Thị trường

Bí kíp kinh doanh: Phòng tranh
bí danh “Nhà nghỉ”? 20. 07. 11 - 10:50 pm

Mark Kostabi – Lê Quảng Hàm phỏng dịch

.

Bất cứ ai bán được một bức tranh trong thời buổi khốn khó này đều đáng được tặng thưởng một huy chương vàng.” Chính tai tôi sáng nay nghe thấy câu nói đó từ miệng Giuseppe Orler, vị khách hàng sộp nhất, một tay buôn tranh sống ven thành Venice. Mấy anh em nhà Giuseppe sở hữu tới bốn gallery, và họ bán tranh rất chạy qua kênh thông tin bán hàng truyền hình.

Nhưng Galleria Spagnoli, trụ sở chính tại Florence, nơi có khá nhiều nghệ phẩm ký gửi của Orler, mới xứng nhận được hàng tá mề đay. Tại sao? Phải chăng quý ngài Spagnoli vẫn kiếm bộn tiền trong thời buổi thị trường nghệ thuật ảm đạm hiện giờ?

Ghé sát lại đây, tôi sẽ tiết lộ thiên cơ cho bạn. Đây là một câu chuyện không giống bất cứ điều gì bạn từng nghe thấy đấy nhé. Tất cả đều mới xảy ra tuần trước tại Hotel Baia di Conte, một khu du lịch nghỉ dưỡng (resort) ở Alghero trên đảo Sardinia.

Spagnoli Renzo là một doanh gia nghệ thuật người Ý vô cùng sành sỏi. Ông đã phát minh ra những gì bạn có thể gọi là “hệ thống phòng tranh núp danh rì-xọt” với chủ đích kinh doanh nghệ thuật. Ông có sáu gallery đặt ở các khu nghỉ mát rải rác trên khắp nước Ý. Và bất cứ ai đã mua nghệ phẩm từ những gallery kiêm nhà nghỉ đó sẽ được kính mời thụ hưởng một kỳ nghỉ dưỡng kéo dài một tuần miễn phí toàn bộ: họ tùy nghi chọn kỳ nghỉ đông lồng ghép trượt tuyết hay lựa tua du dưỡng tắm biển ngày hè.

Trong tuần nghỉ dưỡng đó, một tuần lễ được đặt cho cái tên rất gợi là Tuần Nghệ Thuật (tiếng Ý: “Settimana dell’Arte”), ngoài việc chu cấp phòng ở khách sạn miễn phí, bao trọn các bữa ăn và không thu một xu với các hoạt động nghỉ ngơi khác, doanh gia Spagnoli còn bố trí cho khách mời tham dự các chương trình nghệ thuật xen cài những bài thuyết giảng của các phê-bình-gia-nghệ-thuật-khách-mời khác (như Vittorio Sgarbi hay Luca Beatrice, những giám tuyển lừng danh của Gian triển lãm nước Ý tại Venice Biennale), và dĩ nhiên “không cho chúng nó thoát” các cuộc đấu giá (tất nhiên rồi).

Du khách không bị bắt buộc phải mua nghệ phẩm trong kỳ nghỉ miễn phí đó, nhưng nếu họ hưởng liên tiếp 2 kỳ du hí miễn phí “ân huệ” như thế mà không mua bất kỳ món hàng gì, họ sẽ không bao giờ được mời trở lại nữa (trừ phi họ đã chi tiêu cực tợn ở những khoản khác, trong trường hợp đó, có thể họ sẽ được chiếu cố giảm giá cho một phần ba chi phí kỳ nghỉ).

Mới đây, Spagnoli Renzo, thông qua cô con gái rượu Beatrice, một kiều nữ xì-po tóc ngắn có hẳn ba hình xăm trổ (một vào cổ, một dưới mắt cá chân, và một ẩn khuất tại nơi rất kín mà tôi chỉ được nghe đồn…), đã khẩn khoản mời tôi tham dự một Tuần Nghệ Thuật. Em thỏ thẻ: “Nếu ngài không tham dự, các gallery của bố em vẫn sẽ âm thầm bán tốt tranh pháo cho ngài thôi, nhưng nếu vinh hạnh có ngài hiện diện, thể nào doanh số cũng tăng gấp bội.”

Veronica phỏng vấn Mark Kostabi trước buổi đấu giá tác phẩm của ông trong “Tuần Nghệ thuật” trên đảo Sardinia do Galleria Spagnoli tổ chức

Vì không bán tranh trực tiếp cho Spagnoli (ông ấy lấy tác phẩm của tôi qua những hợp đồng ký gửi của Orler và những tay buôn tranh khác), tôi thấy mình không có nghĩa vụ lẫn trách nhiệm phải chiều cô con gái cưng của ổng. Tuy thế, sau nhiều cú điện thoại của nàng, cuối cùng tôi cũng xiêu lòng khi được hứa hẹn sẽ có một khoản tiền mặt kha khá ứng trước ngay lúc tôi bước tới cổng resort, vào hôm thứ Tư. “Khi ngài đến nơi, chỉ cần nhắc nhẹ một tiếng, ngay lập tức sẽ có người kính dâng NÓ cho ngài tận tay”, nàng cam kết. Tôi thích nhận được phong bì ngay tại sân bay khi vừa lấy xong hành lý, hoặc chí ít NÓ cũng phải nằm gọn trong tay tôi lúc check-in xong ở quầy lễ tân khách sạn, như thế NÓ sẽ “nhập phòng” cùng tôi một cách an toàn.

Sau khi nẫng được khoản “đầu tiên”, niềm vui trong tôi dâng đầy. Thực sự là tôi chả có việc gì phải làm trong ngày đầu ở đây, trừ bữa ăn tối bên ngoài khu nhà nghỉ. Họ nói: “Ngài không nên để cho bất kỳ một ai trông thấy cả, hãy tránh xa các khách hàng tiềm năng, hãy chờ đợi đến thời điểm thích hợp nhất, tới ‘khoảnh khắc đặc ân’ đầy kịch tính”.

Cái “khoảnh khắc đặc ân” đầu tiên xảy ra vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Năm.

Khi khách khứa nhà nghỉ (kiêm gallery) đã ních đầy bụng sau bữa trưa miễn phí, và 4 trong số những bức tranh của tôi đã “chĩnh chện” trên những chiếc kệ xếp cạnh hai cái ghế, một dành cho Veronica De Blasi, chuyên gia bán hàng đầu ngành kinh doanh nghệ phẩm, người chuẩn bị lục vấn tôi trong “talk show” kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ trước cử tọa dễ tới 200 người – đều là những sưu tập gia sừng sỏ cả.

Đến khi kết thúc “talk show”, chủ tọa và tôi mời khán giả cùng bước sang “Gian Kostabi” (Sala Kostabi), trong đó có khoảng 40 bức tranh của tôi đã được bày biện đúng điệu như trong một salon nghệ thuật. Trong “Gian Kostabi” đó, tôi trao đổi thêm với khách về các tác phẩm, có một số bức tôi cũng cảm thấy khá tự tin khi luận bàn về chúng.

Đợi tôi dứt những ý kiến thao thao của mình, nhiều khách hàng mới ngỏ ý được nói chuyện riêng với tôi, vài người còn đòi chụp ảnh chung. Tất nhiên tôi mãn ý lắm nếu đáp ứng những nhu cầu đó, song tôi gạt đi, viện cớ phải về phòng riêng hồi sức, và thế lại càng làm cho mong mỏi của công chúng thêm phần khao khát. Thế rồi xuất hiện một thông báo cho biết: “Danh họa Kostabi sẽ sẵn sàng chụp ảnh với từng quý khách một và chỉ bán tranh vào đúng 12 giờ trưa ngày thứ Sáu” (tức ngày hôm sau).

Mark Kostabi

Cái “thời khắc đặc ân” thứ hai đã được lên lịch là phải diễn ra vào 10 giờ tối thứ Năm.

Khách hàng sau bữa ăn tối, lại cũng no say, họ được dồn vào một hội trường thoáng khí. Chương trình bắt đầu với một bộ phim video chiếu trên hai màn hình lớn. Chính Galleria Spagnoli năm ngoái đã đặt hàng sản xuất cuốn video này nhằm phục vụ cho Tuần Nghệ Thuật lần trước ở Tunisia (kỳ đó tôi không tham dự được).

Cuốn phim video là một tác phẩm “chân dung danh họa”, trước tiên quay toàn cảnh căn hộ ở Roma của tôi, nhấn mạnh tới các “đỉnh điểm” trong sự nghiệp của Kostabi, ví dụ như những “tuyệt tác” thiết kế vỏ bìa cho các album nhạc của ban rock khét tiếng Guns n’ Rose (có tới 60 sô diễn riêng tại New York) đã được sưu tầm bởi các bảo tàng lớn; hay như vai trò quản trị The Kostabi World – cái studio tại New York nức danh của tôi với vô vàn họa phẩm. Ở đoạn cuối, cuốn phim video giới thiệu mấy đại cảnh tôi chơi nhạc trong buổi hòa nhạc lớn ở Hamburg Steinway (vì nhiều doanh nhân nghệ thuật tò mò muốn biết thêm những thông tin hành nghề soạn nhạc của “danh họa”). Đó mới chỉ là một phần của góc tiếp thị về Người Đương Thời (nguyên văn: “Renaissance Man”).

Kết thúc cuốn băng video dài tám phút, tới màn chia tay mùi mẫn diễn ra trong nền nhạc khúc phát ra từ đĩa CD mới nhất của tôi, The Spectre of Modernism, ầm cả hội trường. Những luồng ánh sáng đèn màu rực rỡ lia quét khắp sân khấu, khói trắng cuồn cuộn bốc lên trong khi một chữ ký khổng lồ của Mark Kostabi (tôi chứ ai) từ từ bay lên trời. (Họ chưa làm như thế bao giờ ở các cuộc triển lãm trong các gallery tại Chelsea).

Đương mê man chiêm ngưỡng cảnh tượng kỳ vĩ đó từ hàng ghế đầu, đột nhiên Beatrice xăm trổ rất ngầu tóm chặt tay tôi lôi tuốt lên sân khấu. Vừa dạm đến sàn, tai tôi đã nghe thấy đúng tên mình được xướng lên đột ngột nhưng dõng dạc: “Mark Kostabi” với thanh âm của Veronica De Blasi (người đã ngồi ngay ngắn ở đó từ lúc nào). Tôi được cảnh báo là chớ có dẫm chân lên các dây dợ rải trên sàn sân khấu.

Đang lúc Veronica chỉ mới cất đôi ba lời phi lộ “cực kỳ cải lương” giới thiệu về tiếng tăm (như cồn) của tôi, thì lại ầm ầm cả lên cái tên “Mark Kostabi” vang rền như sấm dậy trong diễn thuyết đường ngẹt đầy cử tọa. Thế rồi với hai tay trợ lý kỹ thuật hộ tống, tôi tiến về chiếc ghế trống còn lại trên sân khấu. Rất cẩn thận đặt từng bước chân sao cho không xéo lên sợi cáp nào, và với cảm giác như đang ra mắt lần đầu trong chương trình truyền hình David Letterman, tôi nhẹ bước lướt đi trên sàn hết sức khoan thai với một nụ cười mím nở trên môi, đồng thời giương cao tay vẫy mến chào toàn thể công chúng (cho dù tôi chẳng nhìn thấy một ai dưới ánh đèn sân khấu chói lóa). Sau khi hôn đủ hai nhát vào má (hay cổ?) em-xi Veronica xinh tươi trong bộ trang phục đỏ chóe, tôi gieo mình đến khéo vào chiếc ghế bành, và bắt đầu “triển khai” cuộc trò chuyện thứ hai trong ngày.

“Talk show” diễn ra vỏn vẹn có 10 phút chứ không lê thê như buổi nói chuyện dài tới cả tiếng đồng hồ hồi 2 giờ chiều, bởi lẽ sẽ có một sự kiện quan trọng tiếp theo: cuộc bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật. Tôi tập trung cao độ và đã làm hết sức mình để “talk show” có được hiệu quả mỹ mãn nhất, đặc biệt vì “cậu” đã lĩnh trước “phỏng vấn phí” hậu hĩnh cơ mà; Nói thực nhé: quả tình tôi cũng khoái [diễn xuất sao cho] mọi người yêu mến thêm, yêu mến nữa.

"Talk show" giữa Mark Kostabi và Veronica De Blasi trong “Tuần Nghệ thuật”

Cuối cùng thì cũng tới giây phút tôi phải nói lời xin lỗi mà rằng đương có nhiều công chuyện cần giải quyết, dù cho khán giả cứ vỗ tay ran lên, liên hồi kỳ trận. Cuộc gặp mặt thế là đứt ngay. Người ta rước tôi nhanh chóng tới một bữa tiệc dành cho hai người (tôi và một chuyên gia marketing khác – người được phái đến để bàn với tôi kế hoạch “đảm bảo doanh số” tương lai) tại một nhà hàng nằm xa khu nhà nghỉ. Ban tổ chức không muốn nghệ sĩ như tôi “phải” chứng kiến các chi tiết đời thường (có thể không được hài hòa thẩm mỹ lắm với những màn mặc cả xặc mùi tiền của dân ghiền nghệ phẩm) trong cuộc đấu giá nghệ thuật kế đó, thực tế có khi còn rất “đẫm máu”.

“Thời khắc đặc ân” thứ ba xảy ra vào ngày hôm sau, đó mới đúng là Thời điểm Kỳ vọng.

Vào thứ Sáu, lúc 12 giờ trưa, như đã hứa, tôi xuất hiện trong năm phút đầu khi “Gian Kostabi” mở cửa lại. Không một bóng người trong phòng, mặc dù có tới 20 bức tranh của tôi lồng trong những chiếc khung ba-rốc vàng óng có dán nhãn ghi chú thông tin rất đầy đủ và đang dựa lưng quây kín 4 bức tường phòng.

Trời! Họ đã bán được tất cả những bức tranh này trong đêm hôm qua hay sao?” Tôi vừa thầm hỏi vừa móc chiếc ấn kiểu Tàu ra để chuẩn bị triện tên mình lên mặt sau của các bức tranh sơn dầu (đã bán được đó?). Và đột nhiên, căn phòng tức khắc ngập tràn những khách hàng, những người đã là chủ nhân mới của các tác phẩm. Họ thình lình hiện ra cứ như những thiên thần đột ngột rớt xuống từ trời. Tôi kiên nhẫn với từng người một, giải thích những ý tưởng (cao siêu) ẩn chứa trong từng tác phẩm, tạo cớ để lấy cho được những pô ảnh (mà bạn đang thấy đó) bằng tài ăn nói rề rà hỏi thăm từng quý khách một xem họ đang sống ở đâu: Torino? À vâng, Torino. Milano? Dạ không, Palermo. Roma? Vâng ạ, Roma. Roma? Vâng, Roma. Roma ư? Chứ sao, Roma đây…vân vân và vân vân… Tôi sống ở Roma và cũng thường xuyên triển lãm ở Roma, thế mà hầu hết dân sưu tầm Roma lại mua tác phẩm của tôi từ những nơi khác.

Kostabi chụp hình với khách hàng mua tranh ông trong "Tuần Nghệ thuật"

.

.

.

.

.

Câu chuyện tôi kể bạn nghe này minh họa cho một chân lý cơ bản về nghệ thuật bán hàng trong hoàn cảnh thời tiết kinh tế teo tóp: phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi sự kiện. Đó là lý do vì sao bạn vẫn nghe thấy những thành công vang dội tại những hội chợ nghệ thuật hay các phiên đấu giá tranh tượng. Ở đó, những cuộc mua bán đã được dàn cảnh tuyệt khéo với những đạo diễn bậc thầy, trong khi không khí giao dịch tại các phòng tranh thông thường (thậm chí trên những kênh bán hàng ti-vi) thì thôi rồi thật ảm đạm, não nề.

Hơn nữa, chỉ lo chuẩn bị hay dàn xếp các sự kiện cũng chưa đủ. Kinh doanh nghệ thuật bây giờ cần phải có “hàng hóa chất lượng cao”. (Xin lỗi bạn khi tôi sử dụng cái từ sáo rỗng này. Ai cũng bảo chất lượng là chìa khóa để thành công, đặc biệt trong thời điểm khó khăn. Điều đó không chỉ là yếu tố cần thiết mà thực sự là rất quan trọng.)

Với những ai cho rằng thành công của tôi là nhờ vận động hay quảng cáo thái quá cùng “tài năng” diễn xuất phi phàm, tôi đều thiệt tình chúc cho họ có được “những thành công dễ dàng” (như thế, theo ý họ nghĩ). Hầu hết mọi người đều công nhận chất lượng tác phẩm của tôi (chí ít cũng xấp xỉ hay ngang ngửa chất lượng tác phẩm của các thiên tài hay bậc thầy, thật đấy), trừ mỗi ngài phê bình gia Donald Kuspit – người đã phán xằng: những thứ Kostabi vẽ ra “còn tệ hơn cả xấu”.

Ở khu resort Sardinia, dân chơi lẫn sưu tập gia nghệ thuật không hề dễ dãi chút nào đâu nhé khi họ dốc sức lựa chọn kỳ được những bức tranh tốt nhất, những món mà họ có thể bán được tắp lự chỉ trong chớp mắt mỗi khi trưng ra tại một sàn đấu giá nào đó. Họ đã có dịp hoan hỉ tiệc tùng miễn phí, đã có cơ hội trải nghiệm kỳ thú với [giới/không khí] nghệ thuật, và đã làm được một việc thiện (xuất tiền mua nghệ phẩm). Giờ đây, hậu quả là họ đương được hưởng thụ khoái thú ngắm nhìn những tác phẩm mới trong bộ sưu tập danh giá của mình.

 

(Mark Kostabi)

*

Chú thích: tác giả bài viết, Mark Kostabi, là họa sĩ kiêm soạn giả âm nhạc, sống ở Roma và cả New York. Ông cũng là người sản xuất kiêm chỉ đạo chương trình trò chơi truyền hình The Kostabi Show.

Ý kiến - Thảo luận

10:13 Friday,22.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nghe anh Thông chê dòng tranh du lịch, em cũng hơi nghi nghờ bố Kostabi này, đoán già đoán non là bố này cũng theo dòng TRANH SÚ (suvernir).

Bèn thử mò vào google, mới té ngửa thế này:

Các tác phẩm của Kostabi có mặt trong những bộ sư tập vĩnh viễn của nhiều bảo tàng như: ở Mỹ là các bảo tàng MOMA (Museum of Modern Art), MET (Metropolitan Museum of Art), GUGGENHEIM Museum, Brooklyn Museum
...xem tiếp
10:13 Friday,22.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nghe anh Thông chê dòng tranh du lịch, em cũng hơi nghi nghờ bố Kostabi này, đoán già đoán non là bố này cũng theo dòng TRANH SÚ (suvernir).

Bèn thử mò vào google, mới té ngửa thế này:

Các tác phẩm của Kostabi có mặt trong những bộ sư tập vĩnh viễn của nhiều bảo tàng như: ở Mỹ là các bảo tàng MOMA (Museum of Modern Art), MET (Metropolitan Museum of Art), GUGGENHEIM Museum, Brooklyn Museum, National Gallery (ở Washington), MOCA (Museum of Contemporary Art ở Los Angeles), Corcoran Gallery of Art, The Yale University Art Gallery; còn ở các nước khác thì có: National Gallery of Modern Art ở Roma, Groninger Museum ở Hà Lan. Người Nhật Bản cũng thích bày tranh ông này.

Thế là sao hè? Làm tranh kết hợp với DU, với SÚ mà cũng chất lượng hè?

Thế thì cớ gì các nghệ sĩ nhà mình phải SĨ, phải chê SÚ với lại DU. Miễn là tranh cứ đẹp, giá cứ đẹp là tốt rùi.

Sau này chúng em ra trường cũng muốn ĐU với SÚ, với DU cho ấm no mà lại được làm nghề ạ. 
13:13 Thursday,21.7.2011 Đăng bởi:  A-CÓ-Ý-KIẾN
Mãi là sản phẩm của nhà nghỉ mà.
...xem tiếp
13:13 Thursday,21.7.2011 Đăng bởi:  A-CÓ-Ý-KIẾN
Mãi là sản phẩm của nhà nghỉ mà. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả