|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiJames Longley: Tiến về phía Đông 22. 08. 11 - 6:02 amBài và ảnh: James Longley - Ngọc Trà sưu tầm và dịchJames Longley (James Bertrand Longley) là nhà làm phim tài liệu/nhiếp ảnh gia người Mỹ. Các tác phẩm của anh gồm có: phim tài liệu Dải Gaza (2002); Iraq đổ nát – từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất vào năm 2006. Anh là người sáng lập ra công ty Daylight Factory – một công ty chuyên làm những bộ phim tài liệu về các đề tài quốc tế với những góc nhìn quốc tế. Anh hiện đang làm một bộ phim tài liệu về Pakistan. Sau đây là bài viết “Tiến về phía Đông” của anh. * Sau một thập kỉ chủ yếu sống ở Nga, tôi quyết định là mình cần phải làm một bộ phim về dải Gaza. Đấy là vào năm 2001, và cuộc nổi dậy Palestin lần hai đã diễn ra rồi. Ariel Sharon sắp được bầu làm Thủ tướng Israel. Tại biên giới Erez, một binh sĩ IDF nghi ngờ nhìn thẻ phóng viên của tôi rồi vẫy cho tôi qua. Đấy là lần đầu tiên tôi có mặt ở Trung Đông. Lần đầu tiên tôi có mặt trong một vùng tranh chấp. Nhưng đấy cũng là sự khởi đầu của một chương trong cuộc đời tôi mà đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Sau ba tháng ở Gaza tôi đã chứng kiến nhiều cái chết và những nỗi khổ đau hơn mức cả đời tôi muốn biết, nhưng bên cạnh đó, có cả sự ấm áp, tình người, lòng nhân đạo. Và cách tôi nhìn nhận thế giới đã thay đổi. Sau khi chứng kiến cận cảnh cuộc xung đột Palestin-Israel, tôi phải đối mặt với sự thật khó chịu là mình sẽ không còn bao giờ có thể thỏa mãn với việc chỉ đọc một tờ báo hay xem một báo cáo trên tivi nữa. Tôi phải tự thân trải nghiệm cuộc chiến thì mới có thể tự cho là đã hiểu phần nào về nó. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ là phải thu thập kinh nghiệm, và mang chúng về nhà để chia sẻ với mọi người. Một buổi sáng nọ, khi tôi đang biên tập bộ phim tài liệu Dải Gaza ở Brooklyn, hai chiếc máy bay đâm sầm vào World Trade Center. Một năm sau tôi có mặt ở Iraq, chờ đợi cuộc xâm lược của quân đội Mỹ. Khi nhìn những hình ảnh mình chụp ở Iraq trước chiến tranh, tôi cảm thấy chúng dường như thuộc về một thời đã mất, như thể một cái nút bấm khổng lồ đã được nhấn, và nút bấm đó thay đổi mãi mãi mọi thứ trong xã hội. Đường Mutanabli bị đánh bom, các bệnh viện bị tấn công, đường phố bị dựng rào chắn, quá nhiều người bị mất tích. Trong ba năm ròng tôi đã làm rất nhiều phim về Iraq. Rồi đến đầu năm 2007, tôi chuyển sang Iran. Tôi quyết định, sau khi làm việc tại hai vùng xung đột này thì muốn làm một bộ phim yên tĩnh ở một đất nước không có chiến tranh. Bây giờ nghĩ lại thì thấy quyết định này thật buồn cười. Nếu tôi có bao giờ viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình ở Iran, cuốn sách đó sẽ chẳng thể chứa nổi dù là một phần nhỏ nhất của kí ức của tôi về đất nước kì diệu này. Trong gần hai năm lang thang ở đấy, chụp ảnh, quay phim, tìm tòi các nơi, tôi đã bị trục xuất khỏi Iran đến hai lần với các lý do chẳng cụ thể gì cả – lần đầu tiên tôi phải mất hơn 10 tháng mới làm được thủ tục để quay lại. Lần thứ hai tôi được yêu cầu rời đi là trong đợt hỗn loạn do các cuộc bầu cử tổng thống gây ra. Lần đó không mang tính thù hằn cá nhân gì, họ mời tất cả các cánh báo chí nước ngoài rời khỏi nước họ. Nhưng đến lúc đó tôi đã học được một vài bài học quan trọng về tính kiên nhẫn – những bài học mà chỉ Cộng hòa Hồi giáo Iran mới có khả năng truyền đạt được một cách hiệu quả. Thay vì trở lại Iran, tôi quyết tâm tiếp tục tiến về phía đông, tới Pakistan, thu thập kí ức dọc đường và “bảo quản” chúng trong ánh sáng.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|