Tin tức

Tin-ảnh: Barcelo (lại) thắng to, Cheim & Read sáng suốt… 10. 07. 11 - 7:16 am

Ngọc Trà tổng hợp

LONDON – Bức “Faena de Muleta” của họa sĩ Barcelo trong một buổi họp báo tại Christies London. Bức tranh được ước lượng mang về từ một triệu rưỡi đến hai triệu bảng (từ hai triệu ba đến ba triệu đô-la Mỹ) trong Đêm đấu giá nghệ thuật Hậu chiến và Đương đại của Christie’s ngày 28. 6. 2011. Kết cục tranh đã bán được với giá 3.9 triệu bảng, phá kỉ lục dành cho chính họa sĩ và giúp ông trở thành nghệ sĩ Tây Ban Nha được trả giá cao nhất, vượt qua cả Antonio Lopez.

 

LONDON – Một nhân viên tạo dáng chụp hình trước bức “Faena de Muleta” của Barcelo trong buổi họp báo của Christie’s. Ảnh: Akira Suemori

 

Barcelo vốn đã nổi tiếng từ hồi năm 2008, khi một cuộc tranh cãi nổ ra về việc Liên hợp quốc đặt ông vẽ một bức tranh vòm cho Sảnh Quyền Con người và Liên hiệp các nền Văn minh. Những người chỉ trích nói rằng tiền dùng để trả cho 100 tấn sơn và 20 người phụ việc (nghe đâu tổng cộng 23 triệu USD) để giúp đỡ người nghèo, mua thức ăn, mua thuốc uống và trả tiền nhà đỡ cho họ… khéo còn có ý nghĩa hơn. Một vài nguồn tin còn nói rằng Tây Ban Nha đã dùng tiền nước ngoài giúp để tặng Liên hợp quốc làm bức tranh này.

 

Những người ủng hộ bức tranh vòm của Barcelo (có cả ông tổng thư ký người Hàn Ban Ki-moon) thì nói rằng sự sáng tạo nghệ thuật cho thấy một làn gió mới về cải cách trong công việc của Liên hợp quốc; càng có ý nghĩa khi lại là ngay trước ngày kỷ niệm 60 năm sự kiện Quyền Con người được tuyên bố trên toàn cầu.

 

BUDAPEST – Cựu tổng giám mục (đã nghỉ hưu) của Giáo hội Thiên Chúa Giáo Hungary và hiện là Tổng giám mục của Esztergom-Budapest Laszlo Paskai (đội mũ miện) lắng nghe bài phát biểu của nhà lãnh đạo tôn giáo của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) Peter Harrach (giữa, đang phát biểu trước mic) trong buổi lễ ra mắt bức tượng Giáo hoàng John Paul II được ban phúc trên một quảng trường trước Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Peter Pal ở Szentendre, một thị trấn cách Budapest khoảng 20km, ngày 29. 6. 2011. Tác phẩm nghệ thuật này của nhà điêu khắc Ervin Paljanos được làm từ đá vôi lấy từ vùng Sutto, Hunagry. Ảnh: Csilla Cseke

 

LONDON – Bảo tàng Victoria và Albert tại London khai mạc Swarm Study/ III, một sắp đặt ánh sáng tương tác mới của nhóm Random International. Tác phẩm treo lơ lửng trên cầu thang nối các gallery Kiến trúc với gallery Gốm sứ, và sẽ được trưng bày trong suốt ba năm tới. Sắp đặt này đã được sáng tác đặc biệt riêng cho địa điểm này.

 

NEW YORK – Tấm gương bằng Mực, 2011 của Louise Fishman. Sơn dầu trên vải, 99 x 168cm. Để ăn mừng sự kiện mười lăm năm thành lập, gallery Cheim & Read giới thiệu một triển lãm nhóm của những nữ nghệ sĩ từng làm việc cùng họ. Từ đầu những năm 1980, ngay khi chưa mở cửa, John Cheim và Howard Read đã làm việc với một số nghệ sĩ như Arbus, Bourgeois, Neel và Steir. Năm 1996. cả hai mở gallery với một triển lãm của Bourgeois và Holzer – toàn những tên tuổi đình đám!

 

Ghada Amer, Unfriending Camelia, 2011. Acrylic và thêu trên vải, 147 x 175cm. Rất nhiều tác phẩm trong triển lãm gallery Cheim & Read lần này là được trưng bày lần đầu tiên. Mười nghệ sĩ được giới thiệu đều có những quá trình nghệ thuật và đề tài khác nhau; sự đa dạng của họ chính là đại diện cho những trào lưu lớn của nghệ thuật Mỹ sau chiến tranh, từ các tác phẩm hội họa thuộc Chủ nghĩa biểu hiện Trừu tượng của Joan Mitchell cho đến những triển lãm sắp đặt mang tính ý niệm, lấy cảm hứng từ ngôn ngữ của Jenny Holzer, đến những đường thêu mang tính lật đổ của Ghada Amer.

 

Bức Geoffrey Hendricks and Brian, 1978, sơn dầu trên vải bố, của Alice Neel – bậc thầy về chân dung Mỹ. Một số nghệ sĩ như Alice Neel và Louise Bourgeois, ban đầu không được để ý đến, giờ đã trở thành những biểu tượng. Các tác phẩm của họ, sau một thời bị gạt ra bên lề nghệ thuật đại chúng, giờ được tôn vinh và có ảnh hưởng lớn lao. Gallery Cheim & Read lúc đầu cũng không có chủ đích lăng xê các nghệ sĩ nữ, mà chỉ muốn tập trung nuôi dưỡng những tiếng nói nghệ thuật và cá nhân độc đáo chưa từng có. Và các nghệ sĩ đã không phụ lòng họ: cứ nhìn tập hợp những nghệ sĩ trong triển lãm này thì rõ: họ nằm trong số những tiếng nói quan trọng nhất của vài thập kỉ trở lại đây.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả