Nhiếp ảnh

Katy Grannan: Dưới đáy và bên lề nước Mỹ 01. 08. 11 - 10:28 pm

Jerry Saltz – Hồ Như Mai st và dịch

Katy Grannan thường để đối tượng trong ảnh hướng mình đi – và chính họ lại để lộ ra nhiều điều, hơn cả mong đợi.

.

Cuối những năm 90, Katy Grannan bắt đầu thực hiện những tấm hình đầy ám ảnh của những người có mong muốn kỳ khôi – thích được người lạ ngắm nghía. Bà cho đăng quảng cáo trên báo địa phương, “Nghệ sĩ/nhiếp ảnh gia (nữ) tìm người để chụp chân dung”. Các nhân vật điện thoại tới, bà để họ tự tạo dáng theo ý thích. Kết quả là hình ảnh những thiếu nữ trần truồng một mình trong nhà của bố mẹ; một cô gái mặc áo dạ hội, trên tay là một con vẹt mào, những cặp tình nhân nhìn trống rỗng vào máy ảnh; một người đàn ông trong công viên với dương vật cương cứng. Một gia đình Mỹ đang rạn nứt…

.

.

.

Sau đó Katy Grannan chuyển nhà từ New York đến Berkeley. Bà vẫn chụp hình những người mình gặp, nhưng không đăng quảng cáo tìm người nữa. Chủ nghĩa siêu thực và tính thị dâm không còn nữa. Ở những mảng trước đây Grannan có vẻ xa vời thì nay bà lại trở nên quan tâm hơn và tỏ ra dễ xúc động hơn. Với buổi triển lãm song song hiện nay ở hai gallery, Grannan chĩa ống kính vào cái hố sâu thăm thẳm giữa khát vọng và thực tế – thứ mà Diane Airbus từng gọi là “khoảng cách giữa ý định và hiệu quả.” Trong những bức chân dung trực diện, căng thẳng như ảnh hiện trường vụ án, chúng ta vẫn thấy tính cách Mỹ vừa quen thuộc vừa lạ lùng. Ở đại lộ Hollywood và ở quận Tenderloin, San Francisco, những nhân vật của Grannan lần nữa lại tạo dáng theo ý họ, tự đạo diễn lấy hình ảnh và hút lấy cái nhìn của người xem. Grannan cho ta thấy những tù nhân của đường phố, những người đóng giả các nhân vật nổi tiếng, những người nghiện, người đồng tính, những tín đồ Thiên Chúa giáo vừa được cứu rỗi, những kẻ bị bỏ rơi và những người chịu phơi mình không thương tiếc dưới ánh nắng thiêu đốt ban trưa.

.

Những hình ảnh nhuộm nắng của Grannan mô tả một giấc mơ Mỹ mòn mỏi, giấc mơ đi về phía Tây và tự sáng tạo mình. Chỉ có đến đây người ta mới vỡ lẽ hoặc những giấc mơ ấy quá lớn, hoặc nước Mỹ quá nhỏ bé, thiên nhiên quá khắc nghiệt, và người ta thì chưa đâu vào đâu. Ta thấy một ai đó – một người đàn ông? Một người đàn bà? – với lớp tóc mỏng và bộ đồ vét màu đỏ đã sờn cũ, tay cầm ví, trông có vẻ vừa cố ăn vận vừa rõ là tiều tụy lôi thôi. Một người tóc vàng mặc váy trắng, tay mang ví kết cườm, với đôi tay to lớn và đầu gối nhăn nheo, bối rối với chính bản thân mình. Một Marilyn Monroe mỉm cười với sự bơ vơ, khao khát chút gì chân thật. Một người đàn ông da đen đội mũ cao bồi đen, có ống thở oxy chạy lên tận mũi – làm ta nghĩ đến bộ phim Dead Man Walking. Một người đàn ông ở trần, trên ngực xăm chữ lớn FUCK LAPD đang ôm hai con thỏ trắng.

.

.

.

.

Ban đầu, thật khó mà không xem những tấm ảnh của Grannan như ảnh chụp những kẻ thất bại tầm thường, một lũ người từ cái-thế-giới-ngầm-vẫn-hiện-hữu-mà-luôn-bị-che-giấu; đó là thế giới của những kẻ chơi vơi, những người lang thang, những vũ công hết thời, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, tất cả nhìn vào ống kính như theo một công thức. Thế nhưng Grannan hiểu được nhân vật của mình: nghệ sĩ từng chụp ảnh vài người trong số họ từ năm này qua năm khác, cứ trở đi trở lại địa điểm cũ. Trong quá trình đó, bà trở thành một Charles Bukowski với chiếc máy ảnh, một nhà thơ của những kẻ dưới-đáy-và-ngoài-rìa, cho phép chúng ta có thể nhìn thấy họ như cách họ đang thấy chính họ.

Tôi thấy ở đây sự cao quý và ước vọng. Nhưng cũng thấy cả chút gì đó nản lòng – một thứ vị kỷ đang kiểm soát (họ) đầy bạo ngược. Mỗi người trong đó đều muốn là chính mình bằng cách trở thành một thứ gì khác – một giới tính khác, một lứa tuổi khác, một ai đó nổi tiếng. Mỗi cử động của họ, mỗi thứ trang phục, mỗi ánh nhìn đều là một ước ao về một hình ảnh (khác). Mỗi người đều khác biệt, nhưng lại đau buồn giống nhau; thiếu may mắn, giận giữ và sự may rủi hiện rõ trên những mảnh chắp vá hối tiếc này.

.

.

Trong The Day of the Locust, Nathanael West viết về những người đã từng “bị lừa dối và phản bội….bị biến thành nô lệ và cứu rỗi chẳng để làm gì.” W.H. Auden nói rằng những người như thế bị chứng “bệnh của phía Tây”; rằng họ “không thể biến ước muốn thành khát vọng.” Đó là thứ tôi nhìn thấy trong những bức ảnh này. Sự kìm nén như đang nảy mạch dưới làn da họ. Đây là những ấu trùng người với những dây thần kinh trơ trọi – những người không thể che giấu đời sống bên trong của chính mình.

Tôi không thể nhận biết giới tính nhân vật trong hầu hết những bức ảnh, và điều đó làm tôi thực sự ngạc nhiên. Grannan biến tôi thành một thứ máy gián điệp, một mặt trời đốt cháy những con người này bằng cái nhìn suy đồi của mình, chòng chọc vào diện mạo, vào khung xương, áo quần, làn da, cơ bắp và tóc tai. Tôi chợt nhận ra: những cái nhìn cũng có thể giết chết người ta.

Ý kiến - Thảo luận

23:05 Tuesday,2.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...thứ tôi nhìn thấy trong những bức ảnh này. Sự kìm nén như đang nảy mạch dưới làn da...những ấu trùng người với những dây thần kinh trơ trọi - những người không thể che giấu đời sống bên trong của chính mình."

Tuyệt vời thay, nhiếp ảnh gia cho chúng ta thấy những gương mặt Mỹ đúng với bản chất của nước Mỹ, rất dữ dội, và không hề giả dối.

Ở ta,
...xem tiếp
23:05 Tuesday,2.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...thứ tôi nhìn thấy trong những bức ảnh này. Sự kìm nén như đang nảy mạch dưới làn da...những ấu trùng người với những dây thần kinh trơ trọi - những người không thể che giấu đời sống bên trong của chính mình."

Tuyệt vời thay, nhiếp ảnh gia cho chúng ta thấy những gương mặt Mỹ đúng với bản chất của nước Mỹ, rất dữ dội, và không hề giả dối.

Ở ta, các nhiếp ảnh gia luôn được giải thưởng cao ở quốc tế (rất nhiều người có TƯỚC HIỆU quốc tế cao quý, họ bảo thế) nếu không với những phong cảnh nên thơ) là những nhân vật luôn biết che giấu nỗi lòng, nỗi đau và cả những oán giận? Có lẽ các nhiếp ảnh gia của ta cũng đủ tài, nhưng cái họ thiếu là sự dũng cảm phơi bày sự thật, bóc trần giả dối... và thế là người ngoài nhìn vào ảnh của họ, luôn thấy quê ta giàu đẹp, bà con ta ai cũng tươi, cũng vui, tràn trề hạnh phúc ánh lên trên từng bức ảnh, ngời ngời chi tiết đến từng xăng-ti-mét ...

Lạ hè? 
22:53 Tuesday,2.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Katy Grannan chụp đặc tả chân dung nhân vật rất giỏi.
...xem tiếp
22:53 Tuesday,2.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Katy Grannan chụp đặc tả chân dung nhân vật rất giỏi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả