Nghệ sĩ thế giới

Vì sao Ullens lại nỡ bán tranh đi? 01. 03. 11 - 1:52 pm

O'Dea Madeleine - Lê Thanh Dũng dịch

 

“Sinh năm 1989, 1995”, tác phẩm của Liu Wei (sinh 1965), ước lượng 190.000 – 260.000 USD, vẽ ba đứa trẻ hồng hào bước về tương lai vô định. Bức này sẽ được Ullens cho Sotheby đấu giá vào tháng 4. 2011

Tháng 2. 2011, giới nghệ thuật Trung Quốc xôn xao vì có tin 106 tác phẩm trong bộ sưu tập của Guy Ullens và Myriam vợ ông sẽ được Sotheby Hong Kong đấu giá vào ngày 3. 4. 2011, dự kiến sẽ thu về từ 12,7 đến 16,7 triệu USD.

Guy Ullens, nam tước người Bỉ, là một trong những nhà sưu tập chuyên về nghệ thuật đương đại Trung Quốc đáng nể nhất. Ông cùng vợ và một vài người thành lập Trung tâm Ullens về nghệ thuật đương đại ở Bắc Kinh vào năm 2007. Trung tâm này vừa bị ông tuyên bố bỏ rơi.

Mọi người tha hồ phỏng đoán việc đem tranh đi bán của ông; trước hết liệu đây có phải là dấu hiệu hai vợ chồng ông đã hết yêu thích nghệ thuật đương đại Trung Quốc? Nhưng xét kỹ lại những gì đang diễn ra thì lý thuyết này sụp đổ: phần lớn các tác phẩm Trung Quốc tiêu biểu trong triển lãm 2008 mang tên Tương lai của chúng tôi, tổ chức tại Trung tâm Ullens đúng vào dịp Thế vận hội Bắc Kinh, nhằm giới thiệu phần cốt lõi của bộ sưu tập Ullens, sẽ vẫn được hai vợ chồng này giữ lại sau cuộc đấu giá sắp tới.

Zhang Peili (Trương Bồi Lực), Series “X?” No. 3, 1986. Ước lượng US$190,000 – 320,000. Một tác phẩm sắp được đấu giá.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các tác phẩm đấu giá vào tháng Tư tới là không đáng chú ý, vì vẫn có các tác phẩm tiêu biểu thời kỳ đầu của Trương Hiểu Cương, Mao Húc Huy và Trương Bồi Lực (Zhang Xiaogang, Mao Xuhui, Zhang Peili) từng được bày trong triển lãm China – Avant Garde hồi 1989.

Các tác phẩm trong cuộc đấu giá này đều thuộc thời kỳ đầu – thời mới lên của nghệ thuật Trung Quốc đương đại – đó những năm 80 và đầu 90 – khi mà những nghệ sĩ đương đại Trung Quốc còn chưa khiến được phương Tây chú ý nhiều. Từ đó đến nay, giá các tác phẩm đã khác nhiều, đến mức tăng vọt như mới đây, với tranh thời kỳ đầu của Trương Hiểu Cương, Mao Húc Huy, Lưu Đại Hồng (Liu Dahong) và Từ Hữu Hàm (Yu Youhan) lập kỷ lục về giá tại các phiên đấu giá mùa thu của Sotheby Hong Kong và Christie Hong Kong. Việc đẩy giá lên là nhờ có các nhà sưu tập Trung Quốc đại lục bắt đầu bước vào một thị trường từng bị các khách hàng phương Tây thống trị.

Bức "No 4", vẽ 1994, trong bộ “Mặt nạ” của Zeng Fanzhi (sinh 1964). Ước lượng 1 - 1.3 triệu USD.

Có thể hiểu được Sotheby sẽ rất vui mừng khi có được các tác phẩm lần này của Ullens và sẽ trưng bày chúng tại một phiên đấu giá buổi tối đặc biệt mang tên Bộ sưu tập Ullens – Sự ra đời của lực lượng tiên phong Trung Quốc. Evelyn Lin, người đứng đầu mảng nghệ thuật châu Á đương đại của Sotheby nói: “Được tổ chức đấu giá những tác phẩm chất lượng nhường ấy và quan trọng nhường ấy đánh dấu một bước đi lên trong nghề nghiệp của tôi. Đó sẽ là niềm vui lớn nhất của tôi, được chia sẻ với cộng đồng những người sưu tập quốc tế nhiều mặt đặc biệt của bộ sưu tập mang tính lịch sử này”. Vừa qua ông Lin đã cầm trịch phiên đấu giá bán được bức tranh của Trương Hiểu Cương – Sang chương thế kỷ mới – Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa II vào tháng 10. 2010 tại Hong Kong. Bức tranh có giá kỷ lục 6.689.744 USD, cao gấp đôi giá ước tính.

 

Sang chương thế kỷ mới – Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa II

Phiên đấu giá sắp tới của Ullens có thể sẽ lại nhằm vào Trương – bức tam bình Tình yêu còn mãi (vẽ năm 1988) ước tính bán được 3.2 – 3.8 triệu USD. Tác phẩm siêu thực này đã báo trước một số hình ảnh đã trở thành “đặc sản” của Trương như hiện nay, và rõ ràng đây là một kiệt tác.

Bức tam bình "Tình yêu còn mãi" (vẽ năm 1988)

Có thể tưởng tượng được chia tay với một tác phẩm chất lượng như thế thật sự là một điều khó khăn đối với Ullens, nhưng số tiền thu được của phiên đấu giá sẽ cho phép ông tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình để làm việc với các nghệ sĩ mới và đang lên (nhưng của nước nào?). Và đây không phải là kiệt tác đầu tiên Ullens phải bán để có vốn mà tiếp tục phát triển của bộ sưu tập của mình và của Trung tâm Ullens. Tháng 5. 2009 ông từng bán một bức tranh cuộn của hoàng đế Huy Tông đời nhà Tống, Những loài chim hiếm vẽ theo mẫu thật, tại phiên đấu giá Poly với giá 8.4 triệu USD (Huy Tông đời nhà Tống là hoàng đế và cũng là họa sĩ – ND).

Bức "Những loài chim hiếm vẽ theo mẫu thật"

Trong khi đó, việc Ullens rút khỏi Gallery Bắc Kinh ngày càng rõ ràng. Năm ngoái, Trung tâm Ullens đã bắt tay hợp tác với Ngân hàng tư nhân Dân Sinh Trung Quốc trong lĩnh vực triển lãm và xuất bản. Điều này khiến nhiều người đoán rằng Dân Sinh (năm ngoái cũng đã khai mạc bảo tàng của mình tại Thượng Hải), có thể sẽ tiếp quản trung tâm nghệ thuật đương đại từ hai vợ chồng nhà Ullens. (Nếu rơi lại vào tay một anh Trung Quốc như thế thật thì cũng hơi cụt hứng cho các nghệ sĩ Trung Quốc? – SS)

*

Bài liên quan:

– Đòn choáng váng cho khu 789
– Vì sao Ullens lại nỡ bán tranh đi?

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả