Tin tức

Tin-ảnh: Bốn triển lãm quan trọng 15. 03. 11 - 9:26 pm

Ngọc Trà tổng hợp

 

BẮC KINH – Một nhân viên dựa tường nghỉ ngơi giữa các tác phẩm của họa sĩ Trung Quốc Ling Jian trong triển lãm mang tên “Trăng trong Gương” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Ullens, Bắc Kinh, 8. 3. 2011. Nổi tiếng với những bức chân dung quyến rũ vẽ phụ nữ đẹp và các chàng ái nam ái nữ, trong series mới của mình, Ling sử dụng chân dung, gương, nghệ thuật sắp đặt và thiết kế không gian để tạo nên một trải nghiệm thị giác rất bóng bảy, đồng thời tạo một không gian khơi gợi suy tưởng. Triển lãm chỉ mở cửa có 5 ngày, tức đóng cửa ngày 13. 3. 2011. Trung tâm Ullens trong khu 798 mặc dù đã bị Ullens “bỏ rơi” nhưng thế là vẫn cầm cự, thay triển lãm đã lên kế hoạch của Ai Wei Wei (đã hủy) bằng triển lãm này. Ảnh: H. H. Young

 

BẮC KINH – Bóng một nhân viên phản chiếu trên một tác phẩm nghệ thuật in trên một tấm gương màu được sản xuất đặc biệt cho triển lãm “Trăng trong Gương” của Ling Jian. Trong ba thập kỉ sống ở Vienna, Hamburg và Berlin, Ling Jian đã khá nổi tiếng với các tác phẩm chân dung phụ nữ và đàn ông “lưỡng tính”. Từ khi trở về Trung Quốc vào năm 2003, anh dần dần chuyển sự chú ý vào khái niệm bản sắc người Trung Quốc đương đại. Trong triển lãm “Trăng trong Gương”, anh cho in các bức chân dung trên những tấm gương màu đặc biệt. Những “thiên thần” của Ling Jian vừa siêu thực vừa được cường điệu hóa một cách rất “điệu”: trán rộng, cằm nhọn, môi dày và mắt to, đúng chuẩn đẹp hiện đại nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng “bản sắc văn hóa” Trung Hoa. Khi in trên kính hình mặt trăng, những bức chân dung này sẽ có được sự biến dạng cả hai chiều, trông vừa trừu tượng hơn, đồng thời biến các thiên thần thành những công cụ trông không mấy thánh thiện để truyền tải nhận thức về bản sắc, về thông tin trong một thời đại ngày càng trừu tượng. Khi ta tiến đến gần, chân dung của họ bắt đầu tan đi, thay vào đó là hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta, với những bất ổn của chính gương mặt chúng ta – chân dung tự họa của riêng ta. Ảnh: H. H. Young

 

LONDON – Mubin Orhon, Không đề, sơn dầu trên vải, 1963, 150 x 149.5 cm. Sotheby’s tuyên bố cuộc Đấu giá Nghệ thuật Đương đại Thổ Nhĩ Kỳ thường niên của mình tại London diễn ra vào thứ Năm, 7. 4. 2011 sẽ giới thiệu một bộ sưu tập đặc sắc các bức tranh của bậc thầy hiện đại Mubin Orhon.

 

LONDON – Bộ sưu tập độc đáo Mubin Orhon sắp triển lãm tại London có lai lịch hoàn hảo, được Daniel Gervis, một nhà buôn, kiêm nhà sưu tập và mạnh thường quân nghệ thuật người Pháp, tích cóp từ những năm 1960. Bốn bức tranh chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường này được Gervis mua trực tiếp từ nghệ sĩ và đã tồn tại trong cùng bộ sưu tập trên gần 50 năm qua. Kết hợp lại, bốn kiệt tác này ước lượng sẽ mang về hơn 680,000 bảng Anh.

 

ST. GALLEN – Quang cảnh cuộc triển lãm mang tên “Bits, bots mpgs và ppms” của nghệ sĩ người Thụy Sĩ Norbert Möslang tại Lokremise, St. Gallen. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 1. 5. 2011. Norbert Möslang sinh năm 1952, nổi tiếng thế giới là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất và có nhiều trải nghiệm sáng tạo nhất trong lĩnh vực nhạc điện tử đương đại.

 

Bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử thông dụng thay vì nhạc cụ truyền thống, âm nhạc của Norbert Möslang đã trở nên phong phú hơn rất nhiều. Từ giữa những năm 1980, Norbert đã gắn kết âm nhạc thể nghiệm với các triển lãm sắp đặt; ở đó, các sáng tạo âm thanh và hình ảnh trở nên không thể tách rời với nhau trong một hinh thức giao thoa đầy hứng khởi giữa âm nhạc thể nghiệm và nghệ thuật thị giác. Ảnh: E. Leanza

 

NEW YORK – Tác phẩm của nghệ sĩ gốc Do Thái Maira Kalman có tên “MoMa chuyển đến Queens” là một phần trong triển lãm mở cửa từ ngày 11. 3. 2011 tại Bảo tàng Do Thái ở New York, kéo dài đến 31. 7 (những 4 tháng!).

 

Tác phẩm Tự Họa (với chó Pete) của Maira Kalman. Tranh của Maira, với phong cách trẻ thơ và màu sắc tươi sáng, thường bị cho là kì dị, và đúng là như thế. Nhưng nó có một sức nặng tri thức, phản ánh một trí tò mò sâu rộng và một nỗi lo sợ có trong tiềm thức mà tại một cuộc phỏng vấn, nghệ sĩ đã lý giải rằng điều đó có lẽ xuất phát từ việc mình là con của những người sống sót sau Thảm họa Diệt chủng Do Thái.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả