Gẫm & Bình

Triển lãm để làm gì… 29. 09. 10 - 10:28 pm

Giỏ Mây

MỘT TUẦN MÙA THU

Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam
Gallery Hàn Quốc
Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49, Nguyễn Du, Hà Nội
Mở cửa từ 20 – 27. 9. 2010

Sông Quê – sơn mài của Nguyễn Ngọc Dũng

Sau khi đi dự khai mạc triển lãm Một tuần mùa thu, chiều ngày 20. 9. 2010, Giỏ Mây tôi vừa buồn vừa ấm ức. Buồn vì cớ làm sao ba họa sĩ nhà ta lại để cho tranh pháo của mình chịu cảnh chật chội, bức bách và nóng nực dưới ánh đèn rọi sáng choang như thế, mà lại là tranh sơn mài theo kỹ thuật truyền thống mới thương chứ. Ấm ức vì đây lại là nơi được giới thiệu có tên gallery Hàn Quốc, bên trong Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, số 49 Nguyễn Du, Hà Nội…

Rất lâu rồi Hà Nội mới có một triển lãm tranh sơn mài đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Tranh khổ lớn, kỹ thuật điêu luyện và trung thành với truyền thống, màu sắc tươi sáng, đẹp. Có cả những thử nghiệm mới mẻ về chất liệu nhưng trên nền tảng tôn trọng kỹ thuật truyền thống. Các tác giả làm tranh kỹ lưỡng và giàu cảm xúc nên xem tranh không bị nhàm chán. Chủ đề không “đương đại” nhưng tựu chung đem đến cảm nhận về cuộc sống thanh bình và giàu có về tinh thần – một cảm nhận không dễ tìm thấy trong dòng chảy hội họa hiện nay.

 

Tình yêu cao nguyên – sơn mài của Lê Văn Thìn

 

Hoa ly – sơn mài của Lê Văn Thìn

 

Làng chài Lăng Cô – sơn mài của Nguyễn Ngọc Dũng

 

Chân dung 2 – sơn mài của Trần Văn Bình

 

Vòng đời – sơn mài của Trần Văn Bình

Tuy nhiên, những cảm nhận trên kia chỉ có được khi sáng nay, tôi trở lại triển lãm trong khi nó đang được tháo dỡ, mặc dù ngày 27- ngày cuối cùng của triển lãm mới chưa qua được 1/2. Phòng triển lãm vắng vẻ, nên có cảm giác nó rộng hơn so với hôm khai mạc.

Tôi quan sát kỹ lại diện tích căn phòng bày tranh (hai phòng trên tầng 2 và một phòng dưới tầng 1 có diện tích tương đương): chiều ngang xấp xỉ 3m, chiều dài xấp xỉ 6m, chiều cao xấp xỉ 3m. Với diện tích này, người ta chỉ có thể bày tranh nhỏ và bày so le nhau để tránh tính trạng các bức tranh “áp mặt” gần nhau quá, khó xem và người xem không có chỗ lùi để ngắm tranh.

 

Một đầu phòng với cánh cửa nhôm rất giống… nhà dân

 

Đầu kia của phòng. Những đường nẹp chân tường làm phòng tranh bị chia cắt.

Nhớ buổi chiều khai mạc, ngay cửa phòng tranh số 1 ở tầng 1, người ta dựng một cái chân máy camera để phục vụ việc ghi hình phỏng vấn. Anh phụ quay phim kiêm luôn cảnh vệ, ngăn không cho người khác vào xem tranh vì “chật quá, lại đang phỏng vấn”. Đang háo hức xem, ai mà chẳng ấm ức…

Lối vào sau hôm khai mạc, vẫn còn hoa chúc mừng át hết cả tranh


Và cửa vào ngay chân cầu thang

 

Đi lên cầu thang, bề ngang chỉ có 1m, nhỏ và dốc, người thì đông kinh khủng mà số cao tuổi lại nhiều, thành ra phải đi chậm, phải né, phải chen nhè nhẹ. Phòng nhỏ, dàn đèn chiếu bật hết công suất, sáng choang, điều hòa cũng bật hết cỡ… mà ai nấy mồ hôi túa ra… Người nóng mà tranh chắc cũng nóng chẳng kém (có điều nó không biết toát mồ hôi), vì rất gần cạnh dàn đèn chiếu… Vì vậy mà thấy thương mình (bị rơi vào chốn ấy tại thời điểm ấy) và ấm ức cho tranh lắm.

Chừng 15 phút sau, lộn lại tầng 1, camera đã rời đi, được vào xem tranh. Ba bức tranh có kích thước lớn nhất triển lãm được xếp cạnh nhau theo hình chữ U, hai bức “đối diện” với nhau, một bức xoay ra hướng cửa ra vào, cùng kê trên bục trắng, khiến cho khoảng cách giữa chúng đã nhỏ càng nhỏ hơn. Ở các vị trí ấy, chúng có thể “đối thoại” được với nhau và với người xem không nhỉ…

 

Một góc triển lãm với ba bức sơn mài lớn

 

Trước đây, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc dành hai căn phòng chính trên tầng 2 của tòa nhà chính để làm nơi triển lãm tranh, ảnh. Hai căn phòng này vuông vức, chiều dài và rộng đều nhiều hơn… 3m, nên các bức tranh treo quanh tường không đến nỗi phải “áp mặt” nhau quá thể như ở gallery Hàn Quốc này, dù tranh có kích thước lớn như 1,2m x 2,4m. Bên cạnh đó, cái vị trí “chính thống” cũng khiến làm tăng thêm cảm nhận về sự trân trọng dành cho văn hóa nghệ thuật của Trung tâm…

Nay, không hiểu vì sao, nơi trưng bày, dù được mang tên là gallery Hàn Quốc, lại được dời sang dãy nhà phụ phía sau tòa nhà chính. Giỏ Mây không tin cái gallery này được dựng theo tiêu chuẩn của một gallery Hàn Quốc ở Hàn Quốc –  một đất nước thuộc diện phát triển, chứ không phải kém phát triển như Việt Nam.

Tôi không biết các họa sĩ được mời bày tranh trong gallery này nghĩ gì, nhưng thú thực, nếu tôi có tranh, dù chắc chắn chỉ bằng 1/1.000 phần chất lượng của các họa sĩ ấy, tôi cũng không bao giờ để cho tranh của mình rơi vào trạng huống nêu trên. Rồi tự hỏi lại: hay là tại mình đang tự yêu… tranh giả tưởng của mình quá, chứ mà tranh đẹp thì bày đâu chẳng đẹp? Rồi lại tự phản pháo: vậy thế thì người ta bày đặt xây Bảo tàng mỹ thuật hay phòng triển lãm, gallery mỹ thuật đẹp và tiêu chuẩn… để làm gì? Để các bức tranh, tác phẩm mỹ thuật được tôn trọng, vì đó là tôn trọng văn hóa và sự sáng tạo của con người.

Xuân đầu thế kỷ – sơn mài của Trần Văn Bình

*

Cùng một địa điểm:

Triển lãm để làm gì?
– Hàn Quốc… cũng như mình?
– Sắc màu mùa xuân: Tiếc cho tình cảm thật thà…

Ý kiến - Thảo luận

17:45 Thursday,30.9.2010 Đăng bởi:  Hoàng Thạch Thảo
Cảm ơn Giỏ Mây đã chụp ảnh và viết bài, nếu không chúng tôi cứ tưởng Hàn Quốc cái gì cũng như trong phim. Nhìn phòng triển lãm nhếch nhác quá. Thua cả phòng triển lãm Hội ở Ngô Quyền. Không hiểu nổi. Nhưng tôi không trách các họa sĩ, nhất là thể loại sơn mài cũng là thể loại bị hắt hủi, bán khó, các gallery không muốn treo. Một phần tranh sơn mài cũng hay cũ kỹ.
...xem tiếp
17:45 Thursday,30.9.2010 Đăng bởi:  Hoàng Thạch Thảo
Cảm ơn Giỏ Mây đã chụp ảnh và viết bài, nếu không chúng tôi cứ tưởng Hàn Quốc cái gì cũng như trong phim. Nhìn phòng triển lãm nhếch nhác quá. Thua cả phòng triển lãm Hội ở Ngô Quyền. Không hiểu nổi. Nhưng tôi không trách các họa sĩ, nhất là thể loại sơn mài cũng là thể loại bị hắt hủi, bán khó, các gallery không muốn treo. Một phần tranh sơn mài cũng hay cũ kỹ. Thí dụ các tranh ở triển lãm này tôi thấy rất cũ. Một số bức có đẹp thì cũng đẹp như kiểu cũ. Tôi đang nghĩ là tranh sơn mài thường nặng, khó treo mà họa sĩ lại cứ hay làm khổ to. Nếu làm khổ be bé một thì nhiều khi dễ tặng, dễ treo, dễ bán hơn không? Thường chúng tôi đưa khách đi đoàn, khách thích mua các thứ sơn mài bé bé. Nhưng tranh sơn mài bé bé thì ít, hoặc giả có thì cũng rất xấu, ẩu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả