Triển lãm của Lê Thị Hoàn và Đỗ Hiển Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, 49- Nguyễn Du, Hà Nội Thời gian: từ 18 đến 27. 4. 2011
.
Hai ngày sau khai mạc triển lãm, Giỏ Mây quyết dành thời gian đi xem cái triển lãm này. Lí do: hai họa sĩ này Giỏ Mây chưa từng được nghe tên (!?) và mùa xuân thì đã qua rồi, cũng thấy tiếc tiếc vì sao thời gian trôi nhanh khủng khiếp quá.
Anh bảo vệ của Trung tâm thật nhã nhặn, hai cánh cửa kính đen sì của trung tâm được mở rộng hết cỡ, mỗi cánh có dán một cái poster triển lãm xinh xắn, cộng thêm một pano to hơn dựng ngay ngoài, cùng nội dung và hình ảnh, thật trân trọng tác giả làm sao tuy rằng có thể hơi thừa thãi thông tin và kinh phí (giữa thời củi châu gạo quế thế này).
Hai bên sảnh dẫn vào Gallery Hàn Quốc tối tối, có treo một cái màn hình LD chiếu đi chiếu lại ảnh chụp sáng tác và chân dung của hai tác giả, kèm thêm những bản hòa tấu guitar các ca khúc về Hà Nội, thêm một vài bức tranh sơn mài và sơn dầu nữa, nhưng vì tối quá nên không tiện xem.
Ở chính giữa lối dẫn vào cửa gallery là một bức tranh sơn dầu khổ lớn, được ghép tấm và có dán tên tranh ngay dưới khung: Phố mới. Các tấm ghép với nhau không được ngay ngắn cho lắm. Bức tranh đỏ quạch, không được bận tâm về ánh sáng và tạo hình.
.
Rồi ngay cửa gallery, khách được đón chào bằng một tấm sơn mài.
Đến đây, Giỏ Mây hình dung được ra là tác giả nữ chủ trị sơn mài và tác giả nam chủ trị sơn dầu trong triển lãm này. Cũng hay, sự đối lập của chất liệu và giới tính trong triển lãm hẳn sẽ đem đến những va chạm cảm xúc thú vị chăng…
Phòng triển lãm đầu tiên, tranh được kê trên bục thường dành cho sáng tác điêu khắc hoặc mỹ thuật ứng dụng (một cách bày triển lãm quen thuộc gallery này, vì trần nhà thấp, đèn rọi được treo nhiều, diện tích phòng hẹp). Một cái giá vẽ cũng được tận dụng để bày những ba cái tranh vuông nhỏ, cái có khung cái thì không, thêm một cái giá vẽ chở hai tranh nhỏ nữa và kẹp giữa chúng là một cái tranh to hơn, khung cũng to và đen sì cùng một cái bục vuông vắn (!). Giỏ Mây không thể gọi tên được cách bày triển lãm như vậy; thêm cái tên tranh được dán ngay ở khung, dán đè lên một góc tranh không có khung….
.
Thôi, tập trung vào xem tranh, thì thấy thế này: Tranh sơn dầu có một kiểu tạo chất, nói thế nào nhỉ, hơi nhầy nhụa; màu nọ xoắn xuýt lấy màu kia; nhiều màu nguyên nên khiến cho mắt nhìn dễ rối tung lên. Việc tạo chất này được chú trọng hơn bố cục và nội dung tranh thì phải; thành ra bức tranh chẳng có không gian, không khí gì hết, một mặt phẳng lổn nhổn, không có điểm hút mắt nhìn… Tác giả giàu cảm xúc quá, “sắc màu mùa xuân” hẳn là đây (?)… Hai chủ đề chính là khiêu vũ và cảnh phố phường Hà Nội, rất nhiều nhân vật nữ có trong tranh. Ngay cả bức vẽ cảnh cầu Long Biên cũng có cả cụm nhân vật nữ với hình ảnh đặc trưng kèm theo là cái nón. Riêng bức tranh này còn có một chi tiết thú vị: tên tranh được dán đè lên một bảng tên khác mà Giỏ Mây, vì phòng tranh không có ai, tò mò bóc ra để xem thì thấy tên tranh cũ là Quê ngoại Bác Hồ. Thật là một cách tằn tiện khung tranh rất đàn bà, là vì cái tên tranh cũ được dán trên một băng dính, đính vào khung kính chắc quá nên không kịp tróc ra…
.
Giỏ Mây chuyển sang tập trung vào tranh sơn mài của tác giả nữ. Những bức sơn mài vuông vắn, được lồng với khung tranh đồng bộ, đem lại cảm giác dễ chịu hơn, tên tranh cũng chỉ được in trên giấy trắng nhưng được dán bên cạnh tranh chứ không đè lên tranh như của tác giả nam. Xem kỹ, thấy tác giả vẽ phụ nữ thiểu số nhiều, chủ yếu là miêu tả. Nhân vật có những con mắt viền kẻ chỉ (như hình đôi mắt của nhân vật nữ trên tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản vậy), rất giống nhau về tạo hình và không giàu biểu cảm cho lắm, điển hình là bức “Trao đổi”, có vài người phụ nữ đứng ngồi cạnh nhau, mỗi người nhìn mỗi nơi, gần nhau mà rời rạc, xa cách, chẳng thấy “trao đổi” gì cả…
.
Tranh sơn mài được làm không kỹ, không có chiều sâu của những lớp màu chồng lên nhau để lấp lánh một ánh sáng tự thân. Nhân vật được tạo hình cứng nhắc, chỉ có màu sắc và hoa văn trên khăn, váy áo của họ được mô tả cẩn thận.
.
Một cảm giác hỗn trộn khi xem xong ba phòng tranh khiến Giỏ Mây cảm thấy may mắn khi nhìn thấy cuốn sổ cảm tưởng đang được rộng mở, đặt trên bục ngay lối vào. Phải đọc để mà tĩnh trí lại… Ngay trước mắt là một trang viết (nguyên văn cả chính tả):
Một phòng tranh Đẹp, có cá tính rõ nét, giàu ấn Tượng nghệ thuật. Tranh nào cũng có hồn, có thần. Cái gì không quên được, thì phải nhớ. Cái gì không nhớ được, thì phải “quên”. Cái gì còn lại, ấy là nghệ thuật. Phải chăng Đỗ Hiển đã thấu hiểu được sự thật nghệ thuật về chân lý của cái đẹp.
(ký tên)
Giỏ Mây nhớ không lầm thì đây là một người chuyên viết mỹ thuật, luôn xuất hiện trong các cuộc hội thảo, luận bàn về mỹ thuật nước nhà do Hội Mỹ thuật hoặc Cục Mỹ thuật tổ chức…
.
Trang bên cạnh như sau:
Sắc màu mùa xuân Mùa xuân sắc màu Thật tuyệt vời Đỗ Hiển họa sĩ đầy chất thơ lãng mạn thể hiện sắc màu – màu nhiệm của cuộc sống mãi mãi màu xanh…
Giỏ Mây tra cứu trên Google tên của người viết thì được biết đây cũng là một họa sĩ sân khấu.
Trang tiếp theo: “Nhìn anh bé nhỏ mà sao tài năng thế!”, rồi” “Cảm xúc khi xem tranh anh Hiển và chị Hoàn em cảm nhận được cuộc sống này tươi đẹp làm sao. Rất cảm ơn anh đã chuyển được lửa cuộc sống vui cho em.”
Giỏ Mây cảm thấy ân hận làm sao: giá đừng xem tranh, chỉ đọc cảm tưởng thôi, những lời mộc mạc, thân thiết thế này có phải vui hơn không nào, bận chi ôm mớ “hộn trộn cảm giác” trong người, hết về khung tranh, cách treo tranh, bảng tên tranh (những thứ mà cái trung tâm này không cách gì cải tạo nổi) rồi những khối màu “nhầy nhụa” hay ánh mắt vô cảm của mấy chị phụ nữ dân tộc thiểu số – những phụ nữ này Giỏ Mây tuy gặp họ nhiều ở Sapa, Tây Bắc nhưng chưa hề bắt gặp thứ ánh mắt như thế…
Xong cũng thương những người viết cảm tưởng. Họ yêu tranh thật sự, nhưng phòng triển lãm lem nhem quá, phụ lòng họ quá. Mà người xem nhà mình hiền ghê, chẳng thấy ai góp ý cho phòng triển lãm này cả. Đối với nước bạn, ta vẫn còn thái độ xuê xoa…
Mà thôi, phòng tranh có điện sáng trưng, kèm âm thanh hòa tấu guitar dịu dàng, không một bóng nhân viên nhìn dò xét, không một bóng người xem nào khác… thế cũng đủ an ủi rồi. Về thôi!
Theo thông tin in trên giấy mời triển lãm được bày nhiều trong gallery, “Họa sĩ Lê Thị Hoàn sinh năm 1945 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội; Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; tu nghiệp tại Liên bang Nga (không biết tu nghiệp gì); có tranh trong viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và nhiều sưu tập cá nhân“.
Và “Họa sĩ Đỗ Hiển, sinh năm 1943 tại Hà Nội; tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội; Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam“, kèm theo một danh mục 5 triển lãm cá nhân trong đó có một triển lãm mà Giỏ Mây khó hiểu cái tên nhất: 2007- Triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế – Hồ Chí Minh… Bạn nào có thể giải thích giùm với!
Hồi đầu mới thành lập, cái anh Giám đốc cũ của Trung tâm Văn Hóa Hàn Quốc rất dễ thương, làm triển lãm trang trọng và chịu khó tìm, chơi với họa sĩ và mời họ về triển lãm. Hình như có mời cả bác Phúc sưu tập làm cố vấn cho một số sự kiện. Tất nhiên là bác cũng lại giới thiệu các mối quan tâm của bác ra:). Mà hồi đó hoạt động sôi nổi hơn bây giờ.
Nh ...xem tiếp
9:05Monday,25.4.2011Đăng bởi: CHANG SHU SO BAN
Hồi đầu mới thành lập, cái anh Giám đốc cũ của Trung tâm Văn Hóa Hàn Quốc rất dễ thương, làm triển lãm trang trọng và chịu khó tìm, chơi với họa sĩ và mời họ về triển lãm. Hình như có mời cả bác Phúc sưu tập làm cố vấn cho một số sự kiện. Tất nhiên là bác cũng lại giới thiệu các mối quan tâm của bác ra:). Mà hồi đó hoạt động sôi nổi hơn bây giờ.
Nhà văn Nguyến Huy Thiệp có nói về bên văn là "... Có cùng nghề nhưng khác hạng...". Vậy thì họa sĩ cũng như vậy thôi, nhiều hạng và nhiều ảo tưởng.
Tình yêu cũng như vậy, Nồi nào có vung nấy. Chí phèo là sẽ có Cô Nở cơ mà. Không phải lo lắng gì cả mà chỉ lo không đủ sức cho các cuộc du xuân. Miễn là chọn nghề/bạn/ người tình mà chơi cho đúng.....DUYÊN. kẻo sau chỉ Còn lại là nhiều thất vọng/ thất tình (như tớ). hi hi
9:37Saturday,23.4.2011Đăng bởi: mua xuan
Trong nhiều trường hợp thì thật thà là cha quỷ quái, nhưng trong nghệ thuật thì thật thà đôi khi là... cha mất thời gian. ...xem tiếp
9:37Saturday,23.4.2011Đăng bởi: mua xuan
Trong nhiều trường hợp thì thật thà là cha quỷ quái, nhưng trong nghệ thuật thì thật thà đôi khi là... cha mất thời gian.
Nh
...xem tiếp