Gẫm & Bình

Bàn về KITSCH 29. 07. 11 - 6:27 am

Phạm Diệu Hương

 

.

Thế nào là kitsch?

Khái quát định nghĩa về từ kitsch1:
– Kitsch (danh từ): Đối tượng/phong cách/tác phẩm nghệ thuật có xu hướng “mauvais goût”2, giả nghệ thuật, hình thành dựa vào việc sử dụng một cách cực đoan những yếu tố lỗi thời, lòe loẹt, cường điệu. Phong cách và thói quen thẩm mỹ đặc trưng qua việc sử dụng một cách hỗn tạp những yếu tố lỗi mốt hoặc bình dân.
– Kitsch (tính từ): giả mạo, sao chép, kỳ cục, lỗi thời, vô vị, sáo rỗng, khoa trương, lòe loẹt, hỗn tạp, cường điệu thái quá.

 

Nguồn gốc khái niệm kitsch

Từ “kitsch” xuất hiện ở Munich vào khoảng những năm 1860-1870, có nguồn gốc từ tiếng Đức “kitschen” có nghĩa là thu gom đồ phế thải ngoài đường, bán lại những vật cũ, nói theo kiểu dân dã là sau khi đã mông má hoặc tút tát lại. Từ này còn có liên quan với từ “verkitschen” là bán tống tháo, bán giá rẻ. Kitsch cũng có nghĩa là chợ trời, nơi bán những vật tái chế với thẩm mỹ và kiểu loại mauvais goût. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng kitsch bắt nguồn từ từ tiếng Anh “sketch” (tạm dịch là phác thảo) nhưng được hiểu là ám chỉ sản phẩm có chất lượng tồi, rẻ tiền, sáo rỗng không có tâm hồn. Một giả thuyết khác giải thích nguồn gốc của khái niệm kitsch là từ chơi chữ bằng cách đọc đảo ngược từ “chic” (sang trọng, lịch sự) trong tiếng Pháp thành “cich”.

Dần dần khái niệm kitsch được diễn giải thành nhiều cách hiểu khác nhau đồng thời trở thành đối tượng của các cuộc tranh luận phức tạp về ngữ nghĩa nhằm đưa ra những kết luận về giá trị thực của kitsch. Những người nghiên cứu về kitsch được chia ra làm hai phe. Trong số những người chỉ trích, Kundera3 chỉ ra những mối liên hệ của kitsch với chủ nghĩa độc tài (totalitarisme). Đối với Dorfles4, kitsch là một danh mục lý luận về thẩm mỹ tồi mà Broch5 cho là cái tồi trong hệ thống giá trị nghệ thuật. Những người thiện cảm với kitsch hiếm hơn: Moles6 miêu tả kitsch là nghệ thuật của hạnh phúc còn Sternberg7 ca ngợi sự sáng tạo của kitsch là nguồn của niềm vui tuyệt vời và khác thường trong cuộc sống thường ngày. Những quan điểm đối lập một cách rõ nét này càng chứng tỏ sự nước đôi về ngữ nghĩa của kitsch, từ việc là đối tượng bị phê phán nay bỗng chốc được ca ngợi và công nhận.

Những giá trị của kitsch

Thẩm mỹ hãnh tiến

Sự chuyển đổi từ sản phẩm nghệ thuật kitsch thành tác phẩm nghệ thuật một phần dựa vào những yếu tố của một quá trình lịch sử, kinh tế và xã hội. Nó gắn liền với sự phát triển của nền công nghiệp, thế lực tài chính và chính trị của giới tư sản đang lên. Thế kỷ XIX là thế kỷ của công nghiệp hóa và việc sử dụng phương tiện công nghệ dần dần thay thế việc sử dụng nhân công. Các sản phẩm nghệ thuật được sản xuất theo dây chuyền tự động hóa với lý do sinh lợi: những sản phẩm dành cho số đông chỉ đạt đến thẩm mỹ mang hiệu quả bề mặt, đủ để làm thỏa mãn nhu cầu của số đông. Sự đô thị hóa dân số, gắn liền với nhu cầu về nhân công và việc đơn giản hóa sản phẩm, đánh dấu nỗ lực xóa bỏ “thẩm mỹ nông thôn” để trở nên “thẩm mỹ thành thị”. Xuất hiện những tầng lớp tư sản mới, chủ yếu là các tầng lớp trung lưu có khả năng kinh tế đủ mua được những sản phẩm vừa với sở thích và nhu cầu của mình nhưng lại chưa đủ tiềm lực để sở hữu những sản phẩm thực sự có giá trị cao hay những tác phẩm nghệ thuật của danh họa. Họ có nhu cầu đưa mình lên ngang với tầng lớp xã hội cao hơn bằng việc thể hiện những dấu hiệu thành công bên ngoài. Nhưng do khả năng kinh tế có hạn, họ hướng tới việc sử dụng những sản phẩm làm giả, sao chép.

Bắt nguồn từ sự khủng hoảng văn hóa, Nietzsch8, một trong những người đầu tiên nói đến văn hóa quần chúng, đánh giá thẩm mỹ đám đông trên là trò hề, diễn, là nghệ thuật khoe của phô trương, thích tạo ấn tượng hơn là thể hiện hiệu quả thực. Hiểu theo quan điểm của Nietzsch, sự khủng hoảng này là hậu quả của sự thay đổi kinh tế trên cơ sở kiến trúc thượng tầng về chính trị và văn hóa. Nó bắt nguồn từ sự khủng hoảng các giá trị. Đó là lí do tại sao Herman Broch9, người cùng quan điểm với Nietzsche, diễn giải kitsch là các giá trị thể hiện ở việc sở thích và thẩm mỹ của đám đông trở thành tiêu chí sản xuất và hệ quy chiếu cho cái đẹp, cái tốt, cái hay. Thẩm mỹ kitsch mang những giá trị phù phiếm nhất của chủ nghĩa lãng mạn: cái đẹp gắn liền với sự thích mắt, cái tốt quay về với những cảm tính cường điệu, chân lý thực mất giá trị bởi tiếng nói của đám đông. Chủ nghĩa kitsch, xuất hiện bởi nhu cầu “ngụy trang” của một tầng lớp thiếu nền tảng về chiều sâu kiến thức, tâm hồn và giá trị tinh thần tự tạo cho mình một vỏ bọc có giá trị cao hơn giá trị thực của chính mình. Hiện tượng xã hội này gọi là thẩm mỹ hãnh tiến. Người hãnh tiến cố gắng sao chép, bắt chước, thể hiện địa vị mà họ mong muốn đạt tới nhưng đồng thời cũng luôn ở trong trạng thái lo sợ bị đe dọa về việc trở thành “trò khỉ” cho thiên hạ.

Trong bài tiểu luận năm 1757 Chuẩn mực của thẩm mỹ, David Hume nhắc tới “một sản phẩm của cái đẹp thỏa mãn người xem ở những cảm nhận đầu tiên bởi hình thức hoa mỹ của nó, nhưng dần dần mất đi sức hấp dẫn và sau đó bị quên lãng trong sự rẻ rúng hoặc ít nhất sẽ bị liệt vào dạng giá trị thấp”. Clive Bell10 tiến gần đến với định nghĩa này hơn, ông phản đối mạnh mẽ loại hình nghệ thuật dễ hiểu không đòi hỏi những sự tìm tòi và khám phá vẻ đẹp ẩn sâu bên trong của nó. Ông cho rằng tác phẩm The Doctor của Luke Fildes11 là kitsch, không phải là một tác phẩm nghệ thuật vì nó dựa hoàn toàn trên những vấn đề mang đậm chất cảm tính. Theo ông bức tranh còn tệ hơn là vô giá trị vì những tình cảm nó biểu lộ là giả tạo. Tác phẩm không phải thể hiện lòng thương xót và thái độ trang nghiêm của người bác sĩ mà là một thái độ kiêu ngạo, dửng dưng. Tuy nhiên quan điểm này của Bell vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi bởi nếu như ý đồ của Fildes là thể hiện lòng thương xót giả tạo của người bác sĩ đối với bệnh nhân thì nó hoàn toàn không phải là kitsch.

The Doctor (Người bác sĩ), sơn dầu, 1887, Sir Luke Fildes

Christophe Genin12 cho rằng việc tạo ra nguyên tắc sống dưới danh nghĩa lý tưởng thơ mộng là kitsch. Milan Kundera chỉ trích thẩm mỹ kitsch của nhà điêu khắc người Đức Arno Breker13, người khẳng định tìm kiếm vẻ đẹp và sự hài hòa và không quan tâm đến hiện thực, là những dị bản của kitsch. Các tác phẩm điêu khắc của Breker đại đa phần mang vóc dáng oai vệ, lấy cảm hứng từ việc thể hiện sức mạnh của người châu Âu, phỏng theo các huyền thoại và đại diện các anh hùng Đức, với kích cỡ hoành tráng.

Readiness (Sẵn sàng), điêu khắc, 1939, Arno Breker

Tính hai mặt và tính thuận nghịch của phong cách thẩm mỹ kitsch

Kitsch mang tính hai mặt: bị chỉ trích bởi các nhà phê bình và những người có goût thẩm mỹ ở thế kỷ XIX, cho rằng kitsch là cực điểm của thẩm mỹ tồi, thì ở thế kỷ XX nó lại trở thành xu hướng thời thượng. Diễn giải sự đảo ngược về giá trị của kitsch theo như cách hiểu của Broch và Adorno14 là nghệ thuật trở thành hàng hóa: một sản phẩm văn hóa. Nguyên nhân ở đây liệu có phải là do quá trình lịch sử tạo nên việc thẩm mỹ tồi hôm qua trở thành thẩm mỹ tốt ngày mai? Không hẳn là như vậy bởi bon goût của ngày hôm qua sẽ vẫn là bon goût còn mauvais goût của ngày hôm qua sẽ vẫn mãi là mauvais goût. Mona Lisa của Leonardo da Vinci, David của Michelangelo sẽ mãi được vinh danh là kiệt tác nghệ thuật, Lady Green (Người đàn bà xanh) hay còn được gọi là Chinese Girl (1950) mặc dù là tác phẩm được in, sao chép và bán với số lượng kỷ lục được số đông công chúng ưa chuộng nhưng Tretchikoff15 mãi mãi chỉ được vinh danh là Vua Kitsch. Tuy nhiên không nên nhầm lẫn thẩm mỹ tồi với thẩm mỹ chưa được biết đến. Shiele16, Klimt17, Kokoschka18 trước đây bị cho là những họa sĩ mauvais goût trong khi sự thật là nghệ thuật của họ không được biết đến thời kỳ đó. Một gái điếm vẽ bởi Shiele có thể gây sốc cho những người có phong tục của thời đại đó bởi tác phẩm mô tả một người phụ nữ có “cuộc sống xấu xa”, nhưng sự khốn quẫn đơn chiếc được họa sĩ thể hiện trong ánh mắt của cô gái điếm này thì có giá trị ngang với tất cả những tác phẩm nghệ thuật vẽ Thánh Marie Madeleine19.

Green Lady (Người đàn bà xanh) – Chinese Girl, sơn dầu, 1950, Vladimir Tretchikoff

Giới quý tộc và những người có văn hóa tin rằng kitsch là suy đồi, sự lên ngôi của kitsch báo hiệu sự suy tàn của văn hóa quý tộc. Ngược lại với quan điểm này, kitsch là sự xác thực của một “cuộc sống tươi đẹp”, và nó mất những hệ quy chiếu mà nó giả danh (trong nghĩa động và nghĩa tĩnh). Như hạnh phúc đơn giản, kitsch không thấy gì là nặng nề trong sự phê bình này. Nó được bao quanh bởi thế giới dịu dàng, và khẳng định ngược lại rằng nó là hay, một tính đơn chất hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản này trả lại cho nó hình thức của một trò chơi giải trí. Tầm thường, sáo, giả… chẳng có gì phạm vào sự tự thỏa mãn của nó. Bỗng dưng người ta tự tạo cho mình phản xạ là dàn dựng thế nào để trở nên kitsch. Nghệ thuật kitsch là sự ưu việt của mauvais goût. Nó trở thành giả của giả: sự thật có tất cả những dáng vẻ của cái giả. Với nghệ thuật kitsch, mauvais goût trở thành trò chơi với những chuẩn mực và hình thức nhất định. Nghệ thuật Kitsch có chủ đích thể hiện yếu tố mauvais goût có kiểm soát phải mang yếu tố, hài hước, châm biếm và tự châm biếm. Kitsch là sự tự vui đùa với chính mình trong bộ dạng lố lăng, kệch cỡm, mauvais goût. Kitsch cũng là trò giải trí đảo ngược những giá trị.

L.H.O.O.Q của Duchamp được coi là một trong những đại diện cho nghệ thuật kitsch theo phong cách châm biếm, giễu nhại vượt lên trên những đặc tính sao chép, kệch cỡm, rỗng nghĩa và «mauvais goût» của kitsch. Từ một tấm thiệp cũ hình Mona Lisa của Leonard de Vinci được Duchamp vẽ râu bằng bút chì và phía dưới viết những chữ cái L.H.O.O.Q. Đây là một trò chơi chữ của Duchamp bởi khi đọc từng chữ cái này sẽ tạo ra một câu tiếng Pháp gần giống với «Elle hache au au cul», được hiểu là «Elle a chaud au cul» tạm dịch theo cách hiểu tiếng lóng sang tiếng Việt là «Nàng đang hưng phấn cổng hậu». Không hiểu Duchamp thực sự nghi ngờ khía cạnh giới tính của Mona Lisa hay chỉ đơn thuần là sự ngẫu hứng khi vẽ râu cho Mona Lisa bởi đã có giả thuyết20, cho rằng Mona Lisa là chân dung tự họa của chính Leonard de Vinci và người ta cũng đã từng đặt ra câu hỏi về giới tính của chính ông. Nếu đặt chân dung của Leonard cạnh Mona Lisa và bỏ râu đi thì có thể tưởng tượng ra giả thiết Mona Lisa có nhiều khả năng là hình ảnh của Leonard khi còn trẻ. L.H.O.O.Q được cho là công kích hình ảnh Mona Lisa và nghệ thuật cổ điển. Tuy nhiên cũng có thể được hiểu là Duchamp muốn hướng tới cách nhìn và cách hiểu mới về tác phẩm nghệ thuật cổ điển, đồng thời chỉ trích những quy tắc đặt ra từ trước tới nay về tác phẩm nghệ thuật.

L.H.O.O.Q, 1919, Marcel Duchamp

Odd Nerdrum (1944) họa sĩ tượng hình người Nauy, tự nhận mình là họa sĩ kitsch đồng thời khẳng định rằng tác phẩm của ông nên được hiểu là Nghệ thuật kitsch chứ không phải là Nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Vào năm 2000, cùng với một số tác giả khác, ông cho ra đời một cuốn sách có tên Kitsch, trong đó ông cho rằng hội họa mang tính tượng hình và tường thuật là hội họa kitsch.

Mặc những lời chỉ trích cho rằng nghệ thuật của Jeff Koons21 là những thứ sản phẩm hàng hóa mauvais goût, rẻ tiền, lố lăng, kệch cỡm “vô liêm sỉ”22, tác phẩm Balloon Flower đã được bán đấu giá với giá gần 26 triệu USD tại gallery Christie ở Londre khiến cho Koons được vinh danh là nghệ sĩ đương đại có tác phẩm được bán đấu giá cao nhất năm 200823. Những tác phẩm điêu khắc, hội họa, sắp đặt của Koons trở thành một thứ mốt, một trào lưu chơi nghệ thuật thịnh hành tại Mỹ và trên thế giới.

Magenta (Hoa bóng), sắp đặt, 1995-2000, Jeff Koons

Kitsch không phải là một phong trào nghệ thuật được hình thành với cái nhìn thiện cảm của giới nghệ thuật như đối với chủ nghĩa lãng mạn hoặc nghệ thuật ý niệm. Nó không phải là một phong cách giống như trường phái kiểu cách (maniérisme) hoặc trường phái tả thực của Ý đồng thời cũng không phải là một trường phái liên kết nhiều cá tính như trường phái nghệ thuật Barbizon hoặc trường phái nghệ thuật Paris. Nó đồng thời là tất cả những trường phái này hợp thành.

Nghệ thuật kitsch gắn liền với thẩm mỹ cảm tính thiếu chiều sâu, là sản phẩm văn hóa sinh ra từ tinh thần và ý thức tầm thường, chiều theo sở thích của người mua với mục đích lợi nhuận đơn thuần. Sản phẩm nghệ thuật kitsch phải tạo ra ấn tượng tốt, thích mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên, là thứ hàng hóa hạng thấp trong khi tác phẩm nghệ thuật, được ví một cách văn vẻ là sản phẩm quý tộc mang giá trị tinh thần vô giá. Nghệ thuật kitsch được coi như giải pháp tối ưu: nó thể hiện mối quan hệ tốt nhất về chất lượng và giá thành. Hiệu quả đẹp với giá thành rẻ nhất. Tự bản thân sản phẩm nghệ thuật kitsch không có giá trị thẩm mỹ như đẹp hay trác tuyệt như bản gốc nhưng nó cố gắng trở nên như vậy. Trước tiên do tác dụng của việc tuyên truyền rằng: vẻ đẹp của tác phẩm nguyên bản được nhận ra ngay cả ở thế phẩm của nó (Ersatz)24. Sau đó là do người ta nhận thấy rằng: đồ “giả” (simili) được ưa chuộng bởi người có kiến thức thẩm mỹ hạn chế, hài lòng và tự thỏa mãn với việc sở hữu loại sản phẩm hạng hai. Theo cách hiểu này, kitsch từ sản phẩm vô giá trị trở thành sản phẩm được ưa chuộng, từ thứ đồ mỹ nghệ, thủ công trở thành tác phẩm, từ đồ giả trở thành mốt. Tại sao lại có thể có sự chuyển đổi về giá trị như vậy? Đơn giản bởi lý do có cầu thì có cung, nó không chỉ là sự đảo ngược mà là sự thuận nghịch cố hữu về giá trị của kitsch.

Vậy ở Việt Nam ta có thể diễn giải quan niệm về kitsch như thế nào, xin tiếp tục theo dõi phần bàn luận phiếm trong phần II của bài viết này.

*

Bàn luận phiếm về KITSCH

Trước khi chính thức theo dõi cuộc bàn luận phiếm của bộ tứ: Công chúng, Nghệ sĩ, Giám tuyển và Nhà phê bình, xin được dành vài dòng giải thích về cách xưng hô trong cuộc đối thoại này. Để đúng với tinh thần chuyện phiếm và để thể hiện mối quan hệ thân ái giữa các chiến hữu, các nhân vật của chúng ta sẽ gọi nhau theo tên gọi tắt và thân mật: Công chúng (CC) được gọi là Công, Nghệ sĩ (NS) được gọi là Nghệ, Giám tuyển (GT), được gọi tên thân mật là Dám25, Nhà phê bình (NPB) được gọi là Phê. Không những vậy họ còn gọi nhau với tên gọi Đồng chí (đ/c). Mục đích của cuộc tranh luận này là các nhân vật chính cùng nhau chỉ ra những biểu hiện kitsch của nhau với tiêu chí “Tranh luận không nhất thiết để đồng thuận, chủ yếu “cho” – “nhận”, thống nhất quan điểm không ai giận”26.

Đ/c Dám: Để bắt đầu đi vào bàn luận, xin mời đ/c Phê với tư cách là nhà phê bình đưa ra những nhận xét của mình về những biểu hiện kitsch trong phong cách sống ở Việt Nam nói chung?

Đ/c Phê: Ở Việt Nam, khái niệm kitsch có lẽ ít nhiều được biết đến nhưng chưa được phổ biến rộng rãi mặc dù sự hiện diện của kitsch được thể hiện khá rõ trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam. Nước ta có truyền thống làm tượng thờ bằng gỗ, đất hoặc đá rồi có thể sơn son thếp vàng rất đẹp, nhưng trong nhiều chùa miền Bắc ngày nay lại mang những pho tượng khổng lồ bằng thạch cao trắng toát để giữa sân chùa, nghiễm nhiên mang ảnh hưởng của những chùa mới ở miền Nam, ở Đài Loan, đặt giữa cái trang nghiêm chùa chiền cổ kính miền Bắc. Kitsch là cách kết bóng đèn điện xanh đỏ tím vàng quanh đầu tượng Phật cổ kính, bấm nút một cái là nhấp nháy, lập lòe. Nhiều chùa nạy gạch nung lâu đời lát thềm, để thay thế vào bằng thứ “cẩm thạch” Đài Loan, coi thế là sang, là thời thượng, mát mẻ, thực ra là kitsch. Kitsch thể hiện ở sở thích dùng “đồ hiệu” như: quần áo hiệu Burberry, Louis Vuitton, Marc Jacobs… hay nước hoa Chanel, Dior, Boss… đi xe máy SH, SYM… nhưng lại là “made in China”. Kitsch là sở thích chụp ảnh cưới, ảnh chân dung nghệ thuật với phong cảnh với các hiệu ứng của “photoshop”. Liên quan đến đám cưới, kitsch còn thể hiện ở những biểu tượng trang trí kiểu đôi chim chụm đầu vào nhau, tung cánh bay lượn hay những biểu tượng rườm rà mang tính chất biểu tượng hạnh phúc trên phông nền đám cưới. Kitsch thể hiện ở những phụ nữ thích đeo vàng giả Mỹ kí, nhẫn ngọc giả đầy tay, túi, váy, áo sáng chóe, lấp lánh hạt cườm. Hay kitsch còn thể hiện ở việc đánh son phấn, mặc quần áo diêm dúa không hợp tuổi cho trẻ con khi chúng tham gia các sự kiện quan trọng hoặc khi được quay phim trong chương trình truyền hình… Trong âm nhạc kitsch là sở thích nghe những thể loại nhạc ca từ giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, và xem những thể loại phim với nhân vật, cảnh quay đẹp nhưng nội dung sáo rỗng, ủy mị. Ngoài ra biểu hiện của kitsch cũng được thể hiện ở một số những khẩu hiệu, tranh, tượng cổ động được treo ở khắp nơi…

Đ/c Công: Theo như tôi hiểu, người hãnh tiến là người có năng lực kém nhưng lại cố ngoi lên để đạt danh vị cao, vượt quá khả năng của chính mình. Vậy những nghệ sĩ, hoặc những nhà phê bình tay ngang không được học bài bản, chính quy liệu có bị liệt vào kitsch hãnh tiến?

Đ/c Dám: Nên nhìn vào chất lượng công việc của họ để đánh giá họ có xứng đáng là nghệ sĩ và nhà phê bình. Nếu nghệ sĩ, nhà phê bình tay ngang có năng khiếu nghệ thuật, tự trau dồi cho mình kiến thức mỹ thuật và rèn luyện về kỹ thuật, cho ra đời những tác phẩm, những bài viết, các công trình nghiên cứu có chất lượng, trung thực, có hiệu quả và đóng góp được cho sự phát triển nghệ thuật thì họ còn xứng đáng hơn những nghệ sĩ, nhà phê bình chính quy mà không có đóng góp gì đáng kể. Đơn cử như trường hợp đ/c Nghệ với nghệ danh 3ttman Louis Lambert27 cũng có học chính quy về hội họa đâu mà vẫn trở thành một trong những họa sĩ trẻ được yêu thích và đánh giá cao ở Châu Âu.
Quay trở lại vấn đề, xin đ/c Phê đưa ra nhận xét về biểu hiện kitsch thể hiện ở đ/c Công?

Đ/c Phê : Kitsch trong thẩm mỹ của đ/c Công thể hiện ở sở thích mua tranh chép bày bán ở các phố tranh như Hàng Hành, Lý Quốc Sư hay ở các gallery bờ Hồ. Việc treo tranh chép thật ra không có gì là xấu. Ngay cả ở châu Âu vẫn bán và vẫn có người mua tranh chép về treo28,nhưng vấn đề ở đây là sự khác nhau về mục đích treo tranh. Đại đa phần ở ta không hiểu tại sao mình nên treo những bức tranh này và tranh này đẹp ở chỗ nào mà treo chỉ vì thấy thích mắt dễ hiểu, hoặc đơn giản chỉ là vì tranh này nổi tiếng, được báo chí ca ngợi, được nhiều người mua thì mình cũng mua để thể hiện rằng mình cũng có thẩm mỹ và theo kịp xu hướng thẩm mỹ của xã hội. Đại đa phần những bức tranh chép được ưa chuộng tại Việt Nam là tranh vẽ phong cảnh, chân dung hoặc một chủ đề nào đó không quá phức tạp để hiểu và phải nhìn là thấy đẹp ngay, không có nhu cầu đòi hỏi cao về chất lượng nghệ thuật, cứ thấy thích mắt là mua. Kitsch cũng thể hiện ở sở thích sưu tầm tranh của các họa sĩ nổi tiếng nhưng lại không muốn mua tranh với giá tương đương giá trị thực của tác phẩm mà chỉ với mục đích có chữ ký của họa sĩ nổi tiếng để làm sang. Các đ/c Công này đến đặt hàng các họa sĩ có tên tuổi vẽ tranh tác phẩm nhưng chỉ muốn trả giá như tranh thị trường. Nói tóm lại, việc đ/c Công hướng tới nghệ thuật kitsch là “mauvais goût”.

Đ/c Công: Tôi thấy quan điểm của đ/c Phê cho rằng việc chúng tôi hướng tới những sản phẩm kitsch chứng tỏ chúng tôi “mauvais goût” là không thuyết phục và mang tính chủ quan. Dưới con mắt của đ/c thì những tác phẩm này là “mauvais goût” thế nhưng chúng tôi lại thấy đẹp và hài lòng, không quan trọng việc tác phẩm là chép, giả hay muốn nội dung lố lăng, kệch kỡm, khó hiểu, cao siêu, đơn giản… thế nào cũng được, miễn là chúng tôi thích, thấy đẹp và những sản phẩm này phù hợp với túi tiền, với thẩm mỹ và phù hợp với nơi tôi định trưng bày. Có gì là quan trọng nếu tượng David của Michelangelo mà tôi trưng bày trong nhà không phải bằng đá hoa Carrare của Ý nhưng mà bằng đất sét thường! Cũng như việc nó không phải của Michelangelo mà của một nghệ nhân nào đó người Đài Loan, nó không cao 5 mét mà 1 mét 2, nó không ở truồng hẳn mà được che bằng lá nho, không ở một mình mà nằm giữa một bên là tượng Vénus de Milo và bên kia là tượng Vénus de Botticelli làm bằng nhựa tổng hợp!

Mọi người cười nhạo rằng thẩm mỹ của tôi là kitsch, là mauvais goût hay tất cả những tính từ mà mọi người thích. Điều này chẳng quan trọng gì vì tôi lại nghĩ là “mauvais gout” là những người không biết chơi nghệ thuật, cho dù là dưới hình thức nào, để tạo cho nơi sống của mình có một tâm hồn, một cá tính riêng phù hợp với điều kiện kinh tế và sở thích của mình. Mà cũng không nên quên rằng, nhờ thẩm mỹ kitsch của chúng tôi, vốn bị các đ/c cho là “mauvais gout”, mà đại đa phần các đ/c Nghệ trụ được trong khi chờ đợi bán được những tác phẩm nghệ thuật đích thực!. Chúng tôi cũng góp phần tôn vinh và làm giàu cho một số họa sĩ. Có thể chúng tôi nhầm, nhưng dù sao họ cũng là những nghệ sĩ đáp ứng được thị hiếu của đám đông. Kitsch là thế.

Đ/c Dám: Cảm ơn đ/c Công, xin đ/c Phê cho biết quan điểm của đ/c về những biểu hiện kitsch ở đ/c Nghệ là như thế nào?

Đ/c Phê: Kitsch đối với đ/c Nghệ – họa sĩ thể hiện ở việc làm tranh kém chất lượng nghệ thuật, sản xuất tranh với tốc độ chóng mặt, tranh vẽ không cần đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Thể hiện ở việc bắt chước một cách máy móc phong cách, kỹ thuật của các họa sĩ bậc thầy hoặc của các họa sĩ nước ngoài, hoặc sao chép chính mình vì mục đích kinh tế. Nghệ sĩ kitsch theo nghĩa hãnh tiến là những người không hiểu bản chất của nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật trình diễn (performance), nghệ thuật cơ thể (body art), (video art)… cũng như không nắm được nguyên tắc thực hiện các hình thức nghệ thuật đương đại này. Nói cách khác họ bỏ qua việc tìm hiểu các loại hình nghệ thuật này trước khi thực hiện. Họ chỉ lấy các ý tưởng độc nhất và lạ nhất để làm và nhiều khi không thực sự hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Với những đ/c Công chưa từng được tiếp xúc với nghệ thuật đương đại thì thấy lạ, khó hiểu, không thích, hoặc không đồng tình nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị chê là thiếu hiểu biết, không bắt kịp xu hướng nghệ thuật của thời đại. Thế nhưng chắc họ không biết rằng, có khi chính những đ/c Nghệ này cũng không biết là mình đang làm gì, muốn thể hiện điều gì mà đơn giản chỉ là thể hiện những gì bản năng nhất! Sao chép không có gì là đáng lên án nếu biết biến nó thành cái của mình, thành câu chuyện của mình. Nếu chỉ sao chép một cách máy móc thì đích thực là một biểu hiện của kitsch.

Đ/c Nghệ: Đồng chí Phê đưa ra những nhận xét về kitsch của chúng tôi thì tôi cũng xin phép chỉ ra những biểu hiện kitsch hãnh tiến ở các đ/c. Thứ nhất điều này thể hiện ở việc các đ/c nghĩ rằng các đ/c du học nước ngoài (ở Đại học Sorbonne của Pháp về chẳng hạn) là các đ/c cho mình quyền phê phán, chỉ trích, dùng hệ quy chiếu của nước ngoài để phân tích phê bình mỹ thuật Việt Nam. Bài viết của các đ/c có mười câu thì tám câu rưỡi là trích dẫn, nếu không của đ/c Tây này thì lại là của đ/c Tàu kia. Trong khi cái chúng tôi cần là quan điểm, chính kiến của chính các đ/c. Chúng tôi cũng chờ đợi những góp ý cho chúng tôi về mặt chuyên môn, chỉ ra cho chúng tôi những mặt hạn chế và nếu như các đ/c uyên bác hơn nữa thì gợi mở cho chúng tôi những giải pháp trong hướng sáng tác. Các đ/c có tinh thông kim cổ, biết ba bốn ngoại ngữ, thông thái đến thế nào đi chăng nữa nhưng nếu các đ/c không đọc được tác phẩm của chúng tôi thì chúng tôi không thấy phục.

Về vấn đề chúng tôi làm tranh kitsch là bởi lý do không phải lúc nào cũng có các đ/c Công hiểu, thích và mua những tác phẩm tâm huyết của chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi không phải chỉ đơn thuần ngồi vẽ ra tiền và cứ thế sống. Nghệ sĩ đại đa phần như người đi câu, có lúc bán được tác phẩm mấy nghìn đô, nhưng có lúc cả mấy tháng chẳng bán được tác phẩm nào? Nếu không lấy ngắn nuôi dài, làm tranh kitsch để bán trong thời gian chờ bán tác phẩm thì chúng tôi sống bằng gì? Hơn nữa đại đa phần giới Nghệ chúng tôi chỉ là nghệ sĩ quèn, không phải ai cũng có tiềm lực kinh tế và có những mối quan hệ rộng với giới báo chí để nay được viết bài giới thiệu tác phẩm mai lại được ca ngợi tài năng, củng cố thêm chức danh Nghệ để làm “PR”. Chúng tôi cũng chẳng kiếm đâu ra được tài trợ về kinh tế và địa điểm để làm mấy loại hình nghệ thuật mới thu hút các đ/c Công đến xem rồi nhân thể bán tranh luôn!

Đ/c Phê: Thế các đ/c muốn chúng tôi phải biết vẽ như các đ/c, chẳng hóa ra chúng tôi vừa đá bóng vừa thổi còi? Mà các đ/c muốn chúng tôi vẽ được đến như thế nào để các đ/c tâm phục khẩu phục?

Đ/c Nghệ: Vấn đề ở chỗ các đ/c không biết vẽ nhưng lại thích dùng lý thuyết để diễn giải hoặc dùng trí tưởng tượng vốn dĩ đã phong phú để gán cho chúng tôi những ý tưởng này ý tưởng kia mà chính chúng tôi còn không biết! Các đ/c dựa vào ý tưởng để nhận xét giá trị tác phẩm thế nếu chúng tôi vẽ trừu tượng thì các đồng chí dựa vào đâu để đánh giá tác phẩm nếu không phải là kỹ thuật và tính biểu hiện của tác phẩm?. Trong khi đó các đ/c đại đa phần không nắm rõ được chất liệu, kỹ thuật sáng tác. Tranh tôi vẽ con hổ đen thì đ/c lại bảo là con báo, tượng tôi bằng đồng thì các đ/c lại bảo là chất liệu sắt tổng hợp, tôi cố tình vẽ người thiếu cân đối thì đ/c nhận xét “hình họa yếu”…! Các đ/c thiếu kiến thức về chuyên môn, nói theo sách vở lý thuyết thuần túy. Chê chúng tôi vẽ chưa tới, vẽ yếu, “mauvais goût” nhưng nếu các đ/c được yêu cầu chỉ ra cụ thể vẽ chưa tới hay vẽ yếu là như thế nào, phải khắc phục như thế nào thì các đ/c lại im thin thít. Chưa hết, chúng tôi cũng dị ứng với kiểu dùng từ đại ngôn hoặc những từ Hán Việt, những từ lai ghép tiếng nước ngoài hay cách diễn giải dài dòng, lan man ra vẻ cao siêu trong các bài viết mang tính chất học thuật của các đ/c. Nói tóm lại, chúng tôi đòi hỏi các đồng chí biết vẽ là muốn các đồng chí phải nắm được bếp núc nghề nghiệp của chúng tôi chứ không nhất thiết phải vẽ giỏi. Nếu không, chẳng hóa ra các đồng chí phân tích, phê bình tác phẩm của chúng tôi theo kiểu thày bói xem voi?.

Đ/c Dám: Đề nghị đồng chí Nghệ bớt nóng nảy, chúng ta cố gắng nên bàn luận trong hòa thuận và tránh độc thoại. Chúng ta còn có thể bàn luận và mở rộng thêm nhiều vấn đề hơn nữa nhưng do hạn chế về thời gian nên có lẽ hẹn một dịp khác chúng ta sẽ tiếp tục gặp gỡ và trao đổi kĩ hơn về đề tài này.

Đ/c Công: Tôi thiết nghĩ chủ đề bàn luận này chỉ là cái cớ để các chiến hữu chúng ta giải tỏa những mối bất hòa, những hiểu lầm từ trước tới nay và một lý do hết sức quan trọng nữa là nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới, để kết thúc cuộc tranh luận hôm nay một cách có ý nghĩa, chúng ta cùng đưa ra giải pháp làm thế nào để nền Mỹ thuật Việt Nam có vị trí xứng đáng hơn trong bản đồ Nghệ thuật thế giới. Xin được nghe ý kiến của đ/c Phê.

Đ/c Phê: Giải pháp trước tiên phụ thuộc vào đ/c Công yêu nghệ thuật và có điều kiện kinh tế. Những đóng góp đối với sự phát triển của Mỹ thuật thể hiện ở vai trò Mạnh Thường Quân cho các đ/c Nghệ có thực lực và tài năng có cơ hội để thực hiện triển lãm, để quảng bá tác phẩm của họ đến với rộng rãi các đ/c Công khác. Các đ/c là những người đóng góp lớn nhất vào sự phát triển của Nghệ thuật bởi không thể thúc đẩy nghệ thuật nếu không có các nhà sưu tập. Chẳng phải là nếu không có giới quý tộc bên Ý thì đã không có Mỹ thuật Phục hưng? Nếu không có tầng lớp tiểu tư sản, dân giàu mới nổi ở thế kỷ XIX thì đã không có Nghệ thuật kitsch ra đời? Còn nhớ bác Nguyễn Văn Lâm được giới Nghệ biết đến rộng rãi với Cà-phê Lâm, với cặp mắt lèm nhèm mà rất bén nhậy, quý Nghệ, pha cà-phê ngon, làm trứng gà ốp-lết tuyệt hảo và còn hơn người ở chỗ không lấy tiền cho các họa sĩ thời còn đói khổ, bù lại các họa sĩ tặng lại không biết bao nhiêu tranh, đến bây giờ khi các họa sĩ nghèo vô danh thời đó được vinh danh mới thấy giá trị vai trò Mạnh Thường Quân của bác!

Đ/c Nghệ: Nhân đây tôi xin góp ý với đ/c Phê, để thực sự giúp giới Nghệ chúng tôi, thiết nghĩ đ/c Phê phải là người chí công vô tư tách bạch giữa tình cảm và công việc: Quý người nhưng tác phẩm chưa đạt thì vẫn phải chỉ ra những yếu điểm, ghét người nhưng nếu người ta có tài năng thì đừng vùi dập. Cần tách bạch rõ ràng bài viết có giá trị học thuật mang tính trung thực đóng góp vào sự phát triển của mỹ thuật nói chung với những bài viết tán dương hoặc vùi dập với mục đích kinh tế và cảm tính cá nhân. Đ/c Phê với lợi thế kiến thức rộng và trình độ ngoại ngữ cũng nên viết những bài viết giúp ích cho tư duy sáng tác của giới Nghệ chúng tôi như việc phân tích những tác phẩm, trường phái nghệ thuật mới trên thế giới, những bài viết luận về những chủ đề mỹ học triết học… Ngoài ra đ/c còn giữ vai trò trung gian giữa giới Nghệ chúng tôi với các đ/c Công, đưa những thông tin về chúng tôi đến với các đ/c Công để hiểu thông điệp và tác phẩm của chúng tôi hơn. Bây giờ xin được nghe những góp ý của đ/c Phê.

Đ/c Phê: Đối với đ/c Nghệ, người xưa có câu dục tốc bất đạt. Người thành công là người có lòng kiên nhẫn lớn. Càng muốn nhanh nổi tiếng càng dễ sa lầy vào những ý tưởng sao chép, nông cạn, nghèo về ý tưởng đi theo xu hướng kitsch. Cũng đừng ngại cuộc sống vất vả mưu sinh, vì hiếm có nghệ sĩ nào có những tác phẩm để đời mà lại sống sung túc. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn người ta càng nảy sinh những ý tưởng độc đáo và những thăng hoa trong nghệ thuật. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ thuật là sự trau dồi về kiến thức, tri thức giúp ích cho việc sáng tác. Không thể chỉ ngồi lì ở trong nhà, tay cầm bút và đối diện với “toile” là ra ý tưởng. Cái mà Công chúng muốn tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật là sự đồng cảm, cái tôi, tính độc đáo và bản sắc của mỗi nghệ sĩ. Vậy các nghệ sĩ hãy kể những câu chuyện của mình, những thông điệp của mình. Giá trị vĩnh cửu là tính chân thực của tác phẩm mà có thể thời đại hôm nay chưa được nhận ra nhưng sẽ được vinh danh ở thời đại sau nó.

Đ/c Công: Theo thiển ý của tôi, yếu tố thành công là sự tự tin, các đ/c Nghệ, Phê sao không thử liều lĩnh và ngạo mạn nghĩ rằng tại sao mình phải noi theo giới Nghệ và Phê của Tây hay Tàu? Tại sao Việt Nam lại không thể là “avant-garde” trong Mỹ thuật? Nếu có tài năng và kiến thức thực thì muốn là có thể. Tôi cũng xin nói thêm là cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp “hòa thuận là Nhận”, “trong ấm thì ngoài mới êm”, những người trong giới Mỹ thuật các đ/c không hợp tác với nhau hết mình thì làm sao mà Công chúng chúng tôi hợp tác cùng được. Mà tất cả chúng ta hợp tác được với nhau thì mới mong làm nên điều gì đó cho mỹ thuật Việt Nam.

Đ/c Dám: Xin cảm ơn những chia sẻ tuy mang hơi hướng kitsch của đ/c Công nhưng tôi hoàn toàn nhất trí và xin cảm ơn tất cả các đ/c. Để kết thúc cuộc tranh luận hôm nay tôi xin có vài lời như sau: tuy rằng chúng ta chưa thực sự làm nổi bật chủ đề đưa ra và đại đa phần rơi vào độc thoại hoặc đưa ra những quan điểm lan man. Tuy nhiên thông qua cuộc tranh luận phiếm này tôi hi vọng chúng ta sẽ mở ra nhiều cuộc trao đổi trong tương lai để hiểu nhau hơn, cùng rút ra những giải pháp để cùng khắc phục và hoàn thiện những mặt hạn chế. Vai trò của mỗi chiến hữu chúng ta: Công, Nghệ, Dám, Phê là không thể thiếu cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam. Nói một cách kitsch, một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, chúng ta hãy cùng đồng tâm hiệp lực để thúc đẩy sự phát triển và đưa Mỹ thuật Việt Nam lên ngang tầm với mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung trên thế giới. Nhân tiện, Dám tôi cũng xin thay mặt các chiến hữu Công, Nghệ, Phê xin cảm ơn tất cả những người quan tâm đến cuộc tranh luận của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi những quan điểm thiên về chủ quan và thiếu sót, hi vọng nhận được những quan điểm bổ sung của quý vị. Thay cho lời kết xin nhắc lại một lần nữa tiêu chí tranh luận của chúng tôi “Tranh luận không nhất thiết để đồng thuận, chủ yếu cho – nhận, thống nhất quan điểm không ai giận”.

Xin chào và hẹn gặp lại lần tới!

 

Tháng 4 – 2010

*

Chú thích

1. Định nghĩa tổng hợp từ một số từ điển.
2. Mauvais goût (tiếng pháp): gu tồi, thẩm mỹ kém, phiên âm tiếng Việt là môve gu.
3. Milan Kundera, L’insoutenable légèreté de l’être, bản dịch tiếng Pháp của François Kérel, Paris Gallimard, 1984.
4. Gillo Dorfles, Le kitsch : le catalogue raisonné du mauvais goût, Presses universitaires de France, Paris, 1978.
5. Herman Broch, trích dẫn theo Dorfles, tr. 12.
6. Abraham Moles (1920-1992), tiến sĩ triết học, triết gia đồng thời là kỹ sư điện tử và là nhà âm học
7. Jacques Sternberg, Les chefs d’oeuvre du kitsch, Edition Planète, Paris, 1971
8. Friedrich Wilhelm Nietzch (1844-1900) triết gia và nhà thơ người Đức.
9. Herman Broch (1886-1951): tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch và nhà tiểu luận người Áo.
10. Arthur Clive Heward Bell(1881-1964), nhà phê bình nghệ thuật người Anh.
11. Sir Samuel Luke Fildes(1843-1927), họa sĩ người Anh.
12. Christophe Genin (1958), Phó Giáo sư, Tiến sĩ triết học nghệ thuật và văn học người Pháp hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Paris I Sorbonne.
13. Arno Breker (1900-1991), nhà điêu khắc người Đức chính thức cho Đảng quốc xã, có mối quan hệ riêng đặc biệt với Albert Speer và Adolf Hitler. Các tác phẩm của ông thuộc nghệ thuật quốc xã và nghệ thuật phát xít nói chung, hiện đại với những ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật kiểu cách và biểu hiện.
14. Theodor W.Adorno(1903-1969), nhà xã hội học, nhà âm nhạc học, và triết gia người Đức
15. Vladimir Grigoryevich Tretchikoff(1913-2006), họa sĩ người Nga.
16. Egon Shiele(1890-1918), họa sĩ trường phái biểu hiện người Áo.
17. Gustave Klim(1862-1918), họa sĩ trường phái ấn tượng (impressionnisme) người Áo.
18. Oskar Kokoschka (1886-1980), họa sĩ, nhà thơ và là nhà biên kịch người Áo.
19. Theo như Kinh Thánh, Marie Madeleine xuất thân là gái điếm, sau khi được Chúa Jesus giải thoát khỏi sự trừng phạt của đám đông dân chúng đã hối cải và trở nên thánh thiện, sau bà được phong làm Thánh nữ.
20. Tham khảo bài thuyết trình về Leonard de Vinci năm 2005 của người viết trong môn học Lịch sử nghệ thuật của Hélène Sirven, chuyên ngành Mỹ học triết học Nghệ thuật tại Paris I Sorbonne Pháp.
21. Jeff Koons(1955), nghệ sĩ tạo hình người Mỹ.
22. Kimmelman, Michael. ‘Jeff Koons’ in The New York Times. November 29, 1991.
23. Tuy nhiên một vài tháng sau đó thì danh hiệu này đã được dành cho Lucian Freud với tác phẩm Benefits Supervisor Sleeping với giá là 33,6 triệu USD.
24. Từ tiếng Đức.
25. Trong cuộc tranh luận này, Giám tuyển là người đóng vai trò trung gian chịu trách nhiệm đưa ra những câu hỏi, dẫn dắt cuộc nói chuyện hoặc trong trường hợp cuộc tranh luận trở nên gay gắt, bất đồng, lạc đề… hoặc tùy vào những hoàn cảnh cụ thể, đ/c Dám có thể đưa ra những quan điểm, bình luận của mình.
26. Phỏng theo tiêu đề “Tranh luận để đồng thuận”. Nhiều tác giả. Tuyển chọn các bài viết góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng X, Nxb Tri thức Tạp chí tin học & đời sống.
27. Louis Lambert, họa sĩ Hậu graffitis đã từng thực hiện một tác phẩm tranh tường tại trường ĐHMTVN trong khuôn khổ trao đổi văn hóa giữa đại sứ quán Tây Ban Nha và Việt Nam vào tháng 12 vừa qua. Tham khảo Phạm Diệu Hương (2009), “Post – graffiti, Louis Lambert và dự án tranh tường tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam”, Tạp chí Mỹ thuật số 4(32).
28. Tuy nhiên số lượng người thích treo tranh giả ở châu Âu không nhiều. Chẳng hạn như ở Pháp tranh giả chủ yếu được bán cho khách du lịch ở những kiốt bán tranh ảnh lưu niệm dọc bên bờ sông Seine ở Paris hoặc ở các bảo tàng nơi bày bán sách triển lãm và đồ lưu niệm về các họa sĩ. Hơn nữa tranh giả được bán dưới hình thức tranh in chứ không phải chép bằng tay như ở Việt Nam.

*

Tài liệu tham khảo

Abraham Moles, Le Kitsch: l’art du bonheur, Paris, 1971.
Céleste Olalquiaga, Royaume de l’artifice – L’émergence du kitsch au XIX siècle, Fage Editions, 2008.
Christophe Genin, L’histoire d’un parvenus, publié en ligne le 17 janvier 2007
Gillo Dorfles, Le kitsch : le catalogue raisonné du mauvais goût, Presses universitaires de France, Paris, 1978.
Jacques Sternberg, Les chefs d’oeuvre du kitsch, Edition Planète, Paris, 1971
Milan Kundera, L’insoutenable légèreté de l’être, traduit en français par François Kérel, Paris Gallimard, 1984.
Tomas Kulka, “Kitsch”, British Journal of Aesthetics, 1988.

*

Trang Web

http://www.worldofkitsch.com
http://dictionnaire.reverso.net
http://revues.unilim.fr

Ý kiến - Thảo luận

8:44 Wednesday,3.8.2011 Đăng bởi:  Sunny_kid
có dạo mình anti trang này, vậy mà...
...xem tiếp
8:44 Wednesday,3.8.2011 Đăng bởi:  Sunny_kid
có dạo mình anti trang này, vậy mà... 
23:05 Sunday,31.7.2011 Đăng bởi:  Phạm Diệu Hương
VN LEAK ơi, đúng là nếu đọc ở Wikipedia chẳng hạn thì Klimt chỉ được ghi ngắn gọn là họa sĩ phong trào tượng trưng (symboliste), người sáng lập ra nhóm Ly khai (Sécession) và là một trong những họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Nghệ thuật mới (Art Nouveau) nhưng thực ra nếu đọc các tài liệu liên quan đến Klimt thì sẽ thấy nghệ thuật của Klimt bắt nguồn từ hai xu hư
...xem tiếp
23:05 Sunday,31.7.2011 Đăng bởi:  Phạm Diệu Hương
VN LEAK ơi, đúng là nếu đọc ở Wikipedia chẳng hạn thì Klimt chỉ được ghi ngắn gọn là họa sĩ phong trào tượng trưng (symboliste), người sáng lập ra nhóm Ly khai (Sécession) và là một trong những họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Nghệ thuật mới (Art Nouveau) nhưng thực ra nếu đọc các tài liệu liên quan đến Klimt thì sẽ thấy nghệ thuật của Klimt bắt nguồn từ hai xu hướng đối kháng của hội họa lịch sử truyền thống Áo vào cuối thế kỷ XIX và hội họa và chủ nghĩa Ấn tượng gần với hội họa phóng khoáng của Pháp. Cụ thể hơn, ông chủ yếu bị ảnh hưởng bởi ba thể loại nghệ thuật: trước tiên là «mãnh lực» trong việc sử dụng màu sắc, các màu nóng là chủ đạo của trường phái dã thú (fauvisme), sau đó là việc thể hiện sự phúng dụ về tình yêu của chủ nghĩa tượng trưng và cách thể hiện mảng màu điêu luyện của chủ nghĩa ấn tượng. Trước khi chính thức bước vào thời kỳ biểu tượng (symboliste), Gustave Klimt đã tìm hiểu chủ nghĩa ấn tượng (impressionnisme) của Pháp (ông cũng thích cả tranh in tay của Nhật...) , ông cũng bị ảnh hưởng bởi một số họa sĩ đã từng triển lãm tại Vienne trong đó có Max Lieberman (một trong những đại diện lớn nhất của phong trào Ấn tượng của Đức, đồng thời cũng là người bị ảnh hưởng trực tiếp từ trường phái Ấn tượng của Pháp). Bức tranh Arbres Fruitiers, sơn dầu, 1901 của Gustave Klimt được coi là tiêu biểu cho tác phẩm thuộc chủ nghĩa Ấn tượng của Áo. Tuy không phổ biến, nhưng tùy trường hợp, ông vẫn được gọi là họa sĩ trường phái ấn tượng. Klimt là người độc đáo trong việc kết hợp nhiều hình thức đối lập khác nhau để tạo nên phong cách nghệ thuật cho riêng mình: giữa phúng dụ (allegories) với phong cảnh (paysage), giữa cách điệu hóa (stylisation) với chủ nghĩa tự nhiên (naturalisme), giữa tượng hình(figuration) và trừu tượng (abstraction), giữa chủ nghĩa hoan lạc (hédonisme) và chủ nghĩa hoài nghi (sceptisme), giữa chủ nghĩa ấn tượng (impressionnisme) và chủ nghĩa biểu hiện (expressionisme)… Nhưng dù thế nào thì tóm gọn lại, việc Klimt được nhấn mạnh cụ thể là họa sĩ trường phái Nghệ thuật mới (Art Nouveau) và họa sĩ chủ nghĩa tượng trưng (Symbolisme) vẫn là chính xác hơn cả. Cảm ơn VN LEAK đã nhắc và góp ý cho sự thiếu chính xác (cũng may chưa đến mức « lơ đễnh » đến mức không chính xác :-) này của tôi. Thân mến 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả