Nghệ sĩ Việt Nam

Dạo quanh Hồ Gươm 31. 05. 11 - 8:20 pm

Thông tin từ Ban biên tập

.

Dạo quanh Hồ Gươm là tiêu đề cuốn sách ảnh về Hà Nội, in song ngữ Việt – Anh, của nghệ sĩ Quang Phùng. Đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp được một phần sáng tác của ông trong gần 60 năm gắn bó với chiếc máy ảnh – công cụ giúp ông thể hiện tình cảm và suy ngẫm của mình về thủ đô theo dòng chảy thời gian, cùng những biến thiên lịch sử và xã hội.

"Tóc mây"

Quang Phùng có lẽ đã dành ít nhất là nửa đời mình cho Hồ Hoàn Kiếm. Việc tìm lại những gì đã qua của ông nghe có vẻ tương tự với việc “đi tìm những mùa xuân đã mất” của M. Proust, săn đuổi những thứ đã thực sự thuộc về ký ức, cảm thức của người đời. Tầm quan trọng của Hồ Hoàn Kiếm vẫn còn mơ hồ và mang tính biểu tượng hơn là mang tính xác nhận của một bằng chứng lịch sử. Trong ý niệm về di sản của người Việt Nam, giá trị của hồ Hoàn Kiếm nằm ở quá khứ đầy huyền thoại của nó. Ngày nay, nó được xem như một mốc giới, và “một ví dụ thành công cho việc sử dụng thiên nhiên trong phức hợp kiến trúc đô thị” (Logan 2000: 50; Papin 2001).

Cuốn sách tập hợp gần 100 bức ảnh được ông chụp từ năm 2000 trở lại đây, được chia thành ba phần.

Phần thứ nhất: Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho, nhấn mạnh vẻ quyến rũ tự nhiên của Hồ Gươm, và sự gắn bó cũng mang tính tự nhiên của biết bao thế hệ người Hà Nội với nơi chốn này, từ thuở thiếu thời cho đến khi già lão.

Ảnh trong phần 1: "Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho"

Ảnh trong phần 1: "Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho"

Phần thứ hai: Những câu chuyện xã hội, là suy tư của cá nhân nghệ sĩ về những xoay chuyển thời cuộc. Hồ Gươm như một xã hội thu nhỏ với đủ các cung bậc thăng trầm, vui buồn, hay dở… Bộ ảnh này cho thấy sự gắn bó thực tâm của một người Hà Nội với nơi chốn của mình. Dù rằng chúng chỉ là suy tư của riêng ông, nhưng chắc hẳn nó sẽ cộng cảm với rất nhiều trái tim yêu thủ đô khác nữa.

Ảnh trong phần 2: "Những câu chuyện xã hội"

Ảnh trong phần 2: "Những câu chuyện xã hội"

Phần ba: Tu dưỡng thiện tâm, được dành trọn vẹn cho việc giới thiệu quy trình làm chè sen truyền thống ở chùa Phụng Thánh trên phố Khâm Thiên. Ngôi chùa tuy không ở “quanh Hồ Gươm”, nhưng nơi chốn và công việc này lại là một cái kết đẹp cho cuốn sách ảnh. Chính nghệ sĩ đã kiến giải: “… Xưa kia, phía đông Hồ Gươm, nguy nga chùa Báo Ân, 180 gian, hồ sen bát ngát. Năm 1892, Pháp phá chùa, xây công sở (nay chỉ còn lại tháp Hòa Phong). Tiếng chuông ngân văng vẳng và hương sen chùa Báo Ân đã tiếp sức cho tôi thực hiện bộ ảnh “Làm sen ướp chè” tại chùa Phụng Thánh, khi đã vào ngưỡng tuổi 80, cũng là tưởng nhớ khoảng lặng Hồ Gươm thoảng hương sen thưở nào...”

Ảnh trong phần 3: "Tu dưỡng thiện tâm"

Ảnh trong phần 3: "Tu dưỡng thiện tâm"

Toàn bộ ảnh chụp của ông đều là ảnh chụp tự nhiên, không hề có sự sắp đặt, bố trí, hay lắp ghép, chỉnh sửa. Đây cũng chính là điều khiến Quang Phùng được đồng nghiệp trong nước kính trọng. Không những vậy, cuốn sách còn là nguồn tư liệu độc đáo, với một số bức ảnh chụp chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân… mà nghệ sĩ Quang Phùng chụp từ đầu thập niên 70.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn

*

Toàn bộ dự án thực hiện cuốn sách này do Thư viện của Quỹ Prince Claus (Prince Claus Fund Library, Hà Lan) tài trợ thông qua tổ chức East West (East West Foundation). Dạo quanh Hồ Gươm sẽ được phát hành trong đầu tháng 6. 2011.

Ý kiến - Thảo luận

8:46 Wednesday,1.6.2011 Đăng bởi:  Admin
Soi đã cập nhật thêm thông tin. Cảm ơn chị Mai Trang.
...xem tiếp
8:46 Wednesday,1.6.2011 Đăng bởi:  Admin
Soi đã cập nhật thêm thông tin. Cảm ơn chị Mai Trang. 
8:22 Wednesday,1.6.2011 Đăng bởi:  Đào Mai Trang
Cảm ơn Soi đã đưa thông tin. Soi bổ sung giúp trong mấy dòng cuối: thư viện của Quỹ (Prince Claus)... cho trọn vẹn.
...xem tiếp
8:22 Wednesday,1.6.2011 Đăng bởi:  Đào Mai Trang
Cảm ơn Soi đã đưa thông tin. Soi bổ sung giúp trong mấy dòng cuối: thư viện của Quỹ (Prince Claus)... cho trọn vẹn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả