Nghệ sĩ Việt Nam

Xem trước một phần: Những búp bê trong ART DOLLS 09. 09. 11 - 3:15 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

.

ART DOLLS: THỦ THỈ
Triển lãm nghệ thuật của nghệ sĩ Trần Thu Hằng

Khai mạc: 18:00 – 20:00 Thứ tư, ngày 7. 9. 2011
Tọa đàm của nghệ sĩ Trần Thu Hằng
Từ  Thứ năm, 8. 9 đến Thứ  sáu, 7. 10. 2011
Thời gian mở cửa: 09:30 – 18:00
Phòng triển lãm – Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hà Nội

 

Nghệ sĩ Trần Thu Hằng được coi là người tiên phong ở Việt Nam về hình thức Art dolls. Triển lãm Thủ thỉ (Silent Voices) của chị lần này cũng là một phần của dự án “Young Talent Series” (hỗ trợ tài năng trẻ) của trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản. Art Dolls là loại hình nghệ thuật tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Trước đó trong dân gian ta có múa rối nước, cũng là một thể loại Art dolls, nhưng thời gian gần đây loại hình này bị mai một đi nhiều và bây giờ thì thường được bán cho các khách du lịch làm đồ mỹ nghệ lưu niệm… dần dần rồi cũng mất đi tiếng nói truyền thống của múa rối. Trần Thu Hằng, sinh năm 1984, đã tốt nghiệp khoa Hội họa đại học Mỹ thuật Việt Nam. Thu Hằng được coi là một trong những người đầu tiên xây dựng hình thức nghệ thuật đương đại được thể hiện bằng “búp bê” ở Việt Nam. Cũng tò mò, dĩ nhiên búp bê ai cũng biết… nhưng “đương đại” thì ở ta chưa hẳn ai cũng hiểu. Đây là ảnh của Trần Thu Hằng trên facebook của chị.

Toàn cảnh triển lãm.

Ánh sáng triển lãm khá tốt, tấm thảm đỏ phía dưới cũng rất hay. Nhưng cảm giác đầu tiên vào phòng triển lãm là hơi giống cảm giác đi vào một cửa hàng đồ chơi trẻ em, với tiếng nhạc nhẹ nhàng, giai điệu dễ nghe và quen thuộc như trong những chiếc hộp âm nhạc. Chắc đó là chủ ý của tác giả…

Mỗi “búp bê” được tách ra bởi những tấm lụa mỏng (khiến tôi nhớ đến tấm lụa trước cửa l’Espace ) tạo cảm giác người xem có không gian riêng tư để thưởng thức tác phẩm, lại ngăn cách các tác phẩm một cách tế nhị, nhẹ nhàng, không gây cảm giác bức bối khó chịu.

Trên tường có chiếu một video giới thiệu quá trình làm các tác phẩm của tác giả

Rất kì công và tỉ mỉ, từng giai đoạn gọt dũa bào mài để cho ra tác phẩm.

Trên tường treo ảnh các tác phẩm và quá trình làm tác phẩm của tác giả. Không rõ tác giả treo đó để làm gì, để giới thiệu tác phẩm thì đã có tác phẩm rồi mà! Hay chỉ để cho đỡ “trống” tường phòng triển lãm.

Nhưng dù gì thì một số bức ảnh chụp tác phẩm của chị cũng rất đẹp, mỗi khuôn mặt rất có sức biểu cảm.

Các “búp bê” được trưng bày trong hộp kính như thế này. Người xem rất thích chụp những búp bê con xíu. Mỗi tác phẩm đều có sự khám phá nho nhỏ ở những chi tiết li ti. Có tên ở phía dưới tác phẩm, nhưng khi xem thì nên đọc thêm phần ghi chú trong tờ giới thiệu sặc sỡ được phát cho ban đầu để rõ hơn tinh thần của tác giả. Đọc nhiều càng thấy tác giả đáng yêu và nữ tính quá chừng.

Trong “Gần 100 con rồi…” chẳng hạn, thật dễ thương với lời giới thiệu: “chỉ cần mẹ, chó, và vẽ, đó là tất cả những gì tôi cần khi còn bé. Bắt rận cho chúng là công việc hàng ngày của tôi, cả hai chúng tôi đều cần mẫu làm việc hàng tiếng đồng hồ. Tôi thì cần mẫn bắt rận, còn chú thì cần mẫn… ngồi chịu đựng”.

Với búp bê “Nguy hiểm” thì: “Thử tự cắt tóc của mình dường như có sức hút mãnh liệt với bất kỳ đứa trẻ nào. Nó là một cảm giác khám phá đầy mạo hiểm của một người leo núi. Nhưng càng cắt thì càng nham nhở thì phải! Và kết cục lúc nào cũng có một chiếc mũ dính chặt vào đầu trong suốt cả tuần trời để tạm che mái tóc cụt lủn không hẳn ra kiểu gì” (ôi sao giống một cơ số người hồi bé thế)

“Em cá ơi, đi ngủ thôi”. Lời giới thiệu: “Mọi sinh vật đều sống trên cạn, và em cá cũng phải trèo lên giường ngủ như em bé”. Nhớ lại ngày bé cũng có thời tôi hát quốc ca tưởng niệm con dế nhỏ đã khuất!

Với “Cứ bắc thang lên mái nhà là hái được sao”, lời giới thiệu: “Ôi, sao đẹp quá! Giá mà hái xuống để xâu thành vòng cổ thì thích biết bao nhiêu con nhỉ”… “Ôi giời, dễ ợt, cứ bắc thang lên mái nhà là hái được cả rổ sao”… Trong thế giới tuổi thơ, không điều gì là không thể (khiến tôi nhớ đến những tranh của Chihiro trong Tottochan, lúc sau hỏi ra thì được biết tác giả cũng rất thích Chihiro!)

Với “Công việc hàng ngày”, lời giới thiệu: “Bọn trẻ con này, chỉ ăn với ị thôi cũng đã là thành tích rồi” (Rất nhiều bạn gái đi qua rồi “thét” lên: “Chao ôi đáng yêu quá!”. Đúng là… con gái!)

Với “Ở lớp cô dạy em thế”, lời giới thiệu: “ Được mắng mỏ, dạy bảo ai đó là điều trẻ con luôn thèm thuồng. Và nạn nhân luôn là chó, mèo và búp bê”.

Với “Lỉnh kỉnh chợ phiên”, lời giới thiệu: “Tuy vẫn mất sức nhưng được cái nhanh hơn đi bộ” (là hình ảnh những cô bé dân tộc đạp những cái xe to quá khổ)

Cũng có cả búp bê so sánh giữa cách giáo dục ở Việt Nam và Nhật Bản. Thí dụ với “Cực hình”, lời giới thiệu: “Dù một ngày chỉ có một bữa cơm thì thế này vẫn còn là quá sức. (Đây là ở Việt Nam, hình ảnh này rất quen thuộc và thường thấy của các bà các mẹ)

Với “Một miếng nữa thôi mà”, lời giới thiệu: “… Và khi không ép ăn thì chúng sẽ thế này” (còn cảnh này là ở Nhật Bản).

Rồi có cả búp bê nói về sự giao lưu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản (mục đích của Trung tâm cũng là thế mà). Với “hoa tuyết”, lời giới thiệu: “Dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, vẫn không ngừng vươn lên và nở ra những bông hoa rất đẹp. Đó chính là đất nước Nhật Bản. Và tôi thể hiện điều đó thông qua một điệu múa Nhật Bản.”

Với “Rước dâu”, lời giới thiệu: “Tìm về một góc văn hóa làng xã của dân tộc Việt Nam hóm hỉnh và chân chất. Để thấy bản sắc dân tộc rất riêng nằm trong đó.”

Một góc khác của “Rước dâu”, nhìn rất sinh động.

Còn đây là hai tác phẩm tưởng niệm trận động đất sóng thần của nước Nhật. Với “Tinh thần Nhật Bản”, lời giới thiệu: “Một câu chuyện về cậu bé 9 tuổi đã đại diện cho người dân Nhật thể hiện tinh thần Nhật Bản. Một tinh thần dân tộc mà cả thế giới phải ngỡ ngàng và ngưỡng mộ. (Tác giả khắc họa nét biểu cảm trên khuôn mặt của từng “búp bê” rất chi tiết, nhưng nghe đâu câu chuyện cậu bé 9 tuổi “không nhận bánh ăn riêng mà bỏ vào thùng chung” này là xạo đấy, của một đồng chí Việt Kiều tưởng tượng ra cốt để nhân đấy lên án Đại sứ quán Việt Nam không quan tâm đến kiều dân Việt trong cơn sóng thần.)

“Hòm đồ chơi”. Lời giới thiệu: “Một hòm áo quan đầy đồ chơi, một đứa trẻ đẹp như búp bê đang nằm giữa đồ chơi. Người ta luôn bảo các em bé bị mất sớm là những thiên sứ được đón về trời”. (Tưởng niệm những em bé bị mất trong trận động đất sóng thần vừa qua, nhìn rất thương).

 

Về khai mạc triển lãm, các bạn sẽ xem ở bài tiếp theo nhé.

 

*

Bài liên quan:

– ART DOLLS: Thủ Thỉ
– Xem trước một phần: Những búp bê trong ART DOLLS

– Khai mạc THỦ THỈ tuần qua

Ý kiến - Thảo luận

10:15 Wednesday,14.9.2011 Đăng bởi:  trần thu hằng
Cường nhái: chết rồi, bạn ơi, mình có muốn "đưa một cảm xúc kinh khủng khi rơi vào một trạng thái bất lực với nền nghệ thuật phương Tây, thật anh dũng và đáng đươc khâm phục" gì đâu, không hiểu sao lại làm bạn cảm nhận như vậy, thât xin lỗi.
Nhưng dù sao mình vẫn cám ơn những lời động viên của bạn và của mọi người đã dành cho mình. Mình sẽ cố gắng đ
...xem tiếp
10:15 Wednesday,14.9.2011 Đăng bởi:  trần thu hằng
Cường nhái: chết rồi, bạn ơi, mình có muốn "đưa một cảm xúc kinh khủng khi rơi vào một trạng thái bất lực với nền nghệ thuật phương Tây, thật anh dũng và đáng đươc khâm phục" gì đâu, không hiểu sao lại làm bạn cảm nhận như vậy, thât xin lỗi.
Nhưng dù sao mình vẫn cám ơn những lời động viên của bạn và của mọi người đã dành cho mình. Mình sẽ cố gắng để sớm có những triễn lãm tiếp theo! 
11:59 Tuesday,13.9.2011 Đăng bởi:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
Cảm ơn Soi rất nhiều!
Mỗi lần tổ chức sự kiện xong, bên mình đều rất tò mò và hào hứng đọc những bài viết của Soi về sự kiện đó. Rất thật và rất ý nghĩa!
Mong các bạn tham dự nhiều hơn nữa những sự kiện của bên Trung tâm.

Thân ái
...xem tiếp
11:59 Tuesday,13.9.2011 Đăng bởi:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
Cảm ơn Soi rất nhiều!
Mỗi lần tổ chức sự kiện xong, bên mình đều rất tò mò và hào hứng đọc những bài viết của Soi về sự kiện đó. Rất thật và rất ý nghĩa!
Mong các bạn tham dự nhiều hơn nữa những sự kiện của bên Trung tâm.

Thân ái 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả