Nghệ sĩ thế giới

Nghệ sĩ Nhật làm gì, lúc này? 18. 03. 11 - 11:17 pm

Theo Kate Deimling - Hồ Như Mai lược dịch

 

 

Múa Butoh của Nhật

Tại Nhật, cộng đồng nghệ thuật đang cố gắng tìm lại sự bình thường. Bảo tàng Quốc gia Tokyo đang tạm đóng cửa để tiết kiệm điện nhưng cũng công bố là không có thiệt hại gì nghiêm trọng và lên kế hoạch mở cửa trở lại vào thứ Bảy, 19. 3. 2011, có hạn chế thời gian và khu vực tham quan.

Trong khi đó Bảo tàng Nghệ thuật AoMori cũng ở Tokyo, là nơi không có bộ sưu tập nào cố định, cũng báo cáo là không có thiệt hại nhưng quyết định hoãn hai triển lãm đương đại sắp tới, do những quan ngại về an toàn và tiết kiệm điện. Miwako Tezuka của Asia Society phát biểu với phóng viên rằng bà biết được công nghệ chống động đất tại tòa nhà mới của Bảo tàng nghệ thuật Aomori, do Jun Aoki thiết kế, đã vượt qua được những chấn động vừa rồi.

 

Một góc bảo tàng AoMori

Takashi Murakami thì hoãn lại hội chợ nghệ thuật GEISAI #15, đã được lên kế hoạch là sẽ khai mạc hôm thứ Sáu, 18. 3 này. Trong một phát biểu, nghệ sĩ lấy làm tiếc nhưng ông kêu gọi đồng nghiệp upload các tác phẩm với tag “#newday_GEISAI” lên Twitter để tưởng niệm nạn nhân thảm họa. Chủ đề mà Murakami chọn là Ngày mai sẽ luôn đến. Mặt trời sẽ luôn mọc. Một ngày mới.

 

Tranh hưởng ứng của Toshiaki Uchiba

Ông cũng viết rằng, “Có lẽ sức mạnh của nghệ thuật có thể mang lại vài tia hi vọng cho cộng đồng của chúng ta trong hoàn cảnh đen tối và chật vật như hiện nay.” Trang web cũng đã nhận được hàng trăm sự đóng góp, từ phong cách xinh xinh kiểu Superflat đến những hình ảnh cổ điển về mặt trời – vừa biểu tượng cho Nhật Bản là “xứ sở mặt trời mọc” vừa cũng là ý niệm về một ngày mới, khởi đầu sự tái tạo và cách tân.

 

Tranh hưởng ứng của Mentisflatus, “Tsunami trong trí tôi”

Trong khi đó, nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật trên khắp thế giới đang cùng nhau thực hiện một nỗ lực ủng hộ quốc đảo này, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến Nhật Bản tại New York, trong khuôn khổ Tuần châu Á.

Tuần châu Á – một chuỗi hoạt động thường niên gồm các buổi triển lãm, đấu giá và nói chuyện – sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 26. 3, trong đó các triển lãm và đấu giá tập trung vào các tác phẩm từ nhiều giai đoạn và nhiều quốc gia châu Á. Gallery Nghệ thuật Đông phương Hiroshi Yanagi, ở Kyoto, là gallery duy nhất của Nhật còn giữ kế hoạch tham gia. Với ý chí cao, gallery này sẽ dùng chính lúc đau thương này để thế giới biết đến Nhật Bản nhiều hơn: họ trưng bày các cuộn tranh Nhật, các tác phẩm điêu khắc và gốm sứ từ thế kỷ 14 đến giai đoạn đương đại. Một điểm nhấn khác là buổi giới thiệu phong trào gốm sứ Sôdeisha Nhật Bản với các tác phẩm điêu khắc avant-garde của phong trào này.

 

Gốm Soodeisha của bậc thầy Suzuki Osamu

Cũng trong khuôn khổ Tuần châu Á, một triển lãm có tên gọi Bye Bye Kitty!!!Between Heaven and Hell in Contemporary Japanese Art (Bái bai Kitty!!! Giữa thiên đàng và địa ngục trong nghệ thuật đương đại Nhật Bản) sẽ khai mạc vào ngày 18. 3 tại Hội Nhật Bản- Japan Society.

 

.

Như tên gọi và những dấu chấm thang đã gợi ý, buổi trưng bày này sẽ tìm cách nói lời tạm biệt với tôn chỉ thẩm mỹ kawaii (xinh xinh) của Nhật Bản. Tác phẩm chủ đạo là một tấm ảnh của Yoshimoto Nara, mô tả hai hình chú mèo “Hello Kitty” to lớn trên một tấm bia mộ bằng đá granite xám.

 

.

Hội Nhật Bản cũng thành lập một quỹ cứu trợ động đất, một nửa doanh thu bán vé cho tất cả các sự kiện đến ngày 30. 6. 2011 sẽ nộp vào đó.

Ngoài ra, hội này cũng nhanh chóng tổ chức buổi hòa nhạc Concert for Japan để gây quỹ vào ngày 19. 4, kéo dài 12 tiếng đồng hồ với các hoạt động giải trí live và những hoạt động thủ công như xếp hạc giấy và làm lồng đèn washi, dành cho mọi lứa tuổi.

Vào thứ Hai, Asia Society sẽ tổ chức một buổi biểu diễn taiko (trống) do đoàn nghệ thuật nổi tiếng Kodo từ Nhật thực hiện, nhằm hỗ trợ các nạn nhân động đất và gia đình họ. Miwako Tezuka, phó giám tuyển của Bảo tàng Asia Society phát biểu với phóng viên rằng “màn trình diễn sẽ gần như một nghi lễ, như thể đang cố xoa dịu một vị thượng đế đang nổi giận.”

 

.

Nhóm trống này cũng sẽ trình diễn tuần tới trong lễ hội JapanNYC của Carnegie Hall, hiện cũng trở thành sự kiện gây quỹ ủng hộ nạn nhân thảm họa ở Nhật. Giám đốc điều hành và nghệ thuật của Carnegie Hall nói với phóng viên rằng, mỗi khi con người ta phải chịu đau đớn, âm nhạc và văn hóa là “những thứ họ tựa vào để tìm sự an ủi.” Trong tinh thần đó JapanNYC sẽ có tất cả 40 sự kiện vào tháng 3 và tháng 4, kể cả âm nhạc cổ điển, kịch Noh, manga, phim và múa butoh với các màn trình diễn của Dàn nhạc NHK Symphony Orchestra từ Tokyo và Vũ đoàn Martha Graham Dance Company.

 

Múa Butoh

Nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật cũng đã thực hiện những nỗ lực gây quỹ tại chỗ, giúp cho công chúng có cơ hội được xem những hình ảnh tuyệt đẹp, đồng thời là dịp để ủng hộ cho đất nước này. Tại Los Angeles, Japan L.A đã tổ chức một triển lãm gây quỹ có tựa đề #Triển lãm nghệ thuật gây quỹ và cầu nguyện cho Nhật Bản, trong đó dấu # thể hiện sự ghi nhận đối với vai trò thiết yếu của Twitter trong việc liên kết giữa cộng đồng quốc tế với Nhật Bản trong suốt cuộc khủng hoảng. Triển lãm khai mạc thứ Bảy và toàn bộ doanh thu sẽ được ủng hộ cho hội Hồng Thập Tự tại Nhật Bản.

Trong khi đó, trang web 20 X 200 của Jen Bekman chuyên bán các tác phẩm giá cả phải chăng chào hàng loạt ảnh Vườn thượng uyển có tường bao quanh, Tokyo của Emily Shur,

 

Vườn thượng uyển có tường bao quanh, Tokyo của Emily Shur

Shinjuku 6:43 của Joe Holmes, toàn bộ doanh thu sẽ được nộp lại cho quỹ hỗ trợ động đất của Hội Nhật Bản.

 

Shinjuku 6:43, ảnh của Joe Homes

Với giới yêu tranh truyện, Nhật Bản cũng đồng nghĩa với manga, vì vậy, nhiều nhà minh họa đã vẽ tranh truyện, áo thun, và nhiều mặt hàng khác để bán gây quỹ ủng hộ nạn nhân. Trang web Comics Alliance đã tập hợp được một danh sách các mặt hàng này (đang được cập nhật).

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả