Nghệ sĩ thế giới

Chúng ta đều chứa trong mình một người chết 16. 07. 10 - 8:12 am

Ngọc Trà dịch

(Christian Boltanski – họa sĩ, nhiếp ảnh, điêu khắc gia nổi tiếng của Pháp – sinh tại Paris trong một gia đình Do Thái gốc Ukraine. Ông sống và làm việc tại Malakoff. Vợ ông là nghệ sĩ Annette Messager, người mà trong một số tác phẩm ông có hợp tác.
Các tác phẩm của ông thường mang thông điệp rõ ràng về về cái chết, về ký ức và mất mát, đặc biệt là về cuộc đại diệt chủng Holocaust với người Do thái.
Với giới truyền thông, ông nổi tiếng là một người mang lại một cuộc phỏng vấn hay vì những suy nghĩ sâu sắc và thẳng băng của mình.)

 
**

Monument 1986

“Tôi bắt đầu làm nghệ sĩ từ khi bắt đầu làm người lớn, khi tôi hiểu ra rằng tuổi thơ của mình đã chấm dứt, đã chết. Tôi nghĩ chúng ta đều chứa trong mình một người chết. Một đứa trẻ đã chết. Tôi vẫn nhớ nhung Chúa Hài đồng đã chết trong tôi.

“Một trong những điều đẹp đẽ trong cuộc sống của tôi là tôi không bao giờ làm việc. Tôi lười biếng và tôi chả biết cách nào mà làm việc. Tôi dạy sinh viên của tôi điều này: các anh chị phải chờ đợi và hy vọng thôi – chả làm gì khác được đâu. Và ngay khi có một ý tưởng, các anh chị có thể làm nhanh trong vòng mười phút.

“Studio của tôi à? Chả ai đến đây – tôi chả thích người ta đến đây. Chả có gì để xem – tôi toàn cho phỏng vấn ở các quán café ở Paris, tôi cho thế là tốt. Tôi ở quá xa Paris, ở Malakoff; chẳng ai biết đây là chỗ nào. Tôi xem cái phòng này là studio nhưng thiệt tình chả có gì ở đây. Nó giống như một chỗ để sống vậy thôi. Studio này có cái lợi duy nhất là sau một thời gian anh có thể tưởng tượng ra một thứ gì đó, một khu rừng chẳng hạn: tôi bước vào khu rừng ấy và hôm nay nó chưa là gì cả, nhưng có thể trong hai tuần nó sẽ thành một cái gì đó.

Purim Reverse

“Tôi đến studio mỗi ngày lúc 10h30, tôi ở đó và chẳng làm gì cả. Thỉnh thoảng tôi cũng đi Paris. Tôi có nhiều ý tưởng. Nói một cách lăng nhăng thì nhiều khi tôi tin đây là một điều bí ẩn. Thường thì bạn chẳng tìm thấy gì hết, thế rồi lại tìm thấy một cái gì đó khiến bạn say mê muốn làm. Thường thì bạn làm sai, nhưng đôi khi đó chính là chân lí. Thỉnh thoảng trong vòng hai phút, bạn bừng hiểu được những gì mình cần làm trong hai năm sắp tới. Thường thì mọi việc xảy ra trong studio, nhưng đôi lúc là trong khi đi dạo trên phố hoặc khi đang đọc một tờ tạp chí. Đời nghệ sĩ là một đời vui, vì bạn được làm những gì bạn thích.

“Khoảng 60 phần trăm tác phẩm của tôi bị phá hủy sau mỗi cuộc trình diễn. Nếu không bị phá hủy thì chúng cũng bị dời đi, hoặc tôi sẽ trộn mẩu này với mẩu kia. Với tôi, làm một buổi trình diễn cũng giống như việc bạn về nhà ban đêm, mở tủ lạnh và thấy hai củ khoai tây, một cái xúc xích và hai quả trứng, thế là làm một cái  gì đó ăn được từ tất cả những thứ kia. Tôi cố làm một trò gì đó với những thứ có trong ‘tủ lạnh’ của tôi.

 “Là nghệ sĩ, động lực của tôi chính là ý nghĩ: mọi người đều độc đáo, nhưng tất cả đều biến mất quá nhanh. Tôi làm một tác phẩm lớn có tên Bảo tồn những người Thụy Sĩ đã Chết (1990) và tất cả những người trong các bức ảnh trong tác phẩm đều đã chết. Chúng ta ghét nhìn người chết, nhưng chúng ta lại yêu mến họ, chúng ta trân trọng họ. Con người. Ta chỉ có thể nói vậy. Mỗi người đều độc đáo và quan trọng…

Một tác phẩm nói về trại tập trung Do Thái của Boltanski

“Tôi luôn là người mới bắt đầu, và điều quan trọng nhất luôn là tác phẩm tiếp theo. Nghệ sĩ chúng tôi không bao giờ biết liệu mình có sáng tác tiếp được thành công như thế hay không. Anh đã làm xong một cái gì đó và anh chả biết được liệu sắp tới anh có làm được gì nữa không. Thường thì tôi ghét những gì tôi đã làm một vài năm trước. Các nghệ sĩ tài năng thường là rất trẻ hoặc rất già. Những người rất trẻ thường quá ngu nên họ chả sợ gì hết. Nhưng khi họ rất già rồi thì họ không còn sợ nữa. Còn nói chung thì chúng ta lúc nào, lúc nào cũng sợ hãi.

“Làm nghệ sĩ chẳng khiến tôi hạnh phúc. Tôi từng mong ước được mở một tiệm bánh ở Bratislava – cùng một bà vợ béo ú và mười đứa con! – nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ làm thế. Đây là một đời sống đơn độc. Vài người bạn tôi thích làm vườn hay sưu tập xe, tôi hiểu điều đó. Nhưng với tôi, tôi chả muốn làm gì cả, để không bị cái gì phân tâm hết. Tôi không phải là một đầu bếp giỏi, nhưng tôi thích nấu nướng. Thỉnh thoảng tôi mơ thấy mình là giáo viên, nhưng tôi là một giáo viên tồi và tôi chẳng lên trường mấy!

“Và làm nghệ sĩ có một điều rất đơn độc, đó là chẳng ai có thể nói cho bạn nghe một cái gì có ích cho công việc của bạn cả. Ngay cả Annette vợ tôi cũng không bao giờ đến đây. Cô ấy chẳng bao giờ thèm nhìn tác phẩm của tôi.

“Có một câu chuyện rất đẹp trong tác phẩm của Proust: một người đàn ông buồn bã có vợ vừa mới chết, thấy một người bạn chuẩn bị tự tử. Họ cùng đi qua một khu vườn và anh ta nói với bạn mình, ‘Nhìn những bông hoa này mà xem, đẹp chưa kìa. Nhìn bầu trời xanh kìa.’ Nhìn thấy những thứ này, người bạn quên không tự tử. Anh ta sống vì anh ta quên. Nhiều lúc ta cần phải quên. Vì lí do đó, tôi chẳng làm gì hết, tôi chỉ chờ chết. Chúng ta phải làm quen với cái chết. Sống là phải trung thực.

Đất không người – Sắp đặt với quần áo thải

 Khi tôi làm một show lớn, tôi thường cố sắp đặt một khởi đầu và một kết thúc, bởi vì cảm xúc đến từ khái niệm thời gian. Nhưng thời gian này khác với thời gian trong kịch hay phim ảnh. Ý tôi là, khi anh đọc sách, anh thấy, ví dụ đi, một cô gái trẻ đang vui vẻ ở trang này, rồi anh lật trang và thế là cô gái sắp chết. Thứ cảm xúc đó đến từ việc anh bị một dạng shock. Khi tôi vẽ một bức tranh, tôi cố tạo những khoảng không gian khác nhau, thậm chí những dạng shock khác nhau, để có một khởi đầu và có một làn sóng cảm xúc. Tác phẩm của tôi gần giống một sân khấu, nhưng đồng thời cũng rất khác. Tôi như một nhạc sĩ, tôi có thể chơi nhạc và tôi có thể chơi tốt hơn nữa, hoặc tệ hơn nữa, tùy vào nơi tôi diễn. Đấy chính là sân khấu mà không có lời thoại, không có khán giả. Điều tôi muốn làm là một cái gì đó giữa sân khấu và sắp đặt.

“Tôi chưa bao giờ ngừng vẽ. Tôi là một họa sĩ. Một trăm phần trăm. Tôi là một họa sĩ rất truyền thống. Làm tranh và chẳng làm gì nữa hết. Sự khác biệt lớn giữa họa sĩ và nghệ sĩ là một số loại hình nghệ thuật thì liên quan đến không gian một số khác thì liên quan đến thời gian. Khi anh xem phim, có đầu và có cuối, thường thế. Khi anh xem tranh, anh ngắm trong sáu phút hoặc sáu tiếng, trong lúc xem lại có thể đi loanh quanh.

“Về mặt phương tiện, cái ‘khác biệt’ lớn nhất, theo tôi là thời gian và không gian. Có một số video nghệ thuật, như video của Bruce Nauman, giống tranh hơn, thật sự thế, vì nó là một sản phẩm không gian, như tượng vậy. Nhưng cũng có một số video nghệ thuật khác giống phim hơn, vì chúng có đầu, có cuối, và chúng ta phải ngồi xuống để thưởng thức.”

*

Bài liên quan:

Boltansky – Khi say tôi sẽ nói sự thật 
Chúng ta đều chứa trong mình một người chết

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả