Thị trường

Mười món đấu giá tại Trung Quốc đắt nhất 2010 (phần 1) 04. 02. 11 - 6:00 pm

Madeleine O’Dea - Hồ Như Mai dịch

 

BẮC KINH – Ngay giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 2010 lại chính là năm các nhà sưu tầm nghệ thuật người Hoa thực sự nổi bật tại các phòng đấu giá quốc tế. Những mức giá họ trả cho những món đồ di sản văn hóa của chính dân tộc mình không chỉ cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc mà còn chứng tỏ họ thực sự là những người vừa mới đến mà đã xoay chuyển thế cờ ra sao. ARTINFO Trung Quốc điểm lại một năm khá quan trọng trong phòng đấu giá, và chọn ra mười món đắt nhất như sau. (Riêng Soi thì không loại trừ các ông Hoa kiều yêu nước đã tung tiền ra suốt bao năm nay để thiết lập giá cao cho các nghệ phẩm Trung Quốc. Nói chung đây là “nghề của chàng” rồi.)

*

1.

Chiếc bình sứ thời Càn Long bán giá 85.9 triệu đô tại nhà đấu giá tỉnh lẻ Bainbridges Anh quốc ngày 11. 11, lập nên kỷ lục đấu giá mới đối cho một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc.

Chiếc bình sứ thời Càn Long

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG: Đối với nhà sưu tầm thì đây đúng là chuyện mơ thành thật. Chiếc bình có phần màu mè, từng bị coi là đồ dỏm, một món đồ cổ… lỗ sĩ vì bị bỏ quên từ lâu bỗng dưng một ngày đẹp trời được phát hiện ra trên ngăn kệ đầy bụi và ngay lập tức trở thành món hàng vô giá. Người phát hiện ra chiếc bình đúng là gặp thời, ngủ dậy một đêm thì thành triệu phú. Mức giá cao đến mờ mắt có được từ một lô một lốc các nguyên do hoàng tráng, nhưng chủ yếu vẫn là ở nguồn gốc quyền quý của chiếc bình. Chiếc bình được cho là đã từng được nung trong lò nung riêng của Hoàng đế Càn Long, trị vì từ năm 1737 đến năm 1795, đỉnh cao của triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa. Ngay chính Càn Long cũng là một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng, một người sành điệu thực sự, đến nỗi món gì dính đến Càn Long cũng ngay lập tức trở nên có giá. Thêm vào đó là giai thoại rằng có thể chiếc bình Bainbridges từng bị quân Anh và Pháp chôm chỉa từ Cung điện Mùa hè cũ ở Bắc Kinh trong Chiến tranh Nha Phiến lần thứ hai năm 1860 – một chi tiết thật hấp dẫn, đặt đúng thời điểm mà việc sưu tập lại những món đồ bị chôm chỉa và trả về với cố quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh quốc gia trong những năm gần đây ở Trung Quốc.

ĐÓN XEM: Các bộ sưu tập cá nhân ở phương Tây vẫn đầy rẫy những món báu vật thời phong kiến. Nhiều tay chơi đồ cổ cũng sẽ không kìm đước trước những mức giá mời chào, thế nên năm 2011 sẽ hứa hẹn nhiều vụ mua bán hấp dẫn khác. Xem thêm món số 4 dưới đây để thấy được sức mạnh của hiệu ứng Càn Long và hiệu ứng báu vật bị chôm chỉa.

 

2.

Bức Ba People Fetching Water (Người sông Ba đi lấy nước về) của Xu Beihong vẽ năm1937, bán được 25.8 triệu đô tại Công ty đấu giá Hanhai ở Bắc Kinh ngày 15. 11, giá cao nhất của một bức tranh Trung Quốc trong đấu giá xưa nay.

Xu Beihong, "Ba People Fetching Water" (Người sông Ba đi lấy nước về), 1937

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG: Tác phẩm này chạm trần một năm kỷ lục của thị trường nghệ thuật Trung Quốc, trong đó chiếm ưu thế là những tác phẩm hội họa sáng tác trong thời hiện đại nhưng theo phong cách truyền thống. Thể loại này rất được yêu thích trong cộng đồng người Hoa trên thế giới nhưng mãi cho đến gần đây thì chỉ có những tay giàu có ở Hồng Kông và Hoa Kiều mới dám bỏ tiền ra mua. Kể từ lúc các nhà sưu tầm đại lục xuất hiện trên thị trường, giá cả không ngừng tăng lên. Đợt bán hàng mùa thu của nhà Christie ở Hồng Kông chẳng hạn, tính ra là tăng gần 100% so với các cuộc đấu giá năm 2009. Nhờ có các tay chơi đại lục đổ vào, những kỷ lục liên tục được lập ra với những tên tuổi như Fu Baoshi, Zhang Daqian, và Li Keran.

ĐÓN XEM: Chắc hẳn sẽ có thêm nhiều kỷ lục mới được lập khi các nhà đấu giá ở Hồng Kông và Bắc Kinh tuồn ra thêm nhiều món hấp dẫn, đón xem thêm các nghệ sĩ Trung Quốc hiện đại khác như Feng Zikai, Lin Fengmian và Qi Baoshi sắp trúng to năm tới.

 

3.

Tác phẩm vẽ năm 1992 Chapter of a New Century- Birth of the People’s Republic of China II (Sang chương thế kỷ mới – Khai sinh nước cộng hòa nhân dân Trung Quốc) của Zhang Xiaogang, bán với giá 6.7 triệu đô tại Sotheby’s Hongkong ngày 4. 10, một kỷ lục cá nhân của tác giả đương đại thức thời được rất nhiều người săn đón này.

Zhang Xiaogang, "Chapter of a New Century- Birth of the People’s Republic of China II" (Sang chương thế kỷ mới – Khai sinh nước cộng hòa nhân dân Trung Quốc), 1992

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG: Được sáng tác vào đầu thập niên 90, tác phẩm ra đời ở thời khắc quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Khi đó nghệ sĩ luôn phải chật vật để theo kịp những thay đổi chóng mặt đang xảy ra với Trung Quốc, nhất là sau khi sự kiện mở cửa với Phương Tây và bi kịch Quảng trường Thiên An Môn. Chapter of a New Century lần đầu tiên ra mắt tại Biennale Quảng Châu năm 1992.

ĐÓN XEM: Khó mà đoán được “nhiệt độ” của thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc vào lúc này, nhưng các tác phẩm từ đầu đến giữa thập niên 90 sẽ tiếp tục được giá cao nhờ có tính lịch sử. Tại nhà Christie ở Hong Kong tháng 11 rồi, các tác phẩm của Mao Xuhui, Yu Youhan, và Liu Dahong đều lập nên những kỷ lục mới – vượt xa định giá ban đầu đối với tác phẩm của giai đoạn đoạn này. Trong khi đó, vị trí thống trị của Zhang trong thị trường hội họa đương đại Trung Quốc được khẳng định rõ. Nhìn quanh quất chỉ có mỗi Zeng Fangzhi, vẫn còn giữ kỷ lục giá cao nhất đối với tác phẩm đương đại Trung Quốc (9.7 triệu đô, tác phẩm Mask Series 1996, Number 6 tại nhà Christie Hồng Kông năm 2008) là còn có thể đứng ngang hàng với Zhang về mặt thị trường.

 

4.

Một cặp đế cắm hương bằng đồng tráng men thời Thanh hình hai con hạc kích thước như thật, bán giá 16.7 triệu đô tại nhà Christie Hồng Kông ngày 1. 12, tức là gấp đôi kỷ lục trước đó đối với các món đồng tráng men được chế tác từ kỹ thuật xa xưa.

Một đôi đế cắm hương bằng đồng tráng men

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG: Nguồn gốc cặp đế cắm hương này liên quan đến Lord Loch of Drylaw, người từng làm thư ký riêng cho Lord Elgin vào thế kỷ 19 trong chuyến hành trình định mệnh đến Trung Quốc khi Chiến tranh Nha Phiến lần thứ hai sắp kết thúc. Lord Loch giành được những món đồ chôm chỉa này sau vụ Cung điện mùa hè Bắc Kinh bị tàn phá cướp bóc năm 1860. Cũng như với chiếc bình Bainbridges, nguồn gốc quyền-quý-bị-chôm-chỉa là thứ có thể khiến các nhà sưu tầm Trung Quốc thèm nhỏ dãi. Chưa hết, nhiều người tin rằng chính Càn Long đã tặng hai cái cắm hương này cho phụ hoàng, tức là Hoàng đế Ung Chính lúc Càn Long còn là thái tử. 

ĐÓN XEM: Vài lời khuyên cho các nhà đấu giá năm 2011, hễ món gì dính tới thời Càn Long và Cung điện mùa hè thì đừng mất công làm gì cả, chỉ việc đứng yên mà nhìn thiên hạ xôn xao nâng giá.

 

5.

Thêm một món Càn Long nữa, chiếc ấn bạch ngọc “Xintian Zhuren”, được mua với giá 16 triệu đô tại Sotheby’s Hong Kong ngày 6. 10, tức gấp 4 lần định giá ban đầu và cũng lập nên kỷ lục đấu giá mới đối với bạch ngọc.

Chiếc ấn bạch ngọc “Xintian Zhuren”

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG: Chiếc ấn to lớn này có chạm trổ đôi rồng và ở trên khắc chữ “xintian zhuren” (tín thiên chủ nhân – “kẻ thống trị tin vào trời”), một trong những biệt hiệu yêu thích của Càn Long. Chiếc ấn này theo như mô tả trong một catalogue ở Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh là được chế tác trong xưởng của hoàng cung, dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Càn Long, sau đó được gởi đi 650 dặm đến Hoài Bắc để chạm chữ rồi mới mang trở về dâng lên hoàng đế.

ĐÓN XEM: Ắt không thể có nhiều món dính đến Càn Long mà mật thiết được như chiếc ấn này – trừ các món trong bảo tàng – nhưng trong một hai năm tới kiểu gì những món tương tự cũng sẽ được tung ra nhiều hơn.

 

(Còn tiếp)

*

Bài liên quan: 

– Mười món đấu giá tại Trung Quốc đắt nhất 2010 (phần 1)
– Mười món đấu giá tại Trung Quốc đắt nhất 2010 (phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

10:40 Monday,10.2.2014 Đăng bởi:  admin

@ Tran Lam Toi: bạn chịu khó gõ dấu tiếng Việt rồi Soi đưa lên nhé. Cảm ơn bạn.



...xem tiếp
10:40 Monday,10.2.2014 Đăng bởi:  admin

@ Tran Lam Toi: bạn chịu khó gõ dấu tiếng Việt rồi Soi đưa lên nhé. Cảm ơn bạn.


 
10:06 Wednesday,31.7.2013 Đăng bởi:  Ngọc Lan

Mình thấy có trang này rất hay, chuyên về cổ vật, bạn vào tham khảo hoặc thử liên lạc với họ xem thế nào.

 


...xem tiếp
10:06 Wednesday,31.7.2013 Đăng bởi:  Ngọc Lan

Mình thấy có trang này rất hay, chuyên về cổ vật, bạn vào tham khảo hoặc thử liên lạc với họ xem thế nào.

 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả