Nghệ sĩ Việt Nam

TRƯƠNG TÂN: Trước kia tôi thấy rất cô đơn, trong nghệ thuật 27. 04. 10 - 11:24 am

SOI (bản full)

Nghệ sĩ Trương Tân. Ảnh: Minh Đức

 

Nghệ sĩ Trương Tân là người VN đầu tiên làm, tìm hiểu và dịch nghĩa Performance art (Nghệ thuật trình diễn) và Installation (Sắp đặt) ra tiếng Việt.  Sinh năm 1963 tại Hà Nội, từng là giảng viên đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau khi được học bổng của Cité des arts – Paris, cuộc đời và nghệ thuật của nghệ sĩ Trương Tân gắn với những chuyến “đi đi…về về” giữa Pháp và Việt Nam.  Sau đây là cuộc trò chuyện giữa SOI và nghệ sĩ Trương Tân cách đây gần một năm…

 

“Thể nghiệm” hay là “copy”?

“Trước hết, tôi cần làm rõ cụm từ “nghệ thuật thể nghiệm”. Ở Việt Nam, “thể nghiệm” trở nên không rõ ràng, do những điều đó đã có sẵn trên Thế giới và chúng ta copy lại. “Thể nghiệm” nghĩa là làm điều gì đó hoàn toàn mới, chúng ta chưa biết đó là gì, rối tung rối mù cả lên. Nghệ sĩ phải sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều người làm nghệ thuật ở ta ít đọc, ít tìm hiểu, họ nói đến “thể nghiệm” như một kiểu biện minh cho những cái họ làm chưa đúng.”

Nghệ sĩ Trương Tân mở đầu câu chuyện. 

Anh thuộc thế hệ đầu tiên tiếp xúc, làm Performance art và Installation ở VN, vậy anh “thể nghiệm” hai loại hình này hay “copy” từ những tác phẩm mà các họa sĩ trên thế giới đã làm từ trước?

– Trước khi biết về Performance art và Installation một cách bài bản hoặc đơn giản hơn là gọi tên được chúng (tiếng Anh-pv), tôi thậm chí còn không rõ hai loại hình này đã tồn tại hay chưa. Tôi đến với chúng rất tự nhiên, hoàn toàn theo nhu cầu nội tại. Từ bên trong tôi đã thôi thúc mình làm như vậy.

Migrate

Ngay từ khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật, tôi đã luôn muốn làm khác đi, sáng tạo ra những cái mới. Thực ra, tôi học hành rất nhợt nhạt, vẽ chẳng mấy khi giống phong cách của trường. Đa phần tôi học theo các cuốn catalo của nước ngoài, đọc sách đến trừu tượng là hết.

Tôi xuất hiện với cái tên của mình, với con người mình, mở một cánh cửa với sự chân thực, tự tin và không ngần ngại phơi bày các ý tưởng.

Một trong những tác phẩm sắp đặt đầu tiên của nghệ sĩ Trương Tân tại số 1 Tràng Tiền. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng

Anh đến với với hai loại hình nghệ thuật đó như thế nào?

– Từ năm 1992, tôi từng gắn tóc, kim, gương, bôi dầu mỡ, vẩy mực lên tranh của mình.

Năm 1993, để có được những tấm hình dán vào tranh, tôi nhờ sinh viên của mình quấn vải quanh cơ thể họ và cả tôi để chụp ảnh. Đây là động tác đầu tiên thể hiện về cơ thể.

Năm 1994, tôi gắn các đồ mổ bác sĩ lên một bức tranh và đặt tên là Thứ Sáu ngày 13. Ngoài ra, một số tranh khác tôi dán ảnh, trói dây thừng, xích xung quanh. Trong năm này, tôi làm một triển lãm cá nhân có yếu tố sắp đặt, các bức tranh của tôi đều có liên quan đến nhau theo một chủ đề mà chính tôi cũng không biết đó là gì.

No title

Khi sang Pháp, tôi đã làm một triển lãm cá nhân có tên là Cuộc đời. Trong triển lãm này, tôi đặt rất nhiều tranh, tượng nhỏ bằng gốm và vẽ ra nền nhà giống như giải quyết một vấn đề: tôi lớn lên, sang Pháp, gặp một trung tâm nghệ thuật và phát triển, sau là chết, đồng thời lại sinh ra tiếp. Tác phẩm này tôi đã tặng lại cho trường đào tạo trang trí của Pháp giống như trường Mỹ thuật công nghiệp ở mình vậy. Sau đó, tôi vô tình nhìn thấy một quyển sách về những tác phẩm của nghệ sĩ Joseph Beuys, không đọc được chữ vì tôi chưa rành tiếng Pháp nhưng tôi cảm thấy các tác phẩm của ông có gì đó rất gần gũi, đồng điệu với tôi. Vì rất thích nó nên tôi đã lấy máy ảnh chụp lại bìa cuốn sách.

Khi làm triển lãm Cuộc đời năm 1994 ở Pháp, tôi từng tưởng mình đã làm được điều gì đó mới. Khi biết thực ra chẳng có gì mới cả, cái đó đã xuất hiện trên thế giới rồi, tôi lại tự hỏi tại sao mình lại tiến tới cái đó trong hoàn cảnh thiếu thông tin như vậy.


Vậy thời gian nào anh định được tên và biết rõ hơn về loại hình nghệ thuật mới mình đang làm?

– Cuối năm 1994, đầu 1995, một người bạn thân của tôi tên là Veronica đến VN (Veronica là giáo viên người Đức, từng giảng dạy nghệ thuật đương đại trong trường ĐH Mỹ thuật HN – pv), tôi lấy bức ảnh nghệ sĩ Joseph Beuys mà tôi đã chụp từ bìa cuốn sách ra khoe cô.

Veronica bảo đây là một nghệ sĩ Đức rất nổi tiếng, ông là một trong số nghệ sĩ đầu tiên của Đức làm Performance art. Tôi lại lấy những bức ảnh về triển lãm tranh năm 1994 của tôi cho cô xem, và kể chuyện về các tác phẩm mà tôi đã làm, Veronica nói đó là những mầm mống của Performance art và Installation.

Váy cưới

Thời gian sau đó, Veronica đã chiếu các video về hai loại hình nghệ thuật này ở trên thế giới cho bọn tôi (Nghệ sĩ Trương Tân và Nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành – pv) xem.

Năm 1995, tôi làm Performance art tại Hàng Chuối. Đây có thể coi là Trình diễn đầu tiên tại VN. Một mình tôi làm, khán giả là vài người bạn thân, Veronica thì quay phim. Tác phẩm đó tôi không đặt tên. Nó nói về thân phận con người của chính tôi. Trong quá trình tiến hành tác phẩm, tôi tự chiêm ngưỡng bản thân mình. Trình diễn xong, tôi thấy hoàn toàn tự tin về con người mình, vượt qua được mọi áp đặt, rào cản.

Sau một quá trình làm về Performance art và Installation, cũng như ra nước ngoài tìm hiểu chúng qua thực tế và các tư liệu nghệ thuật, tôi và Nguyễn Minh Thành đã tự dịch hai từ này sang tiếng Việt, thành Nghệ thuật trình diễn và Sắp đặt.

No title

Người làm Installation chính thức đầu tiên ở VN không phải là tôi mà là nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành. Khi tôi và Nguyễn Minh Thành hiểu rõ về hai loại hình nghệ thuật này, Nguyễn Minh Thành đã làm sắp đặt đầu tiên ở 29 Hàng Bài năm 1996. Nhân triển lãm này của Thành, tôi và nghệ sĩ Nguyễn Văn Cường lần đầu tiên đưa Performance art ra công chúng với tác phẩm Mẹ và con. Anh Cường đóng vai bà mẹ, tôi đóng vai đứa con – tương lai của nghệ thuật VN. Mỗi chuyển động về cơ thể của hai chúng tôi muốn diễn tả về chuyển động nghệ thuật trong lòng đất nước, quá khứ và tương lai luôn có sự xung đột với nhau. Người xem thấy tác phẩm đó hay và đẹp, tuy nhiên vì là lần đầu tiên nên giống như trẻ học nói, ngôn ngữ còn bập bẹ, chưa rõ ràng.

 

Năm 1996 có thể coi là năm khởi phát của Nghệ thuật trình diễn và Sắp đặt tại VN, trong năm này, có một triển lãm thường được dân trong giới nhắc đến là Khởi thủy của nghệ sĩ Trần Lương. Còn anh sau đó bỗng dưng… “mất tích”?

– Năm 1996, tôi sang Đức, Đan Mạch để triển lãm và làm Sắp đặt. Năm 1997 tôi sang Pháp sống. Tại đây, tôi tiếp tục vẽ, làm Sắp đặt và Trình diễn. Năm 2000 tôi trở về nước, lúc đó mới biết đến nhà sàn Đức. Biết hai loại hình này đang phát triển tại VN, tôi thấy rất vui. Tiếp xúc với các nghệ sĩ, tôi nhận ra đây là đồng nghiệp của mình. Trước kia tôi thấy rất cô đơn.

Nghệ sĩ Trương Tân cùng những người bạn Nhasan (gia đình lớn), 2003

Không phụ thuộc vào chất liệu, vật chất

Lấy mốc là năm 1995, vậy Nghệ thuật trình diễn và Sắp đặt đã có mặt và phát triển ở VN qua 14 năm. Với con mắt của người đi tiên phong, anh có nhận xét gì về những tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong thời điểm hiện tại?

– Các tác phẩm thường giống nhau trong khi hiểu biết của những nghệ sĩ này lại hạn hẹp. Hôm trước, tôi có gặp một số nghệ sĩ từng học trong trường Mỹ thuật, bảo họ bị ảnh hưởng phong cách được đào tạo bởi trường nhiều quá, sự mạnh mẽ trong biểu hiện chuyên nghiệp và tính cá nhân yếu. Ví như một họa sĩ ấn tượng vẽ tranh trừu tượng và siêu thực đi làm nghệ thuật Sắp đặt và Nghệ thuật trình diễn. Gốc rễ của trường phái ấn tượng Âm – Dương (họa sĩ ấn tượng + văn hóa Âm – Dương) rất rõ. Trong đó, ấn tượng là sự đối lập về chất lượng, số lượng, mầu sắc… Kết cục là mọi sản phẩm đều thấy na ná nhau.

 

Quan điểm cá nhân của anh về nghệ thuật thì sao?

– Khi sáng tác, tôi không phụ thuộc vào chất liệu hay vật chất. Nghệ sĩ VN làm ra các sản phẩm giống nhau chính vì phụ thuộc quá nhiều vào chất liệu. Cảm nhận nghệ thuật của tôi thông qua cả sáu giác quan, và đó chính là “chất liệu”.

Dance

 

Anh nói không phụ thuộc chất liệu cụ thể nào nhưng đa phần các tác phẩm sắp đặt của anh, tôi đều thấy chúng liên quan đến vải?

– Tôi có cảm giác say đắm khi làm việc trên vải. Có thời gian tôi làm về may mặc cho nên tôi có những cảm nhận riêng đối với chất liệu vải rất rõ. Nhưng đó không phải là chất liệu duy nhất để tôi sáng tạo. Ví như khi sáng tác tranh, không chỉ thích vẽ tranh sơn mài, tôi còn mê sơn dầu, acrilic, thuốc nước…

Hidden Beauty

 

Làm nghệ thuật thể nghiệm phải chăng tương đương với việc không kiếm được ra tiền?

– Thị trường buôn bán video các tác  phẩm Nghệ thuật trình diễn, Sắp đặt ở VN bắt đầu xuất hiện. Người nghệ sĩ làm thể nghiệm hoàn toàn có thể bán được video tác phẩm của mình. Từ trước đến nay tôi vẫn bán các tác phẩm của mình ở cả trong nước và ngoài nước.

Mọi tác phẩm của tôi đều được đưa ra với mục đích rung động người thưởng thức, đưa họ đến với cảm giác hạnh phúc, thanh thản. Chính vì cảm giác này, họ có mong muốn sở hữu các tác phẩm của tôi.

Contagiously Sick

Người có tiền sẽ mua, người không có tiền cũng cố gắng mua. Tôi thực ra chưa bao giờ phải nghĩ đến tiền, bản thân tôi không có nhu cầu chi tiêu nhiều, cũng không có lắm đòi hỏi về vật chất. Tiền có được sau khi bán tác phẩm của mình, tôi lại dùng cho các tác phẩm sau này. Lấy nghệ thuật để nuôi nghệ thuật. Cái quan trọng là mình được thể hiện nội tâm hay những suy nghĩ cá nhân về con người thông qua góc độ nghệ thuật.

Trương Tân vẽ! Ảnh: Minh Đức

 

Làm cho người khác thấy thanh thản, hạnh phúc qua tác phẩm của mình chứng tỏ anh cũng sống thanh thản, hạnh phúc?

– Đúng như thế.

 

Anh làm thế nào để mình thanh thản?

– Tiến vào bên trong để tìm cái tận sâu trong con người mình. Hướng ra bên ngoài để nhìn mọi người xung quanh với sự bao quát nhất.

 

Còn khi tình yêu bị đổ vỡ, chia ly  thì sao?

– Sự ra đi và ở lại không quan trọng đối với tôi. Quan trọng là cảm giác hạnh phúc tràn ngập mà tôi có được trong mối tình đó. Những người tôi yêu có thể không yêu tôi, nhưng khi bên tôi, họ vẫn có được cảm giác hạnh phúc.

 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Ý kiến - Thảo luận

13:41 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  thuốc lào
Baby liti thông minh gớm! Bài phỏng vấn có nhõn một người mà biết ngay là chỉ nghe một phía! Giỏi!
...xem tiếp
13:41 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  thuốc lào
Baby liti thông minh gớm! Bài phỏng vấn có nhõn một người mà biết ngay là chỉ nghe một phía! Giỏi! 
12:00 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  Baby Liti
Bài phỏng vấn này chủ quan quá, chỉ nghe một phía !!!

...xem tiếp
12:00 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  Baby Liti
Bài phỏng vấn này chủ quan quá, chỉ nghe một phía !!!
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả