|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhCHẠM TỚI BIỂN: 59 phút thà để đi ăn bột chiên 26. 09. 11 - 6:48 amNgười Xem Mờ Mắt
CHẠM TỚI BIỂN Thời gian: 6g chiều Thứ bảy ngày 24. 9. 2011
Thấy SOI giới thiệu phim Chạm tới biển của Le Brothers Thanh & Hải khá bùi tai nên tối thứ bảy tôi ráng vác thân đi xem, bỏ 59 phút cho nghệ thuật thì chí ít cũng văn minh hơn là bỏ 59 phút đi ăn bột chiên chứ nhỉ? Phim chiếu ở Ga 0, đây không phải rạp phim, mà là một căn phòng (gắn máy lạnh) ở cư xá 288. Trong phòng rải rác ít ghế, chắc do biết không đủ chỗ ngồi nên ban tổ chức khéo léo trải thêm chiếu để khán giả có thêm chỗ nằm. Chạm tới biển được giới thiệu là một “Art video” do hai nghệ sĩ Le Brothers Thanh & Hải bỏ công sáng tác. Hồi hộp quá! Ba máy chiếu được bật lên (phim ba kênh màu mà lại), căn phòng im phăng phắc. Phim bắt đầu chiếu, chuyện kể về…. Chuyện kể về gì nhỉ? Từ đầu phim tới cuối phim là một mớ bòng bong tôi không cách nào gỡ nổi. Mắng tôi ngu, mắng tôi dốt, mắng tôi là đứa tầm thường, không hiểu được cái cao siêu; nhưng nếu những tác phẩm như thế kia được gán mác “nghệ thuật” thì tôi thà xem phim bộ Hồng Kông (dù chẳng thích loại phim này). Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, tôi từng xem những tác phẩm khó hiểu, nhưng cái chất “kỳ quặc” của nó rất cuốn hút; thậm chí về tới nhà rồi mà vẫn còn bị ám ảnh, phải đi xem lại để ráng nghiệm cho bằng được ý đồ của đạo diễn (dĩ nhiên, chẳng phải lúc nào tôi cũng thành công). Còn tác phẩm này của Thanh & Hải nhạt hơn nước lã, không ám ảnh, không ấn tượng, không cuốn hút, xem xong chỉ muốn đi ăn bột chiên chứ chẳng rỗi hơi để mà suy nghĩ. May mắn thay, nghệ sĩ có đưa SOI cái statement của mình, đại loại như sau: “Con dân nước Việt chẳng ai quên cuộc chia lìa của thủy tổ trăm trứng 50 lên rừng 50 xuống biển, vậy nên hướng về biển luôn là khát vọng miên viễn cho cuộc đoàn viên hạnh ngộ, nghĩa đồng bào… Ý tưởng thì nghe đâu rất rõ ràng! Nhưng sao cái phần trình bày chẳng ăn nhập gì với cái phần tôi được đọc (có nên “đổ thừa” SOI tội quảng cáo không ta?), toàn phim chỉ thấy: • Hai anh Thanh & Hải tập võ (hay múa kung-fu? Tập dưỡng sinh? Tập thể dục?) trên một chiếc thuyền (tôi thú thật là mình không phân biệt được anh nào Thanh, anh nào Hải. Phim không lời, mà tôi thì chẳng phải bạn của Thanh hay của Hải. Nhưng phim nào được làm ra chỉ để cho bạn xem?) • Cũng trên cái thuyền đó, hai anh ôm nhau vặn vẹo, anh này vặn anh kia, anh này trèo lên anh kia, anh này bế anh kia. Các điệu bộ, động tác làm tôi liên tưởng đến hai con cua. Diễn viên ballet chuyên nghiệp nào mà thấy tài năng vặn của hai anh chắc sẽ ôm mặt vì xấu hổ và xin giải nghệ • Hai anh chạy trên cát với dải lụa đỏ • Anh này đứng giữa dòng sông, gần một cái cây, anh kia chạy tới, cột anh này vào cây bằng dải lụa đỏ • Hai anh ngồi thiền trên thuyền/ trên cát • Chuyển sang cảnh anh này cột tóc anh kia trên thuyền (cột thành một mớ bùi nhùi), rồi lấy dải lụa đỏ quấn khắp cơ thể. • Thêm nhiều cảnh vặn vẹo linh tinh • Thêm nhiều cảnh cột, quấn (bằng lụa đỏ, bằng chỉ đỏ, bằng lụa đen). Địa điểm “cột” thay đổi từ bãi cát, đến cái cây trên con sông. Lúc người bị cột trông giống xác ướp (đoạn trên cát), lúc giống một phụ nữ đạo Hồi sắp bị treo cổ vì ngoại tình (đoạn quấn dải lụa đen thui) • Hai anh bơi (sau đó lết) từ biển vào bờ Đến lúc này, bạn đọc có thể quát tôi: Ngu thế! Vậy mà không hiểu, mấy cái dây nhợ, cột quấn đó là những “thị phi và trắc trở”, trói buộc người nghệ sĩ, khiến anh phải “vặn vẹo” để…. thoát ra. Ừ, thì có lẽ vậy thật, nhưng sao tôi chẳng cảm thấy thế chút nào. Ai chẳng đau khổ? Giá xăng lên, tiền học tăng, thực phẩm tăng; thầy giáo, chị lao công, bà bán thịt…. cũng phải vặn vẹo, chứ nói gì đến hai anh. Cả hai khác biệt ở chỗ nào nhỉ? Phim có đoạn: một anh quấn vải kín đầu, vặn vẹo, đạp chân đạp tay trên chiếc thuyền. Trong cảnh này, người quấn vải giống một đứa con nít đang trùm mền làm mình làm mẩy vì bố mẹ không cho ăn bánh, hơn là một nghệ sĩ đang đau khổ vì cuộc sống có lắm thị phi. Vặn vẹo mà chầm chậm, buồn buồn, không có tí sức sống hay “nhiệt huyết” gì cả. Kỹ thuật thì sao? Ánh sáng trong phim rất lờ mờ, giống như phim lậu bán trên đường Huỳnh Thúc Kháng (chiếu trên phông vải với dụng cụ cổ lỗ thì có lẽ chất lượng gốc bị giảm, nhưng chiếu thế nào tôi xem thế ấy), bố cục hình ảnh thì sơ sài (cái này không đổ lỗi cho dụng cụ được), trừ một cảnh trên thuyền, được quay chếch lên chỗ hai anh đang ngồi, với bầu trời xanh làm nền, là có tí chiều sâu; chứ còn lại thì cả bộ phim trông dẹp lép. Hết toàn cảnh rồi đến trung cảnh rồi đến cận cảnh, máy quay như được đặt ở đó để ghi lại hình chứ không thấy một chút cố gắng gì trong công tác quay. Phim (nhất là “Art Video”) đâu phải chỉ đơn giản là “kể một câu chuyện, trình bày một ý tưởng”, mà còn là “Kể chuyện như thế nào?”, “trình bày ra sao?”; một cái máy được đặt ở đó, quay theo góc độ đó, là phải có ý đồ; đằng này tôi chả thấy ý gì. “Art video” mà sao giống đoạn băng “sinh nhật 3 tuổi” của đứa em họ do bố tôi quay, từ chất lượng hình ảnh đến bố cục đều mang hơi hám “tự túc” và “gia đình”, dùng để chiếu cho người thân xem với nhau. Ngay cả nhạc phim cũng là một đoạn nhạc eo éo như nhạc đám ma, chẳng ăn nhập với nội dung bên trong. Hết buổi chiếu, tôi có cảm giác như mình không chạm được tới biển và biển cũng chẳng có ý định chạm vào mình. Một cảm giác tôi vẫn hay có khi không làm gì suốt ngày ngoài việc nằm trên giường để ngắm những đám mây vô nghĩa qua cửa sổ. Tôi luôn nhớ những ngày như vậy, nhưng chi tiết của chúng thì tôi chẳng nhớ nổi. Tác phẩm Chạm tới biển chắc cũng chung số phận, tôi sẽ nhớ là mình đã đi xem phim, nhưng bảo đảm sang tuần sau, tôi sẽ quên hết từ chi tiết đến nội dung (vốn đã không thể nhận ra!).
* Bài liên quan: – CHẠM TỚI BIỂN: Xem Thanh & Hải “vận vặn” Ý kiến - Thảo luận
2:40
Tuesday,27.9.2011
Đăng bởi:
shit
2:40
Tuesday,27.9.2011
Đăng bởi:
shit
bài viết nói quá chuẩn
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp