Khác

Nghệ thuật cho thần Zeus (1) – Column của Anthony McCall 07. 07. 11 - 7:52 am

Tổng hợp - Hồ Như Mai lược dịch

 

Tác phẩm “Column” (Cột) của Anthony McCall sẽ là một cột xoáy hơi nước khổng lồ nối mặt đất với bầu trời và có thể trông thấy được trên khắp vùng Tây Bắc nước Anh.


6 dự án Nghệ thuật Công để vinh danh tại Olympiad Văn hóa 2012

LONDON – Ngay từ những ngày này, thế giới nghệ thuật đã bắt đầu có đủ những triệu chứng của cơn sốt Olympics. Đầu tiên là tin đồn triển lãm kỷ niệm đầu tiên của Damien Hirst sẽ được khai mạc trong dịp Olympics London 2012, kế đó cặp nghệ sĩ Allora và Calzadilla tuyên bố rằng Olympics cũng sẽ là chủ đề cho dinh Hoa Kỳ (United States pavilion) của họ tại Venice Biennale. Cùng lúc đó, tại Anh bắt đầu công bố tên các dự án lọt chung kết Artists taking the Lead (Nghệ sĩ dẫn đầu), gồm một chuỗi những tác phẩm công được đặt hàng cho 2012 Cultural Olympiad. Thôi thì đủ thể loại, đủ các tác phẩm mới của những ngôi sao đang lên như nghệ sĩ điêu khắc Rachel Whiteread, biên đạo múa Akram Khan, diễn viên Cate Blanchett và nhạc sĩ Damon Albarn.

Artists Taking the Lead là một dự án rộng khắp, với một ban giám khảo cho mỗi vùng trên nước Anh, cũng như ban giám khảo riêng cho xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland để chọn ra 12 người thắng cuộc. Người thắng cuộc sẽ nhận được khoản tiền từ 230 ngàn đến 500 ngàn bảng Anh (tức 375 ngàn đến 815 ngàn đô) để thực hiện các dự án tại địa phương. Cuộc thi này được khởi động từ tháng Ba năm 2009 và nhận được đến hơn 2000 đơn dự thi.

Anthony McCall

Trong khi giám khảo vùng Tây Bắc Anh chọn Anthony McCall, một cái tên quen thuộc, thì các ban giám khảo khác lại đề xuất những nghệ sĩ ít danh tiếng hơn (dường như họ cố ý làm như vậy, thí dụ người thắng cuộc của khu vực London, Alfie Dennen và Paula Le Dieu, thậm chí còn qua mặt cả nghệ sĩ tuyệt-vời-nhưng-mâm-nào-cũng-có-mặt Martin Creed). Những dự án được đề xuất vào giải là tập hợp đến nửa tá những màn thú vị nhất, gồm đủ loại hình, nào là lôi kéo đám đông, thu lượm đồ hầm bà lằng và thậm chí là cả… đóng thuyền.

Xin lần lượt giới thiệu…

*

VÙNG TÂY BĂC
Column của Anthony McCall

Chi tiết của “Column”

Hồi tháng 3. 2011, Anthony McCall đã chính thức công bố chi tiết tác phẩm công cộng quan trọng Column, sẽ được ra mắt tại Merseyside năm 2012. Tác phẩm là một cột xoáy hơi nước khổng lồ nối mặt đất với bầu trời, có thể nhìn thấy được trên khắp vùng Tây Bắc nước Anh. “Tôi tìm kiếm những ý tưởng thể hiện được sự giàu có vô biên của văn hóa chúng ta, và cho thế giới biết được đất nước ta đặc biệt thế nào.” Moira Sinclair, giám đốc điều hành Hội đồng nghệ thuật Anh khu vực London cho rằng, “Tác phẩm Column thực hiện được tham vọng này. Tôi nghĩ nó sẽ chinh phục cả vùng Tây Bắc và cả thế giới nữa.”
Mục tiêu hơi bị cao, nhưng cũng dễ hiểu thôi, cho Olympics mà!

Bản phác thảo của “Column”

Anthony McCall thì dĩ nhiên nổi tiếng rồi, là một trong những nhà làm phim tiên tiến của… Mỹ. Tuy ông có một thời gian bỏ nghề đằng đẵng, từ 1979 đến 2003, chủ yếu vì phải chuyển qua làm thiết kế đồ họa vì sinh nhai, nhưng những bộ phim và sắp đặt ánh sáng của ông từ những năm 70’, như Line Describing a Cone, Long Film for Four Projectors, và Four Projected Movements… vẫn còn ảnh hưởng lớn đến bây giờ, thể hiện một sự suy ngẫm rất cụ thể, cực “trực cảm” về thứ phương tiện gọi là phim và mối liên hệ về mặt thể xác lẫn mặt ý niệm của khán giả trước thứ phương tiện ấy. Tất cả các tác phẩm thời ấy đều lấy điểm xuất phát là những điều kiện cần thiết, không thể không có của điện ảnh: đèn chiếu, không gian thực ba chiều.

Line Describing a Cone

Lấy thí dụ tác phẩm nổi tiếng nhất của Anthony McCall là Line Describing a Cone (Đường diễn tả một hình nón? – 1973) chẳng hạn, là một cái đèn chiếu, chiếu một chùm tia sáng xuyên qua màn đêm gallery. Đầu tiên, cùng với âm thanh của máy chiếu rè rè, một điểm sáng trên bức tường trắng từ từ biến thành một đường thẳng. Đường thẳng ấy lại từ từ biến thành một đường cong, rồi cuối cùng thành một vòng tròn. Chùm tia sáng chiếu tới tự nó cũng trở nên rắn hơn, đặc hơn, nhờ hiệu quả tạo khói của một cái máy đứng lặng lẽ phun ra ở góc phòng. Cả chùm tia sáng trông như một lát cắt của không gian phủ kính, đặc khói, uốn cong, rồi tỏa ra để thành một hình nón, với đỉnh nón là cái đèn chiếu.

.

Chuyển động ra vào cái hình nón ấy là một trải nghiệm bất an (cho người xem). Năm 1973, trong một cuộc phỏng vấn với Julia Peyton-Jones và Hans-Ulrich Obrist (ông này mới có một cuộc phỏng vấn đình đám với chủ nhân bị bắt Wikileak), McCall gọi tác phẩm của mình là “phim”, theo cái nghĩa là “một cấu trúc kéo dài và rõ ràng – explicit durational structure,” bất chấp tác phẩm đấy chẳng mang một hình ảnh điện ảnh nào, đúng hơn là chỉ mang những cơ chế mà người ta vẫn dùng để làm điện ảnh! McCall hồi đó nhấn mạnh tầm quan trọng của âm thanh xung quanh, đặc biệt là thứ âm thanh “cinema” (tiếng xè xè của máy chiếu, tiếng thì thầm của người xem trong phòng), và sự xuất hiện của luồng sáng như một vật thể “chắc nịch” – đó là một phương tiện để khơi gợi những yếu tố mà trải nghiệm “cinema” vẫn thường bỏ sót: không phải là hình ảnh, mà chính sự “hiện hình” mới là quan trọng. Chủ đề của McCall chính là khoảnh khắc tinh tế trước khi một bộ phim bắt đầu – đó là lúc toàn thể nhận thức của ta đang thay đổi, trong khoảnh khắc ấy, sự hoài nghi cũng tạm dừng.

Lần này, Collumn của Anthony cũng là một luồng sáng, nhưng khổng lồ. Ông đã trở lại, vẫn đeo đuổi đề tài cũ, nhưng với công nghệ giúp sức, tác phẩm của ông đã kỳ vĩ hơn, đến cả vùng Tây Bắc nước Anh cũng phải nhìn ra!

Bản vẽ kỹ thuật của “Column”

Một số tác phẩm của Anthony McCall

“Breath I, 2004”, máy chiếu video, máy vi tính, file KTS, máy phun khói


You and I, Horizontal (I)


You and I, Horizontal (III), 2006, file trên máy vi tinh, 2 máy chiếu KTS, máy tạo khói


Between You and I, 2006


Doubling back


Long Film for Four Projectors

 

*

Bài liên quan:

– Nghệ thuật cho thần Zeus (1) – Column của Anthony McCall
– Trao cho BUS TOPS là lối an toàn?

– NEST: Cái tổ sắt vụn và một thí dụ về “mượn” ý tưởng có xin phép

Ý kiến - Thảo luận

16:07 Sunday,10.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Khi tôi xem "Nghệ thuật cho thần Zeus (1) – Column của Anthony McCall", tôi chợt nghĩ là người Việt Nam chúng ta không thể đọ với thế giới về mặt hình thức phô diễn, mà phải so bằng "Ý niệm".
...xem tiếp
16:07 Sunday,10.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Khi tôi xem "Nghệ thuật cho thần Zeus (1) – Column của Anthony McCall", tôi chợt nghĩ là người Việt Nam chúng ta không thể đọ với thế giới về mặt hình thức phô diễn, mà phải so bằng "Ý niệm". 
9:51 Thursday,7.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ôi, một bài viết và dịch thật tuyệt. Gợi nhớ bao cảm xúc hồi hộp xa xưa (mỗi lần được phiếu bé ngoan) được bố mẹ dắt tay vào rạp xi-nê, và nhất là lúc phòng chiếu bắt đầu tắt đèn. Nín thở. Mắt mở to. Cấm ho...

Em thích nhất câu này trong bài:

"...Chủ đề của McCall chính là khoảnh khắc tinh tế trước khi một bộ phim bắt đầu – đó là lúc toàn thể
...xem tiếp
9:51 Thursday,7.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ôi, một bài viết và dịch thật tuyệt. Gợi nhớ bao cảm xúc hồi hộp xa xưa (mỗi lần được phiếu bé ngoan) được bố mẹ dắt tay vào rạp xi-nê, và nhất là lúc phòng chiếu bắt đầu tắt đèn. Nín thở. Mắt mở to. Cấm ho...

Em thích nhất câu này trong bài:

"...Chủ đề của McCall chính là khoảnh khắc tinh tế trước khi một bộ phim bắt đầu – đó là lúc toàn thể nhận thức của ta đang thay đổi, trong khoảnh khắc ấy, sự hoài nghi cũng tạm dừng.."

Chợt nhớ tiếp: cái cảm giác này cũng có với người xem (chúng em) trong những phút giây ngập ngừng trước khi nhón bước vào 1 triển lãm để được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật mới. Khi sự hoài nghi tạm dừng, dường như niềm tin vào nghệ thuật, vào nghệ sĩ bắt đầu dâng lên...

Cám ơn các nghệ sĩ, cám ơn chị Hồ Như Mai ạ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả