Điện ảnh

“Đêm kinh hoàng”: Một con ma cà rồng quyến rũ nhưng không hiền lành 22. 09. 11 - 10:43 pm

Pha Lê tổng hợp

(SOI: Bộ phim nào cũng có công sức rất lớn của các họa sĩ và đạo diễn hình ảnh chăm chút cho từng khung hình, vất vả hệt như khi các nhiếp ảnh gia chụp ảnh… Đi xem phim cũng như đi xem tập hợp hàng ngàn bức ảnh đẹp được nối với nhau một cách nhuần nhuyễn… Với suy nghĩ ấy, Soi thỉnh thoảng sẽ giới thiệu phim. Bạn nào hào hứng thì cùng tham gia nhé. Mời các bạn xem bài đầu tiên của Pha Lê.)

*

Lần đầu tiên xem trailer phim Fright Night (Đêm kinh hoàng), tôi phải lắc đầu ngán ngẩm. Lại phim ma cà rồng! Trào lưu này hơi bị lạm dụng quá mức trong thời gian gần đây.

Thế mà bây giờ tôi cũng mò vào rạp xem phim. Có hai lý do. Một: Đêm kinh hoàng thực ra được làm lại từ tác phẩm cùng tên, sản xuất năm 1985. Lơ lửng giữa kinh dị và hài, Đêm kinh hoàng (1985) ấy vừa rùng rợn vừa buồn cười. Tôi vì thích bản cũ nên muốn xem bản mới. Hai: bản mới được Marti Noxon chấp bút. Dù hơi thất vọng vì kịch bản phim gần đây của Marti – Tôi là số bốn (I am number four) – dở kinh khủng, nhưng sự dí dỏm cũng như đề tài ma cà rồng vẫn là một thế mạnh tuyệt đối của Marti Noxon.

Poster phim “Đêm kinh hoàng”, 1985


Còn đây là poster năm 2011, trông “digital” hơn hẳn

 

Đúng như dự đoán, Đêm kinh hoàng (2011) là một phim khá. Câu chuyện bắt đầu khi Jerry (do Colin Farrell đóng) dọn đến gần nhà mẹ con Brewster (Toni Collette đóng vai mẹ – bà Jane Brewster, Anton Yelchin vai Charley Brewster). Cùng thời điểm đó, người dân của khu phố lần lượt mất tích. Bạn học của Charley, tên Ed, mách với cậu rằng anh hàng xóm Jerry chính là một con ma cà rồng – nguyên nhân tại sao khu phố có nhiều người mất tích đến như vậy. Thoạt đầu, Charley không tin. Dễ hiểu thôi, ở Las Vegas thì hành động kỳ quái nào cũng có thể giải thích được.

Tại sao Jerry ngủ vào buổi sáng?

Giải thích: Vì rất nhiều người làm ca đêm tại các sòng bài ở Las Vegas, làm đêm thì phải ngủ ngày chứ.

Vậy cớ gì phải bít hết cửa sổ, làm cả căn nhà không có lấy ánh sáng mặt trời?

Giải thích: Có thể ánh sáng chói làm Jerry ngủ không được.

Thuyết phục mãi không xong, Ed tức quá, bỏ đi tìm bằng chứng một mình. Nhưng sau khi chuyện xấu xảy đến với Ed, Charley bắt đầu cảm thấy có gì không ổn với anh hàng xóm bảnh bao sống cạnh bên.

Anh hàng xóm bảnh bao này hoá ra có đầy đủ tính xấu của kẻ giết người hàng loạt, và Charley dần dần bị cái lý thuyết “ma cà rồng” ám ảnh.

Anh hàng xóm Jerry. May là Colin có một vẻ đẹp rất đàn ông, vì hình tượng “ma cà rồng điển trai” theo trào lưu hiện giờ (mặt buồn buồn, hơi lả lướt yếu đuối, đầu bù xù như không gội) đang làm tôi phát ngấy.

 

Colin Farrell xuất sắc nhập vai một nhân vật đểu cáng. Dĩ nhiên, Colin Farrell vẫn là Colin Farrell (Những phim trước đây của anh: Điện thoại công cộng, Daredevil, Đội đặc nhiệm, Alexander…), dù độc ác thế nào thì chàng tài tử này rất có duyên, tôi cảm thấy mình không thể ghét Jerry 100% được. Cũng đúng thôi, nếu chỉ ác độc, cau có, hầm hè, thì Jerry đã bị hàng xóm để ý và bị chính quyền sờ gáy. Với hình tượng “chàng trai tốt bụng”, Jerry trông rất vui vẻ, luôn giúp đỡ mọi người, lại còn chăm chỉ đổ rác; nhưng ánh mắt luôn lóe lên cái gì đấy nham hiểm, đủ để người xem hiều được anh không bình thường. Đây là một sự cân bằng phức tạp. Báo chí hay nhắc tới Colin như một tay chơi đẹp trai của Hollywood, mà thường quên rằng anh còn là một diễn viên thực sự giỏi.

Các diễn viên còn lại cũng không bị lép vế trước Colin Farrell; cậu bé Anton Yelchin từng khiến các nhà phê bình sửng sốt vào năm 2001 vì diễn xuất già dặn trong Trái tim ở Atlantis (Hearts in Atlantis), đã chứng minh rằng cậu sẽ không chìm nghỉm khỏi Hollywood như bao diễn viên nhí khác khi vào vai Charley Brewster. Charley có sự dũng cảm và tính cứng rắn mà một nhân vật chính diện cần có, nhưng giống bao nam thiếu niên khác, cậu có những ưu tư ngô nghê và những hành đông ngớ ngẩn – nhất là khi cậu giao du với đám học sinh quậy phá để “chứng tỏ” với bạn gái. Amy – bạn gái của cậu, do Imogen Poots đóng – rất hấp dẫn, bởi phim giải trí cần một bạn gái hấp dẫn, nhưng ít ra Amy cũng sát cánh với Charley để săn ma cà rồng, chứ không lả lướt yếu đuối như một con búp bê vô dụng bị đạo diễn giựt dây. Diễn xuất của Imogen cũng trôi chảy, làm người xem tin rằng Amy thích Charley vì nhận ra những cái tốt (lẫn xấu) của cậu, chứ không phải vì kịch bản muốn thế.

Amy và Charley theo dõi anh hàng xóm qua cửa sổ phòng ngủ của Charley. Nhưng giống như bao thiếu niên khác, theo dõi chán chê xong, Amy lôi Charley lên giường, và cảnh tiếp theo làm tôi bật cười vì lứa tuổi này là lứa tuổi của những hành động luống cuống và các tình tiết khôi hài.

 

Một nhân vật phụ gây ấn tượng mạnh là Peter Vincent – do David Tennant đóng. Peter tự nhân mình là một “chuyên gia về ma cà rồng”, có chương trình riêng trên ti vi và rất nổi tiếng. Cảnh Charley đến nhờ “chuyên gia” chỉ bảo để học cách diệt ma là cảnh buồn cười nhất, vì “chuyên gia” không làm gì khác ngoài tán gái, uống rượu, và gãi; lâu lâu đổi thứ tự hành động sang gãi, uống rượu, và tán gái. Tôi chỉ biết David Tennant qua series Dr Who – một series chẳng để chút ấn tượng nào cho tôi nhưng có một lượng fan cực kỳ hùng hậu. Sau diễn xuất hớp hồn của anh trong Đêm kinh hoàng, bỗng dưng tôi thấy ngứa tay, muốn lôi Dr Who ra xem lại. Giống Farrell, David có khả năng biến một nhân vật đáng ghét thành “nhân vật đáng ghét nhưng có duyên”, đáng nể hơn là, trái với Farrell, David không thuộc dạng… đẹp trai.

Nhân vật Peter Vincent, tả theo tiếng Việt thì chàng này trông vừa sến, vừa tục, vừa dở hơi.


Còn đây là diễn viên David Tennant trong “Dr Who”. Đúng là một trời một vực.

 

Các nhà sản xuất của Đêm kinh hoàng đã đúng khi chọn Marti Noxon làm tác giả, kịch bản của cô rất dí dỏm và cho diễn viên đất để mà diễn. Những ai là fan cuồng của thể loại này hẳn phải biết Marti qua series Buffy – người diệt ma cà rồng (Buffy the vampire slayer) mà cô là một trong những tác giả chính. Nếu không phải Marti thì nhân vật “bạn gái” do Imogen Poots đóng sẽ chẳng có gì làm ngoài việc ăn vận sexy và chạy vòng vòng kêu bạn trai cứu.

Thấy Jerry đang tiến đến từ xa, Amy hoảng hốt lắp đạn vào súng để chiến đấu. Nhưng nếu Jerry là ma cà rồng thật thì chẳng hiểu nổi súng sẽ có tác dụng gì?

 

Công lớn cũng thuộc về đạo diễn Craig Gillespie. Anh là một đạo diễn trẻ, trước đây chưa có phim nào ấn tượng. Nhưng Đêm kinh hoàng đã chứng tỏ rằng anh không thuộc dạng chạy theo trào lưu (mặc dù cũng làm phim giải trí kiếm tiền, nhưng nếu phim không dở thì điều này chẳng có gì xấu). Trong thời đại mà kỹ xảo điện ảnh được sử dụng lung tung một cách vô tội vạ, rồi công nghệ 3-D làm một số phim trông cứng khoèo, Craig chú tâm vào nhân vật, và chỉ dùng kỹ xảo lúc cần, chứ không tràn lan như một số phim bom tấn dở tệ tôi từng xem (khi đạo diễn dùng kỹ xảo để gỡ gạc nội dung, thì xem phim chẳng khác gì chơi trò đếm cừu: 1 kỹ xảo, 2 kỹ xảo, 3 kỹ xảo, 4 kỹ xảo…). Vậy nên lúc kỹ xảo trong Đêm kinh hoàng xuất hiện, khán giả thực sự nhớ và thực sự ấn tượng. Các cảnh quay cũng được giữ lâu hơn, để phim cũng như mắt của công chúng được thở, chứ không đầy những đoạn bị cắt qua cắt lại, nhìn muốn nổ đom đóm.

Đây là phim kinh dị nên chắc chắn không thể có ánh sáng màu mè rực rỡ như phim ca kịch Ấn Độ, nhất là trường đoạn diễn ra trong căn hầm tối hù của Jerry. Nhưng mặt mũi của nhân vật không hề chìm nghỉm trong bóng tối, và sự tương phản giữa chốn ẩm thấp với nơi có ánh sáng le lói giúp phim có một độ sắc nét rõ rệt. Dĩ nhiên điều này sẽ không áp dụng cho những ai mua vé xem bản 3-D. Tròng kính này hấp thụ một phần ánh sáng của phim (chỉ cần bỏ kính ra khi xem phim thì biết, màn ảnh sẽ sáng hơn hẳn), nên tôi luôn né suất 3-D bằng mọi giá. Đặc biệt, những phim kinh dị thường đã tối tăm rồi, xem bản 3-D thì vừa không thấy gì, vừa làm phim mất hết độ nét của nó.

Cảnh phim đa số diễn ra vào ban đêm nhưng ánh sáng được phân bố rất hợp lý và hình ảnh có chiều sâu đấy chứ. Chẳng hiểu đeo kính 3-D làm gì để màn hình trông tối mò nhỉ? Trong hình : Charley giơ thánh giá ra cản đường Jerry, để bảo vệ mẹ (trái) và bạn gái.


Nhưng hình như cậu bảo vệ không thành công, điều gì sẽ xảy ra?

 

Nhìn chung, Đêm kinh hoàng là một tác phẩm khá, với dàn diễn viên tài năng, nhân vật đa chiều, và một biên kịch cũng như đạo diễn có đầu óc. Nó thiếu một chút táo bạo cũng như tế nhị để khiến khán giả thót tim hay khóc nấc vì cảm động như tác phẩm Dracula (1992), hoặc Mời đúng khách vào nhà (Let the right one in). Tôi ước gì mối quan hệ giữa Charley và cậu bạn Ed được đào sâu hơn chút nữa. Có điều, như vậy sẽ khiến phim hơi nghiêm túc và buồn so với “độ buồn” cho phép của một tác phẩm thương mại. Nhưng Đêm kinh hoàng không coi thường trí thông minh của khán giả, so với những phim khác trên thị trường thì điều này hơi hiếm và đáng được hoan nghênh.

*

Hiện đang chiếu tại:

TP Hồ Chí Minh: (đến hết tuần) Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5)

Hà Nội: (đến hết tuần) Dân chủ Cinema (211 Khâm Thiên)

Các suất chiếu hiện nay đều là suất 2-D. Rạp đang rút suất 3-D để dành chiếu phim “Điệp viên nhí 4”.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả