Gẫm & Bình

Hỏi đáp với Roberta Smith:
Nhà phê bình xem tranh như thế nào? 18. 10. 11 - 8:52 am

Pha Lê dịch

 

Roberta, liệu cô có thể cho chúng tôi biết các nhà phê bình thường nghĩ gì khi họ nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật (tranh vẽ, đồ gốm, điêu khắc v.v… – nhưng đặc biệt là tranh vẽ), và làm thế nào cô đưa ra quyết định liệu đó có phải là một tác phẩm đáng để viết bài giới thiệu? Tôi biết rằng công việc này phần nào đã được giải quyết “giùm” nếu tác phẩm đó đang nằm tại một bảo tàng tiếng tăm như Metropolitan chẳng hạn, nhưng với đại đa số quần chúng, mập mờ nhất vẫn là cái tiêu chuẩn mà các phê bình gia sử dụng để đánh giá chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật. Một bức tranh phải đáp ứng được những yếu tố nào, ở mức cơ bản nhất? Thậm chí trước khi xem tranh, cô sẽ đặt ra những tiêu chuẩn gì? Và chỉ khi bức tranh đạt đủ những tiêu chuẩn đó thì cô mới nói: “OK, giờ hãy tìm hiểu xem tác phẩm này truyền tải thông điệp như thế nào”.

– Chandra Tiwari

Chào Chandra,

Hoạt động chủ yếu của tôi là quan sát, quan sát và quan sát thêm nữa. Tôi cố lắng nghe những phản ứng chủ quan của mình một cách càng khách quan, hay càng trung tính, càng tốt. Tôi nghiên cứu tất cả những cái mà tôi quan sát được; dù cho nó tốt, nó xấu, hay tầm tầm. Tôi đi theo phản ứng của mắt, nếu nó bị chi tiết nào đấy hấp dẫn, tôi sẽ chú ý tới chi tiết ấy và tìm hiểu nguyên nhân. Nhà phê bình phải luôn luôn rèn luyện thị giác, rồi lập ra một “kho lưu trữ hình ảnh” trong não; và phải cố xác định được tại sao một số thứ có sức thuyết phục, trong khi những thứ khác thì không.

Khi ngắm một tác phẩm mới, “kho hình ảnh” của tôi sẽ hoạt động. Tôi cẩn thận chú ý đến những cái tên lóe lên trong đầu khi xem tranh. Nghĩa là: có bao nhiêu nghệ sĩ mà bức tranh ấy đã khiến tôi liên tưởng đến? Điều này chẳng có gì sai trái. Lúc nào tôi cũng thích nhận xét của Frank Stella: khi mới chập chững làm họa sĩ, bạn vẽ tranh của các họa sĩ khác, sau đó bạn bắt đầu vẽ tranh của chính mình. Tôi cố nghiên cứu xem điều gì sẽ sót lại trong tác phẩm của một họa sĩ mới vào nghề sau khi loại bỏ ảnh hưởng của các họa sĩ khác. Liệu yếu tố còn lại ấy có nét gì độc đáo, hay ít ra là có triển vọng? Liệu người họa sĩ mới này có ý thức được việc “vay mượn”, và có đang cố gắng để “thoát nợ” hay không? Hay anh ấy/cô ấy đang chấp nhận một cách vô thức những ý tưởng “vay mượn” đó, làm cho tác phầm của mình thành chung chung và là một thứ “phái sinh”? Hiển nhiên là càng ít cái tên nảy ra trong trí óc tôi thì khả năng tác phẩm này chính là một thứ mới mẻ mà chưa từng thấy trước đây càng cao.

 

Và tôi cảm nhận rõ, rằng loài người có một bản năng thôi thúc họ đi tìm cái mới. Chúng ta không muốn nghe nhóm nào khác hát lại bài của tứ quái Beatles, thì cớ gì ta phải ngắm những tác phẩm tĩnh vật hay trừu tượng giống nhau, cũng chẳng cần xem những bức ảnh hoặc những tác phẩm trình diễn ý niệm (conceptual performance) bị lặp liên lục bởi vô số nghệ sĩ khi họ không làm gì khác ngoài biến tấu chút đỉnh cái bản gốc?

Đồng thời, “cái mới” (hay cái độc đáo) thường là một thứ khá tế nhị và tinh vi. Nó không nhất thiết phải là thứ mang tính đột phá phi thường (theo kiểu “đập vào mặt”). Cũng hệt như việc mọi người có vân tay và nét chữ khác nhau, nên cũng có khả năng sáng tạo ở những mức độ khác nhau. Tôi luôn tìm kiếm điểm đặc biệt, cho dù chỉ là một tia sáng nhỏ nhưng nó đem lại cái cảm giác thiết yếu – một cảm giác rằng người nghệ sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra tác phẩm này theo cách riêng của mình. Đó là cách duy nhất để tính chân thực hay tính sáng tạo, tính độc đáo có thể bắt đầu lộ diện.

 

Roberta Smith
2. 10 2008
 

Ý kiến - Thảo luận

11:36 Wednesday,19.10.2011 Đăng bởi:  Phan Phương Đông
Người thưởng thức, nghệ sĩ cũng là người thưởng thức và nhà phê bình đến với nghệ thuật cũng như người ta đến với chất men, ban đầu có thể là bia, một thứ không phải rượu cũng không phải nước, kế tiếp là rượu chát là thức uống cho mọi người, rồi đến những thứ rượu mùi giông giống nước hoa… và sau cùng là rượu mà chỉ có số ít người uống đư
...xem tiếp
11:36 Wednesday,19.10.2011 Đăng bởi:  Phan Phương Đông
Người thưởng thức, nghệ sĩ cũng là người thưởng thức và nhà phê bình đến với nghệ thuật cũng như người ta đến với chất men, ban đầu có thể là bia, một thứ không phải rượu cũng không phải nước, kế tiếp là rượu chát là thức uống cho mọi người, rồi đến những thứ rượu mùi giông giống nước hoa… và sau cùng là rượu mà chỉ có số ít người uống được, phàm cái gì có chất “chơi” đều ghiền, khó bỏ và ngày một tăng liều, nó cũng chính là bản năng tiềm kiếm cái mới lạ của con người,đã lỡ biết “ngon” rồi thì khó chấp nhận cái gì dở hơn, hành động sáng tạo của người nghệ sĩ trước hết là để thỏa mãn chính mình. Thưởng thức một món ăn, đọc một quyển sách, xem một bức tranh hay tượng không đơn giản chỉ bằng cảm tính, nó cần trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu, sự trải nghiệm và đúc kết, so sánh và đối chiếu… với nhà phê bình là công việc cần tính khoa học và học thuật, khả năng phân tích và tổng hợp, thuyết phục và định hướng thẩm mĩ… Nghệ thuật ngày càng phức tạp nhưng chưa bao giờ nghệ thuật lại nghệ thuật như hôm nay, nhà phê bình phải làm việc nhiều hơn để biết đến nhiều tác giả hơn, đặc biệt chú ý đến những tác giả mình thực sự tri âm tri kỉ, nghệ sĩ và nhà phê bình phải đi cùng cuộc sống, nói tiếng nói của cuộc sống, phản ánh những vấn đề của cuộc sống…
Hiện tại phê bình ở ta có nhiều việc để làm, có nhiều điều để nói, nghệ thuật không quá khó để hiểu, nhưng không hiểu sao có nhiều thứ mọi người đều hiểu riêng các nhà phê bình không hiểu! kéo dài tình trạng lập lờ đánh lận con đen và các giá trị bị đánh tráo, ánh sáng phải nhường chỗ bóng tối, mèo phải sợ chuột là không bình thường, là đáng báo động về sự không minh bạch trong môi trường nghệ thuật, cho thấy sự thiếu vắng chính kiến cá nhân, thiếu sòng phẳng trong công việc, tiếp tục không phải trả giá cho những gì mình làm... Người xưa nói trời càng tối thì sao càng sáng, nhưng chỉ thấy trời tối hơn thôi! Thế mới biết nghiệp phê bình không dành cho mọi người. 
1:52 Wednesday,19.10.2011 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Thật thú vị khi được đọc bản dịch này của bạn. Nó gợi cho tôi thật nhiều điều muốn nói . Tôi tự nghĩ nước ta mới thoát nghèo muốn làm giàu thì phải "vay mượn" nhiều mà không biết bao giờ mới xoay sở để trả hết nợ đây? Không phủ nhận có vay thì phải trả dù bằng cách này hay cách khác. Hy vọng vào tương lai chăng?... Hay những khoản vay đến thời điểm ph
...xem tiếp
1:52 Wednesday,19.10.2011 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Thật thú vị khi được đọc bản dịch này của bạn. Nó gợi cho tôi thật nhiều điều muốn nói . Tôi tự nghĩ nước ta mới thoát nghèo muốn làm giàu thì phải "vay mượn" nhiều mà không biết bao giờ mới xoay sở để trả hết nợ đây? Không phủ nhận có vay thì phải trả dù bằng cách này hay cách khác. Hy vọng vào tương lai chăng?... Hay những khoản vay đến thời điểm phải trả đã hiện hữu dần: Sự tự thỏa mãn với thực tại, ,trà đạp và cào bằng mọi giá trị, mọi thói hư tật xấu đang được phơi bày, từ sự thối nát về kinh tế đến nhân cách con người... đang tạo ra sự bất an trong mỗi chúng ta, đang dẫn ta vào ngõ cụt. Chúng ta đã có được gì ngoài những cái bóng lờ đờ?. Thật buồn nhưng cũng thật vui vì đây là lúc chúng ta nhìn lại khoản vay của mình. Chúng ta đã được cho vay một cách hào phóng và nhiệt tình nhưng ta đã tiêu xài phung phí để giờ đây đang bầy ra một nỗi sợ hãi, sống với những ảo tưởng, trì trệ trong tư duy méo mó, nó như những ung nhọt tích tụ từ ngày này sang ngày khác "biết rồi khổ lắm, than mãi, nói mãi thế ...!" thì bây giờ đang phọt ra không thể băng bó kịp.
Tôi có một dự cảm cá nhân: mọi sự đang dần thay đổi. Khi bóng tối đang bị ánh sáng xua tan. Khi một thế hệ đàn anh dừng chân an phận là cơ hội cho một thế hệ trẻ mới tiến bước. Khi mọi cái xấu xa phơi bày những thứ bầy nhầy tởm lợm của nó. Cũng là lúc cái tốt đẹp hiện hữu như những ngôi sao rực rỡ nhất khi bầu trời tối đen. Tôi đang nhìn thấy những cố gắng thoát xác mạnh mẽ của cánh hoa từ bùn lầy vươn lên tảo sáng của những người bạn tôi. Tôi chúc mọi người sẽ là những người dám vay dám trả và quay vòng vốn nhanh để mau hòa vốn và có lãi tìm ra và tạo lập được thị trường riêng cho mình. Hãy là những họa sĩ tài năng và nhà kinh tế xuất sắc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả