Khác

Phan Cẩm Thượng và “căn Việt” 31. 05. 11 - 8:58 am

Vũ Lâm

 

Tên sách: Văn minh vật chất của người Việt; Tác giả: Phan Cẩm Thượng. Khổ sách: 18 x 24cm, số trang: 664 trang. Minh họa 959 ảnh, 505 hình vẽ. Phát hành: Tháng 6.2011

Buổi ra mắt sách “VĂN MINH VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT”

Tác giả Phan Cẩm Thượng
Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức
Diễn giả: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân và Lê Thiết Cương
Thời gian: 16h – 18h, thứ Ba 31. 5. 2011
Địa điểm: Phòng triển lãm, Trung tâm Nghệ thuật Việt (Viet Art Centre), 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Miễn phí vé vào cửa
Chương trình được hỗ trợ bởi Viet Art Centre

 

16h chiều thứ Ba, ngày 31. 5. 2011, tại Viet Art Centre số 42 Yết Kiêu sẽ diễn ra một buổi giới thiệu sách rất long trọng do NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức. Tác phẩm được giới thiệu là quyển sách Văn minh vật chất của người Việt của tác giả Phan Cẩm Thượng, với ba diễn giả: Tác giả cuốn sách; họa sĩ – nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân; họa sĩ Lê Thiết Cương.

Có lẽ cũng đã lâu, NXB Tri Thức mới có dịp tự hào được in một tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật kỳ công do tác giả trong nước viết ra với lời giới thiệu rất trân trọng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Đây là cả một thế giới Việt. Không thiếu bất cứ phương diện nào, suốt trường kỳ lịch sử”…

Tác giả Phan Cẩm Thượng

 

Văn minh vật chất của người Việt – ấp ủ 20 năm ròng!

Từ khi tác giả Phan Cẩm Thượng nảy sinh ra ý viết một “tập đại thành” về văn minh công cụ – vật chất của người Việt là từ năm 1990 cho đến khi cuốn sách được ra đời năm nay. Trước đó một loạt các tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật tạo hình cổ kim dầy dặn được xuất bản làm “bước gối”: Mỹ thuật của người Việt (1989, Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng); Mỹ thuật ở làng (1992, Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng); Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên (1995, Phan Cẩm Thượng – Nguyễn Tấn Cứ); Họa sĩ trẻ Việt Nam (1996, Phan Cẩm Thượng – Lương Xuân Đoàn); Điêu khắc cổ Việt Nam (1997, Phan Cẩm Thượng); Đồ họa cổ Việt Nam (1999, Phan Cẩm Thượng – Cung Khắc Lược – Lê Quốc Việt); Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp (2002, Phan Cẩm Thượng); Nghệ thuật ngày thường (2008, Phan Cẩm Thượng).

Guồng quay tơ, vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình).

Tác giả của cuốn sách tâm sự trong phần đề dẫn: Một đất nước có lịch sử lâu dài với nhiều mức độ phát triển ắt có những lớp văn minh vật chất phong phú, trái lại nhiều dân tộc đã trường tồn, nhưng rất ít thay đổi so với trạng thái ban đầu bất chấp thời gian và thời đại, văn minh vật chất không phong phú, trong đó mỗi đồ vật đều là tích tụ sâu sắc của tâm hồn và văn hóa… So với một số sắc tộc, văn minh vật chất của người Kinh hay người Việt đã tạm tách cái bản thân của họ ra khỏi đời sống vật chất cụ thể, được thể hiện bằng cả lối sống, quá trình canh tác, chợ búa… Thế giới vật chất của người Việt, trước thế kỷ 19, hoàn toàn nằm trong sản xuất thủ công và nông nghiệp (tự cung tự cấp). Sau đó thì công nghiệp hoàn toàn học và nhập từ phương Tây. Tuy nhiên cái tam giác vật chất – kỹ thuật – văn minh không phụ thuộc vào trình độ phát triển của kỹ thuật, mà phụ thuộc vào mức độ nhân văn dù cho đời sống có nghèo nàn. Và ở mức độ như vậy thì sáng tạo vật chất của người Việt hoàn toàn có thể tạo ra nền văn minh vật chất cho người Việt.

Bừa răng sắt

Công cụ của con người thời văn minh nông nghiệp chính là công cụ để chinh phục tự nhiên. Còn công cụ thời văn mình công nghiệp, ngoài mục đích chinh phục tự nhiên trước hết ra, sau đó là công cụ để chinh phục không gian và chinh phục (hoặc đè bẹp) lẫn nhau. Thế nên công cụ vật chất thời đại nông nghiệp vẫn nhân văn hơn, và đó là lý do tại sao cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt chú trọng lý giải và liệt kê “đời sống” của từng cái rá, cái rổ, cái cuốc cái cày… cho đến vũ khí, đồ thờ tự, món ăn và cách chế biến của người Việt làm ra suốt trong 3.000 – 4.000 năm. Với cái “lõi” nhìn ngắm từ nghệ thuật tạo hình, kinh nghiệm sống phong phú của một người đã từng là quân nhân, sau đó cộng với gian lao của người học và làm nghề nghiên cứu – bình luận mỹ thuật lâu năm. Cả quá trình đi dạy học và nghiên cứu khắp trong nước, và những chuyến đi công tác, triển lãm, xem ngắm nhiều bảo tàng ở Trung Quốc, Tây Tạng, Mỹ, Nhật, Pháp, Đông Nam Á… đã cung cấp cho Phan Cẩm Thượng nhiều nguồn tư liệu đối sánh dẫn đến việc hoàn thành tập sách này. Một cuốn sách ấp ủ 20 năm ròng, chụp ảnh và vẽ tư liệu trong 6 năm; viết liền mạch trong 2 năm là cả một quá trình tác giả tự tạo ra một “bàn tay thông linh nối dài với các bậc tiền nhân cả nghìn năm trước” để làm ra một tác phẩm vô tiền khoáng hậu. Tác giả tâm sự về việc viết sách với bậc thầy của ông, họa sĩ Nguyễn Quân là: “Khi viết như được dẫn dắt bởi một người xưa nào đó đọc cho chép, và viết theo cảm hứng, chứ nghiên cứu ở đâu ra được ngần ấy thứ…

Xênh tiền, nhạc cụ cung đình, vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Lịch sử Việt Nam

 

Cả một thế giới Việt – suốt trường kỳ lịch sử!

Phong dao của người Việt từ xưa có một câu rất thú vị: “Hơn nhau tấm áo manh quần, cởi ra mình trần ai cũng như ai”. Người giàu có và tài năng hơn người khác, thì biểu hiện ra bên ngoài bao giờ cũng bằng số lượng vật chất người đó sở hữu. Một nền văn minh này so với một nền văn minh khác, thì yếu tố đầu tiên được so sánh bao giờ cũng là phương tiện và công cụ. Với người Việt bình thường, thì ngày xưa là “nhà ngói, sân gạch, cây mít, ao cá”, “xe đưa ngựa đón, ruộng thẳng cánh cò bay”. Đến thời này là “nhà lầu xe hơi, vợ đẹp, con khôn, chó dữ. Tài khoản gửi nước ngoài”… Nhưng điều quan trọng nhất là con người sở hữu số vật chất – công cụ đó có biến vật chất – công cụ ấy trở thành “văn minh sống” không, hay ngược lại “phù thủy” lại bị “âm binh” điều khiển. Lý giải diễn tiến cả một trường kỳ sản xuất công cụ tự cung, tự cấp hàng ngàn năm của người Việt, thì cũng lý giải được cái tâm lý sùng đồ ngoại bắt đầu từ khi văn minh Việt va chạm với phương Tây. Con người chúng ta sợ công nghệ, sợ sự tiến bộ khoa học, tuy nhiên lại luôn máu mê những đồ vật ngoại tốt nhất. Để xác định sự giàu có, thì vật chất luôn là điểm khởi đầu. Những người giàu có về trí tuệ, tâm hồn thì lại ưa sự giản dị, quý hồ tinh bất quý hồ đa…

Lưỡi hái vùng đồng bằng Nam Bộ

Trong gần 700 trang sách, thì mỗi chương, mỗi mục, mỗi một ý trong “tập đại thành” nghiên cứu về văn minh vật chất của người Việt đều có thể được phát triển thành một nghiên cứu chiều sâu, với phương pháp luận cực kỳ đa dạng. Ví dụ như thuyết “bàn tay kéo dài – từ bàn tay đến các công cụ nông nghiệp” của Phan Cẩm Thượng là một phát minh rất có tính nghệ sĩ (của một nhà nghiên cứu – nghệ sĩ). Đó là một khuynh hướng mở cho những người nghiên cứu nghệ thuật trẻ tuổi. Còn nếu không quan tâm đến công việc đó, hoặc những người đọc ở nhiều ngành nghề khác nhau, đều có thể tìm được những niềm vui và phát hiện thích thú về đời sống Việt nói chung trong cuốn sách “thông kim bác cổ” này. Khi đọc một tác phẩm nghiên cứu mà cứ như đọc một tiểu thuyết, bắt đầu đọc từ đâu cũng được…

Lưỡi cuốc đồng Đông Sơn, vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Để khái quát một tác phẩm nghiên cứu vừa bác học lại vừa giản dị trong một bài viết ngắn, thì bất khả. Tôi chỉ có một ý thế này. Để nói đến những cá nhân sâu sắc một cách tự nhiên trong bất cứ lĩnh vực nào. Người ta hay dùng từ gọi là có “căn” (gốc rễ tu tập để làm việc đó, có khi từ “kiếp trước”), là “căn đồng”, “căn tu”… Tôi nghĩ tác giả Phan Cẩm Thượng, qua bộ sách Văn minh vật chất của người Việt, đã chứng minh ông là một người có “căn Việt” điển hình. Ý tưởng hành động tốt đẹp nhất có thể, là ông đã dành hết tâm sức của mình để truyền lại cái “căn Việt” đó cho con người trẻ tuổi, hoặc trẻ lòng ngày hôm nay.

Cuốc đá thời Hậu kì đồ đá mới (cách ngày nay khoảng 3.000 năm), vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Lịch sử Việt Nam

*

Phan Cẩm Thượng không dừng ở việc trình bày một lát cắt thời gian, một toàn cảnh đương đại của thế giới đồ vật mà xem xét vô vàn đồ vật và công việc “của người Việt” cả theo chiều lịch đại, bổ dọc lịch sử nhằm cho thấy sự tiến hóa của thế giới ấy, chủ yếu từ cái nôi của nó là đồng bằng sông Hồng vào tới Bắc Trung bộ, từ thời tiền – sơ sử tới thế kỷ 19… Một cuốn sách khó xếp gọn vào hạng mục lịch sử văn hóa, văn hóa học hay dân tộc học, xã hội học.., nhưng đạt tới một chiều kích nghiên cứu đáng nể trọng.” (Họa sĩ – nhà nghiên cứu lý luận nghệ thuật Nguyễn Quân).

*

Cuốn sách cung cấp cho ta một lịch sử của dân tộc và đất nước mình, qua các đồ vật do con người từng sống, từng lao động để có thể sống, tồn tại, phát triển, thịnh vượng, suy vong, trầm luân, đau khổ và hạnh phúc… từ ngày trên đất này có con người cho đến hôm nay. Và hóa ra đó là một lịch sử không chỉ cụ thể mà còn hết sức toàn diện, có lẽ không hề thiếu mặt nào, góc độ và cấp độ nào trong sự sống của con người Việt từ thượng cổ cho đến nay.” (Nhà văn Nguyên Ngọc)

Mõ trâu, vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình)

 

Bình gốm thời Đông Sơn, vẽ lại từ hiện vật bảo tàng Lịch sử Việt Nam

 

 

*

Bài liên quan:

– Đồ vật nói gì?
– Phan Cẩm Thượng và “căn Việt”

– 5 giờ chiều 12. 1: Không khai mạc cũng đến xem!

Ý kiến - Thảo luận

11:00 Saturday,27.2.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng
Cuốn sách " văn minh vật chất của người Viêt" của nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm thượng là một cuốn sách bổ ích, cần thiết mà đến nay mới xuất hiện trên danh sách các đầu sách nghiên cứu. Những ai nghiên cứu về design đồ vật của người Việt đều cảm ơn tác giả. Nhưng nếu tiêu đề là "Design đồ vất của người Việt", kỹ hơn thì thên thời gian từ giai
...xem tiếp
11:00 Saturday,27.2.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng
Cuốn sách " văn minh vật chất của người Viêt" của nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm thượng là một cuốn sách bổ ích, cần thiết mà đến nay mới xuất hiện trên danh sách các đầu sách nghiên cứu. Những ai nghiên cứu về design đồ vật của người Việt đều cảm ơn tác giả. Nhưng nếu tiêu đề là "Design đồ vất của người Việt", kỹ hơn thì thên thời gian từ giai đoạn nguyên thủy đến 1954 chẳng hạn, như thế sẽ chính xác hơn cụm từ khủng "văn minh vật chất của người Việt", bởi văn minh vất chất người viêt còn mênh mông hơn nhiều nữa với từng thời kỳ. Đơn cử chỉ riêng chế biến nấu nướng thực phẩm thôi cũng cả ngàn trang chưa thể hết. Vậy là cái tên quá lớn so vơi nội dung sách. Thêm nữa hình minh họa cho sách nghiên cứu về design đồ vật, ngoài những ký họa đã có trong sách không thể thiếu hình vẽ "tiêu bản" mô tả kỹ như vẽ minh họa cho sách y học hay những cây thuốc. Nếu chỉ dùng hình vẽ ký họa của họa sĩ không thôi sẽ làm cho người xem bị tình cảm ở nét vẽ đẹp của ký họa lấn át đi tính chân thực của đồ vật. Minh họa cho sách nghiên cứu khoa học có một lối vẽ riêng rất khách quan lạnh lùng không hề có biểu hiện tình cảm ở nét bút ký họa. Chỉ có lối "vẽ tiêu bản" cho sách nghiên cứu khoa học mới đạt điều đó. Giá như thay thế ít nhất là một nửa những ký họa đẹp về đồ vât bằng hình vẽ tiêu bản về dồ vật đó.
Đôi lời chân thành cho sự tôt đẹp hơn. Còn tôi tất nhiên cũng đã thích và có trong tay cuốn sách này. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả