. 01. 11 - 7:30 am
Bài và ảnh: AZIZ
Để kết thúc Năm nước Đức tại Việt Nam 2010, Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã tổ chức ba đêm biểu diễn vở nhạc vũ kịch Người đi qua thung lũng tại Nhà hát Lớn, trong các ngày 14, 15 và 16 tuần vừa rồi.
Quả là ba đêm đáng nhớ trên sân khấu Nhà hát Lớn, một lần nữa khẳng định một sự thật khá thú vị: ở Hà Nội, những gì tốt nhất (về văn hóa) là những gì rẻ nhất (thậm chí miễn phí, như trong trường hợp này).
Vở Nhạc vũ kịch Người đi qua thung lũng, tập dợt trong nửa năm trời để diễn 3 đêm ở Nhà hát Lớn vừa qua, dựa trên một truyền thuyết cổ của phương tây về chàng trai tên Parzival, được Pierre Oser biên soạn dựa trên phần lời của Tankred Dorst và Ursula Ehler. Điều đáng nói ở đây là sự kết hợp ngôn ngữ trong vở kịch: phần kịch được thực hiện bằng tiếng Việt và phần hát bằng tiếng Đức. Chưa kể, mỗi phân đoạn đều có “phụ đề” tiếng Việt/Đức và Anh trên một màn hình nhỏ ở phía trên. Chỉ cần bạn biết một trong ba thứ tiếng, bạn đều có thể theo dõi và hiểu được toàn bộ câu chuyện (biết cả tiếng Việt và tiếng Đức thì tốt quá). Lệch pha ư? Không hề.
Tôi đang nghĩ xem có thể nói gì thêm về đêm diễn trên. Có thể nói rất nhiều, dĩ nhiên. Về dàn dựng sân khấu, về diễn xuất của các diễn viên kịch, hát và múa, về ý tưởng đạo diễn, về ánh sáng, về âm nhạc, về tầng tầng lớp lớp những tài năng, tâm sức có thể thấy đã được bỏ ra để đầu tư cho một vở diễn, theo tôi là để đời trên sân khấu Nhà hát Lớn. Nhưng có lẽ đơn giản hơn, tôi sẽ nhẩn nha kể lại cho các bạn nghe về truyền thuyết Parzival, chàng trai rời tay mẹ đi qua thung lũng cuộc đời để tìm kiếm chính mình (qua vài tấm hình), và nói thêm với những người đã không biết đến hoặc có biết đến đêm diễn và đã không đến xem rằng: tôi thành thật chia buồn với các bạn.
Vở diễn mở màn với một cảnh chiến tranh, trong đó chiến binh Gahmuret bị giết chết. Đau xót, vợ ông Herzeloide đem con trai Parzival trốn vào rừng sâu để con mình không bao giờ biết đến chiến tranh, vũ khí và những nỗi đau khổ, lừa lọc trong thế giới loài người…
Cảnh Parzival sống yên ấm trong vòng tay bảo bọc của mẹ. Nhiều năm trôi qua, Parzival giờ đã lớn. Một thầy phù thủy tên Merlin, vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của cậu bé, biến thành một con chim tung tăng bay lượn trên bầu trời. Bỗng … bụp, một hòn đá bắn rơi con chim.
Merlin – lúc nào cũng trong trang phục đỏ rực rỡ – đang hóa thành chim bay lượn trên bầu trời.
Bị cậu bé Parzival nghịch ngợm bắn rơi. Rất may Merlin kịp thoát khỏi lốt con chim chết. Parzival sau đó vặt bộ lông đỏ của con chim và đem tặng cho mẹ mình vài sợi. Merlin giận dữ với thằng bé ngu dại không biết mình vừa ra tay sát hại một sinh linh. Parzival chưa biết cái chết là gì, cũng như nó vô tình với thế giới bên ngoài cánh rừng, bên ngoài vòng tay mẹ. Parzival chạy xuyên rừng, tìm hiểu thế giới trong rừng, học về nơi trú ẩn của bầy hươu, nơi bắt nguồn của con suối…
Bầy hươu trên bối cảnh rừng xanh. Một trích đoạn múa tuyệt đẹp, vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ.
Diễn viên Phạm Trí Thanh đảm nhận phần múa trong vai Parzival.
Còn diễn viên Bùi Như Lai của Nhà hát Tuổi Trẻ đảm nhận phần kịch trong vai Parzival. Xuất sắc.
Trong rừng, Parzival bắt gặp hai người mặc áo giáp sáng bóng mà cậu đinh ninh là các thiên sứ. Parzival kể lại cho mẹ nghe cuộc gặp gỡ trên, bà nổi cơn thịnh nộ, cấm đứa con không được ra khỏi rừng, không được tiếp xúc với bất cứ ai và cảnh báo con về những hiểm họa trong thế giới bên ngoài, bà kể cho nó nghe về cái chết bi thương của cha nó, Gahmuret, với hy vọng Parzival sợ hãi, nhưng trong mắt nó, tổ tiên của nó chỉ hiện lên với vẻ huy hoàng, lẫm liệt. Parzival muốn được trở thành một chiến binh hùng dũng như thế – đứa con giờ đã có một ý chí riêng, và như thế, quyền lực của người mẹ đã sụp đổ.
Herzeloide cố gắng ngăn cản Parzival bằng mọi cách: dọa nạt, van xin, thuyết phục… Parzival vẫn quyết ra đi. Biết không thể ngăn cản con, Herzeloide cố gắng đưa ra dồn dập những lời khuyên cho con về thế giới con người: không được coi ai là bạn, không cần danh dự, không được cho ai biết mình có bất cứ tài cán gì, cô đơn là an toàn nhất… Parzival vội vã ra đi, giục mẹ nói nhanh và nói nốt… nhưng Herzeloide đã ngồi đó, chết cứng. Ý nghĩa sống đã rời khỏi bà, bản thân sự sống cũng rời bỏ bà. Parzival, chẳng hiểu gì về cái chết, vùng vằng bỏ đi vì tưởng mẹ giận mình khi không thấy bà trả lời…
Người đầu tiên Parzival gặp khi ra khỏi rừng là một cô bé đang học bài. Không muốn cho nó bị cám dỗ bởi sách vở (?!) Merlin hóa thân thành người tùy tùng của tưởng Ither oai phong với bộ giáp đỏ rực để đánh lạc hướng Parzival.
Cuộc tiếp xúc thật sự đầu tiên của Parzival với xã hội loài người là tại một bữa tiệc thượng lưu với toàn các tướng quân và các quý bà. Merlin cũng đột lốt một quý bà đến tìm vui ở đó. Nổi bật trong bữa tiệc là tướng Gawain hào hoa, người đã đóng giả là vua (đội nồi lên đầu) để trêu đùa Parzival và bảo chàng trai trẻ nếu muốn lấy bộ giáp đỏ thì đến gặp tưởng Ither mà đòi.
Merlin trong lốt một “quý bà”. Đây là nhân vật trào lộng nhất vở diễn, được thể hiện xuất sắc bởi diễn viên kịch, NSƯT Nguyễn Trung Hiếu. Khắc họa thế giới thượng lưu.
Đến gặp Ither để đòi bộ giáp “theo lệnh đức vua”, Parzival bị đánh và lần đầu tiên biết thế nào là đau đớn. Bản năng hoang dã nổi lên, nó giết chết Ither một cách dã man và cướp bộ giáp. Bản năng hoang dã của Parzival làm chính Merlin cũng phải kinh hoàng.
Biết trên vua còn có Chúa Trời, Parzival bỏ đi tìm phục vụ Chúa, người cao nhất, mạnh nhất. Trên đường đi, nó dò hỏi khắp nơi: Chúa ở đâu. Người thì không hiểu câu hỏi, có người cười nhạo nó, có người đánh nó như thể câu nói đó đe dọa đến tính mạng của họ. Merlin vẫn dõi theo bước đường của chàng trai.
Nó đã tìm hỏi rất nhiều người, thuộc mọi tôn giáo, mọi địa vị xã hội…
Nó gặp Galahad, một con người đam mê và rồ dại, tự nhiên mình là Chúa Trời, vì mình yêu tất cả mọi thứ và mọi người. Sợ hãi và bối rối trước những xúc cảm cuồng nhiệt của Galahad, Parzival bỏ chạy.
Chàng trai với bộ giáp đỏ, ngơ ngác và lạc lõng trước những đam mê màu sắc của Galahad. Trên con đường lưu lạc qua thung lũng loài người của mình, nó cũng đã biết đến mùi vị của tình yêu. Nó yêu Blanchefleur, bông huệ trắng, cô gái có hai bộ mặt, khóc và cười. Nhưng tình yêu cũng chưa đủ sức mạnh để cảm hóa chàng trai hoang dã, mà chỉ làm cho nó dấn thêm vào tội ác – nó đã giết chàng hiệp sĩ cài lông công, người tình trong mộng của cô gái nó yêu.
Hai mặt khóc cười của Blanchefleur.
Lạc bước trong thung lũng cuộc đời, với tâm hồn khờ dại và cằn cỗi như hoang mạc.
Mọi cố gắng cảm hóa Parzival đều có vẻ vô vọng: nó thờ ơ trước tình bạn của Gawain, sự đam mê của Galahad, tình yêu đẹp đẽ của Blanchefleur. Những bài học trong sách vở cũng không giúp được nó tìm thấy Chúa. Cuối cùng, Merlin đội lốt ẩn sĩ Trevrizent mình đầy máu, tay cầm roi tự đánh vào da thịt mình mong Chúa nhân từ sẽ rủ lòng thương. Lần đầu tiên, Parzival biết đau nỗi đau của đồng loại: “Ông đừng đánh nữa, ông làm ta đau đớn quá” và như thế, chàng trai đã giũ bỏ được tấm vỏ sắt bao bọc tâm hồn mình. Nó lại thấy thế giới tươi xanh và lại nhìn thấy được Blanchefleur. Kết truyện, Merlin chạy ra và gào ầm lên rằng Parzival làm ông quá mệt mỏi và mất thời gian. “Đồ ngu xuẩn, ta đã vô cùng nỗ lực, nỗ lực tột bậc! Mi tưởng là dễ dàng để tự biến hóa nhanh chóng và đơn giản như vậy hay sao? Thoạt tiên biến thành chim, rồi thành tảng đá, rồi thành ẩn sĩ! Ở cái tuổi già lão như ta! Đồ ngu xuẩn! Đồ ngu xuẩn!”
Parzival biết đau nỗi đau đồng loại.
Phút trang nghiêm khi chàng trai hoang dã từ bỏ được tâm hồn dã thú.
Ba Merlin (kịch, hát, và múa) chứng kiến thời khắc thức tỉnh của hai Parzival (kịch và múa).
.
Giàn nhạc thuộc Nhạc viện Hà Nội và nhạc trưởng kiêm sáng tác gia Pierre Ossen âm thầm và bền bỉ đóng góp những thanh âm tuyệt vời đằng sau bức màn sân khấu, góp phần rất lớn vào thành công của đêm diễn. Mãi đến cuối họ mới ra chào để được tưởng thưởng những tràng vỗ tay biết ơn của khán giả.
.
Còn khán giả xem đến 10h có lẽ chỉ đợi để được ồ lên vỗ tay. Và những tràng vỗ tay quả thực đã nổi lên như không muốn dứt. Cám ơn tất cả đã làm nên một đêm diễn tuyệt vời, và hy vọng Viện Goethe sẽ tiếp tục tài trợ và tổ chức tại Việt Nam thêm nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ như thế này trong năm 2011, và nhiều năm sắp tới nữa.