Gẫm & Bình

Sao chép là sáng tạo? 23. 07. 11 - 4:54 pm

Vũ Huy Thông

(SOI: Nhân đọc thấy bài này trên một tạp chí cũ, xin giới thiệu lại cùng các bạn. Vấn đề này chắc không bao giờ cũ.)

.

Appropriation – Nghệ thuật chuyển dụng

Thời gian gần đây, chuyên mục Văn hóa toàn cảnh tờ Thể Thao & Văn hóa (online) xuất hiện diễn đàn Văn hóa với chủ đề: Nạn “Đạo” và “Cóp”. Diễn đàn đã thu hút nhiều người quan tâm và tạo ra những tranh luận tích cực về các chủ đề “Sáng tạo”, “Đạo”, “Nhái”, “Ý tưởng”… trong văn học nghệ thuật. Hầu hết các bài viết, ý kiến của các tác giả đều xoay quanh những câu hỏi: Liệu sao chép có phải là sáng tạo hay không? Sao chép như thế nào, ở mức độ nào là đạo, sao chép như thế nào là sáng tạo? Bài viết dưới đây không trả lời tất cả các câu hỏi vừa nêu, nó chỉ đưa ra một khái niệm chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuât, ngõ hầu làm sáng tỏ thêm cho một trào lưu, một thủ pháp phổ biến của nghệ thuật Hậu hiện đại. Tuy vậy qua bài viết, người đọc có thể có được câu trả lời xác đáng cho câu hỏi “Sao chép có là nghệ thuật?”.

Trong bài Không có gì mới dưới ánh mặt trời! (Thể thao & Văn hóa, ngày 20. 5. 2010), tác giả Nhã Thuyên đã đề cập tới việc “bắt chước”, ở đây là sao chép – copy. Nếu “ý thức bắt chước như một thủ pháp, một phong cách, một ý tưởng sản sinh nghệ thuật, như cách bức tranh Duchamp làm với bức Mona Lisa, như sự phỏng nhại, cắt dán của văn chương hậu hiện đại; khi sự “bắt chước” là một cách sáng tạo, chúng được thừa nhập tồn tại song song như những tác phẩm biệt lập.” Đây là một quan điểm dựa trên lý thuyết hậu hiện đại. Nó dường như cũng được nhiều nghệ sĩ Việt Nam đương đại tiếp cận và áp dụng cho công việc sáng tạo của mình. Tuy nhiên sẽ là cần thiết khi lý thuyết này được trình bày một cách đầy đủ, thuyết phục hơn.

Sự “sao chép”, “copy”, “nhái” … khi được gọi đúng tên, xác định đúng giá trị cũng sẽ giải đáp cho nhiều thắc mắc của công chúng khi bắt gặp chẳng hạn: tranh của ông họa sĩ A người Việt Nam, vẽ vào năm 2010 sao lại có những phần giống y hệt ông hoạ sĩ B, người Pháp, vẽ cách đây 50 năm. Và hơn hết, người viết bài cũng đồng tình với quan điểm của tác giả Nhã Thuyên trong bài viết kể trên khi đề cập đến thái độ ứng xử nghệ thuật, thái độ ứng xử với công chúng mà người nghệ sĩ nên (và phải) có: “Không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Người ta đã trích dẫn nhiều lần ví dụ nổi tiếng của Umberto Eco: “Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng như thái độ của một người đàn ông yêu một người đàn bà có học thức rất cao, và anh chàng không thể nói với nàng: ‘Anh yêu em điên dại’, bởi vì chàng thừa hiểu rằng nàng biết (và nàng cũng biết rằng chàng biết) những chữ ấy được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên vẫn còn những giải pháp khác. Chàng có thể nói: ‘Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em điên dại.’ Người nghệ sĩ cũng nên ứng xử với công chúng một cách trung thực vậy chăng? (Nhã Thuyên – Thể thao & Văn hóa, ngày 20. 5. 2010).

Hình trong tranh là lấy từ hình… người khác

Appropriation art

Từ điển tiếng Anh giải thích nghĩa danh từ appropriation: (art) the use of borrowed elements in the creation of the new work – sự sử dụng các yếu tố vay mượn trong công việc sáng tạo ra tác phẩm mới.

Nghĩa thông dụng của động từ appropriation: chiếm đoạt (làm của riêng), chiếm dụng, sử dụng phong cách của người khác.

Appropriation art – Nghệ thuật chuyển dụng1 là một thể loại của các sáng tạo của sáng tác nghệ thuật đương đại, chúng thường được xếp vào loại hình nghệ thuật khái niệm. Sự phát triển của Appropriation art kể từ đầu thập kỷ 20, thế kỷ XX, với những liên hệ tới Ready-made của Marcel Duchamp, tới Pablo Picasso, Giorgio de Chirico và cuối cùng là Pop art.

Trong ngôn ngữ gần đây, người ta sẽ gọi là nghệ thuật chuyển dụng khi người nghệ sĩ, một cách có ý thức và có tính toán, cân nhắc việc copy (sao chép) những tác phẩm của các nghệ sĩ khác, khi hành động copy này và kết quả của hành động, tự bản thân nó được coi là nghệ thuật (trường hợp khác sẽ được coi là sao chép hay giả mạo).

Một bức biếm họa nhại lại một tác phẩm của David Klein. Nhân vật trong tranh vật vã nghĩ: “Tôi đã biến cải bức hình hay chỉ là copy?” (Ở ta thì nói nôm na: “Tôi đã chế hay đã chôm?”)

Trong một cách hiểu mở rộng, bất kể loại hình nghệ thuật nào cũng có thể coi là nghệ thuật chuyển dụng khi nó được sáng tạo với những vật chất thẩm mỹ đã được tìm thấy. Ví dụ những tấm ảnh quảng cáo thương mại, nhiếp ảnh, báo chí, ảnh lưu trữ tài liệu, phim, video… Sự sao chép, vay mượn có thể hoàn toán chính xác đến từng chi tiết, nhưng nó thường xảy ra dưới những phương pháp thay đổi kích thước, màu sắc, vật liệu và phương tiện so với tác phẩm gốc.

Thông thường nghệ thuật chuyển dụng được sử dụng với một ý định có tính chất chỉ trích, ngoài ra người ta sẽ coi nó như một dạng tác phẩm được làm ra với tính chất ngợi ca (hommage) tác phẩm gốc, hay tác giả đã sáng tác ra tác phẩm đó.

Công việc cụ thể của nghệ thuật chuyển dụng thường được tiến hành với tính trừu tượng của những tác phẩm nghệ thuật và tính chất thương mại. Nó giải quyết thông qua hành động sở hữu hóa (chiếm dụng) những phạm trù cơ bản của nghệ thuật như: Quyền tác giả, sự nguyên bản, sự sáng tạo, cá tính, bút tích, giá trị của tác phẩm trên thị trường, lĩnh vực bảo tàng, vấn đề lịch sử, giới tính, đối tượng, bản sắc và sự khác biệt, trong đó nó tập trung vào những tính chất nghịch lý và sự mâu thuẫn nội tại, biến nó trở nên có thể nhận diện và được hiểu dưới góc độ thẩm mỹ. Mỗi cá thể nghệ sĩ đều có những chiến thuật rất khác nhau, nên việc tìm hiểu một phương pháp có tính tổng hợp đã được họ (những nghệ sĩ appropriation) sử dụng là không hề dễ dàng. Rất nhiều nghệ sĩ đã phản đối việc được (bị) xếp vào nghệ thuật chuyển dụng, hay một phần của phong trào này. Nghệ thuật chuyển dụng thực tế là một tên gọi, một cái “mác” đã được sử dụng trong những năm đầu của thập kỷ 80 trong phê bình nghệ thuật, từ đó tới nay nó vẫn luôn được bàn cãi. Những kỹ thuật được áp dụng trong nghệ thuật này rất phong phú. Nó có thể được sử dụng trong hội họa, nhiếp ảnh, phim, điêu khắc, cắt ghép (Collage), nghệ thuật môi trường (Environment) và nghệ thuật trình diễn.

.

Một số nghệ sĩ tiêu biểu

Nhóm nghệ sĩ New York như Sherrie Levine (1947), Mike Bidlo (1953) và Philip Taaffe (1955) trong những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX, đã tự xác định hoạt động nghệ thuật của mình là Appropriation art. Trong một nghĩa mở rộng, khái niệm Appropriation art tỏ ra thích hợp với tất cả đặc trưng Trích dẫn của nghệ thuật hậu hiện đại, vì thế nó cũng mất đi đặc tính được phân định rõ ràng ban đầu. Để gọi tên một tác phẩm được xếp vào Appropriation art, người ta phải tính tới những tương quan với thời điểm thập kỷ 80, tác phẩm này hết sức rõ ràng về ý định sử dụng những phần copy. Những phần copy, trích dẫn phải được nhận biết một cách rất rõ ràng.

Đầu những năm 1970, Elaine Sturtevant đã copy bằng đúng kỹ thuật nguyên bản (như in lưới) những tác phẩm của Andy Warhol, Jasper Johns và Frank Stella. Thậm chí người ta còn nói rằng, một vài nghệ sĩ (những người mà cô copy tác phẩm của họ) còn cho cô lời khuyên về kỹ thuật để việc sao chép trở nên thuận lợi, Andy Warhol hình như còn tặng cả một tấm lưới in nguyên bản cho cô. Sturtevant tự bạch rằng, cô muốn giải tỏa áp lực có trong mỗi nghệ sĩ đối với vấn đề sáng tạo ra sự độc đáo (original) bằng cách sử dụng phương tiện nghệ thuật nghiên cứu những phạm trù này.

Elaine-Sturtevant đã copy bức “Flowers” của Andy Warhol

Mike Bidlo đã tiến hành một tác phẩm trình diễn dựa theo một giai thoại, trong đó ông cải trang thành Jackson Pollock và tiểu tiện vào một cái lò sưởi. Trong một cuộc triển lãm khác, Mike đã trưng bày hàng loạt tác phẩm (copy) của Andy Warhol hay Constantin Brancusi. Hiện nay ông “sản xuất” hàng loạt bức vẽ và hiện vật tác phẩm Ready-made Vòi phun của Marcel Duchamp. Những Ready-made của Duchamp được coi là một trong những nghệ thuật quan trọng nhất của nghệ thuật hiện đại. Người ta có thể hiểu những dự án của Mike Bidlo vừa như sự tôn vinh đối với Duchamp, vừa có thể hiểu như một công việc nặng nhọc có tính biểu tượng cho xung đột giữa những thế hệ (cũ và mới).

Sắp đặt của Mike Bidlo với hình vẽ tác phẩm Vòi phun của Duchamp

Louise Lawler thì chụp những tác phẩm nghệ thuật có trong phòng khách của những nhà sưu tập và trong các bảo tàng, mỗi không gian khác nhau đó cô chỉ muốn chỉ ra rằng, tại các văn cảnh khác nhau, nghệ thuật sẽ được lĩnh hội và được trưng bày như thế nào.

Tác phẩm “All those eyes”

Trong một series ảnh của Cindy Sherman mang tên History Portraits, cô đã tự phục trang và dàn dựng theo những tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy cổ điển. Khởi sự chủ yếu của Cindy Sherman nằm ở vai trò của nữ giới và nam giới, dễ dàng nhận biết cô sử dụng trong tác phẩm những trang phục nhếch nhác và sự trang điểm thô thiển một cách cố ý. Với những bức ảnh History Portraits người ta có thể hiểu như một lời bình luận về lịch sử nghệ thuật, trong đó phụ nữ phần lớn chỉ có vai trò thuần túy là người mẫu, là vật thể phục vụ cho sự quan sát của những hoạ sĩ nam giới; đồng thời cô cũng đặt ra câu hỏi cho diễn tiếp lịch sử của vấn đề giới tính.

Tác phẩm “History portraits”

Tiếp tục xuất hiện một thế hệ thứ hai những nghệ sĩ Appropriation art, họ sử dụng chiến thuật copy những tác phẩm của thế hệ thứ nhất.

Năm 1979 nữ nghệ sĩ Sherrie Levine trở nên nổi tiếng với hành động vay mượn nghệ thuật nhiếp ảnh của Walker Evans, cô đã chụp lại những bức ảnh của Evans và đặt tên cho tác phẩm là After Walker Evans, sau đó trưng bày dưới tên chính mình. Năm 2011, Michael Mandiberg lặp lại hành động này bằng cách tương tự và đặt tên cho tác phẩm là After Sherrie Levine.

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Walker Evans

 

Tác phẩm “After Walker Evans”

Nghệ sĩ người Nhật Yasumasa Morimura thì tự dựng cảnh phim theo những bức ảnh của Cindy Sherman (Cindy Sherman chụp chân dung dưới những vai khác nhau và trang phục khác nhau như đã giới thiệu ở trên – NV). Nếu Sherman thường xuất hiện trên các bức tranh của cô trong vai nam giới thì Morimura lại xuất hiện như một người đàn ông thích ăn mặc như phái nữ (luyến ái giả trang), điều đó càng làm tăng sự bối rối, lẫn lộn về vấn đề bản chất giới tính.

Tác phẩm của Yasumasa Morimura

Đặc trưng của Appropriation art

Thuộc tính triết học của loại hình nghệ thuật này gắn liền với chủ nghĩa Giải cấu trúc, các lý thuyết truyền thông và phương pháp Liên văn bản (Intertextuality). Thao tác nghệ thuật của nó bao gồm: Trích dẫn, Sự ám chỉ, Giễu nhại, Lắp ghép, Tái dựng (nhằm mục đích ca ngợi). Nói chung, chúng được coi là những đặc trưng của nghệ thuật Hậu hiện đại và có thể tìm thấy trong các tác phẩm của nghệ thuật chuyển dụng (Appropriation art) và người ta có thể gọi chúng là Siêu (Meta) nghệ thuật. Xu hướng phát triển loại hình nghệ thuật này đã giải phóng mọi giới hạn và đồng thời buộc người ta phải định nghĩa lại thế nào là nghệ thuật.

 

Appropriation art và vấn đề luật bản quyền

Một tác phẩm nghệ thuật chuyển dụng – Appropriation art cũng có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền ngay cả khi nó đã copy một cách rất chi tiết một tác phẩm nghệ thuật đã xuất hiện trước đó. Hoạt động sáng tạo sẽ được bảo vệ trong sự phát triển khái niệm của tác phẩm mới và biện pháp sao chép có tính cá nhân của người nghệ sĩ. Lừa dối hay giả mạo không phải mục tiêu của nghệ sĩ. Nó giống như Sampling hay Cover-version trong âm nhạc (đều hiểu là kỹ thuật cắt ghép, cách trình bày lại những bài hát, bản nhạc đã có trước đó). Nghệ thuật chuyển dụng hoạt động trong những phạm vi vấn đề bản quyền, bởi vì cũng có thể lập luận về vấn đề vi phạm bản quyền trong việc sao chép những tác phẩm đã được sáng tạo trước đó, nhưng ít khi những điều này dẫn đến xung đột cần can thiệp của luật pháp. Giá trị của tác phẩm được sao chép ở trong nghệ thuật tạo hình cũng khác so với những tác phẩm của truyền thống, chủ yếu ở sự tồn tại của chất liệu, mà chất liệu là điều không phải chú trọng trong nghệ thuật chuyển dụng.

Tuy vậy không phải không có rắc rối với các nghệ sĩ Appropriation art. Sherrie Levine, Richard Pince và Mike Bidlo với việc sử dụng các bức ảnh trong thập kỷ 70 trong triển lãm Pictures ở New York cũng đã vấp phải vấn đề về luật bản quyền. Sherrie Levine đã phải dừng việc chụp ảnh lại những bức ảnh thuộc quyền thừa kế Edward Weston sau một phán quyết của tòa. Tại Zuerich những người thừa kế tác phẩm của Fernand Léger cũng buộc Mike Bidlo phải dừng việc sáng tác những tác phẩm Léger – Appropriation. Jeff Koons từng bị kiện trong một vụ án nổi tiếng vào đầu thập kỷ 90 vì những bức tượng String of Puppies của ông có tranh chấp với nghệ sĩ nhiếp ảnh Rogers. David Salle cũng rơi vào rắc rối pháp lý vì việc trích dẫn một trong những bức tranh của Rosenquist. Barbara Krruger cũng phải ra tòa vì việc sử dụng ảnh của Thomas Hoepker để in lưới trong một tác phẩm Collage của mình.

Bức ảnh Puppies (Những chú cún con) của Art Rogers

Luật của Áo có quy định, những sáng tạo thuộc nghệ thuật chuyển dụng có thể dựa theo khoản 5 điều 2 luật bản quyền về quy định về vấn đề Tái sử dụng tự do hoặc ít nhất nó có thể tự biện hộ như là quyền tự do ngôn luận về nghệ thuật. Ở Đức có luật Sử dụng tự do, ở Mỹ gọi việc sử dụng những văn bản, tác phẩm có trước là fair use (tạm dịch: sử dụng một cách có văn hóa).

Trong nghệ thuật điện ảnh cũng sử dụng khái niệm điện ảnh chuyển dụng (Appropriation Cinema, thường được gọi theo cái tên Found Footage Film). Nó thường xảy ra trong trường hợp sử dụng, thao tác chế lại những phim đã có. Tiêu biểu như đạo diễn người Mỹ Gus Van Sant đã cho dựng lại vào năm 1998 bộ phim nổi tiếng Psycho của Alfred Hitchcocks làm năm 1960. Nghệ sĩ Video đương đại nổi danh Douglas Gordon cũng sử dụng bộ phim này cho tác phẩm 24 Hour Psycho của ông, trong đó Gordon cho chiếu bộ phim gốc với tốc độ chậm, kéo dài tới 24 tiếng. Gordon cho rằng tác phẩm của ông giống như một thể nghiệm, kết hợp giữa giá trị nghệ thuật của tác phẩm gốc và những chế tác của cá nhân, những chế tác này hoàn toàn có thể làm được đối với bất kỳ ai sở hữu một máy phát video, khi anh ta muốn phân tích, hay tự chìm sâu vào sự mặc tưởng ở mỗi cảnh quay bất kỳ.

 

Appropriation art Việt Nam thời gian gần đây

Một ca khúc được Việt hóa (bằng ca từ), được cover (bằng tiết tấu) từ một tác phẩm nổi tiếng (mà hầu như ai cũng biết) của nước ngoài thì gần như không thấy có phàn nàn gì về vấn đề bản quyền, nó được chấp nhận (một cách tình cờ) như một dạng của nghệ thuật chuyển dụng? Nhưng nếu nó là một tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh chẳng hạn? Có thể nói từ vụ việc tranh cãi về vi phạm luật bản quyền nhiếp ảnh giữa Nụ hôn của gió (nhiếp ảnh gia Trần Thế Long) với bức ảnh cổ động Đảng là cuộc sống của tôi của Vũ Trung Kiên, đặc biệt từ khi Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật chính thức có hiệu lực ở Việt Nam (tháng 10. 2004), đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề sử dụng những tác phẩm có trước như thế nào, ở mức độ nào và hơn hết là nó có được coi là sáng tạo nghệ thuật hay không, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn văn học nghệ thuật. Điều này cũng phản ánh tình trạng lúng túng không chỉ từ phía các nhà quản lý, những thiếu sót cần bổ sung ở khung pháp lý, tình trạng mơ hồ (về luật và về lý luận) của một số nghệ sĩ dẫn đến làm bừa và làm ẩu. Công chúng thắc mắc, hoang mang trước nhiều tác phẩm có sử dụng những thủ pháp nghệ thuật chuyển dụng. Đã có những tác phẩm rơi vào trạng thái mập mờ giữa chuyển dụng (nghệ thuật) và copy (đạo). Để phân tích việc này một cách rạch ròi, chính xác, thiết nghĩ trước tiên phải bắt đầu từ chính các nghệ sĩ. Bắt đầu từ chính thái độ ứng xử nghệ thuật của người sáng tạo.

 

Một số dẫn chứng

Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác giả mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tiếp thu di sản văn hóa của cha ông có thể theo những con đường khác nhau. Từ hình thức (màu sắc, bố cục, đường nét, hình thể), tới nội dung (phản ánh các đề tài xã hội, tín ngưỡng…); nhưng với cách chuyển dụng (appropriation) theo một nhãn quan đương đại (dùng thủ pháp phổ biến của nghệ thuật hậu hiện đại: cắt ghép, trích dẫn, phỏng nhại… để chuyển tải các vấn đề chính trị, xã hội thời điểm hiện đại một cách ít nhiều cực đoan, châm biến…) thì gần đây có một số nghệ sĩ đã có những tác phẩm đáng chú ý: KFC Vinh Hoa (KFC Glory) của Trần Hậu Yên Thế – Triển lãm Neo – Trường ĐHMT Việt Nam, tháng 11. 2008. Biểu tượng ông già “Tây” (Harland Sanders – người sáng tạo ra món gà rán, hiện là thực đơn chính trong thực đơn của chuỗi nhà hàng ăn nhanh nổi tiếng thế giới KFC – Kentucky Fried Chicken, đang xuất hiện nhiều ở Việt Nam.), đã thay cho hình cậu bé mũn mĩm ngồi ôm con gà trong tranh Đông Hồ. Một biểu tượng đầy tính châm biếm cho giá trị mới của xã hội tiêu thụ hiện đại và nổi ám ảnh sự xâm lăng của toàn cầu hóa.

Up date – Triển lãm cá nhân của Phạm Huy Thông, L’Espace, Hà Nội, 2009. Một loạt tranh “chế” lại tranh dân gian Đông Hồ (tác giả có để tranh Đông Hồ bên cạnh để làm rõ ý đồ và tiện so sánh).

Tác phẩm “Karaoke daily” của Phạm Huy Thông

Hà Mạnh Thắng là người sử dụng nhiều hình ảnh tố nữ trong tranh dân gian vào tác phẩm (Triển lãm Gia đình quý tộc – 2008; Not Memory – 2010).

Tác phẩm “Sunday of Ladies” của Hà Mạnh Thắng

Rõ hơn về tính appropriate, gần đây có triển lãm cá nhân của Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Nghĩa Cương (ArtViet Gallery, 2010). Nguyễn Văn Phúc đã vẽ “nhại” tác phẩm của Francois Millet với hình ảnh những người nông dân trên cánh đồng. Anh đặt tên cho tác phẩm của mình là In Memory of Millet (tạm dịch – Tưởng nhớ Millet). Tác phẩm Loneliness (Cô đơn) của Phúc không khó để nhận ra nó rất giống với Mash II của Ron Mueck 2 (sáng tác 2001 – 2002), nó chỉ khác về chất liệu tạo hình.

Cô đơn, 150 x 200cm, Nguyễn Văn Phúc, 2009

 

“Mash II” (Mặt nạ II) của Ron Mueck

Ngoài ra, The Man inside the Room (Tạm dịch là – Người đàn ông trong căn phòng) của anh không thể không làm người ta nghĩ đến Ai Wei Wei3 (Ngải Vị Vị) với tác phẩm Đánh rơi bình cổ đời Hán (trong sự kiện nghệ thuật tại Thượng Hải năm 2000).

Bức “The Man inside the Room” (Tạm dịch “Người đàn ông trong căn phòng”) của Nguyễn Văn Phúc

 

Đập vỡ một chiếc bình đời Hán là một tác phẩm của Ngải Vị Vị

Giống như nhiều nghệ sĩ đã từng vẽ lại Mona Lisa của Leonardo da Vinci, Nguyễn Nghĩa Cương đã có tác phẩm Tree of Mona Lisa’s Smile (Tạm dịch là Nụ cười của nàng Mona Lisa). Tuy nhiên một chủ đích rõ ràng về Appropriation art của hai tác giả nói trên không giống nhau. Bức LonelinessThe Man inside the Room không khỏi không làm người xem thắc mắc về những yếu tố “giống nhau” so với tác phẩm của Ron Mucke và Ai Wei Wei.

Tác phẩm “Tree of Mona Lisa’s Smile” (Tạm dịch là Nụ cười của nàng Mona Lisa) của Nguyễn Nghĩa Cương

Còn nhiều hơn những cái tên đã liệt kê ở trên. Nghệ sĩ Việt, nhất là những người theo đuổi Pop art tỏ ra nhanh nhạy và thành thục với những thủ pháp cắt ghép, tái dựng, ám chỉ mà trong phạm vi một bài viết không thể kể hết được.

Quay trở lại với mục đích chính của bài viết, vấn đề đặt ra không chỉ là việc các nghệ sĩ và công chúng cần phải được trang bị đầy đủ và cập nhật những khái niệm, những lý thuyết nghệ thuật mới (và không mới). Hơn hết, một thái độ nghệ thuật chân thành, dũng cảm, cộng với thái độ nghề nghiệp của người nghệ sĩ chân chính luôn đòi hỏi, mong chờ từ phía công chúng. Sao chép, chuyển dụng như thế nào, ở chừng mực nào, với mục đích nghệ thuật rõ ràng tới đâu là câu hỏi mà những nhà nghệ sĩ thuộc (và không thuộc) Appropriation art cần phải trả lời một cách rõ ràng qua hành trình nghệ thuật, qua mỗi tác phẩm của chính mình.

 

*

Chú thích:

1. Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, ở Trung Quốc đã dịch Appropriation art thành nghệ thuật chuyển dụng. Cũng theo nhà nghiên cứu này, gọi là “chuyển dụng” có lẽ đúng hơn với các tác phẩm của các nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại như Picasso, Joan Miro. Dịch là Chiếm dụng thì đúng với tinh thần của tác phẩm Pop như Jasper Johns, Andy Warrhol hoặc nhóm Fluxus. Dịch là Tiếm dụng thì rất đúng với các nghệ sĩ Trung Quốc như Ai Weiwei, Sui Qiango, Wang Guangyi, Zhang Hongtu… Bài viết này tác giả tạm sử dụng từ Chuyển dụng.

2. Ron Mueck (1958) điêu khắc gia người Úc, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc cực thực làm từ sợi thủy tinh và silicon kích thước cực lớn, đề tài về sinh nở, thiếu niên, người già và cái chết.

3. Ai Weiwei (1957) nghệ sĩ đương đại, curator, designer kiến trúc, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng người Trung Quốc, đồng tác giả thiết kế sân vận động tổ chim ở Bắc Kinh, tham gia Documenta 12.

 

*
Tham khảo:
Uta Grosenick – Art Now – Nxb Taschen – 2005
Appropriation art

 

 

Ý kiến - Thảo luận

1:27 Friday,30.11.2012 Đăng bởi:  Cao Thanh Sơn
Thông ơi bức tranh của Morimura có thể là loại nghệ thuật "giễu nhại" hoặc "nhái" Frida Kahlo đây? Tặng Thông cái này nhé http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/1/1e/Frida_Kahlo_%28self_portrait%29.jpg
...xem tiếp
1:27 Friday,30.11.2012 Đăng bởi:  Cao Thanh Sơn
Thông ơi bức tranh của Morimura có thể là loại nghệ thuật "giễu nhại" hoặc "nhái" Frida Kahlo đây? Tặng Thông cái này nhé http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/1/1e/Frida_Kahlo_%28self_portrait%29.jpg 
17:24 Wednesday,27.7.2011 Đăng bởi:  FLEET
Nói về luật thì phức tạp lắm, các xếp nhà mình hiểu các vấn đề này cứng nhắc lắm.
...xem tiếp
17:24 Wednesday,27.7.2011 Đăng bởi:  FLEET
Nói về luật thì phức tạp lắm, các xếp nhà mình hiểu các vấn đề này cứng nhắc lắm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả