Nghệ sĩ thế giới

Tranh Triều Tiên: nghệ thuật cao, nhưng để vẽ gì? 31. 01. 11 - 2:07 pm

Amie Ferris-Rotman - Lê Thanh Dũng dịch

 

.

MOSCOW (REUTERS) – Tại Moscow, một triển lãm nghệ thuật chính thống của nhà nước Triều Tiên đã giới thiệu với công chúng về nhân dân mình như những con người má phính, vui tính, yêu lao động nhưng cũng sẵn sàng “cho biết tay” về quân sự.

Cuộc triển lãm Và dòng nước trôi ngầm dưới băng trình bày 40 tác phẩm của 39 nghệ sĩ được nhà nước đặt hàng. Trong suốt 25 năm cai trị theo luật lệ ngặt nghèo của Triều Tiên, chưa từng có một triển lãm có qui mô như thế ở nước ngoài.

Nào là những cô gái rắn rỏi, đồng loạt tóc buộc đuôi ngựa bay trong gió, chân đi ủng cao su, sát cánh các nam đồng chí trong bức Những người tiên phong của Biển Tây của Pak Tong Chol vẽ năm 2009. Cùng chia sẻ một niềm vui hồn hậu, những thanh niên này trông rất hạnh phúc tiến tới tương lai.

Hàng tá thợ luyện kim tươi cười đang luyện thép, lôi những tấm thép đi giữa một nhà máy cắm đầy cờ đỏ ở Kim Su Dong trong bức Những công nhân tiên phong của thời đại Songun, cũng vẽ năm 2009. Nhìn có vẻ như họ đang có một cuộc sống rất tươi đẹp.

Tất cả các tác phẩm đều đến từ studio nghệ thuật Mansudae Bình Nhưỡng – được thành lập vào năm 1959 với 1.000 nghệ sĩ nòng cốt của thứ thẩm mỹ có định hướng của nhà nước Triều Tiên. Chính họ đã thiết kế hệ thống tàu điện ngầm của Bình Nhưỡng và dựng những pho tượng hiện thực xã hội chủ nghĩa trên khắp thủ đô.

 

.

Nhưng các giám tuyển của cuộc triển lãm tại Moscow – diễn ra tại gallery Winzavod bóng lộn, vốn là một nhà máy sản xuất rượu được sửa sang lại – khẳng định triển lãm này không phải là tuyên truyền; bà con đừng có lẫn lộn.

Tuyên truyền thuần túy không phải là nghệ thuật. Chúng tôi hy vọng du khách sẽ coi đây như một hình thức nghệ thuật của một quốc gia“, đồng giám tuyển Zaitseva Anna nói với Reuters tại cuộc triển lãm trải thảm màu hồng ánh sáng đỏ mở cửa cho đến cuối tháng 1. 2011.

Nhưng không phải ai cũng tin tuy vắng yếu tố chính trị trong triển lãm, tức không có hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.

Những bức tranh thêu cảnh dân dã tả những người nông dân khỏe mạnh thu lượm rong biển và vun cỏ khô, vẽ những năm 1990, đặc biệt gợi nhớ đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thường thấy ở Liên Xô cũ, như một thông điệp chính trị diễn tả sự vĩ đại của nhà nước, ngợi ca chiến thắng của chủ nghĩa xã hội.

Đứng ngay bên bức tranh vẽ một bé sơ sinh bụ bẫm trong một bệnh viện mới toanh tràn ánh nắng, một người xem nói trước đây ở Triều Tiên vẫn có những trận đói hàng loạt. “Chúng ta cần cứu đói quốc gia này,” ông bảo.

.

Nghệ thuật Triều Tiên lần đầu thâm nhập vào phương Tây là vào năm 2007 với một cuộc triển lãm tại Ý, sau đó là một cuộc triển lãm tại Vienna tháng 5. 2010.

Zaitseva, người đã đến Triều Tiên nhiều lần, cho biết chính là nhờ kỹ thuật của các nghệ sĩ – một kỹ thuật vẽ mực trên giấy có 2.000 năm tuổi – mà khiến triển lãm có một vẻ đẹp riêng, tách biệt khỏi chính trị.

Kỹ thuật chính và là nền tảng nổi bật của nghệ thuật Triều Tiên chính là cách vẽ này. Nó khiến tranh Triều Tiên khác tranh Liên Xô hiện thực chủ nghĩa.” Nên nhớ, trước những năm 1970, tranh sơn dầu chưa hề có mặt tại Triều Tiên.

Nhưng đằng sau những nét mực tinh tế trên giấy da là một thông điệp rõ ràng: Triều Tiên đang sẵn sàng xuất quân – một liên tưởng “rùng mình” đến những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

.

Trước một trận đánh ác liệt là bức tranh vẽ năm 2009, mô tả hai binh sĩ mặt mày dữ tợn lao về phía đống đạn vàng chóe và những quả lựu đạn làm bằng tay, trong khi làn khói đỏ cuồn cuộn trên đầu.

Một thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt trong bức Đường Tongil ban đêm, với vô số các cần cẩu như những khẩu súng máy và những tia lửa màu vàng bao trùm lấy Bình Nhưỡng.

Hans Knoll đến từ Gallery Knoll ở Vienna và là một đối tác trong triển lãm Winzavod này, nói ông sẽ trưng bày một số tác phẩm ở một số nước châu Âu khác trong năm nay.

(Tin của Amie Ferris-Rotman, biên tập Paul Casciato)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả