Gẫm & Bình

Dự án “Hành vi tử tế” – có tào lao không? 18. 08. 11 - 11:51 pm

Coline Milliard – Hồ Như Mai dịch

Michael Landy cố gắng làm gương thể hiện tình thân ái giữa những người cùng đi tàu điện ở London, nhưng dân tình lại quá thô lỗ, chẳng thèm để ý.

LONDON- Người London không được tiếng tử tế cho lắm, đặc biệt trong chuyện giao thông công cộng. Chỉ mới hôm trước thôi, một người bạn còn kể tôi nghe chuyện một em nhỏ lạc lên tàu, hành khách quanh đó cùng nhau ngó lơ trong khi mẹ em thì hoảng loạn gọi con bên kia cánh cửa tàu đã đóng. Ở London, người nước ngoài sẽ bị húng hắng cằn nhằn nếu đi thang cuốn mà dám đứng sai phía, và hầu như chả ai thèm nhường ghế cho phụ nữ có thai hay các quý bà cao tuổi.

Dự án Hành vi tử tế của Michael Landy, thực hiện trong khuôn khổ chương trình Nghệ thuật trên tàu điện ngầm của thành phố, biết đâu đấy có thể cải thiện phần nào tiếng tăm không hay ho gì của dân London. Landy, người từng đập vỡ hết thảy tài sản trong một màn trình diễn (“Break Down,” Đổ vỡ, 2001), đã nhờ công chúng và nhân viên tàu điện gởi về những câu chuyện về những hành vi nhỏ bé nhưng tử tế mà họ từng trải nghiệm hay chứng kiến trên mạng lưới tàu điện ở London. Những câu chuyện này sau đó sẽ được trưng bày khắp tuyến Central Line. Một vài câu chuyện đã được trưng lên, dần dần sẽ có thêm nhiều mẩu chuyện được bổ sung. Tử tế ở đây là “một cử chỉ thể hiện sự tin tưởng giữa hai người,” Landy phát biểu với phóng viên.

Một tấm áp phích của dự án “Acts of Kindness” (Hành vi tử tế)

Cũng có rủi ro nhất định. Có thể người ta sẽ làm ngơ, hay hiểu lầm bạn.” Sự tác động qua lại tương đối rắc rối này là điểm chính trong dự án của Landy, một dự án về “cảm giác được gắn kết với một người khác,” nghệ sĩ nói. “Tử tế ở đây có nghĩa là vậy – chúng ta thực sự gần gũi, suy cho cùng đều cùng một loài.”

Ô kê, đã hiểu, nhưng tại trạm tàu điện Holborn, cách trưng bày các câu chuyện chẳng có gì là nổi bật. Tôi chỉ tìm được có một mẩu chuyện, và nó có vẻ quá bài bản đến nỗi tôi gần như ngờ rằng đây là sáng tác của Sở giao thông London. Câu chuyện như sau:

Tôi phải chống gậy và ngày nào cũng đi trên tuyến Central Line. Tôi rất biết ơn nhiều người tôi không biết tên đã nhường chỗ ngồi cho tôi. Cảm ơn tất cả các bạn.”

Hôm qua, người viết cũng không phải là kẻ duy nhất không thấy vụ này hay ho gì lắm. Tôi có hỏi hai nhân viên ở cửa soát vé họ nghĩ gì về dự án. “Khiếp,” một trong số họ trả lời. “Cần tháo xuống ngay. Xem này…” anh nhân viên chỉ về phía tấm bảng – “nó đã bị lột ra rồi. Trong những câu chuyện tôi đọc chỉ có mỗi một mẩu là của nhân viên nhà tàu, và họ thậm chí còn chẳng nói gì về trạm tàu.

.

Trên đường về nhà, dĩ nhiên là đi bằng tàu điện, tôi tự hỏi dự án này dành cho ai. Rồi tôi hỏi loanh quanh trong toa tàu, “Anh/chị có biết tới chương trình nghệ thuật trên tàu điện ngầm không?” Chẳng ai biết cả. Vậy thì chẳng có lý do gì để tiếp tục hỏi về dự án của Landy. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu người đi ngang qua áp phích của dự án mà chẳng ai thèm để ý. Tuy vậy vẫn có chút gì đó thực sự ấm áp về cách Landy ca ngợi sự hào phóng và lòng trắc ẩn. Hi vọng là trong những tháng tới các áp phích sẽ xuất hiện nhiều hơn, và như vậy người ta sẽ không thể nào mà không thấy chúng. Khi đó, biết đâu chúng sẽ mang đến chút gì thật ấm áp cho những chuyến tàu đi đi về về hàng ngày và làm nảy sinh những hành vi thân thiện. Biết đâu…London đến một lúc nào đó sẽ đồng nghĩa với sự thân thiện. Vẫn còn nhiều thứ phải làm, nhưng viễn cảnh đó rõ là sáng lạn.

Dưới đây là một vài “hành vi tử tế” (bạn có thể đọc thêm hay gởi câu chuyện của mình đến đây)

.

“Vì phải chạy vội xuống cầu thang để bắt chuyến tàu vừa mới đến, tôi chẳng để ý là chiếc iPod của mình bị rớt, cho đến khi tôi vào hẳn trong tàu và trông thấy một người lạ nhặt nó lên từ sàn nhà ga ẩm ướt. Anh ta nhìn tôi qua cửa tàu đang đóng (khi đó tôi đã chắc là mất của rồi) và nói qua cửa kính, “Tôi sẽ đợi đây! Và anh ta đợi tôi thật”.

– “Tôi khóc khi đang đi trên tuyến Victoria line, hôm thứ Sáu rồi. Lại chuyện bạn trai. Khi xuống tàu ở trạm Stockwell, một cô gái chừng 20 tuổi chạy đến bên tôi xem tôi có sao không. Cô ấy ôm tôi và nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm ướt của tôi lúc đó rồi nói rằng, ‘Đôi khi bạn chỉ cần một cái ôm từ một người lạ trên tàu.’ Khi cô đã đi khỏi, tôi nhận ra rằng cô nói đúng.”

– “Sáng hôm nọ trên tuyến Jubilee Line, một phụ nữ ngả người sang chỗ tôi và chùi hộ tôi một ít kem cạo râu còn sót lại trên tai. Trên một chuyến tàu điện đông người đến Canary Wharf, hành động đó khiến tôi và người ngồi cạnh tôi mỉm cười. Đúng là một hành vi tử tế, (hay có khi là thấy tôi tội nghiệp quá chăng?).

– “Một tối thứ Sáu tôi lên tàu, chuẩn bị đi chơi và nghĩ thầm trong đầu trông mình thật tuyệt. Một phụ nữ đến chỗ tôi, thật tử tế, và nhỏ nhẹ, nói cho tôi biết chị thấy vạt áo sơ mi của tôi bị bỏ vào lưng quần lót.”

Ý kiến - Thảo luận

9:26 Friday,19.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Không hiểu dự án "tàu điện ngầm" bữa ni có dây di với cái dự án "trạm xe bus" bữa nọ trên Soi không, nhưng chắc một điều: tất cả có 1 cái chung: 1 xã hội văn minh + nghệ sĩ luôn nghĩ về cộng đồng, về văn hóa cộng đồng mới đẻ ra được các dự án nghệ thuật "độc" như rứa.

Cám ơn chú Landy, cám Như Mai cho chúng em 1 bài học trước - Chủ Nhật thật thú vị ạ
...xem tiếp
9:26 Friday,19.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Không hiểu dự án "tàu điện ngầm" bữa ni có dây di với cái dự án "trạm xe bus" bữa nọ trên Soi không, nhưng chắc một điều: tất cả có 1 cái chung: 1 xã hội văn minh + nghệ sĩ luôn nghĩ về cộng đồng, về văn hóa cộng đồng mới đẻ ra được các dự án nghệ thuật "độc" như rứa.

Cám ơn chú Landy, cám Như Mai cho chúng em 1 bài học trước - Chủ Nhật thật thú vị ạ! Hôm rày Như Mai mời chú Landy qua Hà Nội làm cho chúng cháu cái dự án xe bus Bờ Hồ cho chúng cháu được nhờ, chú nhá...

Ôi, "văn hóa xe bus Hà Nội"... buồn ghê gớm:-< 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả