Soi học

Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus 21. 08. 11 - 4:24 am

GiGi (tổng hợp)

Tiếp theo Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

(Trong cả bài, các bạn nhớ bấm thẳng vào tranh để xem bản to hơn nhé)

Đi đêm lắm thì phải gặp ma!

Làm vợ của một vị thần xấu xí thọt chân, đối với Vệ Nữ – nữ thần sắc đẹp và tình yêu, quả là không dễ chịu gì. Nàng không phải là mẫu phụ nữ không bao giờ bỏ chồng hay người yêu nếu họ bị ốm đau hay tật nguyền, mà chỉ nhìn quanh quẩn để tìm người trong mộng. Bởi thế nên thần chiến tranh Mars (tức Ares), người anh em của chồng nàng, nhanh chóng trở thành mục tiêu. Đối với Venus, việc chinh phục thần Mars (cũng như bất cứ ai) là việc hết sức dễ dàng: nàng có một chiếc thắt lưng bằng vàng, có năng lực làm bất cứ người nào mà nàng thích cũng phải yêu nàng! Đối với người trần, nó còn có khả năng gợi lên những dục vọng mãnh liệt và thần Vệ Nữ sẽ còn nhiều dịp để sử dụng chiếc thắt lưng này.

Tác phẩm “Venus chỉ cho Mars thấy bồ câu của nàng làm tổ trong mũ sắt của chàng”, do Joseph-Marie Vien vẽ năm 1768. Tóm lại là hễ xem tranh xưa mà bạn thấy trên mặt đất đầy những mũ sắt, binh khí, rồi nhân vật chính trong tranh là một người nữ khỏa thân và một người nam hầm hố, xung quanh có mấy đứa trẻ con cởi truồng, thì có thể chắc chắn tới 98% là vẽ về Venus với Mars.

 

Theo thần thoại Hy Lạp, thần chiến tranh Mars luôn khoác giáp trụ sáng ngời, có vẻ mặt hung hãn khát máu. Ngay cả Zeus cũng không ưa cậu con trai hung dữ này, từng tuyên bố rằng nếu Mars không phải là con đẻ thì ông đã ném xuống địa ngục Tartarus để chịu khổ sở cùng với các Titan mà ông đã giam giữ sau khi làm đảo chính giành chính quyền ở Olympus! (xem bài của SOI về phả hệ thần Zeus).

Lý giải khả dĩ nhất về việc vì sao thần sắc đẹp tình yêu lại chọn một người như thế làm người tình của mình là có lẽ thần chiến tranh Mars, một khi bỏ hết giáp trụ ra, khỏa thân, chắc thuộc type “sáu múi” cuồn cuộn, hơn chán vạn so với ông chồng thọt chân của nàng! Vả lại, trong thế giới chật hẹp của các vị thần, sự lựa chọn cũng không có nhiều cho lắm.

Tác phẩm “Venus và Mars” của danh họa Ý Sandro Botticelli, vẽ từ 1485 tới 1490, mô tả thời điểm khi Venus và Mars vừa qua cuộc mây mưa. Venus đã mặc lại áo váy (một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà nữ thần này không được thể hiện khỏa thân, lại ở vào thời điểm nhạy cảm thế chứ!); trong khi ấy thì chiến thần Mars, giáp trụ đâu mất cả, gần như khỏa thân hoàn toàn, đang ngủ li bì. Eros lúc này chưa ra đời nên không có trong hình. Xung quanh hai người, các tiểu thần Dê (dâm thần đầu người mình dê), vẻ mặt hết sức tinh nghịch, đang cố cứu vãn tình thế cho thần Chiến tranh (cứ nhìn vẻ mặt thất vọng sưng sỉa của Venus thì hiểu). Ba tiểu thần hè nhau khiêng chiếc giáo – vũ khí chính của Mars; ở một đầu, một tiểu thần nghịch ngợm đội chiếc mũ chiến của thần Mars che kín hết cả mặt, trong khi đầu kia, một tiểu thần khác lắp cái vỏ ốc có tác dụng như một cái ống thổi, ra sức thổi vào tai thần Mars với hy vọng đánh thức thần dậy! Việc chiến thần Mars được Botticelli thể hiện ngủ thiếp sau cuộc mây mưa với thần sắc đẹp và tình yêu không chỉ nói rằng mãnh lực của tình yêu vượt trên sự hiếu chiến, chết chóc, mà còn mô tả xác thực một hiện tượng thể chất tự nhiên, khi người nam sau khi làm tình thường có khuynh hướng lăn quay ra ngủ, trong khi người nữ vẫn còn thức và vương vấn về những gì vừa xảy ra! (Một ví dụ tuyệt vời để các quý ông bất nhã thường ngủ ngay sau khi yêu dùng mà bao biện nhé: đấy, đến thần thánh mà còn thế nữa là tôi!). Tờ Telegraph của Anh còn đưa ra một chi tiết nữa khá sốc: ở góc dưới, bên phải bức tranh, có một tiểu thần với vẻ mặt tinh quái đang cầm một quả lạ. Các nhà khoa học xác định đây là Datura Stramonium (cà độc dược), một loại quả gây kích thích, làm người ta mất tự chủ và nóng ran, khiến muốn thoát y. Nếu tin theo giả thiết này thì có vẻ như đây là một loại ma túy từ thời cổ đại mà các thần vẫn dùng?


Tác phẩm “Venus và Mars” của họa sỹ Ý thời Phục Hưng Piero di Cosimo vẽ năm 1498 có bố cục giống bức trên của Botticelli (mà nếu vào thời nay thì thể nào cũng bị gọi là “copy” rồi). Cũng thời điểm hai người sau cuộc mây mưa, cũng thần Mars đầy tính nữ (thậm chí như một cô bạn gái của Venus tới chơi nhà), nhưng Vénus gần như hoàn toàn khỏa thân và mặt bình yên hơn. Phía xa xa, các tiểu thần đang nghịch ngợm những vũ khí, giáp trụ của thần chiến tranh như những món đồ chơi thú vị. Ngoài ra, trong bức tranh này, bên cạnh một đứa bé (chắc là chị cả Harmonia vì Eros – tức Cupid – không thấy lởn vởn ở đây) nằm ngay cạnh và đang ngước lên nhìn Venus còn có thêm một con thỏ đang chúi đầu gặm vào hông Venus. Thỏ là biểu tượng của sinh sản và hoạt động tính dục thời cổ đại.


Cũng thời điểm sau khi chuyện kia xảy ra, nhưng đảo ngược lại, lần này Venus ngủ, Mars thức, là tác phẩm “Venus và Mars” vẽ năm 1770 của Louise-Jean-Francois Lagrenee. Dưới đất cũng là bồ câu quanh quẩn cạnh vũ khí, chiến bào – một biểu tượng của chiến thần bị tình yêu hạ gục.

 

Là đại diện cho những dục vọng mãnh liệt nên cuộc tình thầm lén của Venus với Mars cũng thấm đẫm dục vọng như người thường. Họ thường xuyên gặp nhau mà ông chồng Hephaestos không hay biết gì. Tuy nhiên, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, cuộc tình này không giữ kín được lâu. Nguyên do là thần mặt trời Helios (ông này cũng có nhiều tích, nhiều tên lộn xộn: Phoebus, Apollo), có nhiệm vụ mỗi ngày đánh một cỗ xe tứ mã bằng vàng từ đại dương đi ngang qua bầu trời, đến chiều lại quay về đại dương nghỉ ngơi. Do ngày nào cũng “đi tuần” như vậy nên không có gì trong cõi trần và cõi thần có thể qua mắt được vị thần cần mẫn này, kể cả những cuộc gặp gỡ vụng trộm giữa Venus và Mars.

Mà giữa vị thần này với thần Hephaestos, chồng chính thức của Vệ Nữ lại có mối giao tình: cỗ xe tứ mã bằng vàng Helios sử dụng hàng ngày chính là do thần Hephaestos rèn nên! Vậy là thần Helios bèn “phím” cho ông chồng bị mọc sừng đáng thương biết sự việc xảy ra.

Tác phẩm “Venus, Vulcain và Mars” (1550) của Tintoretto – một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời Phục Hưng. Thời điểm này là Hephaestos (tức Vulcain) mới nghi vợ có bồ thôi, nhất là khi thấy sinh ra Cupid đẹp trai ngời ngời, không giống mình chút nào. Vulcain về nhà đúng lúc vợ đang có chuyện mây mưa, nhưng ông có hơi trễ một chút, bèn lục tung mọi thứ lên tìm, nhưng không biết rằng Mars đang núp dưới gầm bàn, ngay cả khi con chó con cứ nhìn Mars sủa um. Một chi tiết buồn cười là Mars áo giáp chỉnh tề, như thế thì mây mưa gì, và vậy thì việc gì phải chui xuống gầm bàn! Cứ ngồi chơi, đến thăm chị dâu thì cũng là chuyện thường mà! Chỉ có điều không ổn là chị dâu lúc nào cũng cởi truồng. Khung cảnh căn phòng này rất đúng kiểu nhà cửa thời Tintoretto sống.


Tác phẩm “Helios tại lò rèn của Hephaestos” do Diego Velazquez, vẽ năm 1630. Thần mặt trời Helios trên đầu chói sáng đang mách lẻo cho chồng của Venus hay cảnh Venus ngoại tình với Mars. Hãy chú ý vẻ mặt khoái chí của các chú thợ và vẻ mặt sượng sùng của ông chồng bị cắm sừng, cũng như dáng vẻ “nhiều chuyện” của Helios!


Tác phẩm “Núi Parnassus” của Andrea Mantegna, vẽ năm1497, hiện ở bảo tàng Louvre. Trong tranh, hai vị thần đứng trên một vòm đá, phía trước một chiếc giường mang tính tượng trưng, phía sau là cây cối đầy hoa quả (phía người nam) và có mỗi một quả (phía người nữ), tượng trưng cho sự thụ thai. Tư thế của Venus là tư thế của tượng cổ. Thần Cupid đứng cạnh bố mẹ, tay cầm cung, đang nhắm vào của quý của Vulcan – chồng chính thức của Venus. Ông này được mô tả là đứng trong xưởng ở một hang đá, sau lưng là một giàn nho, biểu tượng cho sự say xỉn. Ông giận dữ chỉ tay về phía người vợ hư. Phía dưới, góc trái, Apollo đang chơi đàn hạc. Chín nàng thơ nhảy múa gần đó, trong một điệu múa biểu tượng cho hài hòa đất trời. Theo thần thoại cổ, giọng hát của các nàng này có thể gây ra động đất, sóng thần, thiên tai, biểu tượng bằng đá lở ở góc dưới bên trái. Bên góc dưới bên phải là thần mã Pegasus – chú ngựa mà khi mới ra đời dậm chân một cái là thành dòng suối ở núi Helicon, nằm xa xa ở hậu cảnh. Theo đúng tích thì các nàng tiên chỉ nhảy múa trong khu rừng của rặng núi này, cho nên tên bức tranh này đúng ra phải là Helicon chứ không phải “Núi Parnassus”.

 

Lại một lần nữa thần Hephaestos sử dụng nghề nghiệp của mình để bắt quả tang đôi tình nhân (đúng là giỏi nghề lúc nào cũng có lợi!). Thần chế tạo một cái bẫy tinh vi trên trần nhà (cũng có thuyết nói rằng thần đặt bẫy xung quanh chính ngay cái giường ngủ của mình), và thế là ngay khi Venus và Mars đang đê mê trong hạnh phúc thì cái lưới sắt đã sập xuống, trói chặt cả hai người. Đã có chuẩn bị từ trước, thần Hephaestos kêu gọi các vị thần khác đến chứng kiến cảnh tượng và phân xử phải trái. Thần cai quản biển Poseidon buộc phải nộp vạ thay cho Mars mới cứu được hai người ra khỏi tấm lưới sắt!

Tác phẩm “Mars và Venus bị các thần phát hiện” của họa sĩ Hà Lan Joachim Wtewael vẽ năm 1603. Trong tranh, Venus và Mars rõ ràng là sửng sốt, đúng là bị bắt tại trận. Cupid tích cực bảo vệ bố mẹ, bay lên bắn các thần. Các vị thần được mời đến hớn hở trong một niềm vui độc ác. Zeus trên trời cao lao xuống. Apollo – trông cục mịch hơn bình thường, đầu có hào quang – đang xé toang tấm màn. Cronus đầu hói, tay cầm lưỡi hái, có vẻ hơi khó xử. Vulcain (Hephaestos) cục mịch đầu đội mũ đỏ xanh, trước bụng còn đeo tạp dề lò rèn. Trong tranh này, bồ câu đã biến sạch.


Tác phẩm “Mars và Venus bị bắt trong lưới của Vulcain và trưng ra cho các thần xem” của Martin Van Heemskerk, vẽ năm 1536. Họa sĩ đã vẽ rất chi tiết và tinh tế cái nhìn của Venus dành cho chồng: vừa khinh vừa ghét. Và có lẽ để người ta biết cái ông nằm với nàng là thần chiến tranh, họa sĩ phải đội mũ sắt cho Mars, kể cả trong lúc mây mưa. Thật vô duyên hết chỗ nói!

 

Chuyện đã đến thế rồi thì điều ắt phải đến sẽ đến: nàng Venus ly dị ông chồng Hephaestos (ngày xưa, trong thế giới các thần, việc li dị có lẽ không cần đơn từ hòa giải nên có vẻ rất đơn giản) và lấy thần chiến tranh Mars làm chồng! Hai người có với nhau cô con gái là nữ thần hài hòa Harmonia và 4 cậu con trai là các thần Eros, Anteros, Deimos, Phobos. Mỗi khi ra trận, Mars thường đem theo hai con trai là Deimos (Thần khủng khiếp) và Phobos (Thần kinh hoàng), để làm cho cuộc chiến càng trở nên ác liệt và bi thảm…

Tác phẩm “Mars, Venus và Cupid” của Tiepolo Giovanni Domenico, vẽ năm 1757 bằng kỹ thuật tranh tường, Bức này hiện có tại Villa Valmarana, Ý. Các bạn để ý tuy Mars và Venus có năm người con, nhưng thường các tranh hay vẽ họ với Cupid mà ít vẽ với những người con khác, có lẽ Cupid là con của tình yêu còn những đứa con khác là con của thói quen? Trong hình này cả gia đình đều phát phì, mệt mỏi.

*

Ăn theo vào tranh

Cần lưu ý một điều là trong các tác phẩm hội họa với đề tài lấy từ thần thoại Hy Lạp, thần chiến tranh Mars ít khi được thể hiện, do các nhà quý tộc xưa kia (cũng chính là những ông chủ giàu có bỏ tiền ra để thuê họa sỹ vẽ tranh) quan niệm rằng Mars tượng trưng cho những gì xấu xa, hung dữ, ít mang lại điều may mắn.

Có lẽ vì thế, nhờ có mối tình với thần Vệ Nữ mà Mars mới được “ăn theo” vào tranh.

*

Pha Lê bổ sung:

1. Chiếc thắt lưng bằng vàng của Venus là do chính Hephaestos chế ra!

2. Thật ra các họa sĩ thích vẽ Venus và Mars vậy thôi chứ Venus ngủ với lô lốc thần (Hermes, Poseidon, Dionysus…). Xem tranh Venus với Mars đừng có lầm là cả đời nàng chỉ có yêu mỗi chàng!

3. Trong tác phẩm “Mars và Venus bị các thần phát hiện” của họa sĩ Hà Lan Joachim Wtewael có thần Cronus cầm lưỡi hái. Biết rằng Cronus lúc này vẫn bị giam cùng các Titan dưới âm phủ, nhưng một số tích La Mã lại kể rằng Cronus trốn sang Rome thay vì bị nhốt. Họa sĩ Joachim này vẽ tranh theo tích của Ovid, mà Ovid thì hay viết lung tung beng.

4. Việc Eros (Cupid) không thấy lởn vởn trong tranh vì Cupid chính ra không phải con của Aphrodite (như đã giải thích trong bài Vệ Nữ). Thuyết Roman cho rằng Cupid là con của Aphrodite với Zeus, chỉ một số ít (rất ít) nói Cupid là con của Venus (Aphrodite) với Mars nên chắc tranh vẽ mới loạn thế.

5. Về việc Venus với Mars có 5 con mà họa sĩ chỉ thích vẽ bộ ba Venus, Mars, Cupid vì cả ba trông đều đẹp, chứ ít ai tin Cupid là con của Mars! Những đứa con sau là Deimos và Phobos thì quá kinh, còn tích về Harmonia thì bi thảm nên hiếm ai muốn nhét Harmonia vào tranh yêu đương, trừ ông Piero (chắc do không đọc tích về Harmonia).

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

11:21 Saturday,10.5.2014 Đăng bởi:  Tường An

Làm thế nào mà Soi lại để ý và phân tích được những thứ nhỏ nhất như bên cạnh thần nam rất nhiều trái cây, còn bên vị thần nữ chỉ có 1 trái, tượng trưng cho sự thụ thai. Xem tranh và đọc những phân tích trong bài mới thấy rõ các bài viết đc chăm chút rất kỹ lưỡng, từ những chi tiết nhỏ nhất. :))
 


...xem tiếp
11:21 Saturday,10.5.2014 Đăng bởi:  Tường An

Làm thế nào mà Soi lại để ý và phân tích được những thứ nhỏ nhất như bên cạnh thần nam rất nhiều trái cây, còn bên vị thần nữ chỉ có 1 trái, tượng trưng cho sự thụ thai. Xem tranh và đọc những phân tích trong bài mới thấy rõ các bài viết đc chăm chút rất kỹ lưỡng, từ những chi tiết nhỏ nhất. :))
 

 
10:18 Saturday,23.3.2013 Đăng bởi:  dilettant
@ admin
Soi à, dilettant không dám nghĩ là mình đã đọc kỹ các bài mục thần thoại qua tranh. (Sợ) nếu đọc kỹ nữa thì càng thấy "thòi" ra nhiều thứ. "Càng vào rừng sâu, càng lắm gỗ" - ngạn ngữ Nga. Đồng thời thấy mình ngốc ngếch.
"Khi nào bạn làm một bài về cổ tích Nga qua
...xem tiếp
10:18 Saturday,23.3.2013 Đăng bởi:  dilettant
@ admin
Soi à, dilettant không dám nghĩ là mình đã đọc kỹ các bài mục thần thoại qua tranh. (Sợ) nếu đọc kỹ nữa thì càng thấy "thòi" ra nhiều thứ. "Càng vào rừng sâu, càng lắm gỗ" - ngạn ngữ Nga. Đồng thời thấy mình ngốc ngếch.
"Khi nào bạn làm một bài về cổ tích Nga qua tranh nhé, ... những nàng công chúa tóc bím vàng bên cây bạch dương, hoàng tử áo chẽn, con ngựa bạch... là những hình ảnh cổ tích mà Soi nhớ hoài (ừ nhỏ) " Rất hân hạnh. Nhưng dilettant sợ mình hơi thợ vườn với nhiệm vụ này. Mặc khác, vốn là lính nên không quen thoái thác nhiệm vụ, sẽ cố không phụ sự tin tưởng của Soi.
dilettant quả đang muốn viết cho Soi một kiểu thần thoại khác: từ thể loại khắc khổ của tranh thời Stalin, đến tranh "khỏa thân chình trị" (các chính trị gia bị lột trần) của Nga, để mình thử quán quá trình đánh võng từ thái cực này đến thái cực kia.
Hồi nhỏ dilettant cũng rất thích các chuyện cổ tích Nga kiểu Ivan con nông phu "hồng hồng xám xám hỡi ngựa thần kỳ"... Và cái nhớ (nhất) lại hơi ô trọc. Đó là 4 câu thơ tả ngựa phi nhanh thế nào:
"Bà (nữ quý tộc, hay kulak) vừa đánh cái dít,
Ngựa ông phi mù tít,
Phi đi rồi phi lại,
Lỗ đít vẫn chưa khít",
Đến hôm nay, nửa thế kỷ đã qua, dilettant vẫn còn cảm giác bàng hoàng về những "tinh túy" kiểu dân dã.
Cảm ơn vì được chia sẻ.  
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả