Thị trường

6 nhận định về thị trường nghệ thuật Trung Hoa đang phất 09. 08. 11 - 6:39 am

Madeleine O’Dea - Hồ Như Mai dịch

 

Nicolas Chow

BEIJING – Nicolas Chow, giám đốc quốc tế về tác phẩm nghệ thuật và gốm sứ Trung Quốc của Sotheby’s đúng là đang gặp thời. Sức mạnh kinh tế toàn cầu nghiêng hẳn về phía Trung Quốc làm cho giá cả những bảo bối của nền văn hóa này tăng vùn vụt, điều đó cũng có nghĩa là, cả thế giới đang phải đến gõ cửa Trung Quốc.

Là cháu nội nhà sưu tập lừng danh người Hồng Kông Edward Chow, Nicolas ban đầu chẳng hứng thú mấy với chuyện buôn bán trong thế giới nghệ thuật, nhưng khóa thực tập tại Sotheby’s London vào cuối những năm 1990s đã thay đổi điều đó. Gia nhập Sotheby’s năm 1999, Nicolas trở thành người đứng đầu bộ phận tác phẩm nghệ thuật và gốm sứ Trung Quốc từ năm 2003. Anh từng chỉ đạo nhiều buổi đấu giá nổi bật, đặc biệt là đợt mua bán “Lost Treasures” (Báu vật bị đánh cắp) phá kỷ lục năm 2007, trong lần đó, 15 món từng bị quân Pháp và Anh chôm từ Hạ Cung ở Bắc Kinh năm 1860 trong Chiến tranh Nha phiến được đưa ra thị trường.

Chow chia sẻ 6 nhận định về lĩnh vực của mình với ARTINFO Trung Quốc.

Lọ cắm bút được bán với giá 3,1 triệu USD tại Sotheby, Hồng Kông

1. NGƯỜI TA KHÔNG CHỈ MUỐN MUA MỘT MÓN ĐỒ, NGƯỜI TA MUỐN MUA MỘT CÂU CHUYỆN

Mua bán không chỉ là chuyện của một món gì đó – một cái lọ hay một chiếc ấn. “Báu vật bị đánh cắp” là một thắng lợi của chúng tôi, vụ mua bán lớn nhất chúng tôi từ trước tới nay. Việc xử lý một bộ sưu tập lớn thật tuyệt vời, nhưng sắp xếp làm sao để mọi thứ có thể kể được một câu chuyện cũng hết sức thú vị. Trong tất cả những vụ mua bán từng chứng kiến qua, chưa bao giờ tôi thấy nhiều năng lượng như lần đó. Bạn thực sự thấy được sự hào hứng khi người ta không chỉ mua những món hàng hóa (mà mua cả câu chuyện).

Chiếc bình thời nhà Minh bán với giá 2,3 triệu đô-la ở Christie's, London

2. NHỮNG NHÀ SƯU TẬP TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC ĐÃ THỰC SỰ CÓ MỘT ẢNH HƯỞNG TRÊN THẾ GIỚI

Ảnh hưởng đó nằm ở chỗ họ đã làm sống lại sự quan tâm của các nhà sưu tập phương Tây, Đài Loan và Hồng Kông. Những món đẹp nhất giờ đã có người từ New York, London, Đài Bắc và Hồng Kông tranh nhau mua. Khi giá cả tăng vụt mọi người đều đổ xô vào mua. Trong hai vụ mua bán gần đây nhất của chúng tôi, hai món dẫn đầu đều về tay nhà sưu tập bên ngoài Trung Quốc. Người Trung Quốc lâu nay thực sự đã xé rào về chuyện giá cả, tuy nhiên thị trường vẫn rất lành mạnh và cân bằng.

Chiếc bình sơn thời Càn Long với sắc màu mạnh ảnh hưởng phương Tây với giá 1,2 triệu USD tại Sotheby, Hồng Kông

3. TIỀN CHẠY THEO THỊ HIẾU

Thị hiếu của những nhà sưu tập dẫn đầu là yếu tố quyết định trong sự phát triển của bất kỳ thị trường nào. Khi người Nhật còn đang mạnh thì các món thời nhà Thanh (1644-1911) không được xếp đầu bảng, khi người châu Âu thống lĩnh thị trường thì các món này vẫn không nóng, nhưng khi các nhà sưu tập Hồng Kông và sau đó là Trung Quốc nhảy vào thị trường thì giá cả gốm sứ thời Thanh tăng vọt. Nhưng rồi các sưu tập Trung Quốc nhanh chóng trở nên phức tạp, tinh vi hơn và thế là nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện sưu tầm những món xưa hơn, như thời Minh hay cả thậm chí cả thời Tống.

Con dấu thời Càn Long thiết lập kỷ lục với giá bán 5,9 triệu đô-la tại Sotheby, Hồng Kông.

4. VẤN ĐỀ LÀ TÌM NGƯỜI BÁN MỚI – KHÔNG PHẢI NGƯỜI MUA MỚI

Không giống như trong lĩnh vực trang sức, với mục đích lúc nào cũng là tìm người mua mới, đối với gốm sứ Tàu và các tác phẩm nghệ thuật, thử thách luôn luôn là tìm người bán mới. Với giá cả tăng vùn vụt như hiện nay, một vài nhà sưu tập bắt đầu nghĩ đến chuyện mang những món hay nhất mình có được ra thị trường. Chắc chắn ta sẽ thấy được những thứ cực kỳ hay ho trên thị trường trong những năm tới. Nhưng vẫn có nhiều nhà sưu tập sẽ nghĩ rằng, “Ta cứ ngồi đấy đã – khoai còn lâu mới nhừ”.

Cuốn album tranh và thư pháp thế kỷ 18 được mua với giá 5 triệu đô-la, bởi cùng nhà sưu tập đã mua con dấu thời Càn Long tại Sotheby, Hồng Kông.

5. KHÔNG CÓ BỘ SƯU TẬP NÀO THẤT LẠC, KHÔNG CÓ KHO BÁU NÀO BÍ MẬT

Tôi nghĩ đến đây ta đã biết mọi thứ đang ở đâu. Sẽ có nhiều món được khám phá ở châu Âu, ở Nhật Bản, nhưng tôi không nghĩ là có những phòng chứa bí mật các tác phẩm nghệ thuật Tàu. Tuy vậy hàng ngày tôi vẫn nhận được những bức thư điện tử dài lê thê từ những người tự nhận có quen biết với Tưởng Giới Thạch và biết được các món báu vật thất lạc hiện giờ đang ở đâu. (Họ Tưởng, tổng thống cuối cùng của Trung Hoa Dân Quốc, từng đưa hàng ngàn kiện bảo vật từ Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh về Đài Bắc khi quân đội của ông rút chạy khỏi Đại lục năm 1949. Nhiều người nghĩ rằng một số kiện đồ đã bị “lạc mất” trên đường đi). Đối với thị trường này, cung thì ngày càng khan mà cầu thì cứ tăng nhanh do người Trung Quốc giàu lên nhanh chóng.

6. CUNG THẠCH, VỚI HÌNH THÙ KHÁC THƯỜNG, TỪNG ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI SÀNH ĐIỆU SƯU TẦM RỒI SẼ SỚM ĐƯỢC ĐEM RA THỊ TRƯỜNG

Cung thạch hay đá thiêng (Scholar’s rocks – đá của các học giả) là một thị trường tôi đang cố đẩy lên. Những khối đá này thuộc hàng quan trọng nhất đối với người Trung Quốc. Từ thời Tống 1000 năm trước đây, nhiều nhà trí thức vĩ đại, các nhà mỹ học, nhà thơ và họa sĩ vẫn thường ngưỡng mộ chúng. Bàn về thẩm mỹ của chúng thì khá là phức tạp – từ thời Tống, nhiều bậc trí thức đã bàn cãi tại sao một thứ xấu xí như vậy lại cũng có thể đẹp đẽ nhường kia. Họ bị thôi thúc bởi cả những gì xấu xí và quái lạ. Ở phương Tây chuyện thưởng thức những gì kỳ quái, những thứ xấu xí chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, hay đầu thế kỷ 20. Ngày nay thị hiếu đó hầu như đã biến mất – bạn vẫn thấy những viên đá trong nhà hàng Trung Quốc, nhưng chúng đều có vẻ trang trí, màu mè, gượng gạo. Tôi nghĩ đây là một thị trường cần để mắt đến. Một vài năm trước người ta không trả quá 10 ngàn hay 15 ngàn đô cho một viên đá (giá hiện nay lên gần 6 con số). Trong phiên bán hàng gần nhất chúng tôi có cả khách hàng phương Tây tham gia, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: họ thấy rằng những món này không phải là thứ đã chết, mà thực ra là rất thế kỷ 21.

Cung Thạch vùng Hắc Long Giang

 

Ý kiến - Thảo luận

20:57 Wednesday,10.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Đồ cổ Trung Quốc có rất nhiều thời, rất nhiều đồ hay của các nước chư hầu cung tiến quý báu mang đậm chất Đông Nam Á, xem thì chỉ tổ cái sự mê mẩn lẫn thẩn thôi. Vợ tớ kêu ca suốt cả ngày chỉ tổ các sự Mê...
...xem tiếp
20:57 Wednesday,10.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Đồ cổ Trung Quốc có rất nhiều thời, rất nhiều đồ hay của các nước chư hầu cung tiến quý báu mang đậm chất Đông Nam Á, xem thì chỉ tổ cái sự mê mẩn lẫn thẩn thôi. Vợ tớ kêu ca suốt cả ngày chỉ tổ các sự Mê... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả