Nghệ sĩ thế giới

FRIEZE ART FAIR 2011: Kẻ thu tiền, người nghiền thẻ tín dụng 15. 10. 11 - 8:01 am

Pha Lê dịch

LONDON (REUTERS) – Bước vào khu nhà vòm khổng lồ đặt ở công viên Regent của thành phố London (nơi tổ chức Hội chợ Nghệ thuật Frieze năm nay), giống như bước vào một thế giới khác.

Các quý ông và quý bà ăn mặc chỉn chu, cộng với một lượng lớn những nhóm người trông như di-gan mặc quần lòe loẹt, mang kính dày cộp đắt tiền dạo bộ trên lối đi giữa vô số gian trưng bày của hơn 170 galleries tại hội chợ.

Lại có một số tay “quý tộc mới phất” ngắm nghía những tác phẩm đỉnh của dòng nghệ thuật đương đại; từ bức tượng Madonna and Child dị hợm của Chapman Brothers, đến một bịch xi-măng, và một đoạn hàng rào gỗ được treo trên một bức tường.

Tác phẩm “Ảo tưởng, vỡ mộng, ám chỉ: trật tự của vô chính phủ” – Elena Bajo. Chất liệu tổng hợp, 100-120-10cm

Người mẫu Elle Macpherson và nhà thiết kế Valentino đi cùng những nhân vật nằm trong danh sách hạng A của các gallery sặc mùi thương mại này tại buổi preview (tiền khai mạc) dành cho khách VIP, để đánh giá xem tác phẩm nào “hot” và tác phẩm nào không “hot”.

Hội chợ mở cửa cho công chúng vào thứ 5 và sẽ kết thúc vào chủ nhật tuần này.

Cậu bé Rufus Hale 6 tuổi đứng ngắm tác phẩm The Billy Goat của Pawel Althamer tại hội chợ. Ảnh: Tony Kyriacou

Có nhiều mức giá khác nhau, nhưng đa số các tác phẩm ở đây được hét ở mức 5 đến 7 chữ số, bằng với giá một người bình thường trả để mua nhà, nếu trả góp thì khoảng 25 năm sẽ dứt nợ.

Nhưng Frieze lâu rồi đã trở thành nam châm, hút những nhà sưu tập nghệ thuật đương đại sừng sỏ nhất thế giới – những người không ngần ngại khi viết những tấm séc vài trăm ngàn đô hoặc hơn.

“Untitled” của Callum Innes. Màu nước trên giấy 58 x 70cm

Không khí thờ ơ với thế giới bên ngoài – nơi thương trường lên xuống bấp bênh, nơi người dân toát mồ hôi vì công việc, và nhiều quốc gia đi xuống xuống do nợ nần – là điểm vô cùng rõ nét ở đây.

Nhưng sự “sống trên mây” này có còn kéo dài được hay không là câu hỏi gắn trên môi của mỗi chủ gallery.

Trong lúc luôn luôn có những người giàu sụ bỏ tiền để gom về các tác phẩm đẹp nhất, hiếm nhất, ủng hộ cái thị trường triệu đô này; thì nỗi lo lắng về việc các tác phẩm nghệ thuật “kém” hơn không bán được vẫn cứ lởn vởn trong không khí.

Tác phẩm “Translated vase 19” của Yeesookyung. Gốm mảnh, epoxy, vàng lá 24K, 64 x 63 x 63cm

Thị trường nghệ thuật đương đại đã bị teo tóp một cách đột ngột vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 – thời điểm tập đoàn Lehman Brothers phá sản; rồi khôi phục mạnh mẽ vào năm 2010 và 2011.

Tuy nhiên hiện nay, những nghiên cứu thị trường cho thấy tự tin vào nghệ thuật nói chung đang bốc hơi nhanh chóng (trừ các tác phẩm nghệ thuật thuộc hàng đắt nhất thì vẫn được xem như một dạng thay đổi danh mục đầu tư vào thời điểm mà vô số những thị trường khác coi bộ rất nguy cơ). Tóm lại là sẽ phải có điều chỉnh…

Tác phẩm “After” của Dominique Gonzalez-Foerster. Đèn neon, giấy dán tường, 85 x 85cm

NHỮNG TÍN HIỆU LẪN LỘN

Tại Frieze, một bức tranh của Neo Rauch bán được với giá 1,35 triệu đô, nhưng tổng giá trị của những tác phẩm bày tại hội chợ năm nay được ước lượng là 350 triệu, thấp hơn con số 375 triệu của năm 2010.

Tại khu lều Art & Design, nơi chủ yếu trưng bày những tác phẩm cũ, một tác phẩm của Alexander Calder bán được với giá 1,5 triệu đô, và một bức tượng bằng đồng của Rodin thu về được 500 ngàn bảng.

Tác phẩm “Haus des Lehrers” của Neo Rauch. Sơn dầu trên toan. 205 x 255cm

Nhưng không phải dấu hiệu nào cũng tốt

Trong lúc các hội chợ không công bố lợi nhuận thu được, và hầu hết các nhà buôn giấu nhẹm công việc kinh doanh của mình; các nhà đấu giá vẫn tổ chức những cuộc buôn bán trong tuần lễ của hội chợ Frieze, và nó đã cho thấy những chỉ dẫn nhất định về giá cả nghệ thuật.

Sotheby có buổi đấu giá lớn vào đêm thứ 5, tiếp đó là Christie vào thứ 6, nhưng buổi đấu giá của Phillips de Pury vào thứ 4 có kết quả thảm hại, bị một website nghệ thuật tả là “nhạt nhẽo”.

“Untitled” (Plese wait) của David Shrigley. Monotype, 70 x 100cm

Buổi đấu giá đem về 8,2 triệu bảng, tụt một cách “nhẹ hều” so với mức ước lượng thấp nhất: 10,1 triệu (mức ước lượng cao nhất: 14,6 triệu), và 1/3 các tác phẩm đã bị ế, không bán được.

Tác phẩm Sea Walrus Trashcan (Thùng rác hải cẩu) của Jeff Koons thu về 2,1 triệu – nằm trong mức ước lượng thấp nhất. Những cái tên quen thuộc như Damien Hirst và Richard Prince vẫn nằm trong top 10.

Tác phẩm “Thùng rác hải cẩu” của Jeff Koons

“Mức giá cho thấy nhiều người vẫn còn say mê các tác phẩm của những nghệ sĩ có máu mặt”, Peter Summer – trưởng phòng buôn bán của dòng đương đại ở Phillips de Pury & Company, phát biểu.

Dĩ nhiên, rất nhiều nghệ sĩ tránh nói tới vấn đề thị trường và giá cả. Trong hầu hết các trường hợp, họ không kiếm được gì nhiều cho dù tác phẩm được bán với giá triệu đô tại các hội chợ; nhưng tiền – họ lập luận – không phải là vấn đề!!!

Cho nên mới có một hội nghệ thuật mang tên Claire Fontaine bày một tác phẩm tại Frieze với chú thích: “Nghệ sĩ Vladimir Ustinov sáng tác tấm biển hiệu đèn neon này, với thù lao là 169 ngàn viên sỏi vụn“.

Và với những ai ít tin tưởng vào tình hình kinh kế của mình trong tương lai, nghệ sĩ Michael Landy đã giúp họ tìm câu trả lời bằng tác phẩm kỳ dị mang tên: Máy hủy thẻ tín dụng.

Michael Landy bên “Máy hủy thẻ tín dụng”

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả