Khác

ĐẰNG SAU CÁI CHẾT: tuyệt nhất và buồn nhất tháng 6 22. 07. 11 - 6:17 am

Pha Lê dịch

Tác phẩm sắp đặt “Nhà sưu tầm” (The collectors)

Mr. B (Ông B) là nhân vật chính trong tác phẩm sắp đặt Nhà sưu tầm do bộ đôi nghệ sĩ người Scandinavia tên Michael Elmgreen và Ingar Dragset từng sáng tác vào năm 2009, với cảnh ông B nổi lềnh bềnh trên hồ bơi với mặt úp ngược là phần đầu tiên của tác phẩm. Hồi ấy bộ đôi đã biến trại Nordic Pavilion (công trình kiến trúc của Sverre Fehn, nằm trong khu vườn Biennale ở Venice) thành căn hộ riêng của ông B, với đầy đủ nội thất có kiểu dáng đặc thù của xứ Scandinavia. Giới tính của ông B được bộ đôi tiết lộ qua những tác phẩm nghệ thuật gợi dục dành cho dân gay – “con đẻ” của những nghệ sĩ như Wolfgang Tilmans, Henrik Olesen, và Tom of Finland – mà B sưu tập.

Trừ hình ảnh đôi giày và bít tất được đặt cạnh hồ bơi – ám chỉ hành động tự sát – khi ấy có rất ít manh mối về cái chết của B. Nhưng lần này, Elmgreen + Dragset hé lộ thêm một số chi tiết qua tác phẩm Đằng sau cái chết của ông B bí ẩn hiện đang nằm tại phòng trưng bày Perrotin ở Paris. Nó được sắp đặt khéo léo đến nỗi cả quận Marais phải xôn xao. (Triển lãm đã kết thúc vào ngày 18. 6).

Ba bối cảnh về cuộc đời mà B vứt bỏ được xây dựng trong ba căn phòng của gallery Perrotin, và phong cách rờn rợn ma quái thường thấy trong các bảo tàng sáp bao trùm tác phẩm này.

Phòng thứ nhất, người xem thấy một chiếc Vespa cổ của những năm 50s, với một đứa bé buộc trong một thùng đựng trái cây đặt ở phía sau xe. Đứa bé chính là ông B lúc mới sanh. Căn phòng trông giống một cái ga-ra, với cửa sập bằng thép gắn trên tường. Sự khó chịu khi nhìn thấy cảnh đứa bé bị một tên liều mạng nào đó chở đi như chở trái cây chính ra lại là cái ít gây buồn nôn nhất trong suốt buổi triển lãm.

.

Sự chết chóc hiện ra lù lù trong căn phòng tiếp theo, Elmgreen+Dragset biến nó thành khu nhà xác nơi ông B được chuyển tới, và người xem sẽ thấy đôi chân ông B nhô ra từ một cánh cửa thuộc bộ 16 ngăn kéo chứa xác người chết.

.

Phía đối diện của căn phòng, một chiếc áo khoác trắng được bác sĩ treo cạnh bồn rửa mặt bằng sắt, trong bồn có hàm răng giả đang ngâm trong ly nước thủy tinh. Bản chụp X quang đầu của ông B gắn trên hộp đèn X quang, miệng ông B trong bản X-quang mở to như thể ông muốn gào thét, đối lập với hình ảnh đôi chân đang yên nghỉ trong ngăn kéo. Nhà tổ chức của Perrotin đã đề biển cảnh báo rằng các bậc phụ huynh không nên để con cái chạy lăng quăng khi tới địa phận này của buổi triển lãm: chúng có thể sẽ bị sốc khi vô tình bước vào đây.

.

Căn phòng tiếp theo (phòng chính), làm cho người xem nghiệm ra rằng: càng biết thêm về ông B thì mọi thứ càng trở nên rùng rợn. Elmgreen và Dragset biến không gian rộng lớn này thành đại sảnh của một căn biệt thự, với tường xám. Một cậu bé đang thu mình ngồi bên trong chiếc lò sưởi bằng đá cẩm thạch, hai tay ôm lấy đầu gối, các ngón bầm tím, và đôi mắt chứa đầy lo âu. Những bức tượng bằng sợi thủy tinh của Elmgreen+Dragset lúc nào trông cũng sống động, với tóc và móng tay, móng chân được làm từ tóc và móng thật. Tiến đến gần cậu bé, bạn có cảm tưởng như cậu sẽ ngước lên nhìn bạn hay sẽ co rúm lại khi nghe tiếng chân của bạn.

.

Trong câu chuyện này, hai căn phòng nhỏ trước đó là hai phân cảnh của cuộc đời ông B, còn căn sau cùng đưa ra nhiều câu hỏi khó chịu. Trên bệ lò sưởi là một tác phẩm điêu khắc đắt tiền hình kỵ sĩ cưỡi ngựa, và trên đó nữa là bức chân dung của cậu bé. Hình ảnh tự tin và chững chạc trong tranh trông một trời một vực so với đứa trẻ đang run lẩy bẩy phía dưới. Căn phòng diễn tả một gia đình lắm tiền nhiều của, và có lẽ cả nhà đã đặt rất nhiều kỳ vọng lên cậu con trai B. Nhưng ngay bên hông lò sưởi, một bó hoa đang héo nằm trên chiếc bàn đá mạ vàng, đặt phía dưới chiếc gương cũng có khung mạ vàng, và dòng chữ “Ta sẽ không bao giờ gặp lại con” được viết lên mặt gương. Không khí căn phòng trở nên ngột ngạt. Phải chăng bà mẹ của cậu đã dứt áo ra đi? Để lại đứa con trong tay ông bố khó tính và nghiêm khắc? Vô tình, ngôi nhà từ một nơi ẩn náu an toàn đã biến thành nơi chứa đầy những cảm xúc thất thường, hỗn loạn?

.

Tác phẩm cho thấy Elmgreen và Dragset đã đặt cọc rất nhiều vào “tài khoản” ông B. Dù họ sử dụng chiếc Vespa hay nhà xác, hay thậm chí dùng cả hồ bơi để giới thiệu B vào năm 2009 ở Venice, thì mọi thứ đều mang tới một trải nghiệm giàu có cho những ai hành trình qua cuộc đời B. Cuộc hành trình này hoặc đậm chất khoa học (tại nhà xác), hoặc đậm chất giả tưởng của một vụ án bí hiểm (tại hồ bơi). Bạn sẽ cảm thấy rất tò mò về cậu bé vì đối với bạn, cậu là một nhân vật đa chiều bị sứt sẹo về mặt tình cảm và đáng được phân tích kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần chỉ vì cậu là một đứa bé con trông có vẻ yếu đuối.

.

Căn phòng chính tại gallery Perrotin buộc người xem phải đặt bản thân vào vị trí của ông B và đắm mình vào tuyệt tác này của bộ đôi Elmgreen và Dragset. Ngoài chất lượng của tác phẩm, còn phải kể đến cách hai nghệ nhân này xây dựng nên ông B. Nó chi tiết đến nỗi những khách đến xem triển lãm bàn với nhau về B như thể ông có thật, và thích thú suy ngẫm về cuộc sống của ông, dù cuộc sống đó mang nhiều yếu tố rùng rợn. Với Đằng sau cái chết của ông B bí ẩn, Elmgreen cũng như Dragset tinh quái nhắn nhủ rằng chúng ta vẫn chưa biết hết những điểm chính trong câu chuyện về cuộc đời ông B; đó cũng là lý do vì sao cuộc triển lãm này là cuộc triển lãm tuyệt nhất và buồn nhất tại Paris trong thời gian gần đây.

Ý kiến - Thảo luận

11:32 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  Anh-Có-Ý-Kiến
Cảnh báo cho các nhà sưu tập và các gallery làm những việc vô vän hóa. Còn chú ta thì do quan hệ cũ một phần, một phần nữa là già rồi tư duy sáo rỗng, nên phải nịnh hót bao che cho các nhà sưu tập- gallery không thì bán cho ai tranh thì sấu như thế. Đáng buồn cho cả một thế hệ cũ!
...xem tiếp
11:32 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  Anh-Có-Ý-Kiến
Cảnh báo cho các nhà sưu tập và các gallery làm những việc vô vän hóa. Còn chú ta thì do quan hệ cũ một phần, một phần nữa là già rồi tư duy sáo rỗng, nên phải nịnh hót bao che cho các nhà sưu tập- gallery không thì bán cho ai tranh thì sấu như thế. Đáng buồn cho cả một thế hệ cũ! 
8:20 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chú em bảo: chúng tao vừa khinh, vừa phải bợ đỡ mấy sưu tập gia mất dạy (xin lỗi các nhà sưu tập tử tế ạ), thế mới đau.

Sao lại thế nhỉ? Em nghĩ không có ông này thì có ông khác sưu tập chứ, nếu tranh của chú đẹp?
...xem tiếp
8:20 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Chú em bảo: chúng tao vừa khinh, vừa phải bợ đỡ mấy sưu tập gia mất dạy (xin lỗi các nhà sưu tập tử tế ạ), thế mới đau.

Sao lại thế nhỉ? Em nghĩ không có ông này thì có ông khác sưu tập chứ, nếu tranh của chú đẹp? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả