Nhiếp ảnh

Anna Atkins: Khởi đầu của nhiếp ảnh nữ là hoa và lá 26. 06. 11 - 6:34 am

Ngọc Trà sưu tầm và dịch

 

.

Anna Atkins (tên thời con gái Anna Children, 16. 3. 1799 – 9. 6. 1871) là một học giả về thực vật Anh Quốc và là một nhiếp ảnh gia. Bà thường được xem là người đầu tiên xuất bản sách có minh họa bằng hình chụp. Thậm chí nhiều nguồn còn xem bà là người phụ nữ đầu tiên tạo ra một bức ảnh chụp.

Anna Children sinh ở Tonbridge, Kent, Anh Quốc vào năm 1799. Mẹ bà mất sau khi sinh bà. Anna rất thân với bố, John George Children, một nhà khoa học tinh thông rất nhiều lĩnh vực. Tên của ông đã được đặt cho loại khoáng chất childrenite và loài trăn Antaresia childreni. So với phụ nữ thời đó, Anna Children được nhận một nền giáo dục có tính khoa học một cách khác thường, thí dụ những hình khắc sò chi tiết của bà đã được cha bà dùng để minh họa cho cuốn sách mà ông dịch từ cuốn Các loài sò của Lamarck, xuất bản năm 1823 (thời ấy như vậy là rất “cách mạng”).

Bà kết hôn với John Pelly Atkins vào năm 1825 và họ chuyển tới sống ở Halstead Place. Ở đó bà theo đuổi niềm yêu thích thực vật của mình, ví dụ sưu tầm các loại cây khô.

Nhiếp ảnh

John George Children và John Pelly Atkins là bạn của William Fox Talbot (nhà sáng chế, nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh người Anh). Anna Atkins học trực tiếp từ Talbot hai trong số các phát minh của ông có liên quan đến nhiếp ảnh: kĩ thuật “vẽ phát quang” (vật thể được đặt trên giấy nhạy sáng rồi phơi ra ánh sáng mặt trời để tạo hình ảnh) và calotype (kĩ thuật xử lí ảnh dùng giấy bạc oxit).

Atkins tiếp cận máy ảnh từ trước năm 1841. Cho đến nay vẫn còn tranh cãi khi một số nguồn nói bà là nhiếp ảnh gia nữ đầu tiên. Một số nguồn lại nói Constance Talbot, vợ của William Fox Talbot, mới là nhiếp ảnh gia nữ đầu tiên. Vì không có một bức hình nào chụp bằng máy ảnh của hai người còn tồn tại đến ngày nay nên vấn đề này có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết.

Chân dung Anna Atkins, nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên trên thế giới

Về kỹ thuật

Sir John Herschel, một người bạn của Atkins và Children, phát minh quy trình ảnh cyanotype vào năm 1842. Chỉ một năm sau, Atkins đã áp dụng quy trình này với các loài tảo (đặc biệt là rong biển), tạo ra các bức ảnh cyanotype bằng quy trình in tiếp xúc – “bằng cách đặt những cây tảo khô trực tiếp lên giấy cyanotype”.

Một bức ảnh chụp bằng kĩ thuật cyanotype của Atkins, một phần trong cuốn sách xuất bản năm 1843 của bà có tên gọi Ảnh các loài tảo Anh: Các bản in Cyanotype.

Atkins tự xuất bản cuốn sách ảnh của bà vào tháng 10. 1843. Mặc dù chỉ được xuất bản riêng với số lượng có hạn, chữ viết tay, nhưng nó vẫn được xem là cuốn sách đầu tiên được minh họa bằng hình chụp. (Về mặt lịch sử, lưu lý là mãi tám tháng sau, vào năm 1844, tập sách đầu tiên của William Henry Fox mang tên The Pencil of Nature (Chiếc bút chì của Tự nhiên) mới được xuất bản; đấy cũng là cuốn sách đầu tiên được in để bán mà có minh họa bằng hình chụp).

.

Atkins xuất bản tổng cộng ba tập sách Ảnh các loài tảo Anh: Các bản in Cyanotype từ năm 1843 đến năm 1853. Nay chỉ còn 17 bản sách còn tồn tại tròn vẹn. Các bản sách đó được lưu giữ bởi một số tổ chức, trong đó có: Thư viện Anh, Bảo tàng và Gallery Nghệ thuật Kelvingrove, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, Thư viện Công cộng New York, Hội Hoàng Gia London, Bảo tàng Victoria và Albert, London.

Bởi số lượng rất có hạn và tầm quan trọng lịch sử của chúng, những bản in này đặc biệt đắt đỏ. Một bản sách với 411 trang in bán được 133.500 bảng Anh vào năm 1996. Một bản khác với 382, vốn thuộc sở hữu của nhà khoa học Robert Hunt (1807-1887), bán được tới 229.250 bảng trong một cuộc đấu giá năm 2004.

.

.

.

.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả