Gẫm & Bình

Xem miễn phí = phê bình hữu nghị? 19. 04. 11 - 10:58 pm

Pha Lê

 

Trong bài “Từ con mắt trần tới con mắt thần” của tác giả Vũ Lâm có đoạn như sau:

Tôi thấy rất tội nghiệp người làm nghề tạo hình ở điểm này. Chúng ta mua một cái đĩa phim ‘lởm’ chí ít cũng mất 7000 đồng. Mua vé xem phim rạp, live show nhạc hát hoặc vé xem một trận bóng cũng mất vài chục, vài trăm nghìn cho đến hàng triệu. Ca sĩ hát dở, cầu thủ bán độ đá đểu, đĩa phim chất lượng tồi, ta có chút quyền xỉ vả, chê bai, ném cà chua trứng thối… bởi vì ta đã phải đổi bằng tiền tươi để mua, để được xem, được nghe, được bình luận. Còn với tác phẩm tạo hình (trừ vào bảo tàng phải mất vé), thì tôi chưa hề thấy một triển lãm nào ở ta bắt người xem phải trả tiền mới được vào nhìn cả. Đã không mất tiền nhìn, tiền nghe, thì ít ra, cũng nên giữ một thái độ tối thiểu như thế nào đó cho có văn hóa giao tiếp một chút chứ. Phải không hả các bạn? Chứ còn, khi bạn thích, muốn sở hữu, muốn ‘rinh nó về để sống với nó’ thì là một việc khác. Lúc đó, bạn đã có ý định làm một cuộc trao đổi hàng-tiền-hàng, thì mới có quyền chê bôi, quyền mặc cả ‘cò kè bớt một thêm hai’ thoải mái, tùy vào tầm tiền và tầm văn hóa của bạn.”

Đọc tới đây thì xin anh Vũ Lâm thông cảm cho, tôi có cảm tưởng như cái lý thuyết “miễn phí thì không nên chê” chỉ có trong các quán cơm cứu đói tình thương của thời đại cũ nay đã lan qua tới phê bình nghệ thuật thời nay. Thiết nghĩ, ở một đất nước Việt Nam gốc là dân chủ cộng hòa, độc lập tự do hạnh phúc, thì mỗi con người đều có quyền chê và bình đẳng trong quyền này, với điều kiện cái sự chê đó chỉ dành cho tác phẩm, không nhằm mục đích lăng mạ, sỉ nhục tác giả của nó một cách kém văn minh.


Chất lượng của miễn phí

Vũ Lâm viết “Còn với tác phẩm tạo hình (trừ vào bảo tàng phải mất vé), thì tôi chưa hề thấy một triển lãm nào ở ta bắt người xem phải trả tiền mới được vào nhìn cả.”

Cái “Ở ta” trong câu này như thể nói “Ở địch” không có các cuộc trưng bày, triễn lãm miễn phí. Tôi chưa đi hết các nước “địch thủ”, nhưng đã viếng thăm một số và cũng ở đấy vài năm để biết rằng bảo tàng lẫn triển lãm miễn phí có đầy rẫy, với quy mô lớn nhỏ tùy theo quốc gia. Ví như ở Pháp thì các nhà thờ Thiên Chúa Giáo được chính phủ hỗ trợ để mở cửa miễn phí, còn bảo tàng thì không nhận được sự hỗ trợ này nên phải thu tiền (chỉ miễn phí vé cho những ai dưới 18 tuổi). Còn bên Anh Quốc thì cho rằng nghệ thuật là học hành, nhà thờ là chuyện riêng, nên đã hỗ trợ cho tất cả các bảo tàng lớn của quốc gia được miễn phí cho mọi người dân (kể cả khách du lịch). Trong khi đó những cuộc triển lãm tư phải thu tiền vé, (tư nhân cũng gồm cả Hoàng Gia Anh Quốc vì Hoàng Tộc không sống miễn phí trên tiền thuế dân chúng mà phải có nghề nghiệp kinh doanh). Những cuộc trưng bày miễn phí quy mô nhỏ của các nghệ sĩ trẻ, nghèo đói, tự mình chật vật bỏ tiền thuê mặt bằng, và không thu phí nhằm hy vọng sẽ giới thiệu được tác phẩm đến cho số đông người xem thì “địch” cũng chẳng thiếu gì. Nhưng cái kiểu phê bình hữu nghị “tôi không thu tiền, anh không chê tôi” là một hình thức “ở ta” mới thấy lần đầu.

Xin thưa anh Vũ Lâm là cái “miễn phí” đó ở các nuớc “địch” phải chật vật lắm thay để giữ chất lượng sao cho các nhà phê bình không viết bài chê. Trong thời điểm suy thoái kinh tế, thiên tai liên tiếp, các chuyên gia liên tục khua khoắng đánh trống cảnh báo ầm ầm về nạn thiếu hụt nhân sách, trợ cấp có thể bị cắt bất cứ lúc nào nếu các triển lãm, bảo tàng lơ tơ mơ về mặt gìn giữ tu sửa, để cho công chúng chê bai. Miễn phí cũng phải văn minh thì mới được dân ủng hộ, chứ không phải miễn phí theo kiểu thụ động rồi chờ người ta khen mình. Miễn phí thụ động thì bảo tàng sẽ trở thành nhà trọ cho những ai vô gia cư và đang cơn buồn ngủ. Miễn phí rồi ơ hờ thì chẳng ai muốn quay lại xem. Mà “ở địch”, phải có một lượng khách nhất định thì bảo tàng mới có thể rủ các quán cà phê, các nhà hàng vào đấu thầu mặt bằng để phục vụ ăn uống cho người thăm quan, mới bán được đồ lưu niệm nhằm trả lương cho bảo vệ, cho giữ xe; bằng không, với vốn trợ cấp ít ỏi của nhà nước thì làm sao miễn phí “tất” được?

Nói chung thì miễn phí không chỉ “ở ta” mới có, và không chỉ “ở ta” mới khổ, mới khó khăn. Bảo rằng “địch” sướng hơn “ta” vì “địch” có trợ cấp thì cũng đúng, nhưng điều đó liên quan gì đến giá trị tác phẩm? Và các nghệ sĩ trẻ ở nước ngoài không có trợ cấp, tự thân vận động, thì cũng chưa thủ thỉ với người xem rằng “Miễn phí đấy, đừng chê nhé” bao giờ. Khổ ít hay khổ nhiều thì vẫn là khổ, sao các nước văn minh họ không kêu gào kể lể về việc miễn phí rồi rỉ tai khuyên bảo nhau là không được chê nhỉ?

Quyền của chê khi xem miễn phí

Nếu “ở địch”, người ta không ỷ vào trợ cấp mà ngồi thụ động, cũng không bắt bẻ người xem phải nói thế nọ thế kia như thể một bà mẹ mắng con là tại sao ăn cơm mẹ nấu miễn phí mà con chê rằng món ăn dở hơn trong nhà hàng; thì cớ gì Việt Nam (mong được văn minh như bên “địch”) lại muốn bưng bít quyền tự do ngôn luận của người xem?

Đã là nghệ thuật thì phải có phê bình. Nếu bàn đến giá trị tác phẩm mà phải gia giảm với miễn phí hay với sự khổ công, nghèo đói của nghệ sĩ thì các nhà phê bình trên thế giới nên bỏ nghề, chuyển sang làm tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện cho dễ thở hơn.

Không thể núp dưới “Miễn phí” hay các lý do nào khác như kiểu núp váy để từ đó chỉ đưa ra những nhận định chung chung kiểu từ thiện. Miễn phí không phải là một bà mẹ thân thương Việt Nam ta mới có, đứng ra che chở, đưa tay cho những “đứa con tác phẩm” nghèo đói vịn vào để đối phó trước sự dánh giá của đám đông xấu xa.

Suy ra thì miễn phí hay không, đã văn minh thì phải có khen, có chể để mà tiến bộ. Nếu miễn phí mà dở thì không ai xem, còn hay mà thu ít tiền thì thiên hạ cũng tự kháo nhau đến. Chuyện thu chi là chuyện của anh, chuyện phê bình là chuyện của tôi. Anh kể anh khổ, vốn liếng hạn hẹp, hết sức làm ra tác phẩm mà bà con lại chê thì liên quan gì đến chuyện đẹp xấu? Giả sử như anh Vũ Lâm có in bài viết Từ con mắt trần đến con mắt thần ra, đóng thành một cuốn sách mỏng bỏ túi xinh xinh, rồi phát miễn phí cho bà con thì nó cũng chẳng làm cho các ý kiến của anh đúng hơn hay sai hơn tẹo nào. Với tư cách người đọc, người xem thì tôi vẫn có quyền chê chính đáng. Van Gogh có khổ không? Renoir có khổ không? Khổ lắm chứ. Vào thời hai ông này còn sống thì các tác phẩm của họ chả mấy ai khen, nhưng họ vẫn vẽ, thiên hạ vẫn chê, mặc dù bây giờ nhìn lại có thể phán rằng những kẻ chê ấy dốt. Nếu người nghệ sĩ thực sự có tài, có lao động chân chính thì tác phẩm sẽ được công nhận, dù bị chê bây giờ nhưng sau này sẽ được công nhận. Quyền sáng tác là quyền của mọi nghệ sĩ, quyền đánh giá là quyền của người xem. Tiền vé không phải là một ẩn X nào đấy để làm thay đổi kết quả của công thức trên. “Phê bình” không đồng nghĩa với “Xã giao hữu nghị”. Không lẽ chỉ khi bỏ tiền mới được “chê bôi, mặc cả?” như anh nói? Cái đường lối này những nước tư sản còn chẳng thấy, không lẽ ở nước cộng sản mà nó lại khoẻ mạnh đến vậy?

Chê ở Việt Nam

Có thể nói rằng số người thưởng thức nghệ thuật tại Việt Nam không đông, nên dù tác phẩm có hay cũng khó mà bán vé được, nhưng muốn nâng cao trình độ cho những kẻ bị quy là dốt, không hiểu nên không đi xem nghệ thuật thì cũng phải có ý kiến đánh giá, phê bình để người ta tìm hiểu, nghiền ngẫm. Khoan nói chuyện đúng sai, nhưng nếu người xem được khuyến khích trao đổi thì người ta mới có hứng đi xem.

Nhưng nền nghệ thuật nước nhà phát triển sao được khi những người lớn trưởng thành, có giáo dục còn không “nỡ” đánh giá thực chất tác phẩm chỉ vì được xem triển lãm miễn phí? Rồi nói ra lại sợ bị dập là mắt mình mù, là đầu óc mình dốt nên không nghiệm được những cái… cao xa? Cứ tình trạng không dám “cò kè bớt một thêm hai” liền tù tì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bài bình luận nào cũng giống nhau, cũng nhạt phèo phèo. Bà con đọc không biết phân biệt hay dở, thế là cứ không đi triển lãm. Mà đi làm gì, khi đi mà bình luận không đúng ý thì lại bị liệt vào loại “không có văn hóa xem, văn hóa nghe”, hoặc “có chuyên môn chó gì đâu mà nói”.

“Ở ta” hay “ở địch”, mua vé hay không mua vé, thì qua trao đổi, qua đánh giá mới có thể học hỏi, có thể phát triển được. Vũ Lâm viết “có những điều trong cuộc đời vô cùng này, ta chưa thể thấy được, vì do ta ‘chưa đủ tuổi’, hoặc là chưa kinh qua một trạng thái nào đó để ‘khai nhãn’ được” rất đúng, nhưng chẳng có giá trị sử dụng gì trong việc bình luận nghệ thuật. Học hành là điều vô tận, kiến thức cả đời người không ai ôm hết nổi, thì chẵng nhẽ phải chờ đến khi tinh thông như Phật mới được nói lên suy nghĩ của mình chăng? “Đủ tuổi” là bao giờ mới đủ? Thụ động ngồi một chỗ, không dám mở miệng đánh giá đàng hoàng vì sợ bị mắng là dốt thì có học được gì không? Mà nghiền ngẫm một đống kiến thức để rồi chẳng biết bao giờ mới “khai nhãn” để dùng thì có ích gì không? Học đến khi nào thì mới được gọi là “khai nhãn”? mới được gọi là có “con mắt xanh”? “Khai nhãn” không phải là thứ có thông số nhất định theo kiểu mừng thọ 100 tuổi. Luật pháp nào, tổ chức nào phát bằng “khai nhãn” để cho phép cá nhân cái quyền đánh giá, bộc lộ suy nghĩ của mình trước một tác phẩm nghệ thuật? Hay quyền này là của tất cả mọi người, kể cả những tên ngốc nhưng ham đi xem triển lãm miễn phí? Vả lại, nếu chỉ hạn chế việc bình phẩm cho một phần ít người được gán mác “có học nghệ thuật” thì liệu nghệ thuật có đi được xa? Nghệ thuật làm ra cho nhiều người xem thì tác phẩm cũng phải được đánh giá khách quan từ nhiều phía. Làm sao biết được bài bình nào hay nếu không có bài bình dở?

Đế chế Hy Lạp cổ đại trước Công nguyên có vô số những cuộc cãi vã vớ vẩn của những triết gia dở hơi cũng như tài năng, nhưng nhờ các cuộc cãi “vớ vẩn” ấy mà có Plato, có Aristotle, có luật pháp, bầu cử (dù là luật pháp, bầu cử sơ khai). Làm sao người ta công nhận Plato là tài năng được nếu như ông không chịu khó cãi nhau với những kẻ dốt hơn ông?

Cuối cùng, Vũ Lâm viết: “Đã không mất tiền nhìn, tiền nghe, thì ít ra, cũng nên giữ một thái độ tối thiểu như thế nào đó cho có văn hóa giao tiếp một chút chứ.”

Có “văn hóa giao tiếp” không phải là không chê vì được miễn phí. Người văn minh là người dám nêu lên quan điểm, đánh giá của mình, và có đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm về những đánh giá đó. Cho dù cá nhân đưa ra những nhận định ấy ngu dốt, không “cảm” được tác phẩm thì quyền của họ vẫn ngang với quyền của người thông minh. Những kẻ mắng Van Gogh vẽ xấu thì phải chịu trách nhiệm về lời nói của họ, chứ ai mà đi can thiệp quyền được mắng của người ta, nước Hà Lan cũng không vì vậy mà kém văn minh hay có ít “văn hóa giao tiếp” hơn nước mình.

*

Bài liên quan:

– Từ con mắt trần tới con mắt thần!
– Xem miễn phí = phê bình hữu nghị?

Ý kiến - Thảo luận

11:17 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Nhân các chú các bác Raumuong Noigian va VNLEAK bàn về:

..."đời sống thực tế, thì luôn có một số chỗ phải mất vé tiền mua (ít hay nhiều) mới vào được, hoặc có một số chỗ phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả bố mẹ mình, hay nhân cách, hay sinh mệnh, thì mới vô được,"...

và:
..."nên tỏ ra là 'con nhà có giáo dục'"...

em xin có ý kiến thế này ạ:

- quả là ng
...xem tiếp
11:17 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Nhân các chú các bác Raumuong Noigian va VNLEAK bàn về:

..."đời sống thực tế, thì luôn có một số chỗ phải mất vé tiền mua (ít hay nhiều) mới vào được, hoặc có một số chỗ phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả bố mẹ mình, hay nhân cách, hay sinh mệnh, thì mới vô được,"...

và:
..."nên tỏ ra là 'con nhà có giáo dục'"...

em xin có ý kiến thế này ạ:

- quả là ngày ở trường em, vào trường cũng có 3-7 lối vào, và nhục nhất là khi vào rồi mới thấy có những đứa "lộ" ra là bố mẹ cũng chi "vé" chạy điểm, hay là nhờ là "con nhà nòi" nên có những ưu ái này khác (không biết bố mẹ em có nhờ vả các thầy lúc em đi thi không, các cụ chưa tiết lộ, nhưng nếu thế thực thì cũng nhục lắm ạ). Chúng em buồn lắm ạ.

- còn mấy chữ "có giáo dục" bây giờ, ngay ở trường em, chúng em thấy cũng mất giá rồi ạ. Có những người, những "thế gia vọng tộc" (cúi xin các thầy các cô tha tội) càng học cao, bằng cấp nhiều, chức danh to, chúng em thấy càng không xứng là tấm gương về sự "có giáo dục" ạ. Chúng em vô cùng thất vọng ạ. 
10:23 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  VNLEAK
Bạn Raumuongnoigian,
Bạn viết cái "còm" dài gần tới phong độ của đồng chí Vũ Lâm
"... Tuy nhiên, là dù thích hay không thích một tác phẩm dù miễn phí hay không thì người xem cũng nên tỏ ra là 'con nhà có giáo dục' ạ! Khen thì cũng đừng khen phóng đại quá mà thành 'khen đểu', chê thì cũng đừng nên quá hạ tiện quá mà thành ra 'kém tính xây dựng', hoặc 'ác ý'."
Tôi th
...xem tiếp
10:23 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  VNLEAK
Bạn Raumuongnoigian,
Bạn viết cái "còm" dài gần tới phong độ của đồng chí Vũ Lâm
"... Tuy nhiên, là dù thích hay không thích một tác phẩm dù miễn phí hay không thì người xem cũng nên tỏ ra là 'con nhà có giáo dục' ạ! Khen thì cũng đừng khen phóng đại quá mà thành 'khen đểu', chê thì cũng đừng nên quá hạ tiện quá mà thành ra 'kém tính xây dựng', hoặc 'ác ý'."
Tôi thấy quá đúng. Bạn, tôi, chúng ta, bọn nó... đều ra sức phấn đấu được như thế nhé. Làm được như thế thì khó khăn vất vả lắm đấy với bạn,... với tôi, với... chúng ta. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả