Nghệ sĩ Việt Nam

Chọn Long Biên: dại gì không chọn? 16. 07. 11 - 7:02 pm

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine)

 

Ảnh của Jamie Maxtone-Graham.

Hà Nội càng trở nên giàu có hơn thì người ta cũng càng khó khăn hơn để tìm thấy cái “nguyên gốc”. Khu phố cổ, vốn được coi là đại diện cho cho cái cảm giác đặc trưng Hà Nội, thì đã biến dần thành một cỗ máy phục vụ du lịch khổng lồ, nơi mà bạn có thể đi ngoài đường mà smartphone của bạn không bao giờ mất sóng Wi-Fi.

Trước sự mất mát của cái “lạ lẫm” này, bãi giữa dưới cầu Long Biên đem lại một thay thế tiện lợi, rất gần mà lại rất xa. Trải dài hơn 5 km, dải đất này hoang dã và lạ lẫm. Ở khía cạnh nào đó,  đây là Central Park của Hà Nội, thu hút đủ các loại người khác nhau. Một bên là những khách vãng lai, hạ xuống đảo cho một chuyến thăm ngắn. Dân đô thị trẻ lấy chiếc cầu sắt làm nền chụp ảnh cưới. Thanh niên đang yêu vẽ những trái tim khổng lồ lên cát. Dân văn phòng ăn mặc diện tập cưỡi ngựa, trong khi các tay trung niên tắm truồng tập những động tác yoga tự nghĩ ra. Đây là sân chơi của dân trung lưu với những ống kính camera to như bắp đùi của họ.

Bên kia là dân cư trú dài hạn – dân nghiện và gái làm tiền, kẻ vô gia cư và cư dân khu ổ chuột, những người tay trắng tìm sự tự do của một nơi bỏ hoang và vô luật pháp. Ở trên đảo họ có thể sống bên cạnh và bên ngoài hệ thống, không có giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng không có công an đi tuần. Ở đây, trong sự biệt lập, họ có thể thỏa mãn cơn nghiền cocain, hoặc chắp vá lại túp lều rách của mình.

Không có gì đáng ngạc nhiên là ngày càng nhiều nghệ sĩ thị giác bị hấp dẫn bởi cái đảo này. Douglas David jarrdine đã chụp ảnh ở đây từ năm 2008. Những bức ảnh đen trắng của anh được chụp bởi máy ảnh cũ và có độ tương phản gay gắt như những ảnh cổ của đầu thế kỷ 20. Chúng dường như đến từ một thế giới đã mất từ lâu, và hoàn toàn không có chút gì ủy mỵ. Rất nhiều bức thiếu bóng người, và nếu họ có xuất hiện thì cũng bé nhỏ như lọt thỏm trong một miền đất mênh mông.

Mười mấy bức ảnh toàn cảnh 360 độ được sưu tầm ở www.360cities.net đem tới một trải nghiệm thị giác mới. Cảnh đêm ở cầu Long Biên của Comi Valentine’s lôi cuốn sự chú ý; bức ảnh được khâu lại  không một vết gợn, cực sắc nét, và làm bật lên tất cả thời gian chất chứa trong cấu trúc sắt của cây cầu  trên nền ánh sáng của thành phố ở phía xa. Bến xe Long Biên ban đêm của anh tắm đẫm trong sự cô đơn đô thị giống như Hong Kong những năm 70 trong phim của Wong Kar Wai.

 

Ảnh của Jamie Maxtone-Graham.

Jamie Maxtone-Graham quan tâm tới Long Biên từ nhiều năm nay. Giống Jarrdine, anh gần như có một cách tiếp cận nhân chủng học, nhưng ảnh của anh rắn hơn, tàn bạo hơn. Một cậu bé nằm nghỉ trên một thanh dầm sắt cao 20m trên mặt nước; một gã trạm trổ toàn người, nét mặt hơi điên dại, đứng trong bùn nhìn lên; cận cảnh một con nghiện đang chích thuốc vào bẹn; các nhóm người chen chúc trong lều, được chụp từ dưới lên, họ không làm gì cả, dường như đang chờ đợi. Cuối năm 2010 Maxtone-Graham giám tuyển một triển lãm mang tên Buối Chiếu Bóng Long Biên, với sự tham gia của bốn nhà làm phim và bốn nhiếp ảnh gia, trong đó có anh. Một người trong số đó, Boris Zuliani, ghi lại những đôi trai gái trẻ tụ tập trên cầu vào ban đêm bên cạnh xe máy của họ. Thời gian phơi sáng rất dài, bắt buộc người được chụp phải giữ nguyên tư thế trong vòng một phút. Kết quả là những bức ảnh thiếu độ sâu, trông như những bức tranh, mềm mại và không rõ nét, nắm bắt cảm giác sống của giới trẻ của một thành phố nhiệt đới.

Tác phẩm hoành tráng nhất về chủ đề này hẳn phải là Du cư trong thành phố, sắp đặt của Nguyễn Hồng Phương và Vũ Lâm, được trưng bày vào tháng Tư vừa rồi. Nếu như triển lãm này chứng minh một điều thì đó là nghệ thuật đương đại Việt Nam ngày càng cầu kỳ và ngoạn mục hơn: những cây lớn được khâu vào nhau, hàng đàn lợn được lột da và nhồi rơm. Trong trường hợp này, một ngôi nhà của một gia đình trong khu ổ chuột, nửa thuyền nửa lều, được mua, di chuyển, cẩu lên, rồi thả xuống khuôn viên của trường Đại học Mỹ thuật – một kỳ công kỹ thuật làm nhiều người trong giới thích thú. Lớn lao trong điệu bộ, nhưng Du cư trong thành phố là chủ nghĩa tò mò nhiều hơn là nghệ thuật. Nhiều bức ảnh của triển lãm giống như được chụp trong một tour thăm khu ổ chuột: đây là cách người nghèo tắm gội, đây là cách họ nấu nướng, còn đây… đây là con mèo của họ. Trong tối khai mạc, thật là khó coi khi thấy những người phương Tây cao lênh khênh gập người xuống cố gắng chui qua cái cửa nhỏ của cái chòi chật chội để xem, mà xem cái gì? Khía cạnh tốt nhất thì tác phẩm phát ra những thông điệp xã hội đã mòn (“vẫn còn nhiều đói nghèo ở Hà Nội lắm”), tệ nhất thì nó là một dạng lãng mạn hóa cái nghèo (“nhìn kìa, những người nghèo kia hạnh phúc làm sao”).

Du cư trong thành phố chỉ ra cho ta một điều: tới nay sự khác biệt trong các tầng lớp xã hội ở Việt Nam đã lớn tới mức những người khá giả hơn phát triển cho mình một sự tò mò về cuộc sống của tầng lớp khác. Ai mà biết được, nếu như cái khu thuyền-lều nhỏ trên bãi giữa kia đạt được một kích cỡ lớn hơn, biết đâu chả có một công ty đứng ra tổ chức những tour tham quan nửa ngày. Với xu hướng hiện nay thì chắc họ sẽ có lợi nhuận tương đối. Ít nhất lúc đó bạn sẽ không cần tới những triển lãm như Du cư nữa để có cơ hội ngó vào một cái lều ổ chuột.

 

(Nguồn Hanoi Grapevine – Tên bài do Soi đặt lại)

 

Ý kiến - Thảo luận

21:53 Sunday,24.7.2011 Đăng bởi:  ANH- CÓ -Ý -KIẾN
Người làm nghệ thuật cao khác người bình thường ở chỗ: Sắp đặt mà trông rất tự nhiên, tự nhiên trông như sắp đặt khi cần thiết.
Thế mới là hay!
...xem tiếp
21:53 Sunday,24.7.2011 Đăng bởi:  ANH- CÓ -Ý -KIẾN
Người làm nghệ thuật cao khác người bình thường ở chỗ: Sắp đặt mà trông rất tự nhiên, tự nhiên trông như sắp đặt khi cần thiết.
Thế mới là hay! 
11:13 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  người trên mây
Bây giờ, trong cuộc sống cái gì chả có sự cái gì mà chả có sự sắp đặt trước. Cái tự nhiên hoàn toàn không còn chỗ ngự trị rồi bạn Em-co-y-kien ạ.
...xem tiếp
11:13 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  người trên mây
Bây giờ, trong cuộc sống cái gì chả có sự cái gì mà chả có sự sắp đặt trước. Cái tự nhiên hoàn toàn không còn chỗ ngự trị rồi bạn Em-co-y-kien ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả