Nhiếp ảnh

11. 9: Hôm ấy trời “xanh một cách trầm trọng” 11. 09. 11 - 1:05 pm

David Levi Strauss - Ngọc Trà st và dịch

 

.

James Nachtwey (1948) tình cờ có mặt ở New York buổi sáng ngày 11 tháng Chín và, ông không bỏ lỡ cơ hội để dấn thân vào Ground Zero (nơi toà tháp đôi bị sập). Mười năm trước, tạp chí TIME xuất bản những bức ảnh phi thường mà James chụp ngày hôm đấy, nhưng sau đó thì ông không đụng đến 27 cuộn phim này nữa. Vài tuần trước, chúng tôi có cơ hội tiếp đón Nachtwey trong văn phòng của mình; ông xem lại những tờ in tổng hợp, nhớ về những sự kiện của ngày thứ ba đó. Và giờ đây, James chia sẻ những bức ảnh đã được ông chọn lại từ 27 cuộn phim, một số chưa từng được TIME xuất bản, và thậm chí còn nói chuyện với nhà văn David Levi Strauss về bộ tác phẩm của mình.

James Nachtwey thức dậy vào buổi sáng ngày 11. 9. 2001 tại New York; ông vừa bay về từ Pháp đêm hôm trước. Theo lời James, việc ông có mặt tại thành phố vào lúc đó là một điều bất thường, bởi ông thường xuyên công tác ở khắp nơi trên thế giới, thường là những vùng/quốc gia có chiến tranh hoặc xung đột. Hôm ấy ông cầm ly cà phê rồi ra đứng ngắm dòng sông East River và cây cầu Brooklyn tại chiếc cửa số ở phía đông của căn hộ – nằm trên đường Water Street. Ông vẫn nhớ rằng bầu trời lúc đó là bầu trời xanh nhất và trong nhất, chưa từng thấy; một điều kiện thời tiết thường được các phi công gán tên “xanh một cách trầm trọng”. Cây cầu như được chiếu sáng từ phía sau, với ánh sáng mặt trời phản chiếu trên mặt nước. Nachtwey nhìn xuống, thấy một vài người đang đứng trên mái nhà kế bên, nhìn về hướng tây và chỉ tay lên trời. Ông chạy đến cửa sổ còn lại, và thấy cảnh tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Quốc tế đang bốc cháy. Một vài phút sau, chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp phía nam. Nachtwey – nhiếp ảnh gia chiến trường vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta – biết ngay đây là một hành vi khủng bố. Ông thu dọn máy ảnh, mang theo toàn bộ phim ông có, và chạy về phía hai tòa tháp đang cháy phừng phừng.

“Tháp Đôi”, 1971. Trong lúc xem lại kho ảnh cũ của mình, James bắt gặp một tác phẩm ông chụp vào năm 1971 - lúc đang tự học nhiếp ảnh - nó dự đoán một cách rùng rợn về sự kiện 11. 9 mà ông sẽ chụp sau này.

 

Ông đã quá quen với việc chạy đến một nơi mà tất cả mọi người (trừ lực lượng cứu hộ) đang chạy khỏi. Ông luôn làm công việc của mình, ghi lại những gì đang diễn ra. Nhưng lần này không giống những lần trước đó. lần này “chiến trường” đang diễn ra ngay trong sân sau nhà ông. “Lúc nào tôi cũng ở một quốc gia khác, và can dự vào những bi kịch cũng như những tình huống nguy hiểm của những công dân không thuộc nước Mỹ; đối với tôi, quay lại đất mẹ lúc nào cũng giống như là quay về nơi trú ẩn. Nhưng giờ chiến tranh đã đến với đất nước này; tôi cho rằng chúng ta đã trở thành một phần của thế giới vào lúc đó, theo một cách mà ta chưa bao giờ phải nếm trải. Có thể điều này chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đến, nhưng nó đã đến vào 11. 9, và mọi thứ không còn được như cũ nữa.”

Những bức ảnh Nachtwey chụp ngày hôm đó, (12 tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố), nằm trong số những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của ngày 11. 9: tòa tháp phía nam sụp đổ đằng sau cây thánh giá của Nhà thờ Saint Peter; những bóng người với hình dạng ma quái xuất hiện từ đám khói; ba lính cứu hỏa làm việc bên cạnh đội trưởng – người đang quỳ gối, để đầu trần, ngoái lại nhìn đống lửa đang quét về phía họ; và dĩ nhiên, những bức ảnh về đống đổ nát méo mó, y như là Trung tâm Thương mại thuộc về một thế giới khác, theo kiểu “phim trường của một bộ phim câm về ngày tận thế”.

Vào lúc 10h29’, Nachtwey nghe được “một tiếng như tiếng thác nước từ trên trời,” và nhìn thấy tòa tháp phía bắc đổ sập xuống ngay trên đầu. “Tôi hiểu ngay là mình có khoảng năm giây để sống, và rằng cơ hội sống sót của tôi cực kì mong manh. Thật ra đấy là một cảnh rất đẹp; với khói, kim loại, và giấy bay trên nền trời xanh. Về thị giác mà nói nó đẹp đáng kinh ngạc, một trong những thứ đẹp nhất tôi từng thấy. Nhưng cảnh này sắp sửa giết chết tôi, không có thời gian để chụp nó nữa.” Ông nhanh chóng thăm dò xung quanh, tia thấy một khách sạn bên đường với cánh cửa mở (Khách sạn Millennium) rồi lao về phía đó. Bên trong, ông nhào vào chiếc thang máy đúng lúc mọi thứ tối sầm lại. “Không thấy một thứ gì. Rất có thể tôi đã chết rồi. Chỉ có điều, tôi đang ho sặc sụa, thế nên tôi biết mình vẫn còn sống.” Ông gọi to xem có ai xung quanh đang bị thương, cần được giúp đỡ không, rồi bắt đầu lần mò về phía trước trong bóng tối. Sau một lúc, ông thấy rất nhiều điểm sáng (hóa ra là đèn của những chiếc xe cảnh sát bị vứt lại). “Rồi tôi biết rằng mình đang ở bên ngoài; và nhận ra: mình không bị chôn vùi dưới đống hổ lốn”. Theo bản năng, James tiến về phía bắc và cuối cùng đi ra tới vùng có ánh sáng mặt trời. Rồi ông quay trở lại Ground Zero.

Thật là, ừm, nói sao nhỉ? Thật là không tin được. Mọi thứ bị phủ kín bởi lớp bụi trắng, chưa kể những mảnh kim loại to đùng nằm xung quanh, và các tòa nhà bị đè bẹp bên dưới. Lính cứu hỏa không làm được gì nhiều, nhưng họ vẫn cố gắng tìm kiếm và ý ới gọi nhau. Nó đơn giản là một đống đổ nát tan hoang. Khó tin đến nỗi, ta chỉ có thể làm những gì ta thường làm, và cứ tiếp tục làm việc của mình. Những người lính cứu hỏa cũng như cảnh sát đã có mặt ở đó, làm việc một cách chuyên nghiệp. Họ hiểu rằng mình đã mất rất nhiều đồng đội, nhưng vẫn đang cố kìm chế nỗi buồn. Tôi nhớ lại việc mình đã theo đuổi nghể nhiếp ảnh như thế nào, và điều đó quan trọng ra sao. Chụp ảnh là cái duy nhất tôi có thể làm. Một nhiệm vụ đơn giản của tôi”.

Điều khiến ngày 11. 9 khác biệt so với những nơi James từng xông pha chụp ảnh trong suốt 30 năm qua là: ông không thấy thi thể người chết. “Việc không nhìn thấy xác làm tim bạn thót lên tận họng, bạn hiểu được sự mất mát phải lớn như thế nào. Không có ai để cứu, không có ai để chữa. Các nạn nhân đều ở dưới đống đổ hổ lốn, và tất cả đã chết.”

James dành toàn bộ thời gian còn lại trong ngày hôm đấy ở Ground Zero, làm việc của mình. Ông mang theo 28 cuộn phim, nhưng đã cho một đồng nghiệp một cuộn phim quý giá của mình. Mười năm trước, James chưa chuyển sang máy ảnh kỹ thuật số, thế nên ông có 27 tờ in tổng hợp từ ngày 11. 9. Mười bốn trong số những hình ảnh của ông trên Time.com có 2 triệu lượt xem vào ngày đầu tiên.

Những bức ảnh dưới đây đều được chụp vào ngày 11. 9 và được mô tả bằng chính từ ngữ của James: “Trong đầu tôi, tất cả đều diễn ra như một thước phim quay chậm. Mọi thứ như bồng bềnh trôi. Khi làm việc, tôi nghĩ mình có tất cả thời gian trên đời để chụp ảnh, nhưng đến giây cuối cùng tôi hiểu rằng mình sắp bị kéo ra khỏi trạng thái này”.

 

Vào ngày 21. 8. 2011, James nhìn lại những tờ in từ vụ khủng bố, và một dòng thác kí ức trào ra. “Tôi ngạc nhiên vì tôi vẫn nhớ cái cảm giác kinh khủng của ngày ấy. Tôi nhận ra mình đã chôn vùi nó, muốn giữ nó nằm sâu ở đấy. Chắc hẳn có nhiều lý do, nhưng chúng hầu hết là không có liên hệ gì với nhau, và có lẽ sẽ mãi như thế. Tầm cỡ của vụ khủng bố, sự khó tin, sự kinh hoàng, sự tuyệt vọng, sự điên rồ, sự độc ác, và sự thật là vụ khủng bố đã thành công; cách mà nó đã thay đổi thế giới đem lại một cảm giác mất mát khó chịu; bởi vì nhiếp ảnh là một dạng kí ức, một hiển thị vật chất của ký ức, nên một số kí ức muốn được đem đi giấu; còn tôi thì lại đang mở chúng ra.”

James có một niềm tin bất di bất dịch vào sức mạnh của hình ảnh, và vào giá trị xã hội của việc giúp mọi người nhìn thấy những gì đã xảy ra. “Giá trị của thông tin đã giúp tôi cầm cự. Mọi người cần được biết và họ cần phải hiểu sự việc theo cách nhân bản nhất có thể. Nhiếp ảnh là một ngôn ngữ, dĩ nhiên là với những hạn chế và những điểm mạnh, nhưng đấy là công cụ của tôi, thế nên tôi phải cố sử dụng chúng cho tốt. Tôi muốn các bức ảnh của mình thật mạnh mẽ và có sức hùng biện, muốn lay động những con người bình thường một cách sâu sắc nhất. Bởi vì tôi đang trưng bày những hình ảnh của mình cho một số đông khán giả, nên tôi phải có niềm tin rằng con người quan tâm đến mọi thứ. Bản chất của con người là rộng lượng, và nếu có cách để bày tỏ sự rộng lượng này, họ sẽ làm thế. Khi một chuyện gì đó tày trời xảy ra, họ sẽ muốn thay đổi. Tôi nghĩ đấy là điều cơ bản của giao tiếp. Ý thức cộng đồng là một động lực giúp thay đổi, nhưng nó phải được kết hợp với ý thức chính trị.”

Trong trường hợp vụ 11. 9, nó là một thảm họa là quá rõ ràng – không cần tôi phải chứng minh điều đấy. Tất cả những gì tôi có thể làm là ghi lại nó bằng hết khả năng của mình. Tôi nghĩ nhiều lúc, ảnh của tôi có thể thực sự thay đổi đầu óc mọi người, và thúc đẩy quá trình suy nghĩ theo một hướng nhất định. Nhưng trong trường hợp này mọi thứ tiến triển dù có hay không có tôi. Đáng tiếc, chính quyền Bush đã dùng những hình ảnh vụ 11. 9 – bao gồm những tác phẩm của tôi – để biện hộ và kêu gọi một cuộc xâm lược khó hiểu vào Irắc, một đất nước hoàn toàn không có chút liên quan gì đến vụ tấn công này. Thế là mọi thứ đã bị lạm dụng theo đủ mọi kiểu. Nhưng sự căm giận về vụ khủng bố tôi vẫn cảm thấy rõ. Đây là cuộc tấn công vào đất nước tôi, thành phố tôi, nơi tôi sống.”

 

Quá nhiều lính cứu hỏa đã chết. Tôi nghĩ bức ảnh này ghi nhận những mất mát cũng như vinh danh họ. Sự hy sinh của họ là cực kì lớn lao, và sẽ mãi mãi được ghi công.

“Một điều không thể tin được vừa xảy ra, và nó sắp trở nên tồi tệ hơn nhiều.”

“Cảm giác sốc bao trùm. Những người lính cứu hỏa tự hoạt động theo bản năng nghề nghiệp, và làm những gì họ phải làm, để đối diện với nỗi tuyệt vọng.”

“Hàng nghìn người đã chết, nhưng không thấy xác họ đâu. Sự thật khủng khiếp dần thấm thía, rằng tất cả những người có mặt bên trong đã bị chôn vùi dưới hàng nghìn tấn thép và bê tông. Ai cũng hiểu nhưng không ai nói ra điều này – đã quá muộn rồi.”

Việc một chiếc xe bị chổng ngược lên trời trông đã kỳ rồi, nhưng quan trọng là vẻ mặt của người lính cứu hỏa. Mắt anh ta có viền đen kịt, và anh ta có một cái nhìn xa xăm đến hàng nghìn thước.

“Tôi đang đứng ngay dưới tòa tháp phía bắc khi nó sụp. Việc tôi sống sót gần như là một điều kì diệu. Tôi ở trong một đám mây bụi khói khổng lồ, bị ngạt thở và không nhìn thấy gì. Tôi tiếp tục tiến lên và cuối cùng nhìn thấy ánh sáng phát ra từ đằng xa.”

“Hàng tấn giấy bay trong không khí khi hai tòa tháp đổ. Một số bay vào các cửa sổ bị vỡ tại những tòa nhà bên cạnh.”

“Những phương thức thông thường để đối phó với tình trạng khẩn cấp đã hoàn toàn vô dụng. Ngay cả khi thiết bị bị phá hủy, những người lính cứu hỏa vẫn tiếp tục làm việc. Điều này không phải là một hành động trong tuyệt vọng. Đó là một hành động dũng cảm và cao thượng.”

“Điều không tưởng đã xảy ra, và mọi nỗ lực đều có vẻ vô ích so với mức độ thảm khốc của sự việc. Tôi không chắc là lính cứu hỏa có còn chỗ nào để nối vòi chữa lửa không.”

“Người lính cứu hỏa chỉ có thể tiếp tục tến lên phía trước, và cố gắng không đầu hàng.”

“Lính cứu hỏa làm một công việc đòi hỏi họ phải đặt mạng sống của mình lên bàn cân. Ngày hôm đó, sự dũng cảm và lòng tận tụy của họ đã bị thử thách, và họ phải trả một cái giá khổng lồ.”

“Trông như cảnh dựng tại trường quay của một bộ phim khoa học giả tưởng về ngày tận thế.”

“Một nhóm lính cứu hỏa đã dựng một ngọn cờ giữa đống đổ nát. Đấy là một hành vi thách thức, không chấp nhận đầu hàng, và tỏ lòng kính trọng với những người đồng đội đã ngã xuống".

“Ngay cả khi mặt trời đang lặn, lính cứu hỏa vẫn tiếp tục lùng sục trong đống đổ nát khổng lồ. Đến lúc đó, tôi tin chắc họ đã nhận ra rằng cơ hội tìm thấy người sống sót là rất ít, nhưng nếu họ có thể tìm thấy dù chỉ một người, họ vẫn sẽ cố gắng hết sức lực của mình.”

“Qua năm tháng, công việc của tôi đã được tiếp nhiên liệu bởi sự tức giận đối với những bất công và thảm họa, nhưng lúc nào cũng ở một nước khác. Giờ nó đã xảy ra ở chính đất nước tôi, thành phố của tôi, và cảm giác tức giận lần này có thêm tính cá nhân hơn các lần trước kia.”

Ý kiến - Thảo luận

17:19 Sunday,11.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Một bài viết với những hình ảnh đầy bi kịch của con người.

Một bài dịch đầy xúc động và chứa chan niềm cảm thông với số phận người Mỹ nước Mỹ của một người Việt.

Bài này, tiêu đề bài này làm em nhớ đến một tác phẩm cũng đầy ám ảnh của họa sĩ Lê Quảng Hà: "Trời của em không xanh".

Cám ơn tác giả David Levi Strauss và chị Ngọc Trà.

Hẹn g
...xem tiếp
17:19 Sunday,11.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Một bài viết với những hình ảnh đầy bi kịch của con người.

Một bài dịch đầy xúc động và chứa chan niềm cảm thông với số phận người Mỹ nước Mỹ của một người Việt.

Bài này, tiêu đề bài này làm em nhớ đến một tác phẩm cũng đầy ám ảnh của họa sĩ Lê Quảng Hà: "Trời của em không xanh".

Cám ơn tác giả David Levi Strauss và chị Ngọc Trà.

Hẹn gặp lại New York! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả