Festival Huế 2010: Càng làm to càng lỗ nặng
06. 06. 10 - 5:16 pm
Festival Huế đến năm nay là lần thứ VI, diễn ra vào thời gian nóng nhất trong năm. Cho nên, không biết may hay là không mà đêm khai mạc trời đổ mưa tầm tã. Nhưng dù thời tiết thế nào, Festival Huế đã bắt đầu rất kịch tính với việc bứng hàng cây đại cao lớn dọc con đường trong Đại Nội trước Kỳ Đài, để lấy chỗ cho lễ khai mạc. Việc làm này đã bị phản ứng mạnh từ người dân, báo chí cho dù ban tổ chức trấn an rằng “những cây đại đó thực ra chỉ có tuổi đời 20 năm” và hết lễ hội sẽ trồng lại nguyên si. Dù cổ thụ, lâu niên như lời người dân nói hay không, thì việc di dời như vậy ắt báo hiệu một lễ khai mạc quan trọng và hoành tráng.
Cơn mưa to chắc cũng làm ảnh hưởng chất lượng đêm khai mạc, nhưng chắc không thể thay đổi cả cấu trúc chương trình cũng như sân khấu. Vì trên màn hình có thể thấy sân khấu được làm rất lớn, giật ba cấp với những màn hình điện tử cực lớn cùng hệ thống đèn chiếu cực mạnh. Phía sau là Kỳ Đài với dàn đèn nhiều màu thay đổi theo chu kỳ. Như mọi lần, Ngọ Môn được rọi sáng lộng lẫy, làm cho người xem có ấn tượng về sự tương phản giữa cái cổ kính và sự mạnh gắt của ánh sáng điện.
Nhưng ánh sáng và đèn đuốc mạnh bao nhiêu, thì các tiết mục lại nhạt nhẽo bao nhiêu, đặc biệt là các tiết mục dân ca của nước chủ nhà. Nguyên việc đưa các tiết mục thính phòng ra sân khấu lớn ngoài trời đã là thua thiệt, mà chìm nghỉm giữa phông màn điện tử và màu sắc chói chang, thì có gắng gồng mình lên “thét nhạc” cũng khó nổi bật sủi tăm được. Đạo diễn hẳn đã lường trước điều đó, dùng hình thức phông cảnh kiến trúc gắn với nội dung địa phương của thể loại.
Tiết mục Ca trù – hát thét nhạc: các diễn viên múa cầm bó hương đi lại trên nền thủy đình chùa Thầy, gây ấn tượng như cúng… tà ma
Ví dụ tiết mục thét nhạc ca trù, có những hình ảnh kiểu National Geographic, những hình ảnh đẹp cắt cúp trong veo, cảnh chùa Thầy, thủy đình cây đa bến nước… Nếu nhìn xa, thì sẽ chẳng thấy rõ nét mặt hay công phu của ca nương hay tay của người cầm trống chầu, mà chỉ là những hình người đen sẫm trên nền màn hình sáng rực. Sang đến màn cồng chiêng Đắc Lắc, cái cách hình người đen trên nền sáng lại bỗng nhiên là chất liệu chính, vì phông cảnh lúc này là mặt trời mọc và lặn, đỏ hoặc vàng rực. Thế nhưng cũng chẳng có gì ngoài kiểu cách mặc khố và múa như văn công Tây Nguyên lên tivi, động tác có lẽ cũng đầy tính “biểu diễn” không mấy nhiệt tình, cũng y như “lên tivi”. Tất cả chỉ còn ngập trong sắc xanh đỏ của ánh đèn, các nghệ nhân nghệ sĩ mất hút trong không gian ấy cùng âm thanh ảo não như nhạc cúng vong.
Múa Cồng chiêng Tây Nguyên: giống như các tiết mục ca nhạc văn công trên tivi.
Tính đại diện có lẽ là mô tả đúng nhất cho tiết mục quan họ Bắc Ninh, “Tứ Hải giao tình”. Nó không phải là tiết mục, mà chỉ là màn đi ra vào, anh cầm ô đen chị giữ nón ba tầm, hát một lượt trên nền phông cũng chùa chiền ghép lại, ngắn ngủn một đoạn không làm cho ai hiểu ý đồ và… hết.
Sau màn quan họ đến tiết mục hát chầu văn Huế của ca sĩ Vân Khánh. Tiếng là có múa của Linh Nga, nhưng người xem thấy tiếc cho một danh tiếng bị chìm lấp trong màn múa mà cả nam lẫn nữ không ra một tiết mục giao duyên. Anh bạn ngồi cạnh tôi người Huế nhận xét, trông cứ như những “mệ bị ấy” – đung đưa người theo nhịp nhạc giật giật, tay cầm diều dứ dứ – không hiểu là Huế ở đâu. Người ta hình như cố tình phóng đại kích thước của tiết mục vốn trong không gian nhỏ hẹp lên tầm quảng trường bằng cách nhân số lượng diễn viên phụ họa, bằng ánh sáng và hậu cảnh lòe loẹt, nhưng sự nặng nề và mệt mỏi cũng lại tăng lên tỉ lệ thuận. Cảm tượng về những tiết mục của nước chủ nhà Festival Huế là một không khí già nua, cũ kỹ và thiếu sức sống. Trên một bối cảnh đô thị đã nhiều tính “âm”, lại ở một không gian quảng trường, người ta nên tính lại về cách chuyển tải vẻ đẹp của nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, vì thế này chả khác gì những màn biểu diễn báo cáo nhàm chán thường thấy.
Phần hai của chương trình là các tiết mục của các đoàn nghệ thuật nước ngoài, gồm có: Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, Nga. Những tiết mục sôi động và đầy phóng khoáng của các đoàn khách, tuy cũng không có gì đặc sắc mới lạ, nhưng cái họ hơn đứt các tiết mục của ta là sự chuyển động của họ. Các diễn viên, bằng đạo cụ như con rồng múa lân của đoàn Trung Quốc chiếm lĩnh toàn bộ diện tích sân khấu, hoặc đám rước đi cà kheo của đoàn Bỉ, hoặc màn đánh trống của Nhật, thậm chí chỉ là múa tay không Kalinka của Nga, đã làm cho sân khấu thực sự là đất của diễn viên, của con người, chứ không phải là nơi xếp vị trí đứng (ở đây là đứng yên hoặc có đi lại mà cũng như đứng yên) của các diễn viên Việt Nam. Cái dở của những tiết mục này, lại chính là ở… phông sân khấu. Tư duy một đối một, minh họa địa lý nhàm chán vừa gây hại cho quan sát của người xem, vừa có vẻ dễ dãi. Chẳng cần phông điện tử hiện hình Vạn lý Trường thành, nhìn và nghe nhạc người ta cũng biết là màn múa lân của người Hoa, hay không cần chiếu Quảng trường Đỏ cũng ra người Nga rồi. Chưa nói đến việc cứ lồ lộ phông cảnh như thế làm triệt tiêu khả năng tưởng tượng và tập trung vào màn biểu diễn của các nghệ sĩ nước bạn. Hơn nữa, đánh giá một cách khách quan thì những màn ấy ta có khen cũng là khen hơi bị “hữu nghị” – bằng những từ an toàn như “giản dị, thuần phác và in đậm dấu ấn văn hóa của họ”.
Con rồng của đoàn Thê Hà Nam Kinh (Trung Quốc), phóng viên chụp gần mới thấy chứ nhìn từ xa bùng nhùng như cuộn vải mới nhuộm đem phơi. Tất cả là tại phông sân khấu
Trời mưa có thể là thủ phạm của việc biểu diễn khó khăn hơn, nhưng đêm khai mạc cũng kéo dài gần 2 tiếng. Có lẽ công thức và nhàm chán nhất là hai tiết mục khép lại: biểu diễn hai ca khúc Huế, Sài Gòn, Hà Nội (Hoàng Vân) và Âm vang ngày hội (Tuấn Phương). Vấn đề không phải là bài hát mà lại ở chỗ cách dàn dựng kiểu “Duyên dáng Việt Nam” – đông người ra, áo dài như lễ tân, áo bà ba như kiểu phục vụ làng nướng, bước đi lẫm chẫm, dậm chân chậm lại rồi xoay người uốn một phát, tung cái tay vẩy cái nón hất cái khăn. Màn hình phông sân khấu phát huy cao độ khả năng chuyển cảnh, lại chia làm nhiều ô giống cửa hàng bán tivi Plasma. Tâm lý hoành tráng thô sơ khẳng định không tránh đâu được là có một cái nón khổng lồ, dây tím lịm được dàn múa khiêng ra. Tôi nhớ đến một cái nón cũng to như thế hồi Việt Nam tham dự Olympic Atlanta 1996, các vận động viên rước ra, nón có rất nhiều tua vải màu, mỗi người níu một tua, nhìn vừa yếu vừa rườm rà, hệt như đoàn văn công địa phương diễu hành qua lễ đài. Thành tích thì ai cũng biết, chả ăn giải gì, mặc dù đấy mới là cái quyết định.
Điểm lại 6 kỳ Festival Huế, mỗi kỳ số tiền Nhà nước chi ra càng ngày càng lớn hơn, năm 2004 chi 11,5 tỷ nhưng lỗ 11,9 tỷ, đến năm 2006 lỗ tận 6 tỷ. Một nhà nghiên cứu của ta đi xem đêm khai mạc năm 2008 đã viết: “Các tiết mục của ta thì cầu kỳ và luôn huy động số đông. Cái nào cũng na ná giống nhau kiểu “nộm” ca +múa +nhạc “hoành tráng”, với quá nhiều ý tưởng đan xen pha trộn “đủ mùi” như đã phân tích. Múa luôn “yểm trợ” cho hát, nên hiệu quả tổng thể đương nhiên đơn điệu. Đây có lẽ là thói quen đã quá phổ biến mỗi khi dàn dựng một chương trình có tầm cỡ lớn như festival Huế của các đạo diễn Việt Nam.” (Bùi Trọng Hiền, Festival Huế – Nhìn từ góc độ di sản âm nhạc).
Bản thân các lãnh đạo địa phương cũng nhìn nhận “chúng ta làm càng to thì lỗ càng nặng” (ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh TT-Huế). Nhưng các vị này vẫn khẳng định “trên thế giới, không có Festival quốc tế nào thu đủ vốn từ việc bán vé cho du khách vào cửa” (ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế) hoặc “Nếu tính một cách sòng phẳng thì Festival Huế không hề lỗ. Bởi lâu nay, BTC không tính các khoản chi phí cho thù lao, đi lại… cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước” (ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, dẫn theo An Ninh Thủ Đô). Chúng ta đưa các đoàn đến, không màng lỗ lãi để họ trình diễn những màn nghệ thuật chắp ghép với nhau trong tổng thể băm nát và không hơn mức hội diễn nghệ thuật quần chúng, nhất là phần của Việt Nam vậy sao?
Màn pháo hoa kết thúc có lẽ là lúc mọi người sung sướng vì đẹp và cũng vì… xong rồi!
Giá mà một Festival tốn kém đến thế thử giảm bớt cái sự phô trương kia (mà đằng nào cũng lỗ rồi!), ra một cái thông báo hay có một khẩu hiệu, ủng hộ số tiền cho huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) xây cầu cho trẻ em không phải đu dây đi học qua sông Pôkô mùa lũ, thì có phải những màn múa may kia lại có tinh thần hơn bao nhiêu không. Được biết một cây cầu treo có chi phí 1,5 tỷ đồng, chỉ bằng một phần nhỏ con số lỗ của Festival hai mùa trước. Trong lúc cả xã hội điên đầu với hàng bao vấn đề nâng lên đặt xuống, một Festival có đơn giản mà biết đường không ngồi yên vô cảm, người ta cũng thấy yêu hơn một Huế vẫn trầm mặc như thường. Nói riêng một Festival Huế chắc không đủ, bởi vì lễ khai mạc đêm nay na ná vô số lễ hội từ Bắc chí Nam, những lễ hội tốn bộn tiền kém tiếng tăm hơn, nhưng đều lấy câu “lỗ lãi chẳng là vấn đề” làm bùa hộ mệnh. Cái vấn đề của các lễ hội ấy, là chúng được tiêu pha rầm rộ, trong khi bao nơi ngậm ngùi xem hóng chúng qua màn hình tivi lòe loẹt, ước có một chút cũng đủ thành vấn đề của bao nhiêu ngàn vạn con người.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
19:07Sunday,6.6.2010Đăng bởi: Kanari Huỳnh
Chương trình này khi vừa bật tivi lên thì cái háo hức đón xem trước đó biến mất vì thật sự k thể chịu nổi cái hình ảnh nhập nhòe của cả 3 tầng sân khấu,xem dược 2 tiết mục Hồ Chí minh đẹp nhất Người và ca trù là chuyển luôn kênh :D , đầu tư từng đấy tiền cho các màn hình LED quả thật lãng phí. ...xem tiếp
19:07Sunday,6.6.2010Đăng bởi: Kanari Huỳnh
Chương trình này khi vừa bật tivi lên thì cái háo hức đón xem trước đó biến mất vì thật sự k thể chịu nổi cái hình ảnh nhập nhòe của cả 3 tầng sân khấu,xem dược 2 tiết mục Hồ Chí minh đẹp nhất Người và ca trù là chuyển luôn kênh :D , đầu tư từng đấy tiền cho các màn hình LED quả thật lãng phí.
...xem tiếp