Tin-ảnh: Đẹp từ trong nhà ra ngoài núi
17. 04. 11 - 8:45 pm
Ngọc Trà tổng hợp
BARCELONA – Nữ Bộ trưởng Văn hóa xinh đẹp của Tây Ban Nha, Gonzalez-Sinde, phát biểu tại buổi giới thiệu một bệ thờ kiểu Gothic vẽ hình thánh Michael và thánh Peter của các nghệ sĩ Jaume Cirera và Bernat Despuig, cùng một bức tranh thánh Michael của nghệ sĩ Joan Mates tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Catalonia (MNAC), Barcelona, Tây Ban Nha, 12. 4. 2011. Các tác phẩm sẽ được trưng bày như một phần của bộ sưu tập cố định của MNAC, lần đầu tiên sau gần một thế kỉ. Ảnh: Alberto Estevez
BUENOS AIRES – Hình vẽ một con voi trong một dinh thự cổ ba tầng tại Buenos Aires, Argentina. Tại đây một số nghệ sĩ Argentina đã dành bốn ngày liền trang trí căn nhà hoàn toàn bằng graffiti. Công việc này thuộc dự án nghệ thuật đô thị có tên gọi Pop Up Galleries với sự tài trợ của các công ty tư nhân. Ảnh: Julian Sarraacino.
BREGENZ – Bối cảnh đẹp như một tác phẩm mỹ thuật cho vở opera Andre Chenier của nhạc sĩ Ý Umberto Giorgano, được trưng bày trên sân khấu nổi tại Festival Bregenz ở Bregenz, Áo, 13. 4. 2011. Buổi diễn ra mắt sẽ diễn ra vào ngày 20. 7. 2011 (những 3 tháng nữa kia!). Ảnh: Patrick Seeger
BAMIYAN – Toàn cảnh nơi hai bức tượng Phật khổng lồ được tạc vào vách đá vôi bị Taliban phá hủy tháng 3. 2001 tại Bamiyan, Afghanistan. Ảnh chụp ngày 13. 4. 2011 2011. Những bức tượng cổ xưa này nằm trong số những tượng Phật cao nhất thế giới. Trước đó chúng đã sống sót qua các cuộc hành quân tàn phá của Thành Cát Tư Hãn, nhiều thế kỉ xâm lăng, chiến tranh và sự xói mòn tự nhiên, nhưng đến thời Taliban thì mất sạch. Ảnh: Naqeeb Ahmed
BILBAO – Tác phẩm ‘Tomato Head’ (Đầu cà chua) của nghệ sĩ người Mỹ Paul McCarthy được trưng bày trong triển lãm “The Luminous Interval The D. Daskalopoulos Collection” (Khoảng trung gian tỏa sáng – Bộ sưu tập của D. Daskalopoulos) tổ chức tại Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha, 11. 4. 2011 (bạn còn nhớ bảo tàng này không? Nơi có con nhện của Louise Bourgeois?). Bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của nhà tài chính người Hy Lạp Dimitis Daskalopoulos gồm tác phẩm của hơn 30 nghệ sĩ quốc tế có thể được xem tại đây đến ngày 11. 9. 2011. Đây là cuộc trưng bày quy mô lớn đầu tiên của một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân quan trọng nhất thế giới. Ảnh: Luis Tejido
BILBAO – Một khách tham quan chiêm ngưỡng tác phẩm ‘Dependence/Independence’ (Lệ thuộc/Không lệ thuộc) của họa sĩ người Pháp Annette Messager, trưng bày tại triển lãm ‘The Luminous Interval – The D. Daskalopoulos Collection’. Tiêu đề triển lãm lấy từ câu nói của triết gia – nhà văn Hi Lạp Nikos Kazantzakis – ‘We come from a dark abyss, we end in a dark abyss, and we call the luminous interval life.” (Chúng ta đến từ một vực sâu tăm tối, chúng ta kết thúc trong một vực sâu tăm tối, và chúng ta gọi cuộc đời là khoảng trung gian tỏa sáng”. Từ lâu tư tưởng của Kazantzakis đã có ảnh hưởng đặc biệt lên việc sưu tập của Dimitris Daskalopoulos. Kazantzakis nhìn cuộc đời như một ‘khoảng trung gian tỏa sáng’, trong đó đấu tranh và tan rã là những điều kiện cần thiết cho sáng tạo và cách tân. Bộ sưu tập nói trên khám phá sự tồn tại đồng thời của sự hy vọng và niềm tuyệt vọng trong bản chất con người, tập trung đặc biệt vào các khái niệm như sự xa lánh, chấn thương, tính hữu hình và bản sắc văn hóa.
BILBAO – Tác phẩm Palms của nghệ sĩ Đức John Bock cũng được trưng bày tại Triển lãm “Khoảng trung gian tỏa sáng”. Bộ sưu tập D.Daskalopoulos phản chiếu những cung bậc của thời đại, và rất nhiều tác phẩm trong triển lãm nói về những khủng hoảng cũng như những thắng lợi của đời sống đương đại. Ảnh: Luis Tejido
VENICE – “Perfect door, perfect odor, perfect rodo” của Bruce Nauman là tác phẩm trong triển lãm In Praise of Doubt (Vinh danh sự nghi ngờ) đang bày tại Punta della Dogana. Triển lãm này gồm các tác phẩm đã đi vào lịch sử và các tác phẩm mới, bao gồm một vài dự án thực hiện tại những địa điểm cho sẵn. Các tác phẩm này đặt lại vấn đề về tính bất định, những nhận thức của chúng ta về bản sắc, đồng thời xem lại mối quan hệ giữa không gian riêng tư với không gian của tác phẩm.
VENICE- “Cocoon de Vide”(Chiếc kén của trống rỗng) của Chen Zen, trong triển lãm “In Praise of Doubt”, được tuyển chọn bởi giám tuyển Caroline Bourgeois, minh họa khả năng phi thường của các nghệ sĩ trong việc khám phá cách chúng ta nhìn nhận những bất định của chính chúng ta, cũng như mối quan hệ của chúng ta với những bất định của tha nhân.
MADRID- Và cuối cùng, truy vấn những vấn đề nặng tính triết học để mà làm gì, cặp nghệ sĩ “tào lao” người Anh, Gilbert Proesch (phải) và George Passmore (trái), vẫn được gọi là Gilbert George, đứng chụp ảnh trong buổi giới thiệu triển lãm có tên gọi Urethra Postcard Pictures (Những bức hình bưu thiếp niệu đạo?) tại gallery Ivorypress, Madrid, Tây Ban Nha, 12. 4. 2011. Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm của cặp nghệ sĩ này được khai mạc vào ngày 14. 4, trùng với buổi kí tặng sách “The Complete Postcard Art of Gilbert George” và kéo dài suốt một tháng, đến tận ngày 14. 5. 2011. Ảnh: Angel Diaz
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
22:05Monday,18.4.2011Đăng bởi: Em-co-y-kien
Cám ơn Ngọc Trà một chùm tin và ảnh thú vị quá. ...xem tiếp
...xem tiếp